Truyện Kiều tức Đoạn trường tân thanh của thi hào Nguyễn Du là tác phẩm văn học kiệt xuất nhưng nguyên tác đã bị thất lạc đến nay chưa tìm thấy.
Các bản Kiều còn lại đến nay đều là những bản đã được in lại hoặc chép tay sau khi Nguyễn Du mất khoảng nửa thế kỷ nên có nhiều sai sót nhầm lẫn. Giữa các bản đó thường không đồng nhất mà có nhiều câu, chữ khác nhau, gọi chung là các dị bản. Các dị bản đã làm tác phẩm biến đổi đến mức nhiều khi rất khó nhận dạng. Điều đó khiến những người yêu mến tác phẩm chưa thấy thỏa mãn.
Trong lúc chưa tìm được bản gốc thì việc tìm cách hiệu đính để có một văn bản càng gần nguyên tác càng tốt là một nhu cầu thực tế. Công việc này đã bắt đầu từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIX và được tiếp tục khá đều đặn bởi những người yêu thích tác phẩm. Các công trình hiệu đính từ trước đến nay thường là theo thuyết lời truyền và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa hóa giải hết cái bất hợp lý, nhiều khi người hiệu đính vẫn phải dùng cách cưỡng giải.
Việc tiếp cận nguyên tác Truyện Kiều chỉ duy nhất theo một quan điểm, bằng một phương pháp như vậy đã tỏ ra là chưa được toàn diện, khó tránh khỏi cái nhìn phiến diện . Đặc biệt là một số văn bản mới sưu tầm được đã chứng tỏ thuyết lời truyền có điểm thất thực. Thực tế đó đòi hỏi người nghiên cứu phải tìm thêm những phương pháp mới, nhìn nhận vấn đề từ nhiều hướng khác nhau để bổ sung, đối chứng nhằm giúp cho quá trình tiếp cận nguyên tác được hoàn thiện hơn.
Chúng tôi đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm tiếp cận tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du với quan điểm coi tác phẩm là sự hội ngộ giữa hai phong cách hàn lâm và bình dân trong cuốn Tìm hiểu truyện Kiều, Nhà xuất bản Nghệ An năm 2004.
Cuốn so sánh dị bản truyện Kiều này là phần tiếp theo trên hướng đó. Kết cấu sách gồm ba phần.
Phần thứ nhất: Tìm về quá khứ. Xuất phát từ việc tìm hiểu các tư liệu ở chương I và việc khảo sát văn bản ở chương II để ức đoán về nguồn gốc các bản ở chương III và tìm phương pháp hiệu đính thích hợp trình bày ở chương IV.
Phần thứ hai: Chọn dị bản, sẽ trình bày cùng bạn đọc việc phân loại dị bản ở chương V, việc so sánh và chọn câu, chọn chữ cụ thể ở chương VI rồi sử dụng kết quả đó để xác định giá trị của các bản Kiều hiện có ở chương VII.
Phần thứ ba: Văn bản và chú thích. Văn bản là kết quả của bước chọn dị bản ở chương VI. Phần chú thích ngoài yếu tố kinh điển vốn đã được nhiều học giả tiền bối quan tâm, chúng tôi cố gắng chú thích để làm rõ yếu tố bình dân trong tác phẩm.
Phương pháp hiệu đính mà chúng tôi trình bày cùng bạn đọc trong cuốn sách này là lần đầu tiên nên chắc chắn còn chưa thể hoàn thiện. Chúng tôi chỉ dám mong được bạn đọc coi như một thử nghiệm với mong muốn được góp đôi điều để bổ sung cho phương pháp truyền thống .Rất mong được sự chỉ giáo để cuốn sách ngày càng hoàn thiện hơn.