nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU KỂ LẠI


Thiết nghĩ cần có đôi lời giới thiệu mong bạn đọc quý mến không buông bỏ ngay khi cầm tới mà chiếu cố xem lướt qua một vài trang tập sách này. Nội dung sách có thể nói: chính xác một cách tuyệt đối như tên sách bìa ngoài: “TRUYỆN KIỀU KỂ LẠI”.

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, một kiệt tác thơ trong nền văn học nước nhà. Tuổi thọ của tác phẩm đến nay tôi phỏng đoán trên dưới hai trăm năm và sẽ còn sống mãi với thời gian. Hai trăm năm qua, bao nhiêu thế hệ cầm bút, bao nhiêu thế hệ độc giả, hàng ngàn vạn trang sách, báo ca tụng cái hay cái đẹp của Truyện Kiều không sao kể hết. Có thể được phép suy nghĩ rằng ngoại trừ các bậc tài cao học rộng, các nhà nghiên cứu văn, sử chuyên sâu, các thầy cô dạy văn tại các trường học các cấp V. V... thấu hiểu Truyện Kiều trên cơ sở năng lực kiến thức của mình, còn lại số lớn chỉ nắm biêt lơ mơ, đại khái thông thường do truyền kể theo dân gian, truyền miệng từ xưa đến nay, trong số này có cả tôi.

Đúng, tôi là một người hiểu rất lơ mơ về Truyện Kiều năm 2000 trở về trước. Tuy nhiên tôi cũng ca tụng Tố Như Truyện Kiều không kém ai, khen kiểu ăn theo, nói leo ấy mà!

Năm 1992, tôi nghỉ công tác về hưu rồi tham gia làm thơ. Đây là thời điểm bắt đầu xuất hiện cao trào “nhà nhà làm thơ người người làm thơ”. Tôi biết làm thơ từ ngày còn là lính của sư đoàn “Đồng Bằng” (F320) rồi sớm gác bút từ năm tháng chuyển ngành ra ngoài quân đội.

Về hưu, rảnh rỗi làm thơ mới ngộ ra một điều phải đọc kỹ hiểu sâu Truyện Kiều mới nhận biết đầy đủ cái hồn cốt về thơ truyền thống “lục bát”, ngôn ngữ tài hoa, tình lắng đọng, nỉ non da diết, hình ảnh phong phú, đa chiều, giàu tính nhạc v.v... Tôi quyết tâm đọc thuộc lòng Truyện Kiều. Tất nhiên phải mất nhiều thời gian mới đạt được ý định, lúc ấy tôi đã đến tuổi cổ lai hy (năm 2000). Đọc đi đọc lại không chán, thuộc rồi lại quên, quên rồi lại đọc, Truyện Kiều trở thành sách gối đầu giường của tôi. Có một thực tế là Truyện Kiều không dễ đọc, nhiều điển tích khó nhớ.

Trên 3.200 câu lục bát của Truyện Kiều có lắm những câu đọc lên sẽ ám vào hồn mình tựa một thứ bùa mê, rồi cố níu giữ xem như kỷ vật trang sức tâm hồn, lòng cảm nhận, sự thanh thản thật đáng yêu.
Tất cả những điều trên là những thu hoạch cá nhân tôi qua Truyện Kiều. Tuy nhiên chưa phải đã hiểu kỹ càng, thấu suốt tận cùng mọi tình huống mà còn đọc còn vỡ ra, biết thêm nhiều điều.
Từ đầu năm 2003 nhen nhóm trong tôi ý định viết tập sách kể lại Truyện Kiều với những lý do thôi thúc sau đây :

1- Bên cạnh sự đánh giá về thơ, tính hào hoa, trác tuyệt, thiên tài Nguyễn Du, còn là một thiên diễm tình mà Thúy Kiều - nhân vật chính xuyên suốt từ đầu chí cuối. Theo chủ quan của tôi, từ xưa đến nay dường như phần này bị mờ nhạt hơn so với sự chiêm ngưỡng về phương diện văn chương.

Quả nhiên, tôi chưa nghe thấy ai kể chuyện mà chỉ nghe đọc từng câu, từng đoạn “Kiều” rồi cùng nhau tấm tắc khen. Muốn kể được mạch lạc, tình tiết đòi hỏi phải thuộc lòng Truyện Kiều, nhưng được như vậy hơi hiếm.

2- Sao ngày xưa Truyện Kiều hòa nhập vào cuộc sống đến kỹ lạ, rất nhiều người thuộc Kiều. Có nhiều bà, nhiều ông, trong số đó có những người không biết chữ, cũng thuộc Kiều. Tôi cho mấy người quen, thân thuộc và các con cháu tôi mượn sách về đọc, hôm trước hôm sau mang sách trả vì khó hiểu. Độc giả Truyện Kiều ngày càng thu nhỏ, nhất là đối với lớp thanh niên bây giờ. Phải chăng họ chưa nhận biết đây là một câu chuyện tình hết sức ly kỳ, đầy mâu thuẫn, cay đắng ngọt bùi và không ít tính hiện thực cao. Thật đáng tiếc thay!

Hy vọng tập sách được xem như phụ bản giải mã những chỗ khó hiểu để mọi người dễ tiếp cận Truyện Kiều. Đối với các em học sinh dùng làm sách tham khảo, hiểu thêm, bổ sung vào chương trình đang học ở nhà trường; các chị em nội trợ lúc rảnh rỗi, ngồi ở sạp hàng, các anh em làm nghề xe ôm xích lô đang chờ khách cũng có thể mở truyện đọc một đoạn chơi và sẽ nhớ ngay, không khó thuộc như Truyện Kiều (thơ).

3- Từ lâu nay tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi của thi hào Nguyễn Du:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Nguyễn Du sinh ra trong một gia đinh phong kiến quý tộc. Bố và anh ruột đều là quan đại thần trong triều đình. Nhà thơ cũng làm quan dưới thời nhà Nguyễn, vì sao để lại mai hậu câu hỏi thống thiết đến như vậy?

Bây giờ, khi viết “TRUYỆN KIỀU KỂ LẠI” xong, đồng thời tôi cũng ra khỏi sự ám ảnh nói trên.

Nguyễn Du có những năm tháng sống ẩn dật ở quê nhà Hà Tĩnh, mười năm lưu lạc ở đất Bắc, sống gần gũi và thông cảm với những nỗi khổ của nhân dân giúp nhà thơ sáng tạo thành công tác phẩm kiệt xuất Truyện Kiều.

Trong Truyện Kiều đầy những cảnh nàng Kiều bị hành hạ, cơ cực, lầm than khiến tôi có cảm giác mơ hồ, mường tượng hình ảnh nhà thơ vừa viết vừa khóc cho thân phận kiếp người.

Truyện Kiều ra đời đã trên dưới hai trăm năm, Tố Như sắp được hai trăm năm mươi năm sinh mà tác phẩm vẫn đầy ắp tính hiện thực. Thậm chí không chỉ trong phạm vi đất nước ta, mà tính hiện thực ấy cũng đầy ắp hiện hữu khắp cả năm châu bốn biển. Vì ngày càng thu nhỏ độc giả đối với Truyện Kiều là một trong những căn nguyên thôi thúc tôi viết tập sách này.

Bạn đọc quý mến!

Tôi tự biết việc làm này vượt ra ngoài tầm kiến thức và sức lực bản thân, chắc chắn còn hạn chế và thiếu sót. Mong được các bạn chỉ bảo để tu sửa thêm.

Tôi vô cùng biết ơn!