Đối với đời sống văn hoá tinh thần của mỗi cộng đồng dân cư, lễ hội là sự phản ánh mối quan hệ về nhận thức của con người và vũ trụ, phản ánh sự tiếp cận của con người với quy luật của tự nhiên, phản ánh những kinh nghiệm của con người trong sự hài hoà với thế giới. Lễ hội phần nào còn giải thích sự bất lực của con người trước những bí ẩn của tự nhiên. Từ các vị thần tôn thờ trong từng lễ hội, nội dung, quá trình thực hiện một nghi lễ đều chứa đựng một không khí linh thiêng. Từ mỗi lễ hội có thể nhận thấy mỗi một con người tham gia lễ hội đều có 2 trạng thái “ước vọng” và “hoà đồng”. Ứớc vọng - là mong các đấng siêu nhiên thấu đạt ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Hoà đồng - là sự thể hiện sự mong muốn của con người hoà mình với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên, nắm bắt quy luật vận động của tự nhỉên mà đúc rút ra những kinh nghiệm phục vụ cho quá trình lao động sản xuất.
Lễ hội chùa Hường - Thiên Lộc - Can Lộc (ảnh:SGGP)
Xuất phát là địa danh có nhiều anh hùng, có nhiều danh nhân, nhân vật lịch sử và nhiều thần thần tích, truyền thuyết, vai trò công lao của họ trong sự gây dựng, đấu tranh với thiên nhiên để bảo tồn, chống giặc ngoại xâm xây dựng cuộc sống. Do vậy, nhằm tôn vinh những người đã có những đóng góp cho sự phát triển quê hương, dân tộc, người dân bản địa tôn vinh họ thành những vị anh hùng và nhiều lúc còn vượt lên trên giá trị của các vị anh hùng để trở thành những vị thần, thánh, những uy lực siêu hình có ý nghĩa tối cao trong tín ngưỡng tâm linh. Từ những giá trị đó quy tụ hình thành nên những lễ hội với ý nghĩa để tưởng nhớ, tôn vinh đồng thời qua đó đặt niềm tin hy vọng để được các vị anh hùng, thần thánh ban mọi điều lành cho tương lai cuộc sống gia đình và cộng đồng người. Tiêu biểu là di tích đền Bùi Cầm Hổ - có lễ hội Đô Đài và trò Đình Đụn (TX Hồng Lĩnh); đền Chiêu Trưng Lê Khôi - Lễ hội đền Chiêu Trưng (Thạch Kim, Lộc Hà); đền Nguyễn thị Bích Châu - Lễ hội đền Chế thắng Phu nhân (Kỳ Ninh, Kỳ Anh); đình Thanh Lương - Lễ hội làng Thanh Lương (Thụ Lộc, Lộc Hà); Đền Cả - Lễ hội Tam Lang (Ích Hậu - Lộc Hà); đền Thái Yên - Lễ hội đền Thái Yên (Thái Yên, Đức Thọ); đình Hội Thống - Lễ hội đình Hội Thống (Xuân Hội, Nghi Xuân); đền Cá Ông - Lễ hội cầu ngư (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên).v.v…
Ngoài những lễ hội trên thì một số di tích mang giá trị tín ngưỡng tôn giáo cũng đã hình thành nên các lễ hội. Những lễ hội này quy tụ được nhiều thành phần khắp mọi vùng tham gia và thời gian tổ chức kéo dài, quy mô tổ chức khá lớn, chặt chẽ. Các lễ hội này đậm màu sắc riêng bởi tư duy tín ngưỡng rất cao, tuy nhiên số di tích hình thành nên loại lễ hội này không nhiều chỉ tập trung vào di tích Chùa Hương - Lễ hội Chùa Hương (Thiên Lộc – Can Lộc) và đền Chợ Củi - Lễ hội đền Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân); Chùa Chân Tiên - Lễ hội Chùa Chân Tiên (Thịnh Lộc, Lộc Hà). Ở một số địa phương cũng có một số lễ hội nhóm này cũng được tổ chức nhưng với quy mô nhỏ như lễ hội Chùa Tượng Sơn (Sơn Giang, Hương Sơn), lễ hội chùa Thiên Tượng (TX Hồng Lĩnh); lễ hội cầu ngư ở đền Bạch Thạch (Cương Gián, Nghi Xuân).v.v…Như vậy, di tích cũng là một trong những yếu tố cơ bản để hình thành nên các lễ hội, quyết định tính chất, phạm vi cách thức tổ chức và thời gian diễn ra của lễ hội đó.
Lễ hội hình thành, phát triển tại một số di tích cũng chính là thể hiện hiện mối quan hệ hay nói cách khác hơn là sự tác động ngược lại để hỗ trợ, bổ sung và duy trì sự bảo lưu, phát triển, lưu truyền các giá trị của di tích. Qua hoạt động của lễ hội giá trị của di tích càng được tôn vinh hơn và ý nghĩa tinh thần càng được củng cố và điều đặc biệt trong lễ hội có nhiều hoạt động diễn tả lại công lao của các nhân vật lịch sử, của các vị anh hùng, các nhân vật được thờ tại di tích và cùng với một số trò chơi dân gian đã làm cho lễ hội thêm phong phú. Thông qua lễ hội chuyển tải được những giá trị của di tích đến với mọi tầng lớn nhân dân trên tinh thần và ý nghĩa giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương, dân tộc cũng như ý nghĩa bảo tồn và phát triển.
Không phải bất cứ lễ hội nào cũng được hình thành từ di tích và không phải di tích nào cũng là nền tảng gây dựng, hình thành lễ hội, điều này khá rõ bởi có một số lễ hội được ra đời phát triển từ bao đời nay và bản thân lễ hội đó được hình thành bắt đầu từ nhu cầu ước vọng dân dã của người dân mà không gắn, không liên quan tới bất kỳ nhân vật lịch sử và di tích nào. Đây là kết quả cả quá trình đức kết, sàng lọc từ tư duy tín ngưỡng của người dân mà hình thành nên và lễ hội này thể hiện đầy đủ, trọn vẹn ý nghĩa tinh thần, sự khát vọng vươn tới, tính nhân văn cao cả của một cộng đồng người. Nổi nhất loại hình này là lễ hôị “Sỹ nông công thương” ở Xuân Thành, Nghi Xuân, trước đây hàng năm được tổ chức vào tháng 5, nhưng những năm gần đây thì khoảng 3 năm tổ chức một lần và địa điểm tổ chức trên bãi biển, được dàn dựng một cách công phu với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp và bà con nhân dân vùng ven biển Nghi Xuân.....
Các lễ hội ở Hà Tĩnh đều có nguồn gốc hình thành và đều thể hiện bản chất chung, đó là “tính chất thiêng”, sự sùng bái các nhân vật lịch sử, suy tôn các nhân vật lịch sử được phụng thờ; vấn đề hướng về cội nguồn và khẳng định nguồn gôc của cộng đồng cũng như về giá trị bản sắc văn hoá…Chính các yếu tố trên đã hoà quyện, hỗ trợ, tác động tích cực cho nhau tạo nên màu sắc chung của lễ hội dân gian truyền thống. Cũng như các vùng miền khác dù phân chia theo loại hình, dù mang nội dung của lễ hội tôn giáo, lễ hội nghề nghiệp hay lễ hội nhân vật lịch sử thì lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh có tính cộng đồng cao và bao giờ cũng là sinh hoạt của một cộng đồng người để “biểu dương những vốn liếng văn hoá và sức mạnh” tạo nên sự cộng cảm và cố kết tính cộng đồng cao (cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng gia tộc, cộng đồng địa phương…), chính đó đã tạo nên sức mạnh truyền thống của văn hoá làng.
Có thể đưa ra ý kiến: Tính chất của lễ hội dân gian cổ truyền ở Hà Tĩnh thì giống nhau nhưng lại khác về yêu cầu và mức độ biểu hiện ở từng lễ hội, từng môi trường, từng giai đoạn lịch sử và từng biểu hiện bên trong của các lễ hội. Trong giai đoạn hiện nay một số lễ hội đang dần được phục hưng, đang dần đáp ứng được nhiều mặt của đời sống tinh thần của con người. Do vậy, để qúa trình phát triển, phục hưng lễ hội thì cần có sự chọn lọc, cần có sự kết hợp nhiều mặt để lễ hội nét phục hưng được đảm bảo các giá trị văn hoá truyền thống và phù hợp nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong thời kỳ mới.
Bách Khoa