nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Nhà sàn Bác Hồ - Di sản kiến trúc, di sản văn hóa


Ngôi nhà sàn cùng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nó không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, mà còn là một di sản kiến trúc, di sản văn hóa của Việt Nam.

Nhà sàn Bác Hồ - Di sản kiến trúc, di sản văn hóa

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người (từ ngày 19 tháng 12 năm 1954 đến ngày 02 tháng 9 năm 1969), đồng thời là trụ sở làm việc của Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945).

Trong 15 năm sống tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách cam go ác liệt để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới.
Tổng diện tích Khu lưu niệm rộng hơn 10ha, gồm hệ thống nhà cửa, sân, vườn, thảm cỏ, ao cá, đường đi, trong đó nổi bật là 3 điểm di tích thành phần: Nhà 54, Nhà sàn của Bác và Nhà 67.

Nhà 54

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc tại ngôi nhà này trong khoảng thời gian gần 4 năm (từ tháng 12 năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958). Sau đó, Người chuyển sang ở ngôi nhà sàn, được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch, nhưng Người vẫn trở về nơi đây để dùng cơm hàng ngày và khám sức khoẻ định kỳ. Bởi vậy, Nhà 54 vẫn là nơi gắn bó với cuộc sống thường nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời.

Nhà 54 có ba phòng, phía giáp ao là phòng làm việc và cũng là nơi Người tiếp khách, ở giữa là phòng ăn, kế tiếp là phòng ngủ.

Tại phòng ăn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày một bộ đồ ăn Người thường sử dụng hàng ngày. Trong phòng ngủ, đồ dùng sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thật đơn giản, như mọi người dân bình thường: một bộ bàn ghế để Người đọc sách ban đêm, một chiếc giường nhỏ đơn giản không kiểu cách, cầu kỳ, một chiếc tủ đựng quần áo - trong tủ chỉ có vài ba bộ quần áo Người mặc hàng ngày và bộ quần áo kaki Người dùng khi tiếp khách hoặc đi công tác...

Tổng số tài liệu hiện vật ở trong Nhà 54 gần 400 đơn vị, riêng hiện vật thuộc chất liệu giấy đã có hơn 300 đơn vị. Có thể coi đây là những bằng chứng xác thực nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ, xúc động nhất về một cuộc sống thường nhật hết sức thanh bạch, giản dị, nhưng ngăn nắp, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà 67

Ngôi nhà này nằm phía sau Nhà sàn (cách khoảng 30m), được khởi công xây dựng ngày 1/5/1967, khánh thành ngày 20/7/1967. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường họp với Bộ Chính trị, cũng là nơi Người làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (1967 - 1969), nơi Người chữa bệnh và qua đời, nên thường được gọi là Nhà 67 hoặc DK2.

Vào năm 1967, cuộc phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng nhiều khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau Nhà sàn một ngôi nhà kiên cố, phía bên phải có hầm phòng không, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Người khi máy bay Mỹ bắn phá bất ngờ. Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ ở Cục Công trình, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng công trình này. Tường nhà dầy hơn 60cm, trần nhà dày hơn 1 mét, đều được làm bằng bê tông, cốt thép…

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận ngôi nhà này cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng làm nơi họp Bộ Chính trị, làm việc với các đồng chí Trung ương để bàn những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ ngày 25/8/1969 trở đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, diễn biến bệnh tình mỗi ngày một xấu và phức tạp. Theo quyết định của Bộ Chính trị, Nhà 67 trở thành nơi điều trị bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành đều tập trung về đây để chăm lo sức khoẻ cho Bác. Vì tuổi cao, sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Chiếc đồng hồ trên tủ nhỏ ở cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại thời khắc Người đi xa: 9 giờ 47 phút, ngày 02/9/1969.

Hơn bốn mươi năm qua, trong ngôi nhà này, gần 100 tài liệu, hiện vật vẫn được gìn giữ, xếp đặt vẹn nguyên như xưa, luôn gợi lại những hoạt động và những vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang quan tâm trong những ngày cuối đời của Người.
Nhà sàn của Bác

Năm 1954 từ Việt Bắc trở về Hà Nội, từ chối không ở ngôi nhà của toàn quyền Đông Dương Pháp để dành làm nhà tiếp khách cho Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của người công nhân thợ điện. Người ở đây từ 19/12/1954 đến tháng 5/1958. Sau chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi nói với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên kia bờ ao để ở và làm việc cho thoáng. Theo ý Bác, mùa hè năm 1958, Cục thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần đã thi công ngôi nhà này. Kiến trúc sư là ông Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc. Trước khi thiết kế, Bác đã trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh. Người nói: làm giống như ngôi nhà sàn Bác đã ở chiến khu Việt Bắc nhưng bằng gỗ. Tầng trên có hai phòng nhỏ, mỗi phòng vừa đủ để cho một người ở. Bác có ý định để Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở một phòng, Bác ở một phòng. Nhưng khi làm xong, vì Thủ tướng tiếp nhiều khách sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác nên xin phép được tiếp tục ở ngôi nhà cũ. Bác căn dặn kiến trúc sư rất cụ thể: Cần làm hành lang chung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi và khi Bác làm việc, các đồng chí phục vụ đi lại không ảnh hưởng đến Người. Bác nói: Lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng. Người nhắc nhở: Nhà làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi. Sau khi được Bác góp ý, bản vẽ thiết kế đã nhanh chóng hoàn thành và đi vào thi công. Trong thời gian Bác đi công tác, đội thi công 30 người lính công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành ngôi nhà vào ngày 1/5/1958. Vào dịp sinh nhật năm 1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17/8/1969. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc: dài 10,5m rộng 6,2m, có hai tầng, tầng trên có hai phòng: mỗi phòng rộng trên dưới 10m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông. Tầng dưới là nơi Bác Hồ thường làm việc về mùa hè, nơi họp Bộ Chính trị quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, nơi tiếp khách thân mật.

Ngôi nhà sàn cùng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

 

Khu di tích cũng là nơi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức các cuộc đón tiếp các đoàn khách quốc tế, gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), khu vực Phủ Chủ tịch đã sớm được hình thành là một di tích lịch sử-văn hóa-danh nhân. Ngày 25/11/1970, Bộ Chính trị Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 206-NQ/TƯ. Điều 2, Nghị quyết có ghi rõ: “Bảo quản tốt khu lưu niệm các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Hiện nay, gần 250 tài liệu của Bác và toàn bộ kiến trúc, khuôn viên của Nhà sàn vẫn được bảo quản, giữ gìn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở đây.

Trên suốt chặng đường 46 năm tồn tại, như minh chứng cho chân giá trị lịch sử của một vĩ nhân-một dân tộc, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch mà điểm nổi bật, đặc trưng là ngôi nhà sàn Bác Hồ ở và làm việc, với đầy đủ ý nghĩa quan trọng và lớn lao không những đã trở thành một địa danh trên bản đồ hành hương mà còn đọng lại ấn tượng sâu đậm trong triệu triệu trái tim con người.

Theo TH/Cinet.vn


Di sản văn hóa