Với sự phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn đã dẫn đến hình thành nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, nhà nước đầu tiên của dân tộc trong thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên. Gốm văn hóa Đông Sơn với những đặc trưng về kiểu dáng và hoa văn đã hình thành nên truyền thống gốm thời dựng nước, đủ sức đương đầu cùng hòa đồng với dòng gốm từ phương bắc tràn xuống và tỏa sáng mãi cho tới các thời kỳ lịch sử sau này.

 

Chén ngọc Văn Lang được ba linh vật rồng tiên nâng đỡ biểu tượng cho nền thái bình bền vững của đất nước Việt Nam.


Sau thời Văn Lang, Âu Lạc nước ta trãi qua trên một ngàn năm Bắc thuộc. Bộ mặt đồ gốm nước ta trong thời kỳ này vừa phải đấu tranh để bảo về truyền thống gốm đã hình thành từ thời dựng nước, vừa tiếp thu những tinh hoa của dòng gốm phương Bắc, nên vẫn tiếp tục phát triển và có màu sắc mới.

II – Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên

Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên là cụm từ các nhà nghiên cứu gốm nước ta dùng để chỉ gốm nước ta thời Bắc thuộc. Thực ra, thời Bắc thuộc còn ngược về trước Công nguyên trên một thế kỷ, thuộc thời Tây Hán.

Trước đây, khi nói đến gốm thời Bắc thuộc, mọi người chỉ chú ý đến loại gốm mà kiếu dáng và hoa văn trang trí cũng như màu men hoàn toàn giống với đồ gốm thời Hán, Lục Triều và Tùy Đường phát hiện trong các ngôi mộ gạch kiểu vòm cuốn. Thực ra, gốm thời này, phong phú phức tạp hơn nhiều. Chúng không những cho thấy sự bành trước của dòng gốm phương Bắc, mà còn phản ảnh sức sức sống của truyền thống gốm dân tộc đã được hình thành từ thời dựng nước.

Về đại thể, có thể nói có 2 dòng gốm song song phát triển và có ảnh hưởng qua lại suốt trên một ngàn năm thời Bắc thuộc. Đó là dòng gốm tiếp nối truyền thống gốm thô văn hóa Đông Sơn và dòng gốm mịn tráng men phong cách gốm phương Bắc. Hai dòng gốm này, về chất liệu, kỹ thuật chế tác, kiểu dáng cũng như phong cách trang trí hoàn toàn khác nhau, dễ dàng nhận biết. Dưới đây chúng tôi xin lần lượt giới thiệu 2 dòng gốm này.

- Dòng gốm thô tiếp nối truyền thống gốm văn hóa Đông Sơn, cho đến nay chúng ta phát hiện được chưa nhiều nên ít được mọi người chú ý, song không phải không có. Sở dĩ có hiện tượng như vậy, có thể từ trước đến nay, khảo cổ học 10 thế kỷ đầu Công nguyên tập trung vào công cuộc tìm kiếm khai quật nghiên cứu các khu mộ táng. Mặt khác, cũng phải thừa nhận mộ táng là đối tượng dễ bắt gặp, dễ phát hiện, dễ bị phá hỏng trong quá trình xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà máy xí nghiệp, nên loại đồ gốm mịn tráng men phong cách phương Bắc thu được số lượng khá lớn, lấn át đồ gốm thô truyền thống.

Như chúng ta biết, sau khi nhà Hán xâm lược, thống trị nước ta, văn hóa Đông Sơn vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển theo một hướng mới, nhất là ồ gốm, một loại hiện vật mang đậm tính chất dân gian. Trong một số di chỉ cư trú hay mộ táng văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn, khi đã có sự tiếp xúc thường xuyên với văn hóa Hán, bên cạnh một số lớn đồ đồng phong cách văn hóa Đông Sơn lại có thêm một số gương đồng, tiền ngũ thù, nồi đồng, bát đồng phong cách Hán.Trái lại, trong một số mộ gạch vòm cuốn, cạnh số lớn đồ gốm, đồ đồng đồ sắt phong cách Hán thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một số vò gốm thô màu hồng nhạt, mà kiểu dáng và hoa văn trang trí rất Đông Sơn.

Những đò gốm thô tiếp nối truyền thống gốm văn hóa Đông Sơn về chất liệu, kỹ thuật chế tác, kiểu dáng cũng như hoa văn không những khác với gốm phong cách văn hóa Hán mà so với gốm văn hóa Đông Sơn chúng cũng có những khác biệt nào đó trong chi tiết. Chăng hạn như về chất liệu, gốm văn hóa Đông Sơn tuy đã bớt thô hơn gốm thời Tiền Đông Sơn, nhưng vẫn thuộc phạm trù gốm thô, vẫn được pha thêm cát, nhưng số lượng ít hơn và kích thước hạt cát cũng bé hơn. Còn gốm thô trong thời Bắc thuộc, tuy có được pha thêm cát nhưng với số lượng rất ít, hạt cát cũng mịn hơn, nên một số nhà nghiên cứu gọi loại gốm thô này là gốm thô mịn, có nghĩa là nó vừa thô vừa mịn. Còn về hoa văn, chủ yếu vẫn là văn thừng và vài đường văn khắc vạch đơn giản, đơn giản hơn nhiều so với gốm văn hóa Đông Sơn. Về màu sắc, Nếu như gốm văn hóa Đông Sơn lưu vực sông Hồng có màu xám trắng hay trắng mốc, khu vực sông Mã sông Cả có màu xám thì gốm thời này thường có màu hồng nhạt và một số có màu đỏ gạch. Về chủng loại,các mảnh miệng và chân đế có thể thấy chúng gồm các loại đồ đun nấu và đồ đựng thường dùng hàng ngày như nồi, niêu, vò, bình, bát,v.v. với các kiểu miệng loe, chân đế choãi hình vành khăn cao tháp to nhỏ khác nhau. Đáng chú ý hơn cả là đồ gốm phong cách Đông Sơn tùy táng trong mộ gạch kiểu vòm cuốn. Như chúng ta đã biết, mộ gạch là mộ của tầng lớp quan lại quý tộc người Hán hoặc người Việt có quan hệ chặt chẽ với quan lại người Hán, nên những đồ gốm phong cách Đông Sơn có mặt ở đây số lượng không nhiều, nhưng kiểu dáng và hoa văn trang trí khá độc đáo, vẫn phảng phất hình bóng đồ gốm Đông Sơn với độ đậm nhạt khác nhau. Ở đây tôi muốn giới thiệu một vài đồ gốm thuộc loại này. Tôi đã có may mắn tiếp cận 2 chiếc ấm đất có nắp khá đẹp phát hiện trong mộ gạch vùng Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ấm thuộc dòng gốm thô mịn màu hồng nhạt, thành mỏng, miệng khum, vai xuôi rộng, bụng nở tròn dẹt, đáy bằng. Một chiếc trên vai gắn một đôi đầu trâu, đáy có 3 chân thấp, thân không trang trí hoa văn và cũng không phủ men, nhưng có vài vết giống như men đọng. Chiếc kia, không có chân, trên vai gắn một đôi quai dọc, toàn thân trang trí các vành kiểu chấm răng lược và văn chải dọc. Đây là hai chiếc ấm khá đẹp về kiểu dáng cũng như hoa văn. Đáng chú ý là trong ngôi mộ Nam Việt Vương, cháu Triệu Đà ở Quảng Châu, Trung Quôc cũng phát hiện được 2 chiếc ấm gốm vè kiểu dáng và phong cách hoa văn khá gần gũi vớí 2 chiếc ấm này. Rất có thể 2 chiếc ấm trong mộ Nam Việt Vương cũng là ấm của người Việt, khi chúng ta biết là trong đồ đồng văn hóa Đông Sơn trước đó cũng đã phát hiện được, không phải chỉ một hai chiếc loại ấm đông có nắp, đáy bằng, 3 chân thấp, gắn hình đầu trâu ở vai. Về vấn đè này chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.

Cùng thuộc dòng gốm nay là một đôi lọ gốm thô mịn màu hồng nhạt, miệng loe cao, cổ eo, bụng thon đều, chân đé choãi, mặt cắt ngang bụng hình vuông, trên vai có một đôi núm khá đẹp. Loại này chưa thấy xuất hiện trong văn hóa Đông Sơn, song có hình bóng của loại “hồ” vuông thời Tây Hán, nhưng chất liệu thì hoàn toàn khác “hồ” thời Hán.

Có lẽ không cần nhiều, chỉ vài ba hiện vật đó thôi cũng đủ thấy một dòng gốm bản địa truyền thống văn hóa Đông Sơn vẫn tiôn chảy trong ngàn năm Bắc thuộc. Dòng gốm này tương đốí phát triển trong mấy thế kỷ đầu Công nguyên, song do sự phát triển của công nghệ chế tạo gốm ngày một hoàn thiện mà đặc biệt là sự ra đời của men, cùng với sự bành trướng của dòng gốm phương Bắc, nên dòng gốm bản địa truyền thống tuy vẫn tồn tại và phát triển một cách âm ỉ trong mấy thế kỷ cuối của thiên niên kỷ 1, chuẩn bị cho bước phát triển mới trong thời Lý Trần sau khi đất nước giành được độc lập.

- Dòng gốm mang phong cách gốm Trung Quốc là sẳn phẩm gốm cao cấp lúc bấy giờ để phục vụ cho cuộc sống của tầng lớp quan lại quý tộc người Hán và người Việt.

So với gốm truyền thống bản địa thì dòng gốm này được sản xuất với công nghệ tiến bộ hơn nhiều. Chúng được làm từ loại đất sét trắng, sàng lọc kỹ càng nên gốm mịn, rất mịn. Toàn bộ đều được làm bằng phương pháp bàn xoay nhanh, nên gốm dày mỏng đều đặn, kiểu dáng tròn trặn, được nung trong lò gần hình trỏn có ống khói nhỏ, Trung Quốc gọi là lò “màn thầu”, có độ nung cao nên gốm cứng, gõ vào tiếng nghe đanh. Gốm trang trí đơn giản, thường là vài đừng chỉ chìm chạy quanh thân gốm hoặc vài đường văn sóng nước. Phổ biến hơn cả và được xem là hoa văn đặc trưng cho loại gốm này là văn in hình học như văn in ô vuông, văn in ô vuống in thêm các ấn hoa văn hình vuông hoặc tròn, văn in ô trám lồng, văn in chữ mễ, văn in hình sống lá, trong đó đẹp nhất là văn in ô vuông thếm ấn hoa văn. Đáng chú ý hơn cả và cũng là tiêu biểu cho sự tiến bộ của công nghệ chế tạo đồ gốm lúc bấy giờ là kỹ thuật làm men và phủ men. Có thể nói hầu hết đồ gốm thuộc dòng gốm này đều được phủ một lớp men mỏng màu trắng đục hơi vàng hoặc phớt màu xanh lục. Một số để mộc tráng men, số khác vừa trang trí hoa văn vừa tráng men. Có thể nói, đây là lần đầu tiên gốm men ra đời trên đất mước ta. Lớp men tương đối mỏng, lại chôn lâu ngày dưới đất nên một số lớn đồ gốm lớp men bị bong. Cũng cần chú ý là trên khá nhiều đồ gốm thuộc dòng này có nhiều vết men đọng khá lớn. Có người cho đó không phải là men mà là do độ nung quá cao nên một số thành phần trong đất bị pha lê hóa. Một số người lại cho đó là một kiểu trang trí có chủ ý của người thợ gốm. Một số người chuyên sưu tập lolại gốm này cho biết, giá loại gốm có kiểu men đọng này cao hơn nhiều so với cùng loại không có đọng men, mà họ quen gọi là “đờm”. Theo tôi dứt khoát, hiện tượng đó không phải là người thợ chủ ý trang trí, vì có nhiều vết đọng xù xì không ra một hình dáng nào cả, thậm chí có thể ảnh hưởng đến mục đích sử dụng của sản phẩm. Trong số những vết đọng đó có cái là do pha lê hóa, có cái là do kỹ thuật tráng men thuở sơ khai, cần phải phân tích kỹ mới xác định được.

Về loại hình và kiểu dáng trong dòng gốm này khá phong phú và ổn định. Thường gặp hơn cả là loại bình kiẻu con tiện, có miệng lỏ rộng kiểu miệng đấu, cổ cao, vai xuôi, bụng tròn, chân đế choãi, mà Trung Quốc gọi là “hồ”, còn những nhà sưu tầm cổ vật nước ta gọi nôm na là “đầm xòe”; bình bụng nông, 3 chân dẹt, giữa bụng có một vành gờ nổi cao và cán tay cầm ngang; có loại còn có một vòi dài hình đầu gà; bnát sâu lòng chân đế choãi cao, trên thân có vài đường chỉ chìm; chén gần hình bầu dục có 2 tai dài hai bên, nông lòng, Trung Quốc gọi là “nhỉ bôi” - là một đặc hữu của gốm thời Hán. Có số lượng nhiều hơn cả là vò miệng hơi loe xiên, bụng thon cong đều xuống đáy bằng, trang trí văn in ô vuông hoặc trám lồng, chữ mễ với đủ loại kích thước, có chiéc cao tới 60cm, có chiếc chỉ cao 20cm. Những đồ gốm này đèu được phủ men màu trắng ngà và đọng men màu xanh lục, về kiểu dáng cũng như màu sắc men rất giống với đồ gốm thời Đông Hán phỏng đồ đồng cùng thời ở Trung Quốc. Có ý kiến nêu lên một vài khác biệt nào đó có tính quy luật về độ lửa, màu men của đồ gốm loại này giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo tôi là chưa có sức thuyết phục. Tôi đã có dịp quan sát và chỉnh lý nhiều sưu tập đồ gốm Hán trong mộ ở Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc và Việt Nam thì thấy không có căn cứ để nói gốm Việt Hán xương mỏng và nặng lửa hơn gốm Hán cùng loại. Vì ngay ở Trung Quốc độ dày mỏng cũng như màu men của cùng một loại, giữa các vùng cũng không hoàn toàn giống nhạu, và ở Việt Nam cũng vậy. Như chúng ta biết, do quan niệm sau lúc chết con người ở thế giới bên kia vẫn có một cuộc sống như khi còn sống, nên trong mộ Hán ở Trung Quốc bên cạnh đồ tùy táng thực dụng, còn có một số lượng khá lớn đồ gốm kích thước nhỏ phỏng theo đồ thực dụng, thường được gọi là đồ “minh khí” như mô hình nhà, giếng, chuồng lợn, bếp lò, nồi, vò, v.v. Trong các sưu tập gốm thời Bắc thuộc ở ta cũng phát hiện được khá nhiều các loại đồ minh khí này hoàn toàn giống với cùng loại phát hiện trong mộ thời Hán ở Trung Quốc.

Cũng trong thời Bắc thuộc, trong một số mộ gạch kiểu vòm cuốn kích thước có phần khiêm tốn hơn, chúng ta thường gặp loại bình có miệng đấu, cổ ngắn hoặc cao, bụng tròn phình rộng, đáy bằng, trên vai có một quai nối liền với miệng và một vòi rót ngắn hình đầu gà, toàn thân phủ men màu trắng ngà và nhiều chỗ đọng men màu lục xám. Loại bình này rất giống bvới loại bình vòi đầu gà được giới khảo cổ Trung Quốc cho là hiện vật tiêu biểu cho đồ gốm thời Tấn ở Trung Quốc có niên đại khoảng thế kỷ 4 sau Công nguyên.

Muộn hơn, trong một số mộ gạch kiểu vòm cuốn xuất hiện phổ biến một loại vò gốm kích thước tương đối lớn, thành dày, miệng đứng hơi loe xiên, thành miệng vê tròn, vai xuôi, bụng thon tròn đều, đáy bằng, trên vài gắn 4 đến 6 núm ngang. Toàn thân phủ men màu ngà xám. Loại vò thành dày nhiều núm ngang này rất giống vơí vò phổ biến thời Tùy Đường ở Trung Quốc, có niên đại vào khoảng thế kỷ 6 – 9.

Trước đây, dựa vào sự giống nhau về chất liệu, màu sắc cũng như kiểu dáng và hoa văn và đều phát hiện được trong trong mộ gạch kiểu vòm cuốn nên hầu như mọi người, kể cả tôi cũng nghĩ là chúng được sản xuất từ bên Trung Quốc, dược mang sang Việt Nam để quan lại Trung Quốc hoặc quan lại Việt Nam làm đồ tùy táng sau khi chết. Nhưng thời gian gần đây, chúng ta đã phát hiện được khá nhiều khu lò gốm thời Bắc thuộc ở Cổ Loa (Hà Noiọ), Đại Lại, Luy Lâu (Bắc Ninh), Thanh Lãng, Đồng Đậu, Lũng Hòa (Vĩnh Phúc), Tam Thọ (Thanh Hóa) . Những mảnh gốm phế liệu trong các khu lò đó cho tháy niên đại là từ thời Đông Hán, Lục Triều đến Tùy Đường. Do đó, phần lớn các nhà nghiên cứu gốm nước ta đều cho những đồ gốm mang phong cách Trung Quốc phát hiện trong các ngôi mộ gạch kiểu vòm cuốn là được sản xuất tại Việt Nam.

Vì gốm mang phong cách Trung Quốc nhưng được sản xuất tại Việt Nam, nân chúng tôi gọi loại gốm này là dòng gốm Việt Hoa.

Từ đây đặt ra vấn đề là nguyên liệu là khai thác tại Việt Nam hay mang từ Trung Quốc sang và thợ là người Trung Quốc hay người Việt Nam để có được những sản phầm mà chất liệu lẫn ngoại hình giữa hai bên giống nhau như vậy.

Đây là vấn đề không dễ trả lời ngay được, chỉ có thẻ nêu lên một số giả thiết.

Về nguyên liệu và nhiên liệu rất có thể một phần mang từ Trung Quốc sang, một phần khai thác tại Việt Nam, nhất là thời gian đầu. Nhiên liệu chắc chắn là được cung cấp ngay tại bản địa.Viêt Nam rất sẵn than củi, than bùn và cả than đá. Còn đất nguyên liệu là sét trắng hoặc một phần nào caolin có thể được mang sang từ Trung Quốc, vì trong khoảng trên ngàn năm Bắc thuộc, không thấy dòng gốm bản địa truyền thống sử dụng loại đất sét trắng. Trong lúc đó, phía bên kia biên giới trên đất Quảng Tây gần Việt Nam có nhiều trung tâm sản xuất gốm sứ, sẵn nguyên liệu đất sét trăng và caolin.

Còn người thợ gốm, chắc hẵn chủ yếu vẫn là người bản địa, rất có thể những người thợ cả đòi hỏi chuyên môn cao có thể là “chuyên gia” Trung Quốc, hoặc người Việt đã được thụ giáo bên Trung Quốc, moị khả năng đều có thể, giống như nhà máy của người nước ngoài trong các khu công nghiệp nước ta hiện nay.


* * *


Từ những điều vừa trình bày ở trên chúng ta có thể thấy trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, đồ gốm và nghề gốm nước ta vãn tiếp tục phát triển và có những tiến bộ rất lớn trong công nghệ sản xuất gốm. Bên cạnh nghề sản xuất gốm thô truyền thống Đông Sơn có cải tiến để làm ra những đồ gốm thô mịn tiếp cận gốm mịn có kiểu dáng và phong cách hoa văn truyền thống Đông Sơn cổ truyền, đã xuất hiện một dòng gốm hoàn toàn mới, mới về kỹ thuật như lò nung gốm kiểu “Màn thầu”, xuất hiện gốm phủ men, mới về kiểu dáng và phong cách hoa văn, xuất hiện các hoa văn in kỷ hà vạ các loại đồ gốm phỏng đồ đồng Trung Quốc thời Bắc thuộc. Sự có mặt của hai dòng gốm trên cho thấy sức sống mạnh mẽ của truyền thống gốm dân tộc đã được hình thành từ thời dựng nước đủ sức chống lại chính sách đồng hóa của ngoại bang, đồng thời cũng chi thấy văn hóa gốm Việt Nam không đóng kín, mà luôn mở rộng tiếp thu những nhân tố tiến bộ để phát triển, tạo điều kiên cho sự bùng nổ mạnh mẽ sau khi giành được độc lập trong thời Lý Trần. Phải chăng, đó là đặc điểm cơ bản của gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên.