nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU


NGHÌN THU VỌNG MÃI

Truyện Kiều từng là một niềm say mê lớn trong hàng trăm năm, đối với hàng triệu người. Truyện Kiều cũng sẽ mãi mãi là một niềm say mê lớn.

Chúng ta biết cái nhìn của Nguyễn Du là một cái nhìn bế tắc. Nhưng Truyện Kiều không chỉ là một cái nhìn bế tắc. Truyện Kiều trước hết là một tiếng kêu thương, một lời nguyền rủa, một giấc mơ, tất cả bắt nguồn từ một tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, từ một chủ nghĩa nhân đạo rất đẹp và rất sâu. Chính chủ nghĩa nhân đạo ấy làm nên cái phần cốt yếu trong chất say người của câu chuyện.

Chúng ta say sưa với những lời thơ khi ngọt ngào, khi đau xót, luôn luôn âu yếm, nâng niu nhưng khỉ nói về Kiều. Chúng ta say sưa với những lời thơ sung sướng, hả hê khi hình ảnh Từ Hải vụt hiện lên như một vì sao lạ, và khi cây gươm Từ Hải vung lên, quét đi bao nhiêu xấu xa, dơ dáng. Say sưa ở đây trước hết là say sưa với tấm lòng Nguyễn Du, một tấm lòng đến giờ đây như vẫn còn bồi hồi, thổn thức, trước những đau khổ của con người bị đọa đày, bị chà đạp. Một tấm lòng không dừng lại trong xót thương mà còn chan chứa kính yêu, hơn nữa, đã vươn tới một đỉnh rất cao là dứt khoát đòi trả thù và trị tội.    

Viết về Kiều, về Từ Hải, tuy vậy, chưa phải là khó nhất đối với Nguyễn Du, vì đó cũng tức là đi vào tâm tư của chính mình. Điều khó hơn nhiều là sâu vào tâm tư những người có phần là mình lại có phần không phải mình. Trường hợp Thúc Sinh là thế Thúc Sinh là một anh chàng hèn nhát. Những điều Thúc Sinh thề thốt hoàn toàn không thể tin. Nhưng mối tình của Thúc Sinh đối với Kiều, Nguyễn Du vẫn xem là tình thật. Cả cái cảnh


Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng,

Nguyễn Du cũng đã gửi vào trong con mắt ngắm cảnh của Thúc Sinh. Lúc này Thúc Sinh đang trên đường trở lại Lâm-Trị, lòng mừng khấp khởi. Anh ta có dè đâu giữa cảnh trời thu tuyệt vời ấy, những phong ba dữ dội đang ùn ùn nổi dậy. Thúc Sinh trước sau vẫn là người cạn nghĩ. Nhưng chỉ riêng cái việc dành cho Thúc Sinh cảnh đẹp ấy và những lời thơ ấy cũng đủ để nói lên cái lượng lớn, đồng thời cũng là sức chân thực lớn của ngòi bút Nguyễn Du.

Ngay khi viết về cái dáng lặng ngồi lẩm nhẩm gật đầu của Sở Khanh, hay về cái mặt sắt cũng ngây vì tình của HỒ Tôn Hiến, ngòi bút Nguyễn Du căm giận không để đâu cho hết nhưng vẫn chính xác đến kinh người.

Suốt trong câu chuyên, qua một lối kể không chút vội vàng mà rất gọn, sự việc và nhất là tâm tư cứ diễn ra cơ hồ y như trong cuộc đời thật.Biến hóa không cùng mà lại hình như tất nhiên là phải thế. Lời thơ cũng biến hóa không cùng và hình như cũng tất nhiên là phải thế. Từng chữ, từng câu đều đúng tình, đúng cảnh, đúng lúc, đúng nơi, và vì vậy đêu có một hương vị riêng, đều như gọi dậy đúng những gì vẫn có sẵn không biết tự bao giờ trong tâm trí chúng ta. Người đọc có cái khoan khoái như được thấy "mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói” (Đào Nguyên Phố).

Không có một tâm hồn kỳ diệu như tâm hồn Nguyễn Du, không có một tài thơ kỳ diệu như tài thơ Nguyễn Du, không thể có Truyện Kiều. Nhưng không có những lầm than, căm giận, khao khát, ước mơ của nhân dân ta trong một thời kỳ lớn lao của lịch sử, không có đời sống văn hóa phong phú và đậm đà tình nghĩa của một dân tộc rất mực tài hoa cũng không thể có Truyện Kiều.

Những lời thơ kết tinh trong vui buồn, cả trong máu và nước mắt của cha ông như thế, làm sao con cháu có thể không ra sức kế thừa và gìn giữ. Đành rằng chúng ta trăm công nghìn việc. Trừ một số người nghiên cứu, còn thì chúng ta không thể đi sâu vào các điển tích, các biện pháp tu từ. Nhưng cha ông ta ngày xưa say theo lời thơ Nguyễn Du nói cũng đâu có phải vì những điển tích cùng biện pháp tu từ. Cái chính là vì cha ông ta đã nghe được trong đó một tiếng nói đồng tình, đồng điệu. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta có điều kiện để nghe rõ, nghe đúng tiếng nói ấy của Nguyễn Du.

Thế giới thơ của Nguyễn Du rất khác thế giới của chúng ta. Trong thế giới ấy, còn có nhiều sương mù, nhiều bóng ma, nhiều thần tượng trước đây đã từng có tác dụng không hay. Nhưng ánh sáng lớn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại chủng ta, trên đất nước chúng ta sẽ xua tan đi hết thảy, khiến cho hòn ngọc vô giá truyền lại từ thời xưa, ngày sẽ càng thêm sáng ngời và trong suốt.

Non mười năm trước, giữa lúc cuộc chiến đấu chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trên cả hai miền, Ban bí thư Trung ương Đảng đá có chỉ thị tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Nguyễn Du và theo đề nghị của Hội đồng Hòa bình thế giới lần đầu tiên một danh nhân văn hóa Việt Nam được kỷ niệm ở nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi châu Mỹ. Trong một bài thơ viết vào dịp ấy, Tố Như sau khi phê phán cái nhìn tối tăm không lối thoát của Nguyễn Du, đã hết lời ca ngợi tấm lòng ưu ái của nhà thơ và đối với tiếng thơ Nguyễn Du, đã có một sự đánh giá cao, xưa nay chưa từng thấy:


Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

(Kính gửi cụ Nguyễn Du)


Tố Hữu đã nói lên tất cả tấm lòng yêu quý và biết ơn của chúng ta đối với nhà thơ cổ điển lớn nhất trong văn học Việt Nam. Đúng là .tiếng thơ ấy, yêu thương như tiếng ru của mẹ, tha thiết như tiếng gọi của quê hương, nghìn năm sau sẽ còn vọng mãi.