Ngày 28 tháng 07 năm 2015
Truyện Kiều là tác phẩm truyện Nôm cổ nổi tiếng nhất của đại thi hào Nguyễn Du cũng như của văn học Việt Nam. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, truyện được viết ra sau khi Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh về và được Phạm Quý Thích cho khắc in vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ XIX. Bản khắc in đó nay không còn nữa. Sau này, các nhà Liễu Văn đường, Thịnh Mỹ đường, Quan Văn đường, Phúc Văn đường... đã cho khắc in lại nhiều lần. Đến khi có chữ quốc ngữ, Truyện Kiều lại được các nhà nghiên cứu phiên âm và cho ấn hành, đến nay đã có rất nhiều bản khác nhau.
Chính vì không còn bản gốc nên các bản Kiều in sau này đều có những chỗ sai khác do bị khắc sai, xếp chữ sai, cũng có khi là bị người chấp bút sửa lại. Đây cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chính những sai khác ấy đã gây cản trở cho người đọc sau này tiếp cận, tìm hiểu Truyện Kiều. Thêm một lí do nữa là ngôn ngữ từ thời đại Nguyễn Du đến nay đã có hơn 200 năm phát triển, có những từ cổ hiện nay không dùng nữa hoặc đã mang ngữ nghĩa khác. Đấy là chưa kể, trong Truyện Kiều có hàng trăm hàng nghìn điển tích điển cố văn học, mà nếu không tỏ tường ngữ nghĩa, người đọc cũng không có cách nào hiểu được Truyện Kiều.
Tác phẩm Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh xuất bản năm 1974 và tái bản năm 1986 (Phan Ngọc sửa chữa và bổ sung) đã giúp rất nhiều cho người đọc Kiều tìm hiểu và nghiên cứu tác phẩm. Bao nhiêu thế hệ độc giả đã dành những lời đẹp nhất, trân trọng nhất đề ca ngợi Truyện Kiều. Ấy thế mà, cuốn Từ điển truyện Kiều cuốn sách công cụ quan trọng nhất để giải mã nội dung tư tưởng và nghệ thuật Truyện Kiều giúp người đọc hiểu đúng, hiểu sâu sắc tác phẩm, lại ít người có trong tay nhất là các bạn học sinh và giáo viên. Vì lẽ đó, năm nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho táị bản lại cuốn Từ điển truyện Kiều bản năm 1986 được Phan Ngọc sửa chữa và bổ sung để cuốn sách đến được nhiều hơn với những người đọc Kiều, yêu Kiều.