nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Tranh thờ - một nét di sản văn hóa trong mỹ thuật cổ của người Việt


Tranh thờ là nội dung quan trọng nhất trong mảng tranh dân gian của người Việt; thường được dùng trong nghi lễ, thờ cúng. Tranh thờ mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng. Tranh có lối bố cục lạ, màu sắc tranh thờ là màu tự nhiên, mang tính ước lệ, biểu trưng nhiều hơn là tả thực. Trong số các tranh thờ sưu tập được, đa phần của các dân tộc thiểu số, còn của người Kinh lại rất ít. Vậy, bài viết này xin được điểm qua một vài vấn đề về tranh thờ của người Việt (hay còn gọi là người Kinh).

Có thể nói hầu hết các tôn giáo đều dùng tới tranh thờ, như Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Đạo giáo… Tuy nhiên, với tín ngưỡng dân gian thì tranh thờ chỉ thấy ở một số hình thức tín ngưỡng đã tương đối phát triển, nhất là các tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của các tôn giáo hay là chính xác tôn giáo bị “dân gian hóa”. Đối với người Việt, đó là các hình thức thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Thần, thờ các Vật linh, Phật giáo dân gian, Đạo giáo dân gian… Loại tranh thờ này là một trong hai loại hình chủ yếu của dòng tranh dân gian và cũng là dòng tranh cổ của nước ta: Tranh thờ và Tranh Tết.

Thực ra ranh giới giữa tranh thờ và tranh tết cũng không thật rõ ràng. Bởi vì tranh tết vừa để trang hoàng ngày tết cho đẹp nhà cửa nhưng đồng thời cũng là để thờ. Ở đó chưa đựng những ngưỡng vọng, ước mơ mang tính tâm linh: Lộc, Thọ, Khang, Ninh, chứ không thuần túy là để trang trí cho vui mắt. Một loại tranh nữa cũng được các nhà nghiên cứu nhắc tới, đó là tranh về chủ đề lịch sử, trong đó có chủ yếu là những nhân vật lịch sử: Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi… Suy cho cùng, đó cũng là loại tranh treo để chiêm ngưỡng, thờ phụng. Vì vậy, thờ các anh hùng dân tộc là một loại tín ngưỡng khá tiêu biểu của người Việt.

Nguồn gốc

Khởi thủy của tranh thờ có lẽ từ rất xa xưa, tuy nhiên nếu đề cập tới tranh thờ dân gian thì tiền thân của nó có lẽ là các loại “tranh” bùa (như Hà Đô, Bát Quái, Tử vi, Thiên ất…) dùng để trấn trừ ma quái, các bức tranh của Phật giáo và Đạo giáo bị “dân gian hóa” như Thập điện, Tam thanh…, được thể hiện theo phong cách dân gian. Ngay các bức tranh con vật, như Ngũ Hổ, Bạch Hổ, Gà… cũng xuất phát từ niềm tin là các con vật đó có thể xua đi cái rủi ro, đen tối, ma quỷ. Rồi các bức tranh kết hợp chữ và hình tượng trang trí cài thêm hoa lá, mang tính nghi lễ khai bút đầu năm của các nhà Nho, cũng là khởi thủy của loại tranh tết để thờ và trang trí cho đẹp vào dịp đầu năm.

Các loại “tranh thờ” đầu tiên, như tranh bùa, tranh các vật linh… ban đầu mang tính đồ họa hơn là tranh. Như thế có thể nói, nguồn gốc ban đầu của tranh dân gian, nếu không phải là tất cả thì phần lớn cũng xuất phát từ tranh tôn giáo, tín ngưỡng.

Bộ tranh “Thánh Cung vạn tuế” của đền Độc Lôi, Nghệ An, hiện được trưng bày tại BTLSQG.

Các dòng tranh thờ của người Việt

Cũng như tranh dân gian nói chung, tranh thờ “gắn bó” hay nói khác đi là sản phẩm của các địa phương. Ở đó ta nhận ra cả những nét chung cũng như các sắc thái riêng địa phương. Ở người Việt, nói đến loại tranh thờ, trước nhất người ta nhắc đến hai trung tâm lớn, đó là hàng Trống và Làng Sình, sau đó mới là Đông Hồ, Kim Hoàng và một số nơi khác.

Hàng Trống (Hà Nội) xưa là thuộc đất cũ của thôn Tự Tháp, tổng Tiêu Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ dùng trong các sinh hoạt tín ngưỡng ở các đền, phủ của Đạo giáo, nhất là tranh thờ của Đạo Mẫu, như tranh Tứ Phủ, chúa Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Ngũ Hổ, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưới rắn (lốt), Bà chúa Ba, Đức Thánh Trần… Ngoài ra còn có các tranh của tín ngưỡng Đạo giáo khác như Bát Tiên Đáo Hải, Huyền Đàn… Các loại tranh thờ - trang trí thể hiện ước vọng phúc lộc – an khang của nhân dân, nhất là thị dân, như tranh Tam Đa, Tử tốn vạn đại, thất đồng, lưỡng nghi tứ tượng… Như vậy, kể cả phong cách và chủ đề thì tranh Hàng Trống đều có sắc thái riêng.

Làng Sình (Lại Ân) thuộc xã Phú Mẫu, huyện Phú Vang (nay là Hương Phú) cách Huế không xa, khoảng bảy dặm về phía Đông Bắc. Tranh làng Sình chủ yếu là tranh thờ, tranh tín ngưỡng. Có mấy loại chính sau đây: Bộ tranh thờ gia tiên xua đuổi ma tà, cầu mong sự may mắn, an khang trong gia đình. Đó là các tranh Táo quân, Tiên sư, Thổ công, ông Điện, các tranh khí dụng: Bộ cung tên, tranh hổ trắng, hổ vàng, ngựa… Bộ tranh cầu cho gia súc, gia cầm tránh được dịch bệnh, như tranh lợn, trâu, bò, heo… đốt cúng “ông chuồng”, “bà chuồng” vào dịp đầu năm hay lúc gia súc bị ốm đau, dịch bệnh. Bộ tranh bản mệnh của phụ nữ, gồm tranh bà, cũng có lúc nam giới cũng thờ tranh ông. Đó là hình ảnh bà cưỡi trên lưng voi hay ngự trên đài cao, hai bên có thị nữ cầm quạt đứng hầu. Tranh này không đốt sau khi cúng mà thường treo trên xà nhà gọi là tranh bổn mạng. Tranh cúng khi phụ nữ mang thai, cầu mong cho “mẹ tròn con vuông” gồm các tranh: Diêm Vương, Mẫu Thoải, Tam vị Phạm Tinh (Phạm Nghinh, Phạm Đạt, Phạm Nhan), ông Đốc, Đức ông, phường Bát âm, chậu hoa, voi, ngựa…Tranh thế mạng là người lớn hay trẻ em, gọi chung là con ảnh. Ngoài ra, trong bộ này còn có hai ông Điệu, bọ khí dụng, một con ngựa và trăm quan tiền. Tranh cầu cúng cho trẻ em ăn ngoan, chóng lớn, tránh bệnh tật ma tà quấy phá: tranh Bà Cần Thát, ông Phạm Thiên Vương, Thập nhị thần (tức mười hai con vật tượng trưng cho mười hai năm), tướng bắt đi trẻ… Các loại đồ mã áo ông, áo bà, áo binh, tranh cọp… dùng khi làm lễ cầu cúng cho người đi rừng, đi biển tránh sự đe dọa của sóng gió ngoài khơi, của mãnh thú trên rừng… Tranh làng Sình là tranh khắc gỗ, chỉ có một ván in lấy nét hình và những mảng đen, có in trên đèn xong là hoàn chỉnh, có điểm xuyết thêm một vài vạch mẫu, có tranh vẽ màu nhiều hơn, tuy nhiên không bao giờ kín hết màu trong hình, mà ít nhiều vẫn giữ lại một số mảng nguyên màu giấy mộc. Các mảng mẫu đều vẽ tay, tự nhiên, năm màu tượng trưng cho ngũ hành.

Cạnh Huế, còn có làng Chuồn (An Truyền), cùng huyện với làng Sình, chuyên làm tranh trướng, đối, liễn…, tức là một kiểu tranh đồ họa chịu ảnh hưởng nhiều các trang trí màu của tranh Trung Quốc: in trên giấy vàng có điểm lấm tấm nhũ vàng. Loại tranh này nặng tính trang trí theo nguyên tắc: lòng điếu – kế lục chỉ vàng (lòng đỏ, biên lục, méo vàng). Mỗi bộ như vậy có từ bốn hoặc sáu tấm liên hoa trang trí nền, ở giữa là bức đại tự Phúc – Lộc – Thọ. Trong lòng nét chữ người ta trang trí vẽ tay hình tứ linh (long, lân, quy, phượng) với các màu xanh – vàng – đỏ. Biên lục bởi bên ngoài lòng điếu được trang trí mô típ đồ cổ, Bát Bửu in theo kiểu chồng xếp nhau. Ngày Tết người ta mua liễn này trang trí vách chính, nơi thờ gia tiên, sắp Tết người ta lột bức liễn cũ thay bức liễn mới. Loại tranh thờ này tuy còn làm, nhưng ít người mua, nên nghề cũng dần mai một.

Ngoài hai trung tâm chính làm tranh thờ của người Việt, ta còn thấy các nơi làm tranh dân gian khác cũng có in tranh thờ, như Đông Hồ, Kim Hoàng.

Đông Hồ là làng làm tranh tết  nổi tiếng nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài tranh sinh hoạt mang tính giải trí, như canh nông, chợ quế, cưỡi trâu thả diều, thổi sáo, đấu vật, trê cóc, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen… thì Đông Hồ cũng in loại trang trí – thờ chứa đựng yếu tố tín ngưỡng, như: Gà Đại Cát, Vinh Hoa, Phú Quý, Bà Triệu, Ông Tơ, Bà Nguyệt, Tiến Lộc, Tiến Tài, Huyền Đàn, Tướng canh cửa…

Một làng tranh khác phổ biến ở Xứ Đoài là tranh Kim Hoàng, sản xuất ở làng Kim Hoàng và Vân Canh (Hoài Đức – Hà Tây). Tranh Kim Hoàng còn được gọi là tranh đỏ, vì in tranh trên giấy hồng điều và giấy tàu mua của nước ngoài. Ngoài các chủ đề giống như tranh làng Hồ, Kim Hoàng cũng vẽ tranh thờ như tranh Ông Táo, Ông Công, Tiên sư vị (ông sư) Tiến Tài, Tiến Lộc…

Ở Nam Bộ có loại tranh khắc gỗ dân gian gọi là đồ thế giống như tranh ở Huế. Người ta mua tranh về cúng dâng sao, giải hạn sau đó đốt đi. Loại tranh này in nét trên nền giấy đỏ, đường nét mộc mạc, đơn sơ, tạo hình đơn giản, in trải trên mặt tranh. Đó là các tranh Thánh Mẫu Thiên Phủ (Liễu Hạnh), Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Thủy cung, Thập nhị thời thần sát, thể hiện dưới hình thức mười hai viên quan mặc áo đỏ đứng cạnh nhau hay vẽ thành hình mười hai con vật: chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ…

Đến nay, ở một số đền, chùa của người Việt người ta còn lưu giữ một số tranh thờ rất gần với tranh dân gian, mà theo các nhà nghiên cứu các tranh đó đều là tranh có niên đại khoảng thế kỷ XVIII trở đi. Đó là các bức tranh Thập Điện ở chùa Thầy, Long Đầu, Bến Ngọc (Hà Sơn Bình), chùa Ngang (Nghệ An), Tây Mỗ (Hà Nội) và Vũ Di (Vĩnh Phúc), Bộ tranh Tứ phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ, Dương Phủ), tranh Tam Thân (Phật - đà - gia, đạt – ma – gia và tăng – già – gia), tranh Bồ Tát, ông thiện – ông ác ở chùa Ngang (Vũ Di). Tuy các tranh này chưa có xác định rõ thuộc dòng tranh nào trong các dòng đã nêu trên, nhưng nó rất gần gũi với tranh dân gian.

Phân loại tranh thờ

Tranh thờ cúng các vị thần linh bảo trợ cho gia tộc: Loại tranh này khá phong phú về kiểu dạng như thờ tổ tiên, thần bếp, thần bản mệnh, Thần tài, lộc, thần tình duyên (ông Tơ – bà Nguyệt), các loại bùa trấn giữ ma tà…

Loại tranh cầu tài, cầu lộc, cầu duyên như các bức tranh tiến lộc, tiến tài treo vào dịp tết, đầu năm. Đó là hình ảnh hai vị thần tài và lộc, mặc áo thụng xanh mũ cánh chuồn, một tay cầm vương trượng, tay kia cầm biển ghi chữ “Tiến tài”, “Tiến lộc” (tranh Đông Hồ). Cũng thuộc dòng tranh này còn có thể kể các tranh “phú quý”, “vinh hoa” vẽ em bé ôm gà trống và ôm vịt. Các bức tranh “ông Tơ” và “bà Nguyệt” vẽ bảy em bé leo cây đào hái quả, cầu mong cho con cái đông đàn, trường sinh bất lão, tranh “tử tôn vạn đại”, “lưỡng nghi sinh tứ tượng”… cũng thuộc loại tranh này.

Loại tranh bản mệnh, như tranh tượng bà trông giữ bản mệnh của phụ nữ (tranh làng Sình). Tranh Bà ngồi trên mình voi, hai bên có hai thị nữ cầm quạt đứng hầu. Tranh tướng ông trông giữ bản mệnh cho đàn ông. Tranh trông giữ bản mệnh của trẻ em, vẽ bà Càn Thát mặc áo đỏ, ngồi vắt vẻo trên cây có nhiều hoa đủ màu sắc. Các loại tranh thế mạng vẽ hình người lớn và trẻ em, gọi là con ảnh, cúng thế mạng cho người sống, cầu cúng tai qua nạn khỏi, thân thể được yên bình.

Các tranh “Vũ Đình – Thiên ất” (thần canh cửa), “Huyền Đàn trấn môn”, “Tử vi trấn trạch” vẽ các vị thần đứng cạnh chắn giữ ma tà không để thâm nhập vào nhà.

Nói chung loại tranh thờ cúng các vị thần linh bảo trợ cho gia tộc, thể hiện ước vọng yên vui, hạnh phúc gia đình như kể trên là rất phong phú, gắn liền với quan niệm về nhân sinh của con người.

Loại tranh thờ vẽ về các nhân vật huyền thoại và các nhân vật lịch sử: Các nhân vật huyền thoại cũng như các nhân vật lịch sử là một mảng chủ đề khá phong phú của tranh dân gian làng Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng của người Việt. Loại tranh này không phải chủ yếu dùng trong nghi lễ, thờ cúng, nhưng cũng không phải thuần túy là tranh giải trí, mà nó thuộc một loại hình tín ngưỡng thờ cúng, chiêm vọng các vị anh hùng dân tộc.

Tranh chân dung Nguyễn Trãi tại BTLSQG - Bản phục chế từ tranh thờ của đền thờ Nguyễn Trãi, làng Nhị Khê, Hà Tây.

Loại tranh này phong phú nhất là ở người Việt. Tranh vừa mô tả các nhân vật lịch sử vừa kết hợp thể hiện sử tích gắn bó với các nhân vật đó, như tranh: “Lạc Long Quân và Âu Cơ”, thủy tổ của dân tộc Việt, Tranh “Sơn Tinh và Thủy Tinh” mô tả cuộc chiến tranh giữa Sơn thần với Thủy thần để dành Mỵ Nương, tranh “An Dương Vương xây thành Cổ Loa” gắn với sự tích Nỏ thần do thần Kim Quy dâng. Tranh “Triệu Quang Phục” (Triệu Việt Vương), “Bà Triệu cưỡi voi” hay “Bà Triệu trục Ngô Quân”, thể hiện hình tượng người nữ anh hùng cưỡi trên mình voi dữ, dù tay không cầm vũ khí nhưng vẫn thể hiện khí phách anh hùng. Tranh Quang Trung (Nguyễn Huệ) với hình thức một võ tướng mặc áo giáp trụ, tay cầm giáo, cưỡi ngựa hồng. Còn hàng loạt các bức tranh về các nhân vật lịch sử nữa: “Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân”, “Trung Vương trừ giặc Hán”, “Bà Triệu phá quân Ngô”, “Ngô Quyền phá quân Nam Hán”, “Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng qua sông”, tranh “Cờ lau tập trận”, “Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên”, “Lê Thái Tổ diệt trừ quân Minh”, “Bắc Bình Vương Nguyễn huệ đại phá quân Thanh”…

Tranh thờ Đạo giáo: Tranh thờ Đạo giáo chiếm số lượng lớn nhất trong các tín ngưỡng dân gian. Cũng phải nói rằng, ở người Việt không phải thực sự tồn tại các hình thức Đạo giáo chính thống như ở Trung Quốc, mà chỉ là một số hình thức nghi lễ, ma thuật phù thủy của Đạo giáo thâm nhập và hòa quyện với tín ngưỡng dân gian, tạo nên một số tín ngưỡng khá đặc thù như trong tín ngưỡng Đạo Mẫu của người Việt. Theo quan niệm của Đạo giáo, thế giới được chia thành ba tầng, cõi: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Do vậy các thần linh của Đạo này cũng phân chia điện thần theo ba thế giới như vậy. Các bức tranh thờ Đạo giáo thực chất là phản ánh thế giới thần đó. Các bức tranh thờ này có chủ đề tác dụng trong hành lễ, có tên gọi chung, như tranh về các thần linh ở cõi Thượng Nguyên. tranh Ngọc Hoàng thượng đế, tranh Trương thiên sư và Lý Thiên sư, bộ tranh Tứ đại nguyên súy (sư), tranh Bắc đẩu tinh quan, còn gọi là Tinh quân, Vương tinh, tranh về các vị thần linh ở cõi Trung Nguyên, tranh vẽ các vị thần linh ở cõi Hạ Nguyên.

Tranh thờ đạo Mẫu: Có thể coi Đạo Mẫu như là một thứ Đạo giáo dân gian của người Việt. Trong các đền phủ của Đạo này, ngoài các tượng thờ còn có các tranh thờ. Đây là những tranh dân gian, chất liệu và phong cách mang tính chất dân gian rõ rệt. Trong các làng tranh vẽ loại tranh Đạo Mẫu này thì tranh Hàng Trống là nổi tiếng hơn cả. Điển hình là các tranh: Tranh “Tứ phủ” vẽ thành nhiều lớp, “đạo Phật, đạo Lão và Thánh Mẫu” vẽ kết hợp của ba tôn giáo (tranh Tam Phủ) thì vẽ ba lớp, tranh “Bà chúa Thượng Ngàn”, tranh “Mẫu Thoải”, “chầu Thoải phủ” của Hàng Trống, tranh “Mẫu Thượng Thiên”, tranh “Phật Bà Quan Âm” ngồi trên tòa sen, tỏa hào quang trên đầu, tay cầm chén nước Cam Lỗ để cứu khổ cứu nạn chúng sinh, hai bên có Kim đồng và Ngọc Nữ đứng chầu, tranh “Sự tích Bà Chúa Ba chùa Hương”, “ông Hoàng cưỡi cá”, “ông Hoàng cưỡi rắn”,“ông Hoàng cưỡi ngựa”, và “Cậu Quận cưỡi ngựa”.

Tiêu biểu hơn cả của loại tranh này là bức tranh Ngũ Hổ (Năm ông Hổ, ông Năm Dinh), vẽ năm con hổ màu sắc khác nhau, trong đó Hoàng Hổ trấn nhậm trung khu, Hắc Hổ trấn nhậm Bắc khu, Bạch Hổ trấn nhậm Tây khu, Xích Hổ trấn nhậm nam khu, Thanh Hổ trấn nhậm đông khu.

Lại có những tranh vẽ riêng từng con hổ, như tranh Hắc Hổ, Hoàng Hổ, Bạch Hổ. Trong số các tranh thờ kể trên, có bức tranh đạt giá trị nghệ thuật cao, điển hình là tranh Ngũ Hổ. Ở đây có sự kết hợp bố cục năm con hổ rất chặt chẽ, dáng ngồi của hổ tiềm tàng sức mạnh, các đường nét, màu sắc thể hiện sâu, nét mặt, ánh mắt rất sinh động – có thể coi tranh Ngũ hổ như là tuyệt tác của tranh dân gian

Tranh Phật Giáo: Tranh dân gian về Phật giáo, dù là Phật giáo dân gian, cũng không nhiều. Bức tranh Thập điện hiện còn lưu giữ ở các chùa, như chùa Thầy, chùa Long Đẩu, Bến Ngộc, Chùa Ngang, Tây Mỗ và Vũ Di, Vân Nội… vẽ phỏng theo kinh Phật với chủ đề khuyến thiện, trừ ác, thông qua hình ảnh Diêm Vương nơi con người sau khi chết, do lúc sống mắc nhiều tội lỗi nên khi chết bị đẩy xuống địa ngục và chịu cực hình. Thực ra, ý niệm về Diêm Vương là của đạo Phật, nhưng khi vào Trung Quốc, kết hợp với Đạo giáo, hình thành nên hình ảnh Thập Điện mà người ta vừa thấy ở Phật giáo vừa ở cả Đạo giáo nữa.

Bộ tranh “Thập điện Diêm Vương” thế kỷ 17-18 của chùa Vân Nội, Thanh Oai, Hà Nội, hiện đang được trưng bày tại BTLSQG.

Các tranh “Quan Âm thuyết pháp”, “Phật Tam Thế”, “Đạt ma tổ sư”, “Vũ Di tổ sư”, “Hộ Pháp”, “Tổ Tây”… hiện giữ ở các chùa Vũ Di, chùa Ngang, Độc Lôi, Đình Chèm… có phong cách vẽ như tranh Thập điện cổ còn thấy ở các chùa đó. Còn tranh “ông Thiện”, “ông Ác” ở chùa Vũ Di lại thuộc về truyền thống khác tranh Hàng Trống.

Giá trị của tranh thờ

Mặc dù không phải tất cả tranh thờ đều là tranh dân gian, nhưng dù vậy thì tranh thờ vẫn là một bộ phận quan trọng của tranh dân gian. Với những tư liệu về tranh dân gian mà chúng ta có trong tay, ta khó có thể hình dung ra nó như thế nào nếu thiếu vắng một mảng lớn là tranh thờ. Đấy là chưa kể càng về quá khứ xa xưa thì tượng và tranh đều gắn bó, liên quan tới đời sống tín ngưỡng, đời sống tâm linh của con người. Đó cũng chính là một khía cạnh để các nhà nghiên cứu từ lâu đặt ra vấn đề và cho tới nay còn bàn cãi là mọi nghệ thuật đều bắt nguồn từ tôn giáo, tín ngưỡng.

Tranh thờ là một mảng tư liệu quý giá để người ta tìm hiểu, nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi vì, nội dung cơ bản của loại tranh này là mô tả, phản ánh thế giới và “đời sống” của thần linh. Tuy rằng, như Mác nói, con người tạo ra thần thánh theo mô thức xã hội của con người, nhưng dù sao, từ diện mạo các thần, quyền năng của họ, các tầng bậc “xã hội” mà họ xếp đặt cũng đều là một cái gì siêu thực, một thế giới mà con người chỉ cảm thấy qua tranh thờ, chứ không mục kích một cách đích thực.

Tranh thờ còn thể hiện quan niệm về trũ trụ, thế giới. Người xưa vẽ các thần linh ở các tầng, miền khác nhau: tầng Thượng nguyên, tầng Trung nguyên, tầng Hạ nguyên hay Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ, Nhạc phủ… Để biểu hiện sự vận động của thời gian mà lúc nào các thần linh cũng có mặt, giám sát, người ta vẽ tranh Tứ trực công tào để mô tả thế giới Hạ nguyên, người ta sáng tạo ra Thập điện với các cách phán xét, tra khảo, nhục hình khác nhau với kẻ có tội lỗi ở trên đời. rồi tất cả các hiện tượng vũ trụ như mây, mưa, sấm, chớp đều được thể hiện với các hình thù, sắc phục, dáng điệu, nét mặt khác nhau. Như vậy, là từ Ngọc Hoàng – vị thần cao nhất đến các thiên binh, Thiên tướng của Ngài ở cả ba thế giới, trên trời, mặt đất và dưới âm phủ đều được con người mô tả qua tranh thờ.

Qua tranh thờ, một lần nữa chúng ta càng hiểu hơn định đề của Mác: con người mỗi thời đại tạo ra thần thánh theo hình thức và khuôn mẫu của xã hội của chính họ. Trong tranh dân gian, hầu như tất cả các vị thần linh, dù cao xa hay gần gũi, hiền từ hay hung dữ, ban phúc hay giáng họa… đều được phản ánh qua lăng kính nhận thức của con người và đôi bàn tay của các nghệ nhân.

Theo Lan Phương (tổng hợp)/Baotanglichsu.vn


Di sản văn hóa