nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Độc đáo Trò Kiều


Truyện Kiều của Nguyễn Du là thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều, được chuyển thể ra nhiều loại hình dân ca diễn xướng nhất và tồn tại trong lòng người dân lâu nhất. Trò Kiều đã neo đậu trong tâm hồn người dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bấy nhiêu năm, song đời sống càng hiện đại bao nhiêu thì nhân dân càng khát khao phục dựng và gìn giữ loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này bấy nhiêu...
 
Di sản sống trong lòng dân
 
Trò Kiều có không gian diễn xướng ở cả 3 miền của đất nước, đối với nhân dân xã Tiên Điền (Nghi Xuân) – nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Du thì trò Kiều luôn sống trong lòng họ không phải vì thiếu cái để diễn, để hát, cũng không phải diễn trò Kiều để kiếm tiền...mà vì đam mê Truyện Kiều.
 
Về điều này, GS Phong Lê đã nhận định: "Có lẽ hơn bất cứ thời nào trong lịch sử hơn 200 năm đã qua, thời hiện đại, tức thời chúng ta đang sống đã làm được rất nhiều cho Nguyễn Du. Bởi, di sản Nguyễn Du luôn luôn sống động trong thời hiện đại”. Trò Kiều là loại hình nghệ thuật được tác ra từ Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong đó lời ca được pha trộn giữa cải lương, tuồng, chèo, ngâm, lẩy...Kiều với dân ca Nghệ Tĩnh, ca Trù...Trò Kiều được kết hợp tổng hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi vẫn xoay quanh Truyện Kiều.
 
Tại xã Tiên Điền, có lẽ đến nay trò Kiều vẫn được ưa chuộng hơn bất cứ loại hình nghệ thuật quần chúng nào khác, trò Kiều vừa mang tính dân gian, vừa bác học lại mang tính giáo dục rất cao.
 
Tìm đến với vợ chồng ông Nguyễn Mậu và bà Nguyễn Thị Phượng, chúng tôi mới thấy trò Kiều thấm đẫm trong lòng công chúng như thế nào.
 
Dù tuổi đã xấp xỉ 70 nhưng tâm hồn của hai ông bà thì nằm ngoài tuổi tác, bởi trò Kiều đã ngấm vào trong máu của ông bà từ tấm bé. Là tộc trưởng của dòng họ Nguyễn, ông Nguyễn Mậu vẫn luôn canh cánh trong lòng là phải làm gì đó để lưu giữ giá trị văn hóa của dòng họ mình. Ông chia sẻ: "Từ những năm 1930 đến 1957, trò Kiều hình thành và phát triển rực rỡ ở Nghi Xuân, nhưng sau đó do chiến tranh nên kịch bản đã thất lạc. Dưới sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Ban (nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Nghi Xuân) tôi đã sưu tầm và sáng tác lại trò Kiều. Vợ tôi là bà Phượng hát hay nên được chọn làm Kiều, nhờ vậy mà mỗi khi có đoạn nào khúc mắc thì hai vợ chồng thảo luận. Câu lạc bộ (CLB) trò Kiều xã Tiên Điền được thành lập là nhằm lưu giữ lại trò Kiều cho thế hệ sau.
 
Ở Tiên Điền, không chỉ đội trò mới thuộc lời mà khán giả đi xem cũng thuộc nằm lòng 245 trích đoạn trò Kiều. Bà Phượng cho biết: "Cứ tối đến nổi trống trò Kiều, mắc chi thì mắc (bận gì thì bận) dân đổ xô đến xem rất đông. Người dân họ thích trò Kiều lắm, mỗi khi đi cấy, gặt, đan lát...là họ lại ngân nga câu Kiều trên môi. Ngẫm lại thời kỳ đó mà lòng thấy vui”.
 
"Thiếp đứng ngoài nghe chuyện đã lâu, sao quân tử đa sầu chi lắm bấy, sự trước sau xin chàng sẻ dạy, cho thiếp đây biết được sự tình/Có việc gì đâu em, anh đây có thúc phụ người đã hoàn quy lương cửu tử trường hoa, anh khuyên em trở gót lại nhà/Thiếp nghe lời chàng nói, dạ thiếp những thương thay, tưởng ngờ là cả nước sum vầy, chẳng hóa ra đôi ngã nước mây, thiếp luôn những rày trông mai nhớ… (trích đoạn "Từ biệt”) - Bà Phượng cất giọng đằm thắm, thiết tha, lúc bà hát thì ông Mậu và em gái đang ngồi bứt lạc cũng ngân theo, thế mới biết họ yêu trò Kiều đến mức nào.
 
Khát khao có nhiều đất diễn
 
Một thời trò Kiều quảng đại là vậy nhưng nay, như lời ông Mậu thì "tùng khi nào thì cắc khi đó”, nghĩa là cần thì mới diễn. Để khôi phục được như thời kỳ thịnh vượng trước đây không phải là điều dễ.
 
Để diễn được một vở Kim Vân Kiều thì đòi hỏi nhiều điều, trước hết là nhân vật, ít nhất phải có 20 diễn viên mới đủ cho vở diễn, với đội ngũ các CLB như hiện nay thì mỗi thành viên có khi phải đóng ba đến bốn vai. Vai Kiều là khó nhất vì đòi hỏi cả sắc lẫn tài, có sắc nhưng không biết hát cũng hỏng mà hát được nhưng sắc kém thì cũng không thể chọn. Trước đây, người ta quan niệm đóng vai Tú Bà, Thúy Kiều, Thúy Vân sẽ khó lấy chồng nên đấng "mày râu” phải xâu lỗ tai để đóng. Hiện nay thì quan niệm đó đã đỡ hơn nhiều, nhưng ở Tiên Điền, vai Tú Bà vẫn do đàn ông đóng. Mặt khác, trang phục của diễn viên rất cầu kỳ, nào là trâm cài lược dắt, nào là sơn son thiếp vàng... Bởi vậy trong một vùng để chọn ra được một đội trò Kiều là rất khó.
 
Thực tế hiện nay chỉ diễn được một trích đoạn nào đó chứ không thể diễn được cả trò vì không đủ diễn viên. Anh Trần Đức Bình, bí thư đoàn xã Tiên Điền cho biết: "Trong xã chỉ có tôi là đóng được vai Kim Trọng và chị Trần Thị Giang thì đóng vai Thúy Kiều, chúng tôi đã ngoài 30 tuổi cả rồi nhưng vẫn chưa tìm được người thay thế”. Nhân dân Nghi Xuân rất mặn mà với trò Kiều nhưng để "giữ chân” được diễn viên thì đòi hỏi phải có chế độ thường xuyên, thỏa đáng cho họ, tuy nhiên điều này vẫn đang bỏ ngỏ.
 
Văn hóa nghệ thuật vừa là cầu nối, vừa trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, văn hóa phát triển thì kinh tế cũng phát triển. Theo ông Nguyễn Ban, giải pháp để trò Kiều hưng thịnh như trước đây thì: "Chính quyền các cấp phải khẳng định được đó là một di sản văn hóa và phải trân trọng, đầu tư để thu hút được người thưởng thức. Từ đó mới mang lại được giá trị kinh tế thông qua thương mại dịch vụ.
 
"Đối với trò Kiều, mình thì mến mộ giá trị nghệ thuật còn dân thì khao khát được nghe, được sống với không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vậy nên việc bảo tồn những giá trị văn hóa của tổ tiên là điều hết sức cần thiết”- ông Ban nhấn mạnh.

Theo Hạnh Nguyên/ Đại đoàn kết


Di sản văn hóa