nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Tìm dấu tích xưa về Thái úy Tô Hiến Thành


Ở Hà Tĩnh có đến 40 đình đền, miếu thờ các bậc anh hùng cái thế là nhân  thần làm thành hoàng làng.
 
Theo Trần Mạnh Tường chủ biên cuốn “Đình chùa nổi tiếng Việt Nam”, Di tích Danh thắng Hà Tĩnh do Sở Văn hoá – Thông tin Hà Tĩnh xuất bản năm 1997 chúng tôi đã tìm đến 4 địa điểm có thờ Danh nhân văn hoá lịch sử Tô Hiến Thành đó là Đình Hội Thống còn có tên khác là đình Kiên Nghĩa thuộc xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; đền Tam Toà Đại vương thuộc địa danh xóm Phúc Tiến, thôn Chi Phan, phủ Thạch Hà nay là xã Thạch Tiến huyện Thạch Hà; đền Hữu Quyền thuộc xã Cẩm Huy huyện Cẩm Xuyên; Miếu Đôi xã Thạch Quý, huyện Thạch Hà; đền Kinh Thượng xã Thạch Hưng, huyện Thạch Hà,  tỉnh Hà Tĩnh. Trong một bài viết đăng trên trang thông tin Họ Tô số 17 năm 2013 có tiêu đề “Sự tri ân của nhân dân xứ Thanh đối với Danh nhân Văn hoá lịch sử Tô Hiến Thành” chúng tôi đã đề cập việc có trên 70 đình đền thờ Tô Hiến Thành mà chủ yếu là trên 5 huyện miền duyên hải của xứ Thanh là Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tỉnh Gia, điều đó có liên quan gì đến những đình đền, miếu thờ Tô Hiến Thành tại các huyện vùng duyên hải trải dài từ Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt.
 
Điểm qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước của ông cha ta thì thấy: Đời Lý trải qua 8 đời vua (Chưa tính Lý Chiêu Hoàng) đa phần là những vị vua minh quân tài giỏi hết lòng vì nước vì dân như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Bên cạnh các bậc quân vương ấy còn có những công thần trung quân ái quốc một lòng phò tá triều đình như Thái uý Lý Thường Kiệt, Thái uý phụ chính Tô Hiến Thành mà người đương thời cũng như sử sách đã tôn ông là bậc trung thần mà quyền uy không khuất phục, nghèo đói chẳng chuyển lay, tiền bạc không mua chuộc được. Tài năng đức độ của ông còn được ví như Gia Cát Lượng bên Tàu.
 
Trở lại với những di tích thờ Tô Hiến Thành tại Hà Tĩnh một dải đất miền Trung đầy nắng gió của thời kỳ đầu lập quốc với những chiến công đánh Tống bình Chiêm của quân dân nhà Lý và vì sao nhân dân các vùng ven biển xứ Thanh, xứ Nghệ lại lập nhiều đình đền, miếu thờ Tô Hiến Thành đến như vậy.
 
Với chính sách ngụ binh ư nông (Thời bình làm ruộng, thời chiến làm lính thú tiên phong đánh giặc) những lần tháp tùng vua Lý hoặc tự mình cầm quân bình Chiêm, Tô Hiến Thành đã vỗ về dân chúng, giáo hoá người dân, thương yêu trăm họ. Đồng thời ông cũng lập nhiều chiến công hiển hách nên khi ông mất nhân dân biêt ơn tưởng nhớ lập đền thờ phụng.
 
Trước hết nói về đình (đền) Hội Thống được khởi công xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê (1659) đến năm 1660 thì khánh thành.Kiến trúc của đền theo kiểu chữ nhị gồm bái đường và hậu cung hướng Đoài. Đình Hội Thống thờ Tô Hiến Thành một ông quan thanh liêm đời Lý và còn thờ cả bà Nguyễn Thị Khuê, ông Vũ Ninh Tiến là những người bỏ tiền ra xây dựng đền, sửa chữa đê điều, trang trải sưu thuế cho dân trong vùng. Bái đường có 7 gian, 32 cột chân kê đá hình tròn. Chính giữa bái đường đặt bức hoành phi khắc 3 chữ: “Kiên – Nghĩa – Xã” do nhà vua ban tặng. Nội tẩm hậu cung đặt bài vị Thành hoàng với bức đại tự gồm 4 chữ: “Xuân – Đài – Thọ - Vực” sân đình Hội Thống rộng chừng 1500m2, bên trái là nhà bia, bên phải là miếu thờ thần. Đặc biệt là kiến trúc cổng tam quan, 2 tầng chính giữa và 2 ngách trái phải uốn cong tò vò (Bán nguyệt). Đến đời nhà Nguyễn đình Hội Thống lại được tu bổ tôn tạo nâng cấp vốn đã đẹp nay càng đẹp hơn với tấm biển thờ 4 chữ “Thánh  Trạch – Quân  Ân” tạm dịch Lộc thánh ơn Vua. Và đôi liễn “Vạn Cổ  Ân Quang Viễn, Thiên Thu Huệ Trạch Trường” tạm dịch “Muôn thủa ơn soi rọi, ngàn năm huệ trạch ngời:
 
Đền Tam Toà Đại vương còn có tên nôm là Đền Nen “Đền Cả” thuộc thôn Chi Phan, xóm Phức Tiến, phủ Thạch Hà nay là xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là ngôi đền cổ xưa nhất của tỉnh Hà Tĩnh được khởi dựng vào thời Lý. Đền Nen lúc đầu chỉ thờ Lý Nhật Quang (con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ) làm Thành hoàng. Đến năm 1724 niên hiệu Bảo Thái thời Lê Dụ Tông được tu bổ nâng cấp và thờ thêm Vua Đen (Mai Hắc Đế), Thái uý Tô Hiến Thành từ đó đền nay đền Nen có tên gọi là đền Tam Toà Đại vương. Tại Toà hậu cung có 3 bài vị đặt trong khám thờ, chính giữa là bài vị Lý Nhật Quang, bên hữu là bài vị Thái uý Tô Hiến Thành, bên tả là bài vị Mai Hắc Đế.
 
Đền Nen với lối kiên trúc nội công, ngoại quốc bố cục trên một mặt bằng hình chữ nhật, đăng đối, hài hoà theo một trục thần đạo hướng Bắc – Nam. Các thành phần di tích kiến trúc bao gồm: kiến trúc gỗ, kiến trúc gạch xây với các phương thức thi công đặc biệt và cùng với vật liệu truyền thống gồm vôi nung từ vỏ sò, vỏ hến kết hợp với mật mía, bột rơm nếp khá đặc trưng của cư dân vùng Nghệ - Tĩnh. Các họa tiết trang trí điêu khắc, chạm trổ trên chất liệu gỗ cân đối, thần vị, bảng văn, hán tự còn lưu lại là những nguồn tư liệu quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về một thời đại, một giai đoạn lịch sử về những nhân vật tiêu biểu của đất nước, con người Việt Nam như Lý Nhật Quang, Mai Hắc Đế, Tô Hiến Thành những người có công đánh giặc giữ nước, khai khẩn đất hoang mở mang bờ cõi  vùng biên ải phía Nam nước Đại Việt.
 
Đền Hữu Quyền được xây dựng vào thời Hậu Lê. Lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đơn sơ thờ thần. Thời Nguyễn Ánh Gia Long (1802 – 1819) được tôn tạo sửa sang lại trên nền đất cũ khang trang, bề thế. Nhân vật chính được tôn thờ ở đây là Lý Nhật Quang (người con thứ 8 của Lý Thái Tổ) và Thái uý Tô Hiến Thành. Đến đời Minh Mạng (1820 – 1840) nhân một chuyên đi Kinh lý Bắc Hà thấy cảnh sắc nơi đây phong cảnh hữu tình địa thế đẹp và anh linh nên ông đã cho xây dựng lại các hạng mục kiến trúc nguy nga đồ sộ để dân quanh vùng thờ các đấng thần quân có công đánh giặc mở cõi và phong tặng 3 đạo sắc. Đền Hửu Quyền được tổ chức tế lễ hàng năm vào ngày 25/12 âm lịch và kết thúc vào ngày 7/1 âm lịch. Trải qua bao biến cố lịch sử, xâm thực của thiên nhiên đặc biệt qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Tĩnh là túi bom của cả nước nên đình Hửu Quyền bị phá huỷ hoàn toàn. Các cụ cao niên trong làng còn giữ được bài văn khấn có đoạn: “Cung duy hàm hoàng nghi đoan túc anh linh trác dịch bảo trung hưng Lý Thái uý Đại thánh Thành hoàng – Đấng tôn Thần vị tiền”.
 
Đến năm 2010 người dân nơi đây với lòng biết ơn kính trọng những nhân vật lịch sử Lý Nhật Quang, Tô Hiến Thành có công đánh Tống bình Chiêm khai khẩn đất đai mở mang bờ cõi cứu giúp dân làng nên đã quyên góp tiền của và kêu gọi các nhà hảo tâm công đức xây dựng lại đền trên một khu đất rộng trên 2300m2 ở vị trí cao, rộng. Đền ngoảnh mặt về hướng Nam, phía trước là Quốc lộ 1A rất thuận tiện cho khách thập phương cũng như nhân dân quanh vùng đến chiêm ngưỡng bái vọng. Đền có bộ phận quản lý và chủ tể. Với những giá trị lịch sử, văn hoá nơi tôn vinh thờ phụng các vị anh hùng có công với nước nên ngày 29/01/2013 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có QĐ số 360/QĐ – UBND công nhận đên Hữu Quyền là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Quyết định này đã góp phần tạo điều kiện cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích nhằm giáo dục các thế hệ mai sau lòng yêu nước, yêu quê hương, noi theo những anh hùng cái thế đã hết lòng vì nước vì dân. Trong những ngôi đền mà chúng tôi đã khảo sát đều ghi đậm nét Tô Hiến Thành làm quan cho 2 triều đại nhà Lý là Lý Anh Tông (1133 – 1171), Lý Cao Tông (1175 – 1209) làm đến chức Đại Liêu phù tá. Ông còn được gọi là Lý Thái Uý Tô Đại Liêu – Một nhân vật lịch sử, văn hoá, văn võ song toàn là danh nhân kiệt xuất về chính trị - quân sự và văn hoá của nước nhà. Đặc biệt ông đã tổ chức khai hoang lấn biển với chính sách ngụ binh ư nông mà các vua chúa đời sau rất hay áp dụng (thời Trần, thời hậu Lê mà tiêu biểu là Lê Thánh Tông).
 
Sau khi ông mất các nơi trong nước nhất là vùng ven biển nơi có dấu chân ông đã từng tổ chức dân chúng quai đê, lấn biển, vỡ hoá, khai hoang, lập trại, lập làng đã tôn vinh ông làm phúc thần hoặc Thượng đẳng thần lập đền thờ ông suốt một dải từ vùng Viễn Đông (Quảng Ninh), Hải Đông (Hải Phòng, Hải Dương) Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) đến Ái Châu - Hoan Châu (Thanh Hoá – Nghệ Tĩnh). Gần đây ban nghiên cứu lịch sử tỉnh Hà Tĩnh đã sưu tầm được một sắc phong có niên hiệu Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật tức là ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) phong thần cho Tô Hiến Thành và giao cho xã Cương Đoan nay là xã Cương Gián huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ. Tuy nhiên do hạn chế về thời gian chúng tôi chưa có điều kiện khảo cứu tiếp các di tích đình đền có liên quan trực tiếp đên đức Tô Hiến Thành. Rất mong Ban liên lạc tỉnh Hà Tĩnh – Nghệ An tìm hiểu kỹ hơn và thông tin đến bà con họ Tô trong cả nước.
 
 
Theo Tô Thặm/hotovietnam.org

Di sản văn hóa