Tiến trình gốm sứ Việt Nam (Tiếp theo)


IV – Gốm Việt Nam thời Lê – Nguyễn

 

Gốm sứ thời Lê - Nguyễn


Với chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Minh vào đầu thế kỷ 15, nhà Lê xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh dựa trên nho giáo, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển, trong đó có nghề sản xuất gốm.

Do nhu cầu trong nước cũng như đòi hỏi của thị trường nước ngoài cần nhiều sản phẩm gốm nên ngoài các lò gốm thủ công nhỏ lẽ ở khắp các vùng nông thôn, trên nhiều vùng đất nước đã hình thành những trung tâm sản xuất gốm khá nổi tiếng, có trình độ chuyên môn hóa nhất định. Đó là trung tâm sản xuất gốm hoa lam Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy ở Hải Dương, Bát Tràng ở Hà Nội, trung tâm sản xuất đồ sành Hương Canh ở Vĩnh Phúc, Thổ Hà ở Bắc Ninh, Phù Lãng ở Bắc Giang, Lò Chum ở Thanh Hóa,v.v.

Có thể nói vớí sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của gốm hoa lam đã dẫn đến sự suy tàn dần của gốm men ngọc và gốm hoa nâu. Tuy vậy vào những năm đầu thế kỷ 15 gốm men ngọc vẫn tiếp tục được sản xuất với số lượng không nhiều mang phong cách truyền thống của dòng gốm dáng vẽ quý phái này. Ngày nay thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những bát đĩa thành tương đối dày, trang trí khắc chìm văn cánh hoa sen, hoa cúc dây, phủ một lớp men ngọc phớt lục tương đối dày. Men ngọc lúc này vẫn có độ lung linh song không được bóng như gốm men ngọc thờì Lý Trần.

Đặc trưng nổi bất nhất của gốm thời Lê - Nguyễn là sự ra đời và phát triển của gốm hoa lam. Gốm hoa lam phát triển suốt thời Lê – Nguyễn và cho mãi tời hôm nay. Gốm hoa lam không phải là sáng tạo của người thợ gốm Việt Nam. Thật ra gốm hoa lam ra đời từ rất sớm ở Trung Quốc. Tài liệu Trung Quốc cho biết vào thời Nguyên người thợ gốm Trung Quốc đã biết làm ra gốm hoa lam mà họ gọi là gốm thanh hoa. Đến đầu thời Minh với việc Trịnh Hòa 7 lần xuất ngoại đã mang côban từ vùng Trung Á về có hàm lượng măng gan cực thấp, hàm lượng sắt tương đối cao, mà còn có thêm ác xê nic làm cho màu hoa lam trở nên tươi đẹp hơn, rất được người nước ngoài từ Á đến Âu ưa thích, nên sứ hoa lam trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, rầm rộ nhất suốt thời Minh, Thanh. Sự hấp dẫn của ất sứ hoa lam. Tiêu biểu và nỗi tiếng nhất sứ hoa lam Trung Quốc là sứ hoa lam Cảnh Đức Trấn. Rất có thể buổi đầu sứ hoa lam thsứ hoa lam đến mức khu lò Đức Hóa ở Phúc Kiến vốn sản xuất sứ trắng cũng phải học tập khu lò Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây sản xuồi Lê nước ta cũng chịu ảnh hưởng của sứ hoa lam Cảnh Đức Trấn.

Suốt mấy trăm năm tồn tai và phát triển, gốm hoa lam có lúc thịnh lúc suy, nhưng trước sau vẫn gĩư được những đặc trưng cơ bản của riêng mình. Tiêu biểu cho gốm hoa lam nước ta thời Lê sơ là gốm Chu Đậu. Gốm hoa lam Chu Đậu không những cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á, Nhật, Ấn Độ, châu Âu và cũng có mặt tại Trung Cận Đông. Trong bảo tàng Topkapi Saray ở Thổ Nhĩ Kỳ có trưng bày một bình gốm hoa lam Chu Đậu rất đẹp ghi niên đại 1450. Và gần đây, chung ta đã khai quật con tàu đắm gần Cù Lao Chàm chở hơn 240.000 đồ gốm hoa lam Việt Nam, trong đó chủ yếu là gốm hoa lam Chu Đậu.

Khác với gốm men ngọc và gốm hoa lam, gốm hoa lam là dòng gốm hoa văn vẽ một màu dưới men, nung một lần nên màu không bị bong và biến màu. Gốm hoa lam là dùng chất lam côban vẽ các đồ án hoa văn lên mặt phôi gốm, sau đó phủ men thấu quang lên và nung với nhiệt độ cao sẽ cho sản phẩm gốm hoa lam dưới men.

Về chất liệu, gốm hoa lam đã vượt qua các loại gốm sành xốp hoặc gốm đàn phổ biến trong các giai đoạn trước đó. Gốm hoa lam được làm từ đất sét trắng, thận chí còn pha thêm cả caolin là loaị đất chuyên để sản xuất đồ sứ. Nguyên liệu lại được sàng lọc cẩn thận, loại bỏ tạp chất, xương đất rất mịn. Sản phẩm cũng được nung với nhiệt độ tương đối cao nên xương đất chớm cháy, kết cấu hạt chặt chẽ, mịn màng, xương có độ cứng cao tạo điều kiện làm ra những sản phẩm mỏng đẹp.

Để có được màu hoa văn dưới men là maù xanh lam tươi mát, người thợ gốm đã biết lựa chọn các loại đất, gio và đá giàu chất ôxit cô ban và biết khống chế lò nung thích hợp. Màu lam chủ yếu là dùng ôxit côban, nhưng nói chung các lò ở Trung Quốc cũng như ở ta, không dùng trực tiếp ôxit côban, mà dùng loại khoáng côban tự nhiên. Trong khoáng côban, ngoài ôxit côban là chính ra, còn có một hàm lượng nhỏ ôxít sắt, ôxít măng gan. Tuy nó là phụ song nó làm cho màu lam có những sắc độ khác nhau như phớt lục, lam xám, điểm thêm chấm đen nhỏ,v.v. tăng thêm phần mỹ quan. Do đó phải biết chọn khoáng côban phù hợp. Ngay tại Trung Quốc vừa dùng côban trong nước vừa dùng côban nhập ngoại để sản xuất đồ sứ hoa lam xuất khẩu

Gốm hoa lam cũng có một đổi mới trong việc chống dính men trong lúc nung. Gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý Trần đều dùng “con kê” 4, 5 chân đặt giữa các bát đĩa trong một chồng để chống dính men, đến lúc này được thay bằng phương pháp “ve lòng”. Kỹ thuật ve lòng cũng là một trong những tiêu chí để thẩm định gốm cổ nước ta.

Tầm quan trọng của gốm hoa lam không những thể hiện trên các sắc độ màu lam, mà còn được thể hiện trên nội dung và nghệ thuật thể hiện hoa văn. Trước đây, hoa văn trên gốm men ngọc là khắc chìm trên phôi gốm rồi phủ men, trtên gốm hoa nau thì tô màu trên các hoa văn khắc chìm sau khi đã phủ men. Còn trên gốm hoa lam được thể hiện bằng nghệ thuật vẽ bút lông. Có thể thẩy rõ gốm hoa lam khai thác trtiệt để các yếu tố của hội họa trong thể hiện hoa văn. Với một tâm hồn nghệ sĩ và đôi bàn tay khéo léo, người thợ gốm dã tạo nên những mô típ, những đồ án theo tình cảm và nhận thức của mình. Những đồ án hoa văn phong phú sinh động được tạo nên bằng phương pháp vẽ bút lông, khi phóng khi công bằng màu lam khi loãng khi đặc, khi dày khi mỏng làm cho hoa lam, có độ đậm nhạt lung linh. Gốm hoa lam là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí gốm nước ta. Bút lông thú mềm mại, bụng to mũi nhọn, có thể tạo nên những nét lớn hoặc mảnh theo tay ấn, nên thao tác cực kỳ phong phú như sổ, gạch, chấm, phẩy, hất, ngoặc, kéo từ dưới lên, từ trái sang phải hoặc ngược lại làm cho những đồ án hoa văn trở nên mềm mại, sống động. Những nét phóng bút rành mạch nhưng vẫn uyển chuyển bay bướm.

Các mô típ, đồ án, đề tài hoa văn trang trí trên gốm hoa lam cũng có nhiều cái mới khác trước. Trên những đồ thường dùng hàng ngày như bát, bình, đĩa, ấm, nậm rượu,v.v. trang trí chủ yếu vẫn là hoa lá, chim chóc, ngựa, cá tôm, v.v.Còn trên đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương chủ yếu trang trí hình long ly quy phượng, nghê, v.v.

Hoa lá trang trí phổ biến trên gốm hoa lam là sen và cúc. Sen và cúc ở đây thường được tạo thành những đường diềm cành nối cành, lá xoắn lại giống như dây bầu dây bí, thường được gọi là hoa cúc dây, sen dây, gần với hình mây lửa. Hoa sen trang trí ở phần cuối thân thường thể hiện từng cánh hoa tách rời nhau xếp quanh thân thành băng, trong mỗi cánh trang trí văn sóng nước.

Chim thường thấy là phượng và chim khách. Nếu như trước đây trên gốm hoa nâu, chim thường được thể hiện trong tư thế đi, thì trên gốm hoa lam thường là chim bay. Bằng bút lông, với những nét phóng bút, người thợ gốm đã vẽ nên được những hình chim bay thật sinh động, duyên dáng, nhẹ nhàng. Hình tôm cá thường được thể hiện ở tư thế động, chúng bơi lượn bên những chùm rong mềm mại, hay nhảy vọt lên trên những đợt sóng nhấp nhô.

Ngựa thường là đang phi nước đại được thể hiện ở những tư thế khác nhau rất có khí thế. Rồng và nghê là những con vật tượng trưng được thể hiện như có thực trong cuộc sống. Rồng mang phong cách của rồng thời Lê – Mạc, thân khỏe, lưng hình yên ngựa, đầu có sừng, bờm tua tủa, chân nhiều móng sắc được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau, có khi nằm dài ra như bay trên tầng mây, có khi vừa uốn khúc vừa cuộn tròn lại như rồng ấp,v.v. Mây là một mô típ trang trí khá phổ biến trên gốm hoa lam.

Mây thường được thể hiện thành nmhững mũi vun vút bay kiểu ngọn lửa nên được gọi là mây lửa.

Các mô típ hoa văn trên được thể hiện theo lối phóng bút bay bướm, nhưng bao giờ cũng được bố cục chặt chẽ, các mảng đậm nhạt khác nhau của hoa văn phát triển theo một nhịp điệu nhịp nhàng uyển chuyển.

Trên một sản phẩm hoa văn thường trang trí thành những băng ngang theo bố cục truyền thống của nghệ thuật trang trí đồ gốm nước ta. Trong đó có một băng chính không những rộng hơn mà về độ phức tạp, kích thước lẫn mật độ hoa văn đều nổi bật hơn các băng diềm.

Còn trên đĩa, diện trang trí là mặt phẳng và tròn. Hoa văn thường được trang trí dàn trãi lên toàn mặt bằng, có chủ đề rõ ràng khiến cho ta có cảm giác như đó là một bức tranh hoàn chỉnh.

Cùng với sự phong phú và đổi mớí của hoa văn, kiểu dáng đồ gốm hoa lam cũng có những đặc điểm riêng khác trước. Dễ nhận thấy hơn cả là xu hướng vươn lên theo chiều cao, hình dáng thanh thoát, bớt thô hơn trước. Xu hướng vươn lên theo chiều cao không những thể hiện trên những chiếc chân đèn cao lênh khênh, lư hương, nậm rượu, mà còn thấy cả trong những chiếc bát, đĩa chân đế cao. Và bát chân cao trở thành hiện vật tiêu biểu cho gốm hoa lam thế kỷ 15 nước ta.

Buổi đầu gốm hoa lam sản xuất chủ yếu là đồ thường dùng hàng ngày như bát, đĩa, bình, lọ, ấm, liễn, nậm rượu,v.v. đều được tạo dáng thanh thoát, thành mỏng, thường có miệng lỏ, bụng tròn, chân đế cao, quai và vòi nhỏ nhắn, có sự hài hòa giữa hình khối và đường nét. Đối với loại gốm thường dùng hàng ngày này, hoa văn trang trí chủ yếu là hoa lá sen, cúc, chanh và chim, cá, tôm. Chẳng hạn như các chiếc bát chân cao, miệng loe, sâu lòng, phủ men trắng ngà, mặt ngoài vẽ màu lam hình hoa sen và hoa cúc dây, trôn tô màu nâu. Trôn tô màu đỏ cũng là một đặ trưng của gốm hoa lam Chu Đậu. Những chiếc nậm rượu miệng loe nhiều, cổ eo, thân thon tròn dài hình đàn tỳ bà, chân đế thấp choãi, phủ men trắng ngà, vẽ lam hình chim chích chòe hay đại bàng, văn cánh sen và văn lá chuối trang trí trong những băng ngang. Những mậm rươụ này về kiểu dáng cũng như hoa văn khá gần gũi với đồng loại sản xuất ở Cảnh Đức Trấn (Triết Giang) và Ngọc Khê (Vân Nam) Trung Quốc. Loại ấm miệng nhỏ, cổ dài, bụng tròn, chân đế thấp choãi, có vòi dài quai dài uốn cong, phủ men trắng ngà, toàn thân vẽ lam hình phượng, hoa cáng sen và hoa cúc dây khá phổ biến. Có loại kiểu dáng và hoa văn hoàn toàn giống loại trên, nhưng hai mặt bụng đâp nổi hình lá đề để mộc khắc thủng nhiều lỗ khá độc đáo.

Các loại đồ gốm hoa lam này phần lớn sản xuất từ lò Chu Đậu thời Lê sơ.

Ngoài đồ gốm thường dùng, gốm hoa lam còn có đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương kích thước khá lớn, dáng cao, tạo hình và trang trí phức tạp cầu kỳ, ảnh hưởng phong cách tiện gỗ kiểu con tiện. Chúng thường được phân cắt thành nhiều đoạn, nhiều khúc trang trí dày đặc các họa tiết cầu kỳ các hình tượng long ly quy phượng cùng các loại mây lửa, mây dây,v.v. Đáng chú ý là phong cách trang trí trên đồ thờ thường là kết hợp giữa đắp nổi với vẽ lam hình rồng phượng chim thú. Chẳng hạn như chiếc chân đèn cao, thớt trên xòe rộng, giữa cổ phình rộng, bụng tròn dẹt, chân đế cao. Toàn thân phủ men trắng ngà, trên thân có nhiều vành nổi tô màu nâu, thân chân và cổ vẽ lam các vành văn lá chuối, cúc dây,v.v.. Hay như chiếc lư hương có bình diện vuông, 4 mặt miệng có diểm khắc nổi hoa văn đẹp, 4 góc gắn 4 tượng nghê, thân vuông 4 mặt phồng lên, trong các khung khắc nổi hình tứ linh. Chân đế thuộc loaị chân quỳ, khắc nổi văn hoa lá. Toàn thân phủ men trắng ngà, hoa văn màu gạch non . Cũng có lư hương bình diện tròn, miệng rộng sâu lòng, thân hình cầu , 4 chân cao hình hổ phù đặt trên đế liền, hai tai vươn cao đắp nổi hai chữ Hán “Phật Tâm”. Toàn thân phủ men xanh lục phớt vàng, khắc chìm và đắp nổi các loại hoa sen hoa cúc và văn răng lược.

Các loại đồ thờ hoa văn đắp nổi kết hợp vẽ màu lam phần lớn sản xuất vào thời Lê – Mạc, thế kỷ 16 – 17.

Gốm hoa lam Chu Đậu, Hợp Lễ phát triển rực rỡ suốt 3 thế kỷ thời Lê sơ – Mạc đánh dấu nột thời kỳ huy hoàng của lịch sử đồ gốm nước ta. Từ thể kỷ 18 về sau gốm hoa lam vùng Chu Đậu, Hợp Lễ hầu như tắt lịm. Cho đến nay, chùng ta chưa biết được một cách chắc chắn lý do của sự suy thoái này. Rất có thể, đấy là thời kỳ nhà nước phong kiến nước ta bước vào giai đoạn khủng khoảng, suy thoái và thực dân phương Tây bắt đầu dòm ngó xâm lược. Nhiều ngành công nghiệp, thủ công nghiệp nước ta bị đình đốn, ngành sản xuất gốm cũng không thoát khỏi cảnh sa sút điêu tàn đó. Trong tình hình đó, ngành sản xuất gốm hoa lam có 2 xu hướng phát triển khác nhau. Hoặc là sản xuất những đồ gốm có chất lượng thấp, giá thành hạ hợp với túi tiền của đại đa số nhân dân đang sống khổ sở lúc bấy giờ. Những đồ gốm này kiểu dáng đơn giản, nặng nề, hoa văn trang trí kém phong phú, màu lam hoa văn nhợt nhạt. Hoặc là bắt chước phong cách bút pháp của đồ sứ thời Thanh ở Trung Quốc làm ra sản phẩm phục vụ các quan lại triều Nguyễn và những kẻ giàu sang quyền quý. Những đồ gốm này trang trí tủn mủn, rậm rạp, có phần phô trương. Cũng cần nói thêm là đây cũng chính là thời kỳ xuất hiện loại đồ sứ “ký kiểu” của của triều đình Lê Trịnh và các vua triều Nguyễn. Do không có được những đồ gốm hoa lam chất lượng cao, triều đình đặt hàng cho các lò sứ Cảnh Đức Trấn Trung Quốc sản xuất đồ sứ để phục vụ trong cung đình và gia đình quan lại trong triều. Sự việc này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của gốm hoa lam lúc bấy giờ.

Trong tình hình đó, khu lò gốm Bát Tràng và một vài trung tâm khác đã tìm thấy lối ra là tiếp thu một số kỹ thuật và phong cách mới trong công nghệ sản xuất gốm sứ thời Thanh Trung Quốc để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao. Với công nghệ sản xuất mới họ đã có thể làm ra những sản phẩm có kích thước lớn mà các lò gốm trước đây chưa làm được. Đó là những lọ lộc bình cao 80 – 90cm, hay những chiếc thồng miệng rộng 50 – 60cm. Phong cách trang trí cũng có những cải tiến đáng kể. Phổ biến hơn cả là hoa văn đắp nổi kết hợ với vẽ lam hoặc vẽ nhiều màu. Nội dung hoa văn, ngoaì hoa văn phong cảnh như phù dung chim trĩ, chim công, cảnh tùng lộc, rồng chầu mặt trăng, cảnh bát tiên, cảnh đạp tuyết tầm mai, v.v. còn vẽ theo tích truyện cổ tích như Tô Vũ chăn dê, Văn Vương cầu hiền, ngư ông đắc lợi, v.v. Sản phẩm phần lớn phủ men rạn màu trắng ngà, đắp nổi vẽ nhiều màu. Thường gặp các loại lọ lộc bình, lọ hình tỳ bà, nậm rượu, chóe, thống, v.v. có kiểu dáng hài hòa hoa văn trang trí rực rỡ. Đó là những chiếc lọ lộc bình cao trên 60cm miệng loe ngang vai xuôi thân thon dài phủ men rạn màu trắng ngà đắp nổi vẽ nhiều màu cảnh phù dung chim công hay những chiếc lọ thành miệng dày tràn ra ngoài bụng tròn hình cầu khắc nổi văn cánh sen phủ men rạn màu trắng ngà đắp nổi vẽ nhiều màu cảnh bát tiên ngồi dưới gốc cây cổ thụ. Hoặc như chiếc lọ hình đàn tỳ bà miệng loe cổ có hai tai phủ men rạn màu trắng, đắp nổi vẽ nhiều màu cảnh ngư ông đắc lợi. Chiếc chóe nắp cao có chóp miệng đứng vai xuôi bụng nở đều, chân hơi choãi phủ men rạn màu trắng đục trang trí đôi rồng lượn vờn mây trắng. Có chóe trang trí đắp nổi vẽ nhiều màu 9 con rồng. Chiếc thống thành miệng dày tràn ra ngoài thân khum đều phủ men trắng đắp nổi vẽ nhiều màu hình hổ vờn hoa cũng rất đặc trưng. Sản phẩm gốm Bát Tràng thế kỷ 18 – 19 với kích thước lớn hoa văn đắp nổi vẽ nhiều màu sinh động cho đến nay vẫn là niểm mơ ước của nhiều nhà sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước.

Nói đến gốm thời Lê – Nguyễn không thể không nói đến gốm sành.Trong cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long phát hiện được khá nhiều đồ sành cho thấy lúc bấy giờ đố sành không chỉ là đồ dùng của tầng lớp bình dân mà còn được sử dụng cả trong chốn cung đình. Từ thời Lê sơ, các trung tâm sản xuất dồ sành phát triển mạnh. Mỗi trung tâm có những sản phẩm mang phong cách riêng. Chẳng hạn Hương Canh chuyên sản xuất sành nâu không tráng men, sản phẩm có nhiều loại như lon, vò, chậu, chóe, chum, vại, chỉnh, cang, nhưng nổi tiếng hơn cả là vại và tiểu. Còn trung tâm Phù Lãng lại chuyên sản xuất đồ sành tráng men màu da lươn. Sành men da lươn Phù Lãng có sắc vàng rất đặc biệt, không được bóng, không đều màu, có chỗ đậm chỗ nhạt, rạn men co men tạo nên những nét rất riêng của sành Phù Lãng. Loại men này được tạo ra bằng cách pha gio với bột đá xám, một loại đá son bị phong hóa có nơi gọi là đá thối, chỉ có ở làng Phù Lãng. Sản phảm sành Phù Lãng chủ yếu là đồ dùng hàng ngày như hũ, chậu, v.v. với dáng hình chắc khỏe, màu men vàng da lươn toát lên một cảm giác thân quen gần gũi với cuộc sống thôn dã và tâm hồn Việt Nam.

Qua các phần vừa trình bày có thể thấy suốt 5 thế kỷ từ thời Lê đến Nguyễn gốm Việt Nam vẫn không ngừng phát triển, tuy có lúc tạm thời suy thoái, mà tiêu biểu hơn cả là các trung tâm gồm hoa lam Chu Đậu, Hợp Lễ, gốm đắp nổi vẽ nhiều màu men rạn Bát Tràng và các trung tâm gốm sành không men Hương Canh và có men Phù Lãng.