nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Vịnh Kiều, tập Kiều - một lối chơi văn chương độc đáo


Ở Nghi Xuân, quê hương Nguyễn Du, còn truyền lại câu chuyện lý thú: Khi Truyện Kiều soạn xong, ai cũng muốn có một bản làm gia bảo, người ta đua nhau sao chép, nên ba năm liền, giấy ở tỉnh Nghệ rất khan hiếm.
 
Chuyện này tất nhiên là bịa, giống như chuyện người Trung Hoa đua nhau chép bài phú “Tam đô” của Tả Tư đời Tấn.
Nhưng mê Kiều là chuyện hoàn toàn có thật!
 
Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa hề có tác phẩm nào được quảng đại nhân dân yêu chuộng đến thế, được truyền bá sâu rộng đến thế. Ngoài hai trăm năm nay, điều đó đã được chứng minh với bao chuyện kỳ lạ diễn ra xung quanh tác phẩm ưu tú này.
 
... Bất cứ xóm thôn Việt Nam nào cũng biết đến Truyện Kiều. Bất cứ già trẻ, trai gái, ai cũng được đọc hoặc được nghe, ai cũng thuộc dăm bảy câu, vài ba đoạn. Có những ông già, bà lão không hề biết chữ mà vẫn thuộc làu cả quyển truyện.
 
Văn chương Truyện Kiều đã đi vào đời sống hàng ngày, vào mọi sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
 
Người ta ngâm Kiều, bình Kiều, ru con bằng thơ Kiều, ví hát về Truyện Kiều; người ta đố Kiều, giảng Kiều, viết thư tình bằng thơ Kiều, đếm cá bằng thơ Kiều; người ta phỏng Kiều mà đặt bài hát giặm, hát ả đào ... Ngoài Bắc, người ta “lẩy Kiều”, “mép” Kiều, hát sa mạc, bồng mạc, hát trống quân bằng thơ Kiều. Trong Nam, người ta lại hát lô-tô Kiều... Người ta bịa ra vô số chuyện vui cười quanh Truyện Kiều ...
 
Tích Kiều được soạn thành tiết mục sân khấu: Bắc có “Chèo Kiều”, Nghệ Tĩnh có “Trò Kiều”, Nam có “Tuồng Kiều”.
 
Hình tượng nhân vật Truyện Kiều rất quen thuộc với nhân dân, trở thành những mẫu người sống trên đời thật sự.
 
Các bà mẹ bình luận: Không ai đẹp bằng “con” Kiều, cũng không ai khổ bằng “con” Kiều!
 
Có mối tình nào đẹp đẽ và bất hạnh bằng mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng?
 
- Đôi ta như Kim Trọng với Thúy Kiều,
 
Đã nghe lúc đắng, đã nhiều lúc cay.
 
Lớp bình dân mê Truyện Kiều đến thế thì lớp nho sĩ cũng say Truyện Kiều không kém.
 
“Làm trai biết đánh tổ tôm – uống chè Chính Thái, xem Nôm Thúy Kiều”mới là hợp thú tao nhã.
 
Truyện Kiều vừa ra đời liền được giới quý tộc nho sĩ đặc biệt chú ý, và trở thành đầu đề cho một phong trào bình luận sôi nổi, ngâm vịnh rộng rãi.
 
Từ vua quan đến các nhà khoa bảng, các nho sĩ đều đua nhau bình chú Truyện Kiều: Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, rồi đến Phong tuyết chủ nhân  Thập
 
Thanh thị, Mộng Liên đường chủ nhân, Nguyễn Văn Thắng, Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Kiên...
 
Năm 1830, vua Minh mệnh viết bài “Tổng thuyết” đầu tập “Thanh Tâm tài tử” có đoạn: “... Bản của Thánh Thán (tức “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhân, Thánh Thán – bình – TKĐ chú) không còn, khói tàn tản mạn; bản Hoa Đường đã vắng, vách cũ tiêu điều. Trộm nghĩ phải tìm lại các sách của họ truyền cho những người cùng chí văn chương; mới theo truyện in trong sách mà viết ra bài này”. (Thánh Thán bất phùng, hàn yên tản mạn; Hoa Đường dĩ vễn, phá bích tiêu điều. Sở đương mịch kỳ di biên, cáo chư đồng chí, truyền thần tả chiếu, ly tảo trích hoa).
 
Năm 1870, vua Tự Đức cũng có bài “Tổng từ” in đầu bản Kiều (bản Kinh), mở đầu: “Bến sông Hương tháng ba đầy sương khói; Đốt lư trầm nhàn nhã đọc truyện Thanh Tâm; sách này người phương Bắc là Thánh Thán làm ra; Nguyễn Tiên Điền diễn âm sang tiếng nước ta. Gần đây (sách hay) như ngọn danh sơn bị gió mưa làm hao mòn; (nên) bản của Hoa Đường không còn lưu truyền (như trước). Nay nhân nơi đài các nhàn rỗi; không nỡ để cho câu chuyện hay phải lạnh lùng theo mây khói; Nhân tình cờ tìm được toàn quyển trong bồ sách; Mà theo đó toan cho khắc in...” (Hương phố yên hoa tam nguyệt thiên; Phần lô nhàn độc Thanh Tâm biên; Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước; Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền. Cận lai danh sơn phong vũ thực; Hoa Đường bình bản vô lưu truyền; Thích kim đài các thừa nhàn hạ; Bất nhẫn giai thoại không hàn yên; Ngẫu ư cổ lộc đắc toàn giản; Truyền thần tả chiếu tương trùng thuyên).
 
Lời “bình” của vua Tự Đức còn ở câu đối “vịnh Kiều”:
 
“Mộng lý căn duyên, tri nhất ẩm nhất trác giai vi tiền định;
 
“Cầm chung phận mệnh, quái đa tình đa sự độc chiếm tiên thanh”.
 
Trần Lê Nhân dịch:
 
“Nghiệm căn duyên trong mộng kia, biết rõ rằng miếng ăn miếng uống đều do số trời định trước;
 
Xem phận mệnh khúc đàn nọ; những quái lạ đa tình đa sự riêng chiếm tiếng đứng đầu tiên”.
 
Còn Phạm Quý Thích thì viết Đề từ Đoạn trường tân thanh in đầu bản Kiều Nôm do ông cho khắc ván. Đây là bài thơ luật “Vịnh Kiều” đầu tiên. Từ đó, Truyện Kiều trở thành đề tài ngâm vịnh trong môn sinh của Phạm, rồi lan rộng ra các tầng lớp nho sĩ.
 
*
 
Đề vịnh về các danh tác không phải là chuyện mới lạ. Nhưng hầu như cổ kim chưa có cuốn sách nào gây nên một phong trào đề vịnh rộng rãi, kéo dài ngót một trăm bảy mươi năm với số lượng thơ ca hàng nghìn, hàng nghìn bài như Truyện Kiều. Cho đến bây giờ và mãi mãi mai sau, Truyện Kiều, nhân vật Truyện Kiều, vẫn còn là đề tài thơ của nhiều thi sĩ Việt Nam và thế giới.
 
“Vịnh Kiều”, trong buổi đầu, chỉ là một lối tiêu khiển bằng văn chương của tầng lớp quý tộc nho sĩ. Nhưng “Vịnh”, chủ yếu lại là cách phát biểu quan điểm của mỗi người về tác phẩm, về cuộc đời. Khen, chê không phải để khen, chê mà là để biểu lộ cái chí của mình, cái tình của mình. Khen có mục đích, chê cũng có dụng ý, mặc dầu nhìn qua tưởng như là chuyện giải trí mà thôi.
 
Về nghệ thuật văn chương thì Truyện Kiều hầu như không có nho sĩ nào dám chê, kể  cả những ông vua đầy uy quyền và hợm hĩnh về tài học như Minh Mệnh. Tự Đức cũng hết lời khen áng văn chương không tiền khoáng hậu ấy.
 
Nhưng về nội dung tư tưởng Truyện Kiều thì ý kiến họ trái ngược nhau. Khen hết lời, chê cũng hết lời, không ai chịu ai.
 
Sau khi Phạm Quý Thích viết bài “Đề từ” thì Chu Doãn Trí, người học trò giỏi của ông, có bài “Vịnh Thúy Kiều” chống lại ý kiến của thầy, làm cho Phạm rất giận, thầy trò bất hòa, nhưng Chu vẫn không thay đổi cách nhìn nhận.
 
Khen Truyện Kiều là khen tài sắc nàng Kiều, khen lòng hiếu nghĩa của nàng, thương cảm cho mối tình và thân phận của nàng. Mặt khác, khen Truyện Kiều cũng là căm ghét bọn người đè nén, lừa đảo, đày đọa nàng Kiều, lên án cái xã hội đảo điên, cái chế độ thối nát bóp nghẹt quyền sống con người được miêu tả trong truyện.
 
Ấy cũng là đồng cảm, là đồng điệu với tác giả Truyện Kiều, là nhất trí với Nguyễn Du về cách nhìn, cách đánh giá con người và xã hội đương thời, cũng là đồng ý với Nguyễn Du về thuyết “tài mệnh tương đố”, về  thuyết “định mệnh”.
 
Những người chê Truyện Kiều, đúng hơn là chê nhân cách Thúy Kiều, nói chung đều nhằm mục đích bảo vệ thứ đạo đức tiết nghĩa phong kiến. Phái này chiếm số đông trong các nhà nho. Trong thâm tâm, chắc các cụ không đến nỗi ghét cay ghét đắng nàng Kiều, nhưng nặng đầu óc bảo thủ, cổ hủ, nên cái nhìn của các cụ thiên vị, lệch lạc.
 
Tư tưởng này thấm đến cả lớp bình dân:
 
Đàn ông chớ đọc Phan Trần,
 
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều!
 
Có thể coi các nhà nho Chu Doãn Trí, Nguyễn Hữu Khanh, Nguyễn Công Trứ là đại biểu.
 
Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các nhà nho yêu nước chê Kiều lại vì mục đích chính trị: Qua việc lên án Thúy Kiều mà vạch tội bọn tay sai của thực dân Pháp.
 
Tiêu biểu nhất là cuộc “đối thoại – đối đầu” bằng thơ “vịnh Kiều” giữa cụ Cử Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường.
 
Sáu mươi năm sau sự kiện trên, năm 1924, lại xẩy ra cuộc đấu tranh xung quanh Truyện Kiều giữa hai ông Nghè yêu nước Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh nhằm vạch mặt nhà học giả ngụy nấp dưới chiêu bài “bảo vệ quốc hồn, quốc túy”.
 
Cuộc tranh luận này làm chấn động dư luận cả nước. Lại một lần nữa, nàng Kiều chịu đòn oan. Chắc chắn cụ Cử Trị cũng như các cụ Nghè Ngô, Huỳnh không cố ý đánh nàng. Lũ hại dân, bán nước nấp sau bóng nàng để làm đĩ với Tây, thì các cụ phải đánh cho lòi mặt chúng ra mà thôi.
 
Ngày nay, ta thấy rằng do yêu cầu chính trị, các cụ thời trước đã không tính đến thái độ nhìn nhận của mình đối với tác phẩm Truyện Kiều, với nhân vật Thúy Kiều có đúng đắn, có hợp với quan điểm tiến bộ hay không.
 
Ngót 170 năm, từ những bài “Vịnh Kiều” đầu tiên của thầy trò Phạm Quý Thích đến Cách mạng tháng Tám 1945, không biết bao nhiêu người đã viết về đề tài này.
 
Dưới thời Minh Mệnh, Tự Đức, ngay giữa triều đình, vua quan nhà Nguyễn đua nhau ngâm vịnh. Vua Minh Mệnh có tập Ngự chế Vịnh Kiều. Tiến sĩ Hà Tôn Quyền liền làm tập Ứng chế Vịnh Kim Vân Kiều gồm 15 bài tuyệt cú và 30 bài lục bát bằng quốc âm.
 
Trò chơi văn chương cung đình này nhanh chóng lan đến các tầng lớp nho sĩ khác, trở thành phong trào rộng rãi và nhiều lúc rất sôi nổi.
 
Người ta đua nhau “Vịnh Kiều” để phát biểu một quan niệm, để gửu gắm một tâm sự, nhưng với nhiều người, chỉ là “để mà chơi”.
 
Từ đầu thế kỷ XX, người ta tổ chức thi thơ “Vịnh Kiều” truyền bá lối chơi tao nhã và cũng là để ru ngủ lớp sĩ phu, trí thức còn có chút u hoài về đất nước.
 
Sớm nhất và đáng chú ý nhất là cuộc thi thơ “Vịnh Kiều” do Tổng dốc Hưng yên Lê Hoan tổ chức năm 1905, có nhiều cự nho như Dương Bá Trạc, Nguyễn Tấn Cảnh, Nguyễn Kỳ Nam, Chu Mạnh Trinh v.v... tham gia. Lê Hoan còn mời được cả Nguyễn Khuyến làm chủ khảo. Đề tài thi là “vịnh 20 hồi Kiều”. Tập thơ của Chu Mạnh Trinh được lấy giải nhất.
 
Trước cách mạng, thơ văn “Vịnh Kiều” (và “Tập Kiều”) được đăng tải trên báo Nam Phong, Tri Tân, Phụ nữ tân văn, Tân Thanh tạp chí, An Nam tạp chí... Từ sau 1945, báo Văn Nghệ cùng nhiều báo chí các khu, các tỉnh và báo chí ở vùng Pháp tạm chiếm, ở miền Nam thời Mỹ - Ngụy như Văn nghệ tùng biên (HN), Phổ Thông tạp chí, Bách Khoa thời đại (SG)... vẫn tiếp tục giới thiệu nhiều thơ “Vịnh Kiều”.
 
Nhiều tác giả tìm cách in thơ “Vịnh Kiều” thành tập riêng, hay giới thiệu toàn tập trên các tạp chí. Nhiều người bỏ công sưu tầm, chép lại hay cho in các tập thơ “Vịnh Kiều” để truyền bá rộng rãi.
 
Tác phẩm “Vịnh Kiều” sử dụng đủ thể loại văn chương: biền văn, thơ lục bát, hát nói... nhưng hầu hết là thơ luật (bát cú, tứ tuyệt).
 
Thơ chữ Hán không nhiều nên số bài còn lại cũng hiếm. Thơ quốc âm (viết bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ) lại rất phong phú và được phổ biến rộng rãi, nhất là từ đầu thế kỷ XX trở đi.
 
Thơ “Vịnh Kiều” được đông đảo người đọc, người nghe ham thích, truyền tụng, nhất là của các tác giả có tầm cỡ như Phạm Quý Thích, Phan Văn Trị, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà v.v...
 
Mặc dầu có sự hạn chế của phạm vi đề tài, sự gò bó của thể thơ, hơn nữa đây chỉ là “trò chơi văn chương”, nhưng những bài, những tập thơ hay đều thoát ra khỏi khuôn sáo, đều có gửi gắm ý tưởng, tâm trạng riêng một cách sâu sắc, văn chương hoặc mực thước, hoặc phóng khoáng đều gợi được cảm xúc thực của mọi người.
 
Tuy nhiên, phần lớn là những bài thơ trung bình, có khá nhiều bài tầm thường, song phải nhận rằng trong trăm, nghìn bài thơ có năm, mười bài hay đã là quý, huống chi, trong phong trào sáng tác, số bài hay đã có tới hàng trăm.
 
Từ sau cách mạng 1945 đến nay, đề tài Truyện Kiều vẫn là thời sự. Môt số ít người tiếp tục làm thơ “Vịnh Kiều” theo lối cổ, nghĩa là vẫn làm thơ luật. Nhưng tất cả các thế hệ nhà thơ và quần chúng yêu thích văn chương thì sử dụng tất cả các thể thơ Việt Nam hiện đại để “vịnh”.
 
Các nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Huy Cận... và rất nhiều nhà thơ trẻ, đều có thơ về đề tài Truyện Kiều.
Thơ “Vịnh Kiều hiện đại” được mở rộng về nội dung, đặc biệt gắn chặt với đời sống, thể hiện tâm hồn nhân dân, dân tộc trong thời đại mới. Rất nhiều bài thơ “Vịnh Kiều” mới là những tác phẩm văn học xuất sắc.
 
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều thi sĩ nước ngoài cũng viết về Truyện Kiều, cũng “Vịnh Kiều”.
 
Rơ-nê Crây-xắc (René Crayssac) một học giả người Pháp sau khi dịch Kim Vân Kiều ra thơ Pháp, đã làm bài xon-nê (sonnet) Kim và Kiều. Đó là bài thơ “Vịnh Kiều” sớm nhất của người nước ngoài.
 
Những năm gần đây, chúng ta còn được biết một số bài thơ của các thi sĩ Hô-nô An-dra-dơ (Hung-ga-ri), Mu-ri-ơn Ru-kai-dơ, Rích-mân (Mỹ)... viết về đề tài này.
 
*
 
Cùng với lối thơ “Vịnh Kiều”, từ đầu thế kỷ XX, giới nho sĩ trí thức lại sáng tạo thêm lối làm thơ văn “Tập Kiều”
 
Phỏng theo những áng danh văn mà làm thơ “tập cổ” là chuyện ngày xưa thường có. Nhưng lối “Tập Kiều” thì thật là độc đáo.
 
“Vịnh Kiều” là lấy nội dung Truyện Kiều, lấy cảnh, lấy người trong truyện Kiều làm đề tài sáng tác. “Tập Kiều” thì mượn văn chương, chữ nghĩa Truyện Kiều để viết về bất cứ đề tài gì, chủ yếu là đề tài thời sự, hiện tại.
 
Theo Thanh Minh trong Thơ văn Tập Kiều (Ty Văn hóa Hà Tĩnh xuất bản, 1966) thì “Tập Kiều” thông thường có mấy cách:
 
- Nếu làm thơ lục bát thì có thể lấy luôn cả hai câu lục bát của Truyện Kiều, hoặc lấy câu lục bát chỗ này, câu bát chỗ khác, cùng vần và liền ý với nhau, ghép thành câu, rồi cứ thế, nối thành bài.
 
- Nếu làm thể song thất lục bát, thì hai câu thất có thể đặt lời mới, hoặc lấy chữ trong văn Kiều, còn hai câu lục bát thì phải tuân theo như trên.
 
- Nếu làm các thể khác như phú, văn tế, câu đối, thơ luật... thì... chọn một câu, nửa câu Kiều hay một số chữ liền nhau trong thơ Kiều (ít nhất là ba chữ) ghép thành câu mới, thích hợp với thể loại mình đang dùng; có thể đảo xuôi, đảo ngược một số chữ của câu Kiều được mượn; cũng có thể thay đổi hẳn, hoặc thêm bớt một số chữ cần thiết ở câu Kiều để nói được nội dung mới.
 
- “Tập Kiều” khác với dùng điển tích. Dùng một tiếng, một hình ảnh của điển tích nào đó thì ý nghĩa của tiếng, của hình ảnh ấy không thay đổi; còn dùng một câu Kiều vào bài “Tập Kiều” thì câu đó đổi ý nghĩa theo nội dung bài mới. Tóm lại, “Tập Kiều” là mượn câu, chữ có sẵn trong Truyện Kiều để nói về một nội dung mới mà mình muốn.
 
- “Tập Kiều” cũng khác với “Nhại Kiều”. “Nhại Kiều” là bắt chước giọng thơ, hơi thơ Kiều, đọc lên nghe na ná như câu Kiều, chứ không phải là nguyên văn câu thơ Kiều.
 
Văn thơ “Tập Kiều” không chỉ những người sính Kiều, thuộc Kiều, những người có chữ nghĩa ham thích, mà ai cũng say mê, vì nó gây liên tưởng đến thơ Kiều, và vì, như nhiều người nói, là loại văn chương tài tử.
 
Nhưng không phải cứ thuộc Kiều, nhớ Kiều thì làm được thơ, văn “Tập Kiều”. Trước hết phải là người biết làm thơ, văn, nghĩa là có năng khiếu, năng lực thật sự, lại phải hiểu thấu đáo thơ Kiều, biết vận dụng thơ Kiều một cách đúng đắn, tinh tế, sao cho đúng cảnh, đúng tình. Ngay cả nhiều bậc nho học uyên thâm, và có tài thơ, mà vẫn không dễ gì làm được.
 
Do vậy, số thơ văn “Tập Kiều” không nhiều như thơ văn “Vịnh Kiều”. Nhưng thơ văn “Tập Kiều” lại phong phú về thể loại: thơ ca lục bát, thơ luật, văn tế, câu đối, ca trù... và được vận dụng trên cả hai hướng trữ tình và trào lộng, hài hước.
 
Thể lục bát được dùng nhiều hơn cả. Các bài lục bát là những khúc ngâm, có khi dài tới mấy trăm câu, nói một cảnh ngộ, một tâm sự riêng, và thường là những bài hay.
 
Bài Tự thán của Nguyễn Thượng Hiền tiêu biểu cho loại này. Đây là tâm sự chân thành, là nỗi đau của một sĩ phu yêu nước đang phải “cúi đầu nép xuống sân mai” làm viên quan bù nhìn trong một triều đình bù nhìn! Tác giả như dồn nỗi uất hận vào câu thơ Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?.
 
Phan Bội Châu có bài Muôn đội ơn lòng tương truyền làm sau lúc bị Pháp bắt đưa về giam ở Hà Nội.
 
Tản Đà viết bài Viếng Kiều (vừa “Tập Kiều” lại vừa “Vịnh Kiều”) và một số bài khác đăng trên An Nam tạp chí.
 
Cao Huy Khương làm bài Ca ngợi Phan Bội Châu truyền bá trong nhân dân.
 
Và Trần Sĩ Dực soạn Bản trần tình dài 274 câu, sử dụng xấp xỉ một phần mười số câu trong Truyện Kiều v.v...
 
Thanh Minh, bạn vong niên của Trần Sỹ Dực, kể lại: Tác giả tỏ ra rất khoái chá về những đoạn văn nói tâm trạng khi ông bị đưa sang Pa-ri (Pháp):
 
Thuyền vừa đậu bến thảnh thơi,
 
Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây?...
 
... Đoái trông muôn dặm tử phần,
 
Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa.
 
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
 
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi...
 
Bên mảng thơ ca tâm sự, tâm tình, lại có mảng thơ châm biếm, đả kích:
 
Tương Giang thị Nguyễn Tiến vịnh một “me Tây”
 
Tuồng chi là giống hôi tanh,
 
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng.
 
Hở môi ra những thẹn thùng,
 
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
 
Trần Danh Đới, một chiến sĩ cộng sản, lại có bài thơ đả kích viên Tổng đốc Thái Bình, và cảnh cáo y:
 
...Rồi đây bèo hợp mây tan,
 
Biển sâu sóng cả có toàn được chăng?
 
Các thể thơ song thất lục bát, vè thơ luật không nhiều.
 
Thể song thất lục bát, đáng chú ý là bài Một bức tình thư (khuyết danh).
 
Thơ luật thì có bài ngũ ngôn bát cú Mừng bạn cưới vợ hai của Nguyễn Xuân Bách và bài thơ châm biếm thất ngôn bát cú Thân phận của Nguyễn Xuân Linh là hay hơn cả.
 
Thơ Kiều vốn rất hay và quen thuộc, dễ gây cảm hứng cho người đọc. Nhưng thơ “Tập Kiều” lại phải gò cho được câu thơ Kiều vào bài mới, nếu người sáng tác không có tài thì thường gượng gạo, không đạt ý, đạt tình nên hiếm bài hay.
 
Thể biền ngẫu (Phú, Văn tế, Tứ lục) dễ đạt hơn vì ít bị gò bó. Phải là người thật giỏi mới dám làm, nên tuy ít, mà lại có nhiều bài đạt, được phổ biến rộng rãi như Phú Thúy Kiều, Phú thuốc phiện, Phú hành cung của các tác giả khuyết danh, Văn Kim Trọng tế Thúy Kiều của Phạm Liệu, Văn tế chồng hay Văn tế ông Tú Vọng của Phạm Duật, Văn tế Học Mai của tác giả khuyết danh v.v... Thể “tứ lục” có Bài biểu Thúy Kiều của Nguyễn Đình Vân là đáng chú ý.
 
Thể “Hát nói” trong ca trù cũng được một số người sử dụng để sáng tác.
 
“Câu đối” là thể loại “nhẹ” nên nhiều người làm, (có người làm hàng chục câu), và số lượng lưu lại khá lớn, trong đó có nhiều câu hay.
 
Ngoài các hình thức, thể loại văn chương bác học, còn có cả những câu, những bài “tập Kiều” sử dụng hình thức sáng tác dân gian, như bài Một lời trân trọng của Đặng Văn Đức làm theo thể hát giặm...
 
Truyện Kiềuvốn đã được yêu thích và phổ biến rộng rãi. Thơ văn “Vịnh Kiều”, “Tập Kiều” cũng góp một phần quan trọng vào việc phổ biến Truyện Kiều trong dân gian.
 
Cuối cùng, cũng cần nhắc lại rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ của chúng ta, rất trân trọng giá trị Truyện Kiều (và Chinh phụ ngâm...). Người thuộc, hiểu Kiều, thường khuyên dạy cán bộ đọc Kiều, học Kiều. Khi nói và viết, Người cũng thường vận dụng linh hoạt, sắc sảo thơ Kiều theo lối “Lẩy Kiều”, “Tập Kiều”. Một số cán bộ gần Người, như luật sư Phan Anh, cũng sành dùng lối “tập Kiều”...
 
Theo Thái Kim Đỉnh/Văn hóa Nghệ An

Di sản văn hóa