nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Quê và đồ nhà quê


Tôi nhận ra một điều, có đến chín chục phần trăm dân Việt trên đất nước này phiêu tán khỏi quê từ vài ba đời, năm bảy đời. 
 
Rét và buốt, cái lạnh rất riêng của xứ mình.

Còn tháng nữa là tết, lại nhớ đến quê, nhớ đến bánh chưng thơm mùi rơm rạ.

Các con tôi không có cảm giác ấy. Sinh ra ở thành phố, tuổi thơ không biết châu chấu cào cào, bông thóc. Không thấy trâu cày ruộng cấy và chưa bao giờ thấy cái rét ro ro, cả nhà xúm quanh nồi bánh chưng ngày tất niên vừa trông bánh, vừa đợi giao thừ đẻ bóc cái bánh nóng hổi đặt lên bàn thờ. Những gốc củi gộc chụm đầu vào nhau đỏ rừng rực như lò Betsme luyện thép tỏa hơi nóng ràn rạt. trên mấy đầu rau đất sét nung kê làm kiềng, nồi bánh được cơi cao lên bằng nùn rơm trên đẻ cái thau đồng chứa đầy nước nóng già giữ nhiệt cho những chiếc bánh trên cùng chín nục mà không bị hấy, khói bốc mịt mờ. Khói hơi nước nóng hôi hổi…

Mấy anh em tôi, chân còn lấm bùn, hai cổ chân bám bẩn lâu ngày nứt nẻ đóng vảy mà mẹ bảo là cổ trâu cổ bò. Được tí lủa sưởi nóng thì những mảng da cứng ngắc khô rát vì hơi lửa căng ra làm rỉ máu ở chỗ nẻ. Còn môi thì phồng rộp khô nguội… Những kỉ niệm đó ngày nay không có trong kí ức các con tôi.

Những ngày cuối năm, rong ruổi trâu trên đồng, lấy nước nhào với gio rạ mới đốt, trát vào hai cổ chân, mu bàn chân… lớp ghét bám ngoài da ngấu chất potat trong gio, mứa ra, sau đấy kì cọ. Hai cẳng chân từ đen nhèm, thành đỏ hon hỏn, có chỗ tứa màu, nhưng sạch sẽ tinh tươm, bước sang năm mới khỏi bị chê là ở bẩn.

Những ký ức đó gắn liền với quê. Một miền quê xa xăm đâu đó mà ai cũng có. Một miền quê nghèo, mùa rét ở đâu cũng vậy, cái lạnh từ mặt đất lạnh lên, thấm ngược lên ngấm vào cơ thể từng người.

Gặp nhau nơi xa, bên quán trà hay nơi có chén rượu điếu thuốc, thân tình người ta hay hỏi nhau: anh người đâu ta. Rổi hỉ hả Bắc Ninh hay Phú Thọ Yên Bái… Câu hỏi leo xuống đến huyện xuống xã. Đầu người nghe câu chuyện cảm thấy như đi đường dài trên tấm bản đồ, đến đầu sông ngọn suối. Thế mới biết cái gốc gác quê hương nó quan trọng đến dường nào trong tâm thức mỗi người. Hầu như gặp nhau giữ thành phố lớn bù khú ở cùng nơi nhưng hóa ra toàn dân ngụ cư tứ xứ. Ví dụ người khoe Hà Nội gốc, thực ra từ Thanh Nghệ, thành Nam, Hưng Yên Thái Bình leo lên vài đời, nhất là những dân làng nghề như Đồng Sâm nghề chế tác bạc, Đại Bái nghề đúc đồng đều từ Thái Bình kéo lên Hà Nội làm ăn…
 
Tôi nhận ra một điều, có đến chín chục phần trăm dân Việt trên đất nước này phiêu tán khỏi quê từ vài ba đời, năm bảy đời. Có anh trọ trẹ tiếng Thanh nghệ, hỏi ra ba đời trước là gốc Bắc Ninh, có anh giọng Nam Bộ đặc, rồi hóa ra từ Đông Anh Hà Nội kéo vào Đồng Tháp Cà Mau từ ba bốn đời trước Có anh người Tày họ Nguyễn, con chẳng biết tiếng Kinh, nhưng gốc gác lại là người Kinh, mấy đời trước tiền nhân của họ được bổ làm quan xứ rừng. Thế là ở lại thành Tày lưu quan, mà gốc là Kinh!…
 
Đến Hà Nội gốc cũng chỉ năm bảy đến chục đời…Chả cần đọc sử, chỉ nguyên câu chuyện quê quán với nhau thì ai cũng hiểu ra thời nào cũng có biến động, hầu như ai cũng từ một vùng quê nào đó ra đi do đói kém, giặc dã, chiến tranh, biến đổi khí hậu làm đất cát khô cằn…. Nhắm mắt lại tưởng tượng thấy người dân như đàn kiến đang sống bình yên, tổ bị chọc, kiến cuống cuồng, ngơ ngác, mỗi kiến cắp một cái trứng cái phôi theo bản năng bảo vệ nòi giống. Nháo nhào chạy trốn rồi chả biết trốn đi đâu, cứ cắm cúi ngược xuôi tìm chỗ trú, Đến chỗ yên thì dừng lại. Con người cũng thế. Thân phận con người nước ta cũng giống loài kiến, đời nào không tao loạn, tha hương thì cũng vì sinh kế mà di rời. Hầu như ít người ở lại quê gốc, trừ nghề làm ruộng thì bám chặt đất. Còn dân phố phường thì toàn tứ xứ gặp nhau dịch chuyển tùy hoàn cảnh, như dòng nước luân chuyển đó đây.
 
Quê,

Cứ gần tết là người ta lại hướng về quê. Có lẽ đó là tình cảm đặc biệt của người dân nước ta. Tôi không hiểu các nước người ta có nặng lòng với quê như người Việt ta không. Còn người Việt ta thì đến tết dứt khoát về quê, gia đình xum họp, “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, như là đạo lý bất thành văn mà mỗi người dứt khoát phải theo, dù điều đó giờ đã phôi pha nhiều với dân thành phố, nhưng vùng quê thì vẫn nặng lòng với họ hàng gia tộc.
 
Ấy thế nhưng lại có câu “đồ nhà quê” mỗi khi muốn hạ nhục người khác, chả biết để chỉ ai đây?

Đồ nhà quê, có khi bật ra từ miệng lứa trẻ mới đời thứ hai ra phố , hoặc của những người gót chân còn chưa rửa hết bùn tanh. Người Việt ta ai cũng nhớ quê hương, nhớ tổ tiên thờ cúng,. Ai cũng có một miền quê và trái tim đẻ nơi ấy. Nhưng phật ý dễ mạt sát người khác là đồ nhà quê. Lạ thật đấy!. Người nhà quê có gì xấu đâu, chẳng qua quê bao giờ cũng nghèo và lối sống quê khác lối sống thị thành. Vậy mà có kẻ chân chưa hết mùi bùn tanh đã khinh khi lại nơi cha mẹ họ từng ở đó, từng sinh ra họ. Cái xấu này do đâu.
 
Những loại người như thế họ thường giấu nguồn gốc, giống như câu ca dao nói về hoa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà Phùng Quán đã từng lên tiếng;

“Bùn với sen đâu phải chuyện gần ?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả !…
Là do bùn hôi nuôi dưỡng”
.
Vậy mà sen khước từ nguồn gốc, nói chỉ “ gần bùn” thôi mà không phải xuất xứ từ bùn! Đó là sự tráo trở, là sự phản trắc. Phải chăng câu “đồ nhà quê “ của những người thành phố là lời của kẻ mất gốc, hợm của và thấp kém về văn hóa sống?

Nói về “quê”, làng quê xưa, “ ta về ta tắm ao ta, Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn”. Lại có câu” phép vua thua lệ làng”, “ Quan có cần nhưng dân chưa vôi, Quan có vội, quan lội sang sông”.Vì cái quê, cái đặc tính xã hội dân sự làng xã ấy mà ngàn năm bắc thuộc cái văn hóa phương Bắc không nhập nổi vào làng xã ta, cái văn hóa quê thành bức trường thành giữ nền độc lập cho đất nước. Sao quê lại là thứ bị khinh miệt là ;” đồ nhà quê”.

Quê luôn là nơi sâu thẳm hồn người. Quê, “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, những kẻ tha hương về cuối đời đều mong mỏi được nằm trên đất quê mới nhắm được mắt. Quê mãi mãi là tình sâu nặng của mỗi người dân trên đất nước ta. Tết đến rồi, ai cũng nhớ về quê…
 
 
Theo Đõ Đức/vanhien.vn

Di sản văn hóa