nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Độc đáo lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi


Ngày 14-2 (mùng 7 Tết) hàng ngàn người dân ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi.
 
 
Theo sử sách còn ghi lại, năm 1885, vua Hàm Nghi tiến quân ra xã Phú Gia, huyện Hương Khê đắp lũy, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng bảo vệ dinh lũy. Tại đây, vua đã viết chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh đuổi giặc Pháp. Thời gian này, nhà vua bị quân Pháp vây bắt nhiều lần, nhưng không thành. Trong một đêm nằm ngủ tại thành Sơn Phòng, nhà vua được báo mộng. Khi tỉnh dậy vua liền ban tặng sắc phong để thờ tại miếu Trầm Lâm gồm: 2 thanh bảo kiếm, 2 con voi bằng vàng nặng 0,54kg, 1 con nghê, lục lạc bằng đồng đen, 8 bộ áo mũ triều thần, 39 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng… Trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng người dân ở xã Phú Gia vẫn giữ gìn nguyên vẹn các báu vật vua ban. Theo tục lệ, người giữ báu vật là cố đạo được dân làng tín nhiệm, sau đó xin thần linh, giang sơn chứng giám qua đồng tiền hạ keo. Và cứ vào mùng 7 Tết hàng năm, dân làng lại xin chuyển giao rước các báu vật này từ nhà cố đạo cũ tới nhà cố đạo mới để lưu giữ, bảo quản cẩn thận.
 
Cố đạo được giao nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản báu vật là những vị cao niên trong xã, được xét trên nhiều mặt gồm đạo đức, năng lực thờ phụng, kiến thức văn hóa dân tộc, lựa chọn qua bỏ phiếu và xin quẻ sấp ngửa trước bàn thờ vua vào ngày rằm tháng Chạp... Cố đạo có trách nhiệm phục vụ nhân dân tế lễ trong một năm và trông coi, bảo quản báu vật vua Hàm Nghi. Thông thường mỗi năm bầu lên một cố đạo mới, cũng có trường hợp do được tín nhiệm, một người được giữ chức cố đạo trong 2 năm.

Tại lễ rước, các thanh niên trai tráng chưa vợ được chọn lựa từ các thôn trong xã làm trai kiệu, 8 người khiêng 1 kiệu. Có 3 kiệu tham gia tại lễ rước; kiệu đi đầu rước ảnh vua Hàm Nghi, kiệu kế tiếp rước sắc Đức Đại Vương, kiệu cuối cùng rước Đức thánh mẫu và Mã Hồng Công chúa. Đoàn rước khởi hành từ nhà cố đạo cũ đi qua các đền Trầm Lâm, khu di tích thành Sơn Phòng Hàm Nghi để thắp hương cầu siêu và tiếp tục tiến về đền Cộng Đồng Hội Sở. Tại đây, cố đạo mới làm lễ khai hạ cầu cho quốc thái dân an, nước nhà an khang thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, dân làng sức khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm mới. Sau lễ khai hạ, đoàn rước tiếp tục rước kiệu, sắc về đặt trang trọng tại nhà cố đạo mới, còn kiệu rước ảnh vua Hàm Nghi được rước về đền thờ vua Hàm Nghi. Trong quá trình rước, hai bên lề đường nơi đoàn rước đi qua người dân bày sẵn trầu cau, rượu, bánh kẹo và thắp hương để nghênh đón, mời những người đi trong đoàn thưởng thức lộc đầu xuân…
 
 
Theo Dương Quang/SGGP.online

Di sản văn hóa