nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Xóa bỏ “Mê tín dị đoan” hướng đến một xã hội văn minh – Bài 2


Đốt vàng mã quá nhiều là biểu hiện của “Mê tín dị đoan”, cần tuyên truyền để giảm dần, đến “Xóa bỏ” tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường cho các thế hệ mai sau.

 

 

Đốt vàng mã là tập tục không đúng với giáo lý Phật giáo

Mê tín dị đoan là một biểu hiện của suy thoái, tác động tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội vẩn đục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Mê tín dị đoan còn gây lãng phí của cải, thời gian, cản trở sự phát triển xã hội. Hằng năm, cả nước đốt đi hàng chục nghìn tấn giấy để làm vàng mã, biến hàng trăm tỷ đồng thành tro bụi. Nhiều người còn sắm cả Iphone, biệt thự, ô tô, máy bay, du thuyền, đô-la vàng mã để... cúng cho người đã khuất.

Ngày 12/2, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành công văn số 031/CV-HĐTS về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Nội dung trong đó, nêu rõ, đề nghị chưc tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Công văn này được gửi tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường), các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá. Ngay khi công văn này được ban hành đã có rất nhiều ý kiến về việc loại bỏ tục đốt vàng mã.

Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, tục đốt vàng mã có xuất xứ từ Trung Quốc theo Nho giáo. Tập tục này tin rằng, sau khi chết, linh hồn của con người sẽ tiếp tục tồn tại ở âm phủ. Nhiều người cho rằng “trần sao âm vậy” nên có nhu cầu chăm sóc cho người âm như thể đang còn sống trên trần thế. Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, đạo Phật không khích lệ tập tục này. Đạo Phật là hướng con người tới việc thiện, tu nhân tích đức, thanh thản. Đã đến lúc không nên mặc nhiên để tập tục này tiếp tục diễn ra trong các cơ sở thờ tự. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết.

Đồng quan điểm trên, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam cũng cho hay, tục đốt vàng mã ở Việt Nam do có từ lâu đời nên đã trở thành nét văn hóa, nhưng đang bị lạm dụng như một sự mê tín. Từ nhiều năm nay, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam luôn khuyên các phật tử bỏ việc đốt vàng mã vì đó là hành động không đúng với giáo lý Phật giáo.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng, công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới chỉ giới hạn trong các phật tử và các cơ sở Phật giáo nhưng Giáo hội hy vọng người dân thấm nhuần được tư tưởng Phật giáo, giữ gìn truyền thống văn hóa đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tu nhân tích đức và bỏ những hành động mê tín dị đoan. Số tiền dùng để mua và đốt vàng mã có thể làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo sẽ có ích hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng. Đấy là yêu cầu của Giáo hội, còn thực hiện tất nhiên trong giai đoạn đầu có thể chưa triệt để ngay, nhưng sẽ dần dần. Tôi hy vọng là như vậy. Các Chư tôn đức tăng ni thực hiện, tuỳ theo các vị hiểu Phật giáo kỹ hơn. Các vị còn hơi ngại về truyền thống văn hoá lâu ngày của bà con thì chắc dần dần sẽ tiến triển tốt. Nhà chùa sẽ tuyên truyền, đem giáo lý nhà Phật ra để giải thích cho bà con hiểu dần dần, từ đó vấn đề đốt vàng mã mới hạn chế được. Nhưng tôi nghĩ, khi các chư tôn đức tăng ni nói phải đem dẫn chứng, phải nói làm sao để mọi người nghe, vừa tin vừa phục. Mình nói cấm không thì rất khó. Đấy là tuỳ các vị nói tốt hay chưa tốt đối với Phật tử, nhân dân.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cũng bày tỏ quan điểm, những nơi thờ Phật giáo cần thanh tịnh, thành tâm chứ không phải là những ồn ào cúng mặn, đốt mã. Trước kia, nhiều người dân không hiểu được hết ý nghĩa của Phật giáo, có nơi còn cho cúng mặn, dâng cả mâm vàng mã để đốt với suy nghĩ càng cúng to, đốt nhiều thì mới có lộc. Đó là suy nghĩ rất sai.

"Hiện nay, một số chùa chiền tuy nằm trong Giáo hội Phật giáo nhưng không chịu sự quản lý chặt chẽ của giáo hội, vẫn phát triển tràn lan những hoạt động lệch lạc để thu lợi. Tôi nghĩ giáo hội và chính quyền nên có biện pháp quản lý chặt chẽ, sâu sát hơn", nhà văn hóa Trần Đình Sơn nhận định.

Liên quan đến tục đốt vàng mã ở góc độ lịch sử và văn hóa, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: "Tục đốt vàng mã tiền thân là tục lệ cung cấp các vật tư, hàng hóa cho người chết mang sang thế giới bên kia xuất hiện từ thế kỷ thứ 4, thứ 5 trước công nguyên. Tôi đã tự tay cùng các đồng nghiệp khai quật được ở những ngôi mộ những vật dụng mà người ta chia cho người chết mang sang thế giới bên kia, có những vật dụng được thu nhỏ lại và không đắt giá lắm, thậm chí có những vật dụng người ta làm hòng cốt chỉ để chia phần. Sau này, người ta làm giả những vật dụng như thế bằng vàng mã... Phật giáo là một tôn giáo phát triển mạnh, nếu Trung ương giáo hội Phật giáo vào cuộc một cách chính thức như thế này thì họ có đầy đủ điều kiện huy động sức mạnh của chính các tổ chức Giáo hội sẽ thực hiện được, bởi việc cấm đốt vàng mã không làm ảnh hưởng gì đến yếu tố tâm linh mà sẽ góp phần tránh được tổn hại về mặt kinh tế, môi trường, người dẫn đỡ xa đà vào mê tín, mông muội.

Cũng theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để thay đổi được tục lệ đốt vàng mã, ngoài những khuyến cáo, tuyên truyền, chắc chắn phải qua con đường giáo dục. Khi người ta có nhận thức đúng, thì hành vi sẽ được điều chỉnh một cách tự nhiên.

Xóa bỏ “Mê tín dị đoan” cần sự chung tay của toàn xã hội

Mùa lễ hội còn dài, đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt. Có điều, nhiều người đang có quan niệm sai lầm khi cho rằng đến chùa để cầu lợi lộc, tiền bạc và đó phải chăng cũng là nguồn gốc của những hành vi phản cảm ở chốn linh thiêng. Có một thực tế là năm nào cũng vậy, dù Ban tổ chức các lễ hội có chuẩn bị kỹ càng đến đâu, vẫn khó tránh khỏi các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, ăn mặc hở hang, rải tiền lẻ, thậm chí nhét đốt vàng mã rất nhiều... Nguyên do chỉ nằm ở ý thức của một bộ phận người hành hương.

Việc đốt vàng mã một cách vô tội vạ khẳng định con người ngày càng mê tín, dị đoan, không hề có cơ sở, nếu không thành tâm thì việc khấn cầu cũng trở nên vô ích. Việc mù quáng đốt vàng mã một cách vô tội vạ, vô tình đã biến tướng một nét văn hóa vô cùng đẹp của người Việt thành lối sống mê tín dị đoan đáng bị lên án. Bởi vậy, quan niệm của chúng ta thật sự cần phải thay đổi. Thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng chân thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều ác. Đây chính là điều gọi là “Tâm thành thì linh".

Đốt vàng mã cho đến ngày hôm nay vẫn là câu chuyện nhạy cảm trong đời sống xã hội nói chung và đời sống tâm linh nói riêng. Vì vậy, giải pháp xuyên suốt mà Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện là đẩy mạnh  tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, sự vào cuộc tích cực của Giáo hội Phât giáo Việt Nam với tiếng nói uy tín của các Thượng tọa, các tăng ni Phật tử sẽ có tác dụng rất lớn để  thay đổi nhận thức của nhân dân, người đi lễ. Cùng với các cơ sở thờ tự Phật giáo, việc vận động tuyên truyền hạn chế, loại bỏ tục đốt vàng mã, đồ mã tràn lan cũng cần được triển khai tại các cơ sở thờ tự khác như đình, đền và nơi công cộng.

Mặt khác, thực tế là việc sản xuất đồ mã, vàng mã hiện nay cũng đang mang đến lợi ích kinh tế không nhỏ cho một số làng nghề. Nhưng cần xem xét vấn đề này dưới góc độ đặt trong bối cảnh lợi ích chung của toàn xã hội. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công Thương… để có những giải pháp cụ thể hơn, vừa phù hợp với các quy định pháp luật, vừa góp phần giảm thiểu sự lãng phí cũng như các nguy cơ tiềm ẩn từ việc đốt tràn lan vàng mã, đồ mã.

Thiết nghĩ các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tập tục của người dân. Việc thể hiện tấm lòng thành kính trước đức Phật, đức Thánh và các bậc tiền nhân có công với đất nước cần được thể hiện một cách trang trọng, có thể chỉ bằng một nén nhang thơm cũng đủ thể hiện nét đẹp tín ngưỡng, hơn là những mâm lễ vàng mã ngất ngưởng, những voi giấy, ngựa giấy, nhà lầu xe hơi cỡ lớn… được đốt đi. Từ những thay đổi nhận thức như vậy, dần dần sẽ tiến đến việc ngăn chặn, xóa bỏ tục đốt vàng mã, đồ mã trong thực hành tín ngưỡng tại các di tích đình, đền, chùa…

Từ thực tế trên có thể thấy, cùng với cố gắng của các Ban tổ chức lễ hội, muốn loại bỏ những phản cảm, trả lại không gian linh thiêng cho các lễ hội đầu xuân, cần sự thay đổi trong ý thức của người hành hương. Mỗi người cần chuẩn bị tâm thế khi đi lễ hội, đó là tấm lòng thành, tâm lý hướng thiện. Tâm thế đó sẽ dẫn đến cách ăn mặc, ứng xử, nói năng, đi đứng, cách hành lễ... phù hợp. Đó là những yếu tố quan trọng, góp phần làm nên một mùa lễ hội an lành.


Theo Lan Anh/cinet.vn 

Di sản văn hóa