nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU QUA CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI HỌC PHẬT


Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Hay:

Đã mang lấy nghiệp vào thân  
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở lại lòng ta
Chữ tâm kia mới băng ba chữ tài

Đây là những câu thơ được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân Việt Nam. Ngay từ lúc ấu thơ, tôi đã từng nghe người dân quê tôi ngâm nga những khi rỗi rảnh. Dù không hiểu hết ý nghĩa, cũng chẳng biết tác giả các câu thơ trên nhưng tôi rất thích. Thích vì vần điệu, âm vận nhẹ nhàng và bởi hồn thơ cảm xúc lòng tôi. Khi lớn lên vào Trung học, tuy có học qua nhưng chỉ hiểu biết chút út về mặt văn học chứ chưa rõ được những triết lý sâu xa trong ấy. Gần đây được đọc bộ Nguyễn Du- tác phẩm và lịch sử văn bản do Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải, trong ấy Truyện Kiều là tác phẩm tôi chú ý nhất.

Đọc truyện Kiều, tôi rất kinh ngạc và thích thú khi bắt gặp những câu thơ mình được nghe tử lúc nhỏ. Ở đây như bất ngờ gặp lại người bạn thân quen từ thuở thơ ấu. Lại càng thích thú hơn khi tôi khám phá ra rằng, truyện Kiều không những là một áng văn chương tuyệt tác mà còn là một tác phẩm có nhiều điểm phù hợp với giáo lý Phật đà.

Đạo Phật chỉ rõ lẽ thật về thân tâm con người và những phương cách giúp con người vượt qua mọi thống khổ. Nếu chúng ta biết nương vào đó mà hành tri triệt để thì sẽ phát triển trí tuệ đạt đến giác ngộ giải thoát. Thì ở truyện, tôi cảm nhận rằng Nguyễn Du đã mượn những vần thơ nói về những vấn đề của con người trong cuộc sống, cùng cách thoát khỏi vòng luẩn quẩn khổ đau để cõi lòng được trong lặng thong dong. Thiết nghĩ đây là điểm tương đồng giũa thơ và đạo, cùng mục đích giúp con người thoát khổ, hướng cuộc sống đến Chân - Thiện - Mỹ. Từ nhận xét đó, tôi muốn viết về Kiều dưới cái nhìn Phật pháp. Điều này có thể bạn đọc sẽ cho là không thích hợp, vì truyện Kiều là chuyện tình thế gian. Vâng ! chuyện tình thế gian nhưng Tình từ « Tâm » sinh. Vậy tại sao ta không thử đứng trên bình diện « trở lại bản tám » mà đọc chuyện tình ấy ? Và chính tác giả cũng đã thổ lộ cho ta biết qua câu : « Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra », mà lòng chính là Tâm. Từ nguồn cội của tình (Tâm) mà cảm ngộ mọi sự thế tình, ta sẽ thấy lòng mở rộng như đại dương mênh mông đón nhận ra suối ngàn sông đổ về. Dòng nước dù đục hay trong, dù nước lợ phèn chua hay nước ngọt phù sa, nhưng khi vào biển cả chỉ là một màu, một vị. Cuộc đời Kiều không phải của riêng Kiều hay của riêng tác giả mà là của mỗi con người chúng ta. Cùng một điểm xuất phát từ bản thân thanh tịnh, vì vọng tình mà lao đao đi vào dòng đời nghiệt ngã chịu bao nỗi gian truân. Nhưng cuối cùng Kiều đã trở về mái nhà xưa yên ấm, còn chúng ta thì sao ? Bao giờ mói trở về quê nhà hay là vẫn mải lang thang nơi đất khách ? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước và mỗi chúng ta phải tự giải đáp cho mình.

Đa số nhà văn học bình luận cho rằng Nguyễn Du viết truyện Kiều để nói lên sự thăng trầm trong đời thường của tiên sinh, do đó tiên sinh mượn Kiều làm nhân vật điển hình diễn đạt tâm trạng của mình vào thời ấy. Riêng tôi thiển nghĩ, truyện Kiều cũng nói lên tâm trạng của tiên sinh, đó là sự chuyển biến tâm trạng theo tư tưởng Phật giáo chứ không phải như phần đông người đã nghĩ. Vì thế, tôi nghĩ rằng dùng thiển ý của mình viết về vấn đề ấy qua tư tưởng người học Phật, với lòng mong mỏi sâu xa đem lại cho bạn đọc truyện Kiều một chút khái niệm về tâm linh, và hiểu biết chút ít về đạo Phật qua hình ảnh một người con gái đẹp mang tên Thúy Kiều cùng tình tiết trong cuộc đời nàng mà một thi hào Việt Nam đã phóng tác chuyển thể thành thơ từ truyện văn xuôi của nhà văn Trung Quốc. Đó là mục đích quyển sách này ra mắt bạn đọc.

Về phương diện văn chương, ai cũng công nhận truyện Kiều là một kiệt tác bất hủ. Nhưng về giá trị luân lý thì xưa nay các nhà văn, các học giả luôn có người khen, người chê, gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. Thậm chí có thời truyện Kiều bị liệt vào hạng dâm thư, nên mới có câu :

Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

Song, trên thực tế thì tùy theo tư tưởng của mỗi người khi thưởng thức truyện mà nhận định khác nhau. Bởi có người quan niệm rằng văn dùng dể chuyên chở đạo lý_ « Văn dĩ tái đạo » ( cả nhân đạo và giác đạo), mà cũng có người quan niệm dùng văn chương để biểu lộ mọi cảm nghĩ của con người. Riêng tôi cho rằng, người sáng tác ra Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) không những là người tôn sùng đạo dức giác ngộ giải thoát mà còn là một thi nhân trác tuyệt.

Sâu sắc hơn nữa khi đọc truyện, chúng ta co bao giờ cảm thấy Thúy Kiều đang ngự trị trong lòng mình chăng ? Dù một thoáng chốc thôi ! Đó là chưa nói Thúy Kiều đang hiện thực trước mắt trong đời sống hiện tại. Nếu chúng ta không thấy Thúy Kiều đang hiện diện nơi chính ta thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm nhận được cái tinh anh linh diệu, và chẳng bao giờ hiểu thấu tư tưởng một đại thi hào độc nhất vô nhị trong lịch sử văn chương của dân tộc Việt Nam.

Cái hay trong truyện Kiều ít người cảm thấy, nhưng hiểu biết được cái hay ấy là một điều rất khó, mà giải thích cho ra hết cái tinh vi tuyệt xảo của vấn đề ấy lại là một điều khó hơn. Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa có tác phẩm nào thu hút sự chú ý của đông đảo người đọc như truyện Kiều của Nguyễn Du và những lớp người hâm mộ như Thúy Kiều. Mà điều lạ lùng là ở tầng lớp người khác nhau, trong những cảnh ngộ khác nhau, người đọc đều bắt gặp nơi Thúy Kiều một điều gì dó ngay bản thân mình, của chính tâm sự mình. Hình như nhân vật Thúy Kiều ở trong tận cõi lòng sâu thẳm của mỗi người và có tất cả nỗi đau trong đời người. Khi đọc truyện Kiều, tôi thấy Nguyễn Du đi đến chỗ nói mà không nói. Không nói thẳng chuyện mình mà nói chuyện người khác, làm cho bạn đọc khi xem truyện của người khác thấu hiểu phần nào sự chuyển biến nội tâm của mình. Có ai cảm thông được tâm sự này của tác giả chăng ? Đọc truyện Kiều, chúng ta phải có cái nhìn sâu sắc hơn mới lãnh hội được cái ý nghĩa của tác giả muốn gửi gắm ở đằng sau những vần thơ hay đẹp ấy. Ở đây chúng ta hãy nhìn vào truyện Kiều qua tư tưởng Phật pháp thử xem !

Con người trong cái trần gian này tuy hằng ngày được ăn uống đầy đủ và thọ dụng  mọi vật chất cần thiết, nhưng họ vẫn cảm thấy thèm khát về mặt an lạc (tức bị đau khổ) ở khía cạnh tâm linh. Người đời chỉ biết thám hiểm vũ trụ, phát minh sáng kiến chế tạo vật chất, còn Phật dạy chúng ta thám hiểm phát minh ngay tâm mình. Cuộc thám hiểm này có lẽ thú vị và có rất nhiều điều bất ngờ. Nếu chúng ta chưa thấu rõ được thực chất nơi thân xác và cõi lòng mình thì dù biết rộn hiểu nhiều về những cái bên ngoài cũng chẳng làm sao an ổn thanh thản cõi lòng được. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu Phật pháp và bắt đầu thám hiểm cõi lòng mình thử xem chắc sẽ có phát minh ra những cái mới lạ hơn thường tình trước đấy!

Nếu muốn thưởng thức cái hay đẹp qua áng văn tuyệt tác của một thiên tài đã phô diễn thì ta hãy mở rộng tâm hồn, vì thiên tài là kết tinh của nhiều năng khiếu, mà tất cả cái gọi là năng khiếu đó đều xuất phát từ Tâm.

Đã có nhiều người viết về truyện Kiều dưới nhiều góc độ khác nhau. Nay tôi xin mạo muội trình bày những cảm nhận của riêng mình để góp một chút hương cho gió, một chút sắc cho đời và cúng để gọi là cảm thông cùng Nguyễn Du tiên sinh. Dù ứng hợp hay không ứng hợp với ý tác giả, thì đây cũng là chút lòng của người sau tưởng nhớ đến tiên sinh. Và lại, mục đích của tôi cũng không phải để dạy ai cái gì cả, mà chỉ có thể san sẻ cho nhưng ai hữu duyên biết khái niệm chút ít về « lẽ thật » ở ngay bản thân họ vậy thôi, và đây cũng là điều tôi luôn tự nhắc nhở mình mỗi khi đọc những dòng này.

Biết rằng Phật pháp rất sâu rộng mà tự xét khả năng tu học của mình còn quá thô thiển cận khó lòng diễn đạt đúng lý Pháp, Tổ dạy. Vả lại, cũng không chuyên viết văn nên ý vụng, lời quê, chắc khó tránh khỏi những thiếu sót sai lầm. Vậy mong quý vị hữu duyên xem qua hãy đạt ý quên lời mà lượng thứ. Rất mong các bậc cao minh chỉ giáo cho để ý tứ trong tập sách này được hoàn hảo hơn.

Kính ghi