nguyendu.com.vn
Loading...

Nguyễn Du và ông anh Nguyễn Đề


Nguyễn Du có nhiều ông anh, người cao tuổi nhất (con của bà cả Đặng Thị Dương) là Nguyễn Khản làm Tể tướng đương triều, hơn Nguyễn Du 32 tuổi.
 
Nguyễn Đề (còn có tên Nguyễn Nễ) là con thứ bà Trần Thị Tần, trắc thất của Nguyễn Nghiễm Xuân quận công (bà sinh 4 con trai là Nguyễn Trụ, Nguyễn Đề, Nguyễn Du, Nguyễn Ức, và 1 con gái là Nguyễn Thị Diên). Nguyễn Đề đỗ cử nhân, ra làm quan nhà Lê-Trịnh rồi triều Tây Sơn, ông “khuất phục” (chữ trong thơ của ông), ra làm quan Tây Sơn, đi sứ, đi trấn thủ địa phương (Quy Nhơn), làm quan trong triều. Gia Long lên, ông lại làm quan triều Nguyễn, và chắc ông tiến cử Nguyễn Du ra làm quan (tri huyện huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên)(1).
 
Tình cảm, quan hệ giữa hai anh em Nguyễn Đề - Nguyễn Du như thế nào? Ta thử phác qua vài nét:
 
- Nguyễn Đề, anh ruột “cậu Chiêu Bảy”, lớn hơn Nguyễn Du 4 tuổi, là người Nguyễn Du thân yêu nhất trong nhà. Ông anh này đích thực là một ông anh tốt, thương em, quý em, chăm sóc bảo bọc em. Lúc Nguyễn Du theo thuyền mành định chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh, bị Tây Sơn bắt giam, nếu không có Nguyễn Đề thì nguy to rồi. Vì Nguyễn Đề lúc ấy vừa đi sứ về, được thăng quan khen thưởng, lại là chỗ thân tình với Thận quận công là trấn thủ Nghệ An, nên Nguyễn Du chỉ bị giam 3 tháng (Thập tuần lao ngục, tử sinh tâm - ba tháng bị giam trong lao, lòng lo chuyện sống chết). Nguyễn Đề hộ giá Gia Long ra Bắc, ngang qua Nghi Xuân, tiến cử Nguyễn Du. Nguyễn Du đón xa giá, theo vua, ra làm quan. Còn khoảng giữa, lúc Nguyễn Đề làm quan Tây Sơn, thì Nguyễn Du nhiều lần từ Thái Bình lên thăm anh (như lần lên Thăng Long gặp cô Cầm ở bữa tiệc bên hồ Giám), mấy lần vào Phú Xuân thăm anh. Theo như trong thơ Nguyễn Đề thì chắc Nguyễn Du đi thuyền mành. Nguyễn Du có bài thơ Ức gia huynh (Nhớ anh) trong tập Thanh hiên, chắc là làm lúc Nguyễn Du về quê vợ Thái Bình và Nguyễn Đề làm quan Tây Sơn ở Quy Nhơn (Lục Tháp thành):
 
Lục Tháp thành nam hệ nhất quan,
Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan (tán hoàn).
Cùng tưu lam chướng tam niên thú,
Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn.
Nhất biệt bất tri hà xứ trú?
Trùng phùng đương tác tái sinh khan.
Hải thiên mang diểu thiên dư lý,
Thần phách tương cầu mộng diệc nan!
(Một chức quan ràng buộc tại phía nam nước Sáu Tháp,
Ban đêm vượt qua đèo Hải Vân đá lởm chởm.
Góc tận cùng đầy lam chướng, đồn thú đã ba năm,
Nước cũ với cảnh hoa trong khói sương, giữa tiết tháng hai giá lạnh.
Một lần từ biệt nay không biết ở nơi nào,
Gặp lại nhau hẳn chỉ thấy ở kiếp sau.
Trời biển mênh mang đường xa nghìn dặm,
Hồn phách tìm nhau trong mộng cũng khó).
(Dẫn từ Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Mai Quốc Liên - Vũ Tuân Sán (dịch nghĩa - chú thích), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2015, trang 106)
 
Quan trọng nhất là những bài thơ của Nguyễn Đề trong tập này nói về Nguyễn Du. Đó là những cứ liệu vô giá nói về đại thi hào của chúng ta. Nó hé mở cho ta thấy vài nét cốt yếu về con người Nguyễn Du qua nhận xét của ông anh.
 
Tố Như hà xứ trú,
Linh lạc tối kham ai.
Tự hữu lăng vân chí;
Hoàn vô thiệp thế tài.
Đào tình thời sách bút;
Thác tích nhật hàm bôi.
Giải ngã tương tư khổ,
Từ huề ấu tử lai.
(Tố Như ở chốn nào?
Lưu lạc rất đáng thương.
Tự có chí vượt trên mây;
Mà lại không có tài giao thiệp với đời.
Lúc lòng vui thì tìm đến bút;
Khi ẩn tích rượu suốt ngày.
Giải khuây cho ta nỗi khổ tương tư,
Thì thong thả dắt trẻ nhỏ lại chơi).
(Hoài Tố Như đệ)
 
“Lăng vân chí” - “chí cưỡi mây”, chí tung hoành mây gió là chí lớn. “Chí lớn” ở đây, theo nghĩa thời xưa là ra làm quan to - như cụ nhà Xuân quận công, như anh cả Nguyễn Khản… Nhưng muốn làm như vậy, thì phải có tài “thiệp thế” - giao thiệp, “xã giao”, khôn khéo trong ứng xử - điều mà Nguyễn Du tuyệt nhiên không có, mà cũng không muốn có, Nguyễn Du hướng theo Lão Trang, muốn “dưỡng chuyết” (nuôi cái vụng về, phác thực để toàn thân trong đời loạn). Ông cũng tự nhận xét về mình: “Hữu sinh bất đái công hầu cốt” (Ta sinh ra không mang cốt tướng công hầu). Cũng có thể hiểu “lăng vân chí” theo một cách khác. Đó là chí giúp đời (“tế thế”), cứu đời.
 
Nguyễn Du, con người của ngàn năm văn hóa, hẳn phải có chí đó. Ông lo đời, đau đời: “Thiên tuế trường ưu vị tử tiền” (trước khi chết, còn lo nghĩ mãi chuyện ngàn năm). Con người cũng có đại tâm, hùng chí, nhưng rồi lận đận trường đời. “Thư kiếm vô thành sinh kế xúc” (Văn và võ đều không thành, sinh kế quẫn bách). Thương thay!
 
Ngoài bài thơ này, Nguyễn Đề còn có 5 bài thơ khác, tiễn Nguyễn Du về Bắc Hà ở kinh đô Phú Xuân. Năm bài này không có gì đặc biệt, chỉ là những lời lẽ văn chương. Thật đáng tiếc. Chẳng hạn:
 
Ân cần thiên lý tống quân hồi,
Lãnh đạm trường đình tửu nhất bôi.
Ngư đảo kim thiên hồng độc khứ,
Phượng thành hà nhật, ích trùng lai.
Bán xoang sầu trạng miêu nan tận;
Vạn hộc tư trần tảo bất khai.
Tối thị lữ nhân, hương niệm trọng,
Thanh phong minh nguyệt cộng bồi hồi.
(Ân cần vạn dặm tiễn em về,
Uống một chén rượu ở trường đình lạnh lẽo.
Hôm nay một mình chim hồng bay tới hòn Ngư(2);
Ngày nào thuyền Ích(3) lại quay về thành Phượng(4).
Nửa lòng buồn bã miêu tả khó hết;
Vạn dấu bụi trần phảy quét không quang.
Nhất là lữ khách thêm nặng tình nhớ quê hương;
Cùng ngắm cảnh trăng thanh gió mát mà thêm bồi hồi).
(Tống Tố Như đệ tự Phú Xuân Kinh Bắc hoàn
(ngũ thủ))
 
Giữa ông anh Nguyễn Đề và người em Nguyễn Du, tài năng cách biệt, chí hướng cách biệt. Nhưng họ thương yêu nhau. Trong cuộc đời lắm u buồn của Nguyễn Du, thì đó cũng là những tia nắng ấm.
 
Còn thơ đi sứ của Nguyễn Đề, thì nó cũng giống như phần lớn thơ của các cụ ta xưa khi “sứ hoa” ngâm vịnh. Đó chủ yếu là thơ “cử tử” để các cụ ghi lại vài kỷ niệm trên đường đi vất vả - “vất vả như đi sứ”. Chỉ có Nguyễn Du đi sứ trong “Bắc hành” mới vượt lên trên tất cả ngàn xưa, nói lên những suy tưởng vĩ đại.
 
Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, nhân dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh của Nguyễn Du tiên sinh (1765-2015) và sắp tới kỷ niệm 200 năm năm mất (1820- 2020), đang ráng sức nghiên cứu, xuất bản một hệ thống những tác phẩm, tư liệu về Nguyễn Du theo quy cách khoa học, gồm có:
 
1. Nguyễn Du toàn tập (2 tập)
2. Truyện Kiều - Đoạn trường tân thanh (bản mới)
3. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền (dịch)
4. Thư mục Nghiên cứu Nguyễn Du
5. Kiều học tinh hoa (2 tập)
6. Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (bố Nguyễn Du)
7. Thơ Nguyễn Hành (cháu gọi Nguyễn Du là chú - một trong An Nam ngũ tuyệt)
Và ở đây là Thơ Nguyễn Đề (tuyển) (anh ruột Nguyễn Du). Ngoài ra, còn có những tác phẩm khảo cứu chuyên biệt.
 
Qua hệ thống này, người khảo cứu sẽ có đủ cứ liệu để an tâm đi vào công việc, và kế thừa thành quả để tìm ra vấn đề mới.
_____
(1) Chúng tôi đang định in lại truyện Nôm Quận trung đối của Nguyễn Ức, em ruột Nguyễn Du, để hoàn thiện xê ri về tác phẩm dòng họ Nguyễn Tiên Điền.
(2) Hòn Ngư: tên hòn đảo ở trước mặt núi Hồng Lĩnh, tỉnh Nghệ An quê hương tác giả.
(3) Thuyền Ích: đầu chiếc thuyền gỗ, người ta thường khắc hình con chim Ích, nên gọi thuyền Ích.
(4) Thành Phượng: chỉ kinh đô nhà vua, tức thành Phú Xuân.
 
 
30-4-2019
Theo Mai Quốc Liên/honvietquochoc.com.vn

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website