Tiến trình gốm sứ Việt Nam (Tiếp theo)
 

III – Gốm Việt Nam thời Lý Trần

 

Gốm thời Lý Trần


Dành được độc lập dân tộc sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, nhờ sức sống mãnh liệt và sức sáng tạo hấp thu cái mới không ngừng của nền văn hóa dân tộc, những người thợ gốm nước ta đã đưa công nghệ sản xuất đồ gốm nước ta lên một bước phát triển mới.

Đồ gốm thời này không những nhiều về số lượng, phong phú độc đáo về loại hình và kiểu dáng, mà chất lượng cũng ngày một nâng cao, không những sản xuất các loại gốm và sành bình thường phục vụ cuộc sống tầng lớp bình dân, mà đã cho ra lò những đồ gốm đẹp, chất lượng cao phục vụ tầng lớp quan lại quý tộc và xuất khẩu.

Tiêu biểu cho gốm chất lượng cao thời Lý Trần là gốm men ngọc và gốm hoa nâu.

Gốm men ngọc ra đời ở một số nước phương Đông, trong đó sớm nhất và nổi tiếng nhất là Trung Quốc.

Gốm men ngọc Trung Quốc thời bấy giờ được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, sưu tầm. Một số nước như Nhật, Triều Tiên, đã đưa người sang Trung Quốc học tập. Tài liệu lịch sử Triều Tiên cho biết vào khoảng thế kỷ thứ 10, người Triều Tiên sang Trung Quốc học tập, về nước sản xuất thành công loại sứ xanh “Cao Ly bí sắc”. Người Nhật rất thích sứ xanh Long Tuyền và sứ men đen lò Kiến. Năm 1233, nhà nghệ thuật gốm sứ Gia Đằng đã đến Trung Quốc học nghề gốm sứ Trung Quốc trong 5, 6 năm. Về nước, ông mở lò sản xuất gốm sứ ở Lại Hộ thuộc quận Sơn Điền, mở ra một kỷ nguyên mới cho nghề gốm sứ Nhật Bản. Đến thời Tống gốm sứ men ngọc Trụng Quốc đạt đến đỉnh cao, và gốm lò Long Tuyền thuộc tỉnh Triết Giang là đẹp và nổi tiếng nhất. Vì vậy, trước đây nhiều người gọi gốm men ngọc là gốm men Long Tuyền, gốm men xanh Tống hay men đông thanh. Phương Tây gọi gốm men ngọc thời Tống là gốm màu xêlađông. Giớí nghiên cứu nước ta gọi loại gốm này là gốm men ngọc là dựa vào màu men rất đặc trưng của nó gây cho ta cảm giác ngọc thạch. Với vẻ đẹp lộng lẫy quý phái của nó, trước đây những đồ gốm nen ngọc phát hiện ở Việt Nam đều cho là xuất xứ từ Trung Quốc. Tư liệu khảo cổ phát hiện mấy năm gần đây cho thấy vào thời Lý Trần trên đất nước ta đã có một số trung tâm sản xuất gốm men ngọc như vùng Thiên Trường ở Nam Định, quanh kinh thành Thăng Long và nổi nhất là Thanh Hóa, nhưng rất tiếc là cho đến nay chưa phát hiện được một khu lò gốm men ngọc nào cụ thể, mà chỉ có mảnh gốm dưới đáy ghi “Thiên Trường phủ chế”. Và gốm men ngoc trước đây cũng được xem là đặc hữu của thời Lý, tương đương với thời Tống ở Trung Quốc, nhưng những phát hiện gần đây cho thấy gốm men ngọc nước ta ra đời trong thời Lý, tiếp tục tồn tại trong thời Trần, cho mãi đến đâu thế kỷ 15.

Gốm men ngọc thời Lý Trần được làm từ đất sét trẳng, và có thể có pha thêm một tỷ lệ nhất định caolin, đất được sàng lọc kỹ càng, tạo hình bằng bàn xoay nên thành gốm tương đối mỏng đều đặn, hình dáng tròn trặn cân đối, được nung với nhiệt độ cao, xương gốm đã chớm cháy, cứng, gõ vào tiếng kêu thanh. Đặc trưng cơ bản cũng như giá trị của loại gốm này là ở màu men ngọc.

Về nguyên lý, men ngọc thường lấy từ ôxit nguyên dạng tự nhiên lẫn trong đất đá, từ gốc silicat cộng với kiềm, thêm các tạp chất có hàm lượng ôxit sắt cao. Màu men ngọc chủ yếu là do ôxit sắt (FeO) tự nhiên tạo ra. Do vậy nguyên liệu chính làm ra men ngọc là các loaị đất đá có chứa ôxit côban, ôxit crôm. Do thành phần các loại ôxit trên trong đất đá cùng kiến trúc lò nung và vị trí sắp xếp sản phẩm trong lò mà sản phẩm có màu ngọc với những sắc độ khác nhau như ngọc xanh lá cây, ngọc xanh rêu, ngọc ngã màu nâu nhạt hoặc phớt vàng, v.v.

Men của gốm men ngọc Việt Nam thời Lý Trần là men đất và men gio, do đó độ trong và độ tinh khiết không được cao như gốm men ngọc Trung Quốc. Tuy vậy, men ngọc thời Lý Trần đều có độ thủy tinh hóa cao, nên men tương đối trong và độ bóng khá cao, nên gốm men ngọc thời này sờ mát tay, nhìn dịu mắt, cho ta cảm giác ngọc thạch.

Màu ngọc thạch trong, bóng, dịu mát lại được phủ tương đối dày lên xương gốm đã được chạm khắc với độ sâu nông khác nhau làm cho hoa văn có chiều sâu, ần hiện lung linh.

Gốm men ngọc thời Lý Trần chủ yếu trang trí bằng phương pháp khắc chìm khi phôi gốm đã được hong phơi gần khô. Phần lớn hoa văn được khắc vẽ chìm mặt ngoài sản phẩm, nhưng đối với một số sản phẩm có miệng rộng như bát sđĩa thường được khắc vẽ cả mặt trong lẫn ngoài. Các hoa văn ở đây không được khắc chạm tỉa tót tỷ mẫn, mà là khắc theo lối vẽ phóng bút, nên nét khắc có chỗ nông chỗ sâu, nét to nét nhỏ giống như nét vẽ có chỗ đậm chỗ nhạt, nét to nét bé. Chính nhờ các nét khắc vẽ phóng đó nên sau khi tráng men hoa văn có độ đậm nhạt khác nhau tạo nên cảm giác lung linh sinh động hơn. Ngườì thợ gốm lúc bấy giờ với trình độ kỹ thuật cao và bằng cảm hứng nghệ thuật phong phú của mình đã phóng tay thể hiện những hoa lá cây trái thường gặp trong thiên nhiên một cách sinh động, rất có hồn.

Không những thế, nét khắc vẽ trên gốm men ngọc thường một bên sâu một bên nông, một đầu to một đầu bé hoặc giữa to hai đầu bé, làm cho hoa văn lúc ẩn lúc hiện dưới lớp men ngọc trong bóng càng trở nên linh hoạt sống động

Hoa văn trên gốm men ngọc gặp thường gặp nhất là hình ảnh hoa lá sen và hoa cúc dây. Đối với hoa văn sen không những xuất hiện nhiều mà cách thẻ hiện cũng rất khác nhau. Có khi chỉ là vài cánh sen, có khi là cả một bông sen, có khi chỉ là hoa sen hoặc lá sen, có khi gồm cả hoa lá trong một đồ án, có khi hoa lá được thể hiện rất hiện thực, có khi hoa lá được thể hiện một cách tượng trưng cách điệu. Nếu như hình ảnh hoa lá sen bắt gặp trong nhiều loại sản phẩm khác nhau từ, bát, đĩa, ấm, âu, liễn, thì hình ảnh hoa cúc chủ yếu trang trí trong lòng loại bát sâu lòng với các đồ án hoa cúc dây chằng chịt khắp lòng bát. Gốm men ngọc không những đẹp ở sự hài hòa giữa màu sắc long lanh của men ngọc với sự mềm mại uyển chuyển của những đường nét hoa văn khắc vẽ chìm, mà còn đa dạng và độc đáo về các loại hình và kiển dáng sản phẩm. Gốm men ngọc thời Lý Trần thường gặp là những thứ phục vụ cho việc ăn uống thường ngày như bát, đĩa, ấm, âu, liễn. Ngoài ra cũng có một số dùng trong việc thờ cúng, trưng bày có tính chất nghệ thuật. Nhìn chung gốm men ngọc thời Lý có kích thước tương đối nhỏ, tuy vậy, gần đây chúng tôi cũng bắt gặp một vài bát đĩa khá lớn, đường kính tới khoảng 30cm.

Giá trị của gốm men ngọc, không những được thể hiện trên lớp men trong bóng như cẩm thạch và những đồ án hoa văn hoa lá sen, hoa cúc dây, khi cách điệu khi hiện thực còn được thể hiện trên kiểu dáng của sản phẩm.

Chẳng hạn như những chiếc bát men ngọc thời này thường có miệng rộng, chân đế thấp nhỏ, thành bát xiên thẳng, về mặt tạo hình gợi cho ta hình ảnh một gương sen. Đó là chưa nói đến quanh thân khắc vẽ chìm một vành văn cánh sen thanh mảnh. Tài tình làm sao! chỉ một chiếc bát thôi mà cả hình ảnh hoa sen ẫn gương sen được thể hiện lên đó

Hay như những chiếc ấm miệng nhỏ, đáy nhỏ, thân tròn đều có các đường chỉ chìm dọc chia thân ấm thành sáu múi, trên vai gắn quai và vòi rót nhỏ tạo cho ta cảm giác như đấy là hình ảnh một quả dưa. Chính vì vậy mà loại ấm khá phổ biến trong gốm men ngọc thời Lý Trần này được các nhà sưu tầm cổ vật nước ta gọi một cách nôm na dễ hiểu là “ấm quả dưa”. Ấm quả dưa phần lớn dược phủ men ngọc với độ đậm nhạt khác nhau, song cũng có một số phủ men trắng ngà.

Có thể nói, hầu hết bát, đĩa, ấm, liễn, âu gốm men ngọc thời Lý Trần nhìn tổng thể hoặc từng bộ phận, ít nhiều đều gắn với hình ảnh sen, có khi là gương sen, có khi là cánh sen, có khi là lá sen, có khi là cả một bông sen.

Chẳng hạn như nhiều ấm, âu mặt ngoài khắc chìm văn cánh sen bao quanh thân, nắp đậy cao có núm, vành nắp uốn cong tạo dáng hình lá sen sinh động. Một loại ấm khá phổ biến lúc bấy giờ với các kích cở to nhỏ khác nhau là ấm miệng đứng nhỏ, vai rộng, thân tròn hơi det, đáy bằng, chân đế thấp nhỏ, trên vai trang trí một vành văn cánh sen hai lớp và một quai, một vòi nhỏ.

Bát gốm men ngọc thời náy phần lớn khắc chìm văn hoa lá cúc dây trong lòng, song cũng có bát mặt ngoài khắc nổi ba tầng cánh sen, trong lòng khắc chìm đôi phượng đuổi nhau.

Gốm men ngọc thời Lý Trần, từ hoa văn cho đến kiểu dáng thể hiện khá đậm nét hình ảnh sen từ hoa lá cho đến gương sen phải chăng là phản ảnh vị trí quốc giáo của Phật giáo lúc bấy giờ.

Thời Lý Trần, hình ảnh sen không những được thể hiện đậm nét trên đồ gốm, mà còn được thể hiện trên các công trình kiến trúc và nghệ thuật, mà tiêu biểu hơn cả chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) là hình ảnh một bông sen nổi lên giữa hồ. Gốm men ngọc là loaị gốm chất lượng cao phục vụ tầng lớp quan lại quý tộc lúc bấy giờ nên việc sử dụng hình tượng sen trên gốm men ngọc là hợp đạo lý bình thường. Thời Lý Trần, bên cạnh gốm men ngọc, còn có loại gốm hoa nâu cũng được đánh giá cao về nghệ thuật tạo dáng và nghệ thuật trang trí.

Nếu như nói gốm men ngọc có vẽ đẹp lộng lẫy quỷ phái, thì gốm hoa nâu có cái đẹp chắc khỏe dân dã bình dân, rất Việt Nam, không nơi nào có. Nó khác với gốm đen lò Kiến (Phúc Kiến), gốm nâu lò Trường Sa (Hồ Nam), gốm Xukhôthai (Thái Lan)

Gốm hoa nâu được làm từ đất sét thường hay đất sét trắng, có pha thêm một ít caolin, phủ men nâu trắng ngà, tgrang trí hoa văn bằng phương pháp khắc vạch và bôi màu nâu lên hoa văn với độ đậm nhạt, sâu nông, dày mỏng khác nhau làm cho hoa văn trở nên sinh động.

Cùng thuộc dòng gốm hoa nâu, bên cạnh loại gốm trên còn có loaị gốm nền nâu hoa trắng cũng rất độc đáo. Chỉ nhìn qua không thể phân biệt được, nhưng quan sát kỹ, thì một loại là nền trắng hoa nâu, một loại là nền nâu hoa trắng. Loại này không phải là tráng men nâu, mà vẫn là tráng men trắng, phần nền men trắng bị cạo bỏ, tô màu nâu hoặc không cạo bỏ men trắng, mà tô màu nâu trực tiếp lên men trắng. Phần lớn cấc loại men và màu nâu của gốm hoa nâuđược làm ra từ đất đá hoặc đất và gio trấu có trộn vôi. Màu nâu được tạo nên bằng lượng ôxit sắt có trong đá son, đá thối, rĩ sắt và cả trong đất phù sa, là những thứ rất sẵn trong thiên nhiên.

Gốm hoa nâu là loại gốm chỉ nung qua lửa một lần và thuộc dòng gốm tô màu trên men, màu chảy hòa vào lớp men nên có độ bóng cao.

Trong quá trình phát triển mấy trăm năm, gốm hoa nâu từ chỗ từ chỗ chỉ làm ra những đồ dùng hàng ngày kích thước nhỏ trang trí các hình hoa lá đơn giản tiến lên sản xuất ra những đồ đựng to lớn hoa văn trang trí phức tạp cầu kỳ, nhưng về loại hình, kiểu dáng và hoa văn vẫn giữ nguyên phong cách chung của gốm hoa nâu. Đó là những đồ gốm chắc khỏe, thành dày, cân đối, tráng men màu trắng ngà, trên đó vẽ hoa lá, động vất rồi tô màu. Với phương pháp vẽ rồi tô màu như thế, có thẻ nói phương pháp trang trí hoa văn trên gốm hoa nâu tù bố cục, nét vẽ đến tô màu rất gần với hội họa và điêu khắc. Tuy chỉ có hai màu trắng ngà và nâu, nhưng nhờ ở nét khắc sâu nông cũng như độ đậm nhạt dày mỏng của lớp men mà các đồ án hoa văn trở nên sinh động không khác gì một bức tranh.

Ban đầu gốm hoa nâu không được người chơi và các nhà sưu tầm cổ vật đánh giá cao, về sau qua phân tích so sánh của các họa sĩ, các nhà nghiên cứu, gốm hoa nâu mới tìm được vị trí xứng đáng trong lịch sử gốm sứ Việt Nam và trong lòng người thưởng ngoạn.

Hoa văn trên gốm hoa nâu thường là hoa sen, hoa súng, hoa cúc, hoa thị, hoa chanh và hình động vật như cò, công, thước hoặc cá tôm. Hãn hữu lắm mới gặp hình rồng hoặc lực sĩ đấu giáo. Hoa văn được bố cục thành mảng, có chính có phụ.. Phần lớn nhoa văn được sắp xếp vào trong các băng ngang, thường là 3 băng, băng giữa rộng hơn trang trí các mảng hoa văn lớn, 2 băng hẹp ở trên và dưới trang trí hoa văn nhỏ hơn. Cũng có sản phẩm trong băng ngang lớn ở giữa lại chia thành các ô dọc, trong trang trí các hoa văn giống nhau, thường là một bông sen nở hoặc một cành hoa cúc. Tuy ít hơn, song cũng có khi các họa tiết hoa lá được bố cục liên kết lại thành các đồ án dây nối dây, cành tiếp cành rất đẹp.

Sản phẩm gốm hoa nâu thường gặp là chậu, bát, ấm, vò, chum, nhưng phổ biến hơn cả là thạp và liễn. Thạp và liễn được xem là sản phẩm có tính tiêu biểu cho gốm hoa nâu thời Lý Trần. Thạp thời này không những nhiều, kích thước tương đối lớn, có chiếc cao tới 70cm, mà kiểu dáng cũng cực kỳ phong phú đa dạng. Có thạp có nắp, thạp không nắp, loại có chân đế, loại không chân đế, loại chân đế có một hàng lỗ thủng, loại không có lỗ thủng, loại ở vai hoặc đáy có một vành văn cánh sen, loại cả vai lẫn đáy đều có văn cánh sen, loại không có văn cánh sen,v.v.

Trước đây, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam có trưng bày phần còn lại của một chiếc thạp hoa nâu lớn có khắc vẽ hình hai lực sĩ đang đấu giáo, mình trần vận khố, đầu vấn khăn, bắp thịt gân guốc, tay cầm khiên, đùi người và mặt khiên chạm hình rồng giun. Tuy bị vỡ nhưng có thể nói đây là chiếc thạp hoa nâu quý hiếm thể hiện tinh thần, khí phách cũng như phong cách con người Việt Nam thời Lý Trần. Nhìn gốm men ngọc ta có cảm giác như một cái gì cao sang quý phái thì trái lại gốm hoa nâu tạo cho ta một cảm giác chắc khỏe, gần gũi thân quen, rất dân gian giống như khi ta nghe một bài hát dân ca hay ngắm nhìn một bức tranh dân gian Đông Hồ.

Cũng trong thời Lý Trần, nhưng xuất hiện muộn hơn chút ít, là loại gốm phủ men trắng ngà, không khắc vẽ hoa nâu. Đó là các loại bát đĩa miệng rộng, đáy nhỏ, chân đế thấp, thành mỏng, không trang trí hoa văn, hay loại thạp không nắp hoặc có nắp kiểu dáng rất giống với thạp hoa nâu, chỉ khắc nổi một vành văn cánh sen ở dưới miệng và quanh núm nắp.

Vào thời Trần, ngoài các loại mtrên, thỉnh thoảng còn gặp loại gốm men xanh lục. Gốm men xanh lục thời Trần được các nhà chơi cổ vật nước ta xem là loại quý hiếm đặc biệt, thường gặp là bát và thạp. Trước kia, mọi nguờì đều cho gốm hoa nâu là đặc sản của thời Trần, nhưng sau này với tư liệụ mới, hầu như moị ý kiến đều thống nhất cho gốm hoa nâu ra đời từ thời Lý và đạt đến đỉnh cao vào thời Trần, từ thế kỷ 12 đến thế 14. Sang thế kỷ 15 với sự xuất hiện của gốm hoa lam, thì gốm hoa nâu mất dần địa vị độc tôn và mai một dần.

Bên cạnh những đồ gốm chất lượng cao, thời này, nhất là thời Trần việc sản xuất đồ sành rất phát triển. Trước đây đồ sành hình như bị bỏ quên khi đề cập đến đồ gốm Việt Nam. Thật ra đồ sành là một sản phẩm gốm độc đáo Việt Nam, được nung với nhiệt độ rất cao, gốm cứng gõ vào nghe tiếng rất đanh. Gần đây các cuộc khai quật di tích và mộ táng thời Trần ở Thái Bình và mộ Mường ở vùng núi Hòa Bình Thanh Hóa cũng như tìm hiểu các cảng cổ ven biển đông bắc nước ta phát hiện được cực kỳ nhiều đồ sành, trong đó một số lớn có niên đại thời Trần. Rất có thể, đồ sành đã một thời là mặt hàng xuất khẩu của nước ta. Nhìn chung chủng loại và kiểu dáng đồ sành tương đối đơn điệu, hoa văn cũng rất giản đơn, chủ yếu là các loại lon, vò, chum, chậu, lu, ấm, chóe,v.v. Hoa văn thường cũng chỉ là mấy đường chỉ nổi chạy quanh vai hoặc những đường văn sóng nước nhấp nhô. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng gặp vài chiếc vò, lu, liễn trên vai đắp nổi hình tượng cua, cá, tôm, nghê, rồng,v.v. khá đẹp , hoặc những chiếc liễn miệng rộng thân thon dần xuống đáy, nắp có núm nhọn, vai và chân đế khắc nổi hai vành văn cánh sen, nắp và thân trang trí văn ô vuông và chải dọc. Loại liễn sành này có kiểu dáng gần gũi với thạp hoa nâu.

Cũng cần lưu ý là thời Lý Trần việc xản xuất đồ gốm kiến rtrúc cũng khá phát triển. Như chúng ta biết, thời Lý Trần triều đình cũng như các nhà chùa, các gia đình quý tộc xây dựng nhiều cung điện, chùa tháp nguy nga ở kinh thành cũng như ở quê hương và danh thắng khắp nước. Để phục vụ cho các công trình này, thời Lý Trân đã sản xuất ra nhiều loại gạch ngói như ngói ống, ngói mũi hài, ngói yếm, các loại gạch như gạch xây, gạch lát, trong đó có nhiều loại gạch lát lớn hình vuông hay hình tam giác, trang trí các vòng hoa văn cúc dây, văn rồng phượng rất đẹp, Một số gạch có khắc ghi niên đại như”Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” Có nhiều giá trị nghệ thuật hơn cả là các tượng đát nung trang trí trên bộ mái các cung điện như tượng đầu rồng, phượng, vịt miệng ngậm ngọc, mào, bơm đuôi dài uốn lượn vút cao, những chim thần Garuda đầu người mình chim, những lá đề trang trí các cặp rồng bay phượng múa, hay những tượng uyên ương trên ngói sắp nóc,v.v. Có thể nói gạch ngói và các tượng đất nung thời Lý Trần là rất đặc trưng, độc đáo, chưa thời nào có. Tóm lại, sau khi đất nước được độc lập, cũng như nhiều ngành sản xuất khác, ngành sản xuất gốm thời Lý Trần đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của dòng gốm phương Bắc, phát triển mạnh mẽ với các dòng gốm men ngoc, gốm hoa nâu, gốm men trắng ngà, gốm men xanh lục, gốm sành và các loại gốm kiến trúc, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, đánh dấu một bước tiến quan trọng về công nghệ chế tạo cũng như nghệ thuật trang trí trong tiến trình gốm sứ Việt Nam.