Ðời sống di sản đang chịu nhiều tác động bởi nhiều xu hướng. Ðó là xu hướng "du lịch hóa di sản", với những hoạt động du lịch chỉ chú trọng những di tích có tiềm năng thu hút du khách, dẫn đến tình trạng nhiều di sản bị lạm dụng, khai thác quá mức.
Xu hướng thứ hai - "thương mại hóa di sản", là nguyên nhân dẫn đến việc trùng tu và phục dựng tùy tiện, thiếu khoa học, hoặc làm biến dạng, đánh mất tính nguyên gốc của di sản. Dưới tác động của xu hướng này, công tác bảo tồn di sản mang nặng tính thực dụng. Còn có xu hướng "xã hội hóa di sản" nhưng đã bị hiểu sai và tiến hành tùy tiện, nên việc thực hiện giao khoán công tác bảo tồn di sản ở các địa phương cho các hội quần chúng cơ sở, thiếu sự giám sát, không có sự hỗ trợ của chuyên gia văn hóa, đã đưa đến những hệ quả ngoài ý muốn.
Di sản là những giá trị được hình thành qua quá trình lịch sử, phản ánh đời sống của cộng đồng; bao gồm những giá trị vật thể và phi vật thể. Bảo tồn di sản văn hóa là hoạt động bảo vệ, gìn giữ các giá trị đó, tránh sự mai một, xuống cấp và biến mất. Phát triển, bảo tồn di sản có mục tiêu chủ yếu là: tôn vinh các giá trị truyền thống, phát huy nó trong điều kiện xã hội mới. Sự tách biệt giữa bảo tồn và phát huy chỉ có ý nghĩa về nhận thức, bởi nó là hai mặt của một vấn đề. Sự quá đề cao mặt này hay xem nhẹ yếu tố kia đều không tốt cho công tác bảo tồn và phát huy di sản.
Trong hoạt động bảo tồn thường có nhiều cấp độ khác nhau (nguyên trạng, trùng tu, phục hồi, tái tạo...) nhưng chủ yếu xoay quanh quan điểm lựa chọn "nguyên trạng" và "không nguyên trạng". Bảo tồn nguyên trạng đề cao những giá trị nguyên bản trong lưu giữ và phục hồi di sản; bảo tồn không nguyên trạng ghi nhận những giá trị đổi thay của di sản, theo hai hướng kế thừa và phát triển. Mô hình "bảo tồn phát triển" đang là xu hướng được lựa chọn trong điều kiện hiện nay, gắn với chủ trương tạo sức sống, sinh khí mới cho di sản, gắn di sản với hoạt động du lịch nhằm khai thác tiềm năng. Tuy nhiên, đây là xu hướng gây nên nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều trong trùng tu, phục dựng, quản lý và khai thác di sản.
"Du lịch văn hóa" đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển du lịch, nhằm khai thác tiềm năng di sản văn hóa. Ðối với một quốc gia giàu tiềm năng di sản như Việt Nam, sự nhận thức đúng về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và hoạt động du lịch, sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa và du lịch trong phát triển bền vững.
Khai thác và phát huy di sản văn hóa phải được coi là một nguồn tài nguyên tạo nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với phát triển du lịch bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.