Đền Thái tọa lạc tại đồi Đình (xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Đó là Thái miếu của vương triều Trần. Trải thời gian, đến nay, di tích này chỉ còn là phế tích. Sau nhiều đợt khảo cổ, các nhà khoa học đều thống nhất, đền Thái cần được phục dựng lại thật khoa học...

 


Đền Thái thờ Tam Thánh tổ Trần triều là: Thái tổ Trần Thừa; vua Trần Thái Tông; vua Trần Thánh Tông. Ngôi đền tổ thờ các vị vua khai sáng triều Trần này là một di tích nằm trong quần thể các di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh. Đền Thái còn có tên là Đồi Đình. Người dân còn thờ các vị vua Trần làm thành hoàng làng Đốc Trại. Trải qua thời gian, do sự tàn phá của thiên nhiên, cộng với những biến động của lịch sử, đền Thái xưa chỉ còn là phế tích... Năm 1993, người dân địa phương đã xây một ngôi đền nhỏ và đặt tên là "Đại Vương đền”.

Là một di tích quan trọng nên từ năm 2008 đến nay, BQL các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành nhiều đợt khai quật thám sát khảo cổ học di tích Đền Thái. Đích thân PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã nhiều lần về đây chỉ đạo. Quá trình khai quật đã làm xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc với mật độ khá dày của một công trình kết nối liên hoàn nhiều hạng mục như: Hệ thống nền móng nhà, sân vườn, bồn hoa và đường đi, các dấu vết kiến trúc của thời Trần và thời Nguyễn. Trong quá trình khai quật, các di vật thu được chủ yếu là vật liệu kiến trúc, gồm: các loại ngói cánh sen, ngói mũi lá, các loại gạch hình chữ nhật, đầu đao cùng hệ thống tảng kê chân cột. Đồ gốm men đã tìm thấy chủ yếu là thời Trần. Từ những kết quả khảo cổ học tìm được, theo PGS. TS Tống Trung Tín: Đền Thái đã từng có qui mô rất lớn, gồm nhiều công trình tạo thành một quần thể kiến trúc gồm hệ thống nhà cửa, hành lang, sân vườn hoàn chỉnh với kết cấu theo hình chữ Vương.

Mặc dù đã lên kế hoạch trùng tu lại Đền Thái nhưng ông Trịnh Công Lộc - Trưởng BQL các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện trạng Đền Thái là một phế tích bị vùi lấp hàng trăm năm trong lòng đất nên việc trùng tu, tôn tạo di tích này gặp khá nhiều khó khăn. May mà người dân địa phương đã có ý thức trong việc bảo vệ, gìn giữ các di tích, cổ vật nơi đây... Đến nay, BQL các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản lập xong hồ sơ quy hoạch tổng thể khu di tích đền Thái để trình lên các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, BQL vẫn tiếp tục nghiên cứu và làm rõ vai trò, vị trí của di tích Đền Thái trong hệ thống các di tích lăng mộ nhà Trần tại huyện Đông Triều. Trên cơ sở này, sẽ tiếp tục nghiên cứu hình thái kiến trúc làm cơ sở cho việc quy hoạch, trùng tu và phát huy giá trị của di tích. Nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài cũng chia sẻ: Tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất của BQL các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh là cần đầu tư lớn để phục dựng Đền Thái. Tôi đề nghị là nên tìm lại các bản vẽ rất tỉ mỉ của cố PGS. Nguyễn Du Chi, đồng thời nghiên cứu kỹ các di vật khai quật được để phục dựng lại Đền Thái trên nền đền cũ với quy mô tương ứng...