nguyendu.com.vn
Thứ 7, ngày 4-1-2025

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Bắc Ninh - Hà Tĩnh trong mối quan hệ với họ Nguyễn Tiên Điền và đại thi hào Nguyễn Du


Ngôi nhà cổ ở xã Tiêu Sơn (thị xã Từ Sơn) được xem là nhà thờ chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Bắc Ninh; hiện nay còn lưu giữ được những hiện vật, tài liệu có giá trị lịch sử sâu sắc, tiêu biểu phản ánh “nối mạch cội nguồn” của gia tộc:
 
- Đôi câu đối cổ: được treo trang trọng hai bên ban thờ, nền gỗ sơn ta màu đen, chữ thếp vàng - nội dung ghi “Lưỡng triều danh tể tướng/ Nhất thế đại nho sư” (Tể tướng cung danh hai triều đại/Nhà nho lừng lẫy nhất một thời).
 
Tư liệu lịch sử về mối quan hệ “thông gia” giữa họ Nguyễn Tiên Điền - Hà Tĩnh với họ Trần, họ Nguyễn và họ Vũ ở Bắc Ninh.
 
Họ Nguyễn Tiên Điền tỉnh Hà Tĩnh có hai cha con - thân phụ là quan tể tướng Nguyễn Nghiễm và con trai là Nguyễn Điều, đều làm giai tế ở tỉnh Bắc Ninh.
 
Nguyễn Nghiễm - giai tế họ Trần
 
Nguyễn Nghiễm có tới 8 người vợ. Người vợ trẻ nhất được biết là nhỏ hơn Nguyễn Nghiễm tới 32 tuổi tên là Trần Thị Tần. Bà chính là thân mẫu của Nguyễn Du.
 
Bà Trần Thị Tần sinh năm Canh Thân (1740) quê ở làng Hoa Thiều, hạt Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh - nay thuộc xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
 
Bà là con viên quan Câu  Kê (kế toán) tính tình thùy mị nết na, từ nhỏ thông minh chăm chỉ, lớn lên ngày càng xinh đẹp và hiền thục. Mới tuổi cập kê mà nhiều chàng trai làng để ý dòm ngó. Nhưng thân phụ bà đã nặng lời đính ước với viên quan họ Nguyễn quê gốc ở Tiên Điền, Hà Tĩnh; trú quán tại phường Bích Câu, Kinh thành Thăng Long.
 
Gia tộc của bà ở làng Hoa Thiều có truyền thống khoa bảng vẻ vang: Trần Ngạn Húc sinh năm Giáp Tý (1504) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9, đời Mạc Đăng Doanh (1538), làm quan đến chức Thừa chính sứ, được về trí sĩ, mất năm Nhâm Ngọ (1582) được tặng Tả thị lang bộ Lễ. Ông có con là Trần Phi Chiêu (Nhỡn) cũng đỗ đại khoa. Trần Phi Chiêu sinh năm Kỷ Dậu (1549), năm 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Kỷ Sửu (1589) làm quan đến chức Tán Trị đồng đức công thần, Thượng thư bộ Hộ kiêm đô ngự sử, nhập thị kinh diên, Thiếu bảo, tước diên quận công. Ông mất năm Quý Hợi (1623) thọ 75 tuổi, được thăng Thiếu phó.
 
Kế thừa truyền thống thông minh hiếu học của cha ông, ông ngoại của Nguyễn Du cũng là một viên quan Câu Kê thông tuệ và liêm khiết. Ông đính ước con gái cưng của mình cho tướng công Nguyễn Nghiễm.
 
“Phúc đức tại mẫu” Nguyễn Du kế thừa được dòng máu thông minh hiếu học đó. Thân mẫu của Nguyễn Du có tới năm người con là Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức.
 
Bà Trần Thị Tần - thân mẫu của Nguyễn Du không may mất sớm - ngày mồng 6 tháng 7 năm Mậu Tuất, khi chưa hết tang chồng, lúc ấy bà mới 38 tuổi, để lại 5 người con đều còn ít tuổi. Nguyễn Trụ là anh trai lớn cũng mất sớm (khi mới 18 tuổi) Nguyễn Nễ khi đó mới 15 tuổi, Nguyễn Du mới lên 10 tuổi, Nguyễn Ức mới 9 tuổi và cô Diên lúc đó 13 tuổi.
 
Những năm tháng của thời niên thiếu, Nguyễn Du được nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm bằng tất cả tình thương yêu bao la của người mẹ hiền. Tình thương yêu đó tác động mãnh liệt tâm hồn Nguyễn Du như một tiếng nói khích lệ sâu thẳm và thần kỳ. Cảm hứng nhân văn trong thơ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sau này phần nào được tác động từ tình mẫu tử thiêng liêng cao quý ấy.
 
Tại quê ngoại của đại thi hào Nguyễn Du ngày nay: nhà thờ gia tộc (họ Trần làng Hoa Thiều)  được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Hàng năm bà con trong họ ngoài làng đến đây đều bùi ngùi tưởng nhớ liệt tổ liệt tông - những người góp công sinh thành ra người con ưu tú - nhà văn hóa kiệt xuất đại thi hào Nguyễn Du. Để tưởng niệm sâu sắc về ông, tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh lỵ) có một đường phố đẹp mang tên Nguyễn Du chạy từ trung tâm tới Cổng Ô phía Nam thành phố.
 
Nguyễn Điều - giai tế họ Nguyễn Gia
 
Nguyễn Điều là con trai Nguyễn Nghiễm và là anh thứ hai của Nguyễn Du, lấy bà vợ thứ hai Nguyễn Thị Nguyện - con gái thứ tư của Đạt Võ hầu Nguyễn Gia Ngô quê ở xã Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay xã Liễu Ngạn thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
 
Nguyễn Gia Thiều là con trưởng của Đạt Võ Hầu Nguyễn Gia Ngô. Gia tộc mà hai ông làm giai tế là dòng họ có truyền thống khoa bảng vẻ vang ở đất Bắc Ninh.
 
Bà Nguyễn Thị Nguyện chính là em gái danh nhân văn hóa Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) - tác giả “Cung oán ngâm khúc”.
Nguyễn Điều sinh ra Nguyễn Hành (1771-1824) là nhà thơ nổi tiếng đương thời được xếp vào An Nam Ngũ tuyệt cùng với chị ruột Nguyễn Du. Theo trên thì Nguyễn Hành gọi Nguyễn Du là chú ruột.
 
Hai người con gái họ Nguyễn Tiên Điền Hà Tĩnh làm dâu họ Vũ ở tỉnh Bắc Ninh:
 
- Nguyễn Thị Diên: là con gái của quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, là chị cùng mẹ với Nguyễn Du, được quan tể tướng gả cho Vũ Trinh (1759-1828) là dòng dõi danh gia vọng tộc ở Xuân Lan huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (nay là làng Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài).
 
Vũ Trinh là cháu nội của Hội nguyên – Tiến sỹ Vũ Miên, đỗ năm  1748. Vũ Trinh sinh năm 1759, tự là Duy Chu, hiệu là Lai Sơn - một thi nhân nổi tiếng với tập “Lan trì kiến văn lục” và tập thơ nôm “Cung oán thi” gồm 100 bài, sau tham gia soạn “luật Gia Long” và là người được Nguyễn Du tin tưởng giao cho đọc và bình phẩm truyện Kiều đầu tiên. Ông thật xứng danh là rể hiền của quan tể tướng Nguyễn Nghiễm.
 
- Con gái út của bà vợ thứ 6 của quan tể tướng Nguyễn Nghiễm cũng lấy chồng họ Vũ (Vũ Trạch) người cùng xã Xuân Lan với Vũ Trinh.
 
Những tư liệu lịch sử nêu trên góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm nguồn tư liệu lịch sử ở các địa phương phản ánh về họ Nguyễn Tiên Điền và danh nhân văn hóa - đại thi hào Nguyễn Du.
 
 

 

Theo Lê Viết Nga/bacninh.online

 


Di sản văn hóa