D. Đoạn thứ tư tiếp theo, kể việc Từ Hải xuất hiện:

“Lúc ấy có một hảo hán tên Hải họ Từ, tự là Minh Sơn, vốn người đất Việt, có tánh khoáng đạt rộng rãi, giàu sang coi nhẹ, tỳ thiếp coi thường, lại còn tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng. Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoa, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa, lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách… Nay nghe Thuý Kiều là bậc tài sắc, lại thêm khí khái hào hiệp, nhân tiện ghé thăm, mụ chủ biết Từ Minh Sơn là tay hảo hán, có lòng hạ cố, vội kêu Thuý Kiều ra tiếp. Thoạt mới nhìn nhau, đôi bên đã có mấy phần thiện cảm”.

 

Đoạn văn xuôi chín dòng này giới thiệu Từ Hải và xuất xứ của chàng cùng lần đầu Kiều gặp chàng được Nguyễn Du đặc tả bằng 14 dòng thơ sau đây:

2165. Lần thâu gió mát trăng thanh,     

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.

 2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.       

 2169. Đường đường một đấng anh hào,      

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài,        

 2171. Đội trời đạp đất ở đời,                 

Họ Từ tên Hải, vốn người Việt Đông.   

 2173. Giang hồ quen thú vẫy vùng,     

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

 2175. Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều,         

Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.

 2177. Thiếp danh đưa đến lầu hồng,  

Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.    

 

14 dòng thơ được cấu trúc thành 2+4+4+4, hai câu đầu là không gian và thời gian và cách Từ xuất hiện, 4 câu tiếp tả ngoại hình và tài thao lược, 4 câu tiếp giới thiệu họ tên và phong thái, 4 câu cuối tả bước đầu gặp gỡ giữa nhi nữ và anh hùng.

 

Đoạn

KVKT

Truyện Kiều

Đoạn A

Hơn 1 trang

8 dòng thơ

Đoạn B

Gần 2 trang

4 dòng thơ

Đoạn C

Chỉ 6 dòng

16 dòng thơ

Đoạn D

Chưa đến 10 dòng

14 dòng thơ

 

+ Như vậy là 4 đoạn so sánh trên đây và trong bảng đã cho ta thấy một cái nhìn khá cụ thể về cách kể chuyện của Nguyễn Du. Có đoạn ông lược bỏ rất nhiều, lại có đoạn ông viết lại với nội dung mới. Không nói tới giọng điệu và lời kể vừa trữ tình, vừa sâu lắng, hoàn toàn phù hợp với tâm trạng của nhân vật. Đặc biệt đoạn trên đây giới thiệu cho ta một cốt cách, một phong cách anh hùng của nhân vật Từ Hải.

 

Khi thì Nguyễn Du rút gọn đến tối đa – đoạn A hơn 1 trang thành 8 dòng – đoạn B, gần 2 trang chỉ còn 4 dòng - khi thì đưa thêm những tình tiết mới, những nhận xét mới, 6 đến 10 dòng trong nguyên truyện được viết thành 16 hay 14 dòng thơ ở 2 đoạn C – D. Đoạn cuối D, Nguyễn Du bỏ hẳn những tình tiết về lai lịch của Từ Hải (Trước cũng theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoa, sau mới xoay ra thương mại, tiền của có thừa lại thích kết giao với những giang hồ hiệp khách…), mà thêm vào những ý tình mới để biến Từ Hải thành người anh hùng với đầy đủ tính cách không chỉ của một giang hồ hiệp khách mà còn một người anh hùng lý tưởng, người anh hùng chân chính theo đúng nghĩa của từ này - không chỉ Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài, mà còn Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo. Nguyễn Du còn mô tả cả ngoại hình của Từ bằng hai câu rất đắt và từng gây nhiều tranh cãi mà Thanh Tâm Tài Nhân không tả lấy một chữ:

2167. Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

 

IV. Bớt kể mà tăng miêu tả và kể chuyện theo đường dây tâm lý.

1. Bớt kể mà miêu tả.

 

Như trên đã nói, khi kể lại câu chuyện về nàng Kiều, Nguyễn Du đã bớt kể nhưng tăng miêu tả và kể chuyện theo đường dây tâm lý, trong đó hệ thống sự kiện hành động không phải là yếu tố thúc đẩy dòng tự sự vận động mà chính là tâm lý nhân vật sẽ quyết định mạch tự sự. Ông đi sâu vào tâm lý để xây dựng hình tượng nhân vật, những con người có cá tính riêng không lẫn được với những nhân vật khác. Đồng thời ông cũng cho độc giả thấy được động cơ và nguyên nhân của hành động của các nhân vật. Ta hãy cùng xem lại đoạn Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến sau đây:

2457. Đóng quân làm chước chiêu an,          

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.

 2459. Lại riêng một lễ với nàng,  

Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân.  

 

Trên đây là mấy dòng viết về kế hoạch của Hồ Tôn Hiến mở đầu cho mỹ nhân kế của lão bằng cách đánh vào lòng tham của Kiều, từ Ngọc vàng gấm vóc đến lại riêng một lễ với nàng. Bốn dòng thơ này cùng với sáu câu giới thiệu Hồ Tôn Hiến (2451-2460) là 10 câu tóm tắt gần nửa sau hồi 18 dài gần 10 trang trong Kim Vân Kiều Truyện. Cả hồi 19 kể chuyện tiếp cho đến khi Từ Hải bị lừa, Thuý Kiều tự vẫn trên sông Tiền Đường để đến hồi 20 là màn Tái hồi Kim Trọng. Đoạn đầu hồi 19 được Nguyễn Du tập trung miêu tả tâm lý của Từ Hải và Thuý Kiều thành 38 dòng thơ sau.

 2461. Tin vào gửi trước trung quân,    

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.

 

Dòng tâm tư và suy nghĩ của Từ được Nguyễn Du kể bằng 10 câu thơ tiếp sau đây:

 2463. Một tay gây dựng cơ đồ,   

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.  

 2465. Bó thân về với triều đình,  

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

 2467. Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,     

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?         

 2469. Sao bằng riêng một biên thuỳ,   

Sức này đã dễ làm gì được nhau!

 2471. Chọc trời khuấy nước mặc dầu,          

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!

Từ Hải quyết định không ra hàng vì Sức này đã dễ làm gì được nhau. Nhưng Kiều của chúng ta thì được mô tả bằng ngôn ngữ của người kể chuyện:

 2473. Nàng thì thật dạ tin người,          

Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.      

 

Kiều không chỉ “tin người” mà lại là “thật dạ tin người” và lại là tin Hồ Tôn Hiến, kẻ thù của chồng mình. Lễ nhiều nói ngọt, Kiều đã tha hoá đến mức không ý thức được rằng như vậy là chỉ nghĩ đến bản thân mình và đây là dòng suy nghĩ tiếp theo của nàng:

 2475. Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,

Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân.  

 2477. Bằng nay chịu tiếng vương thần,        

Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì!

 2479. Công tư vẹn cả hai bề,               

Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

 2481. Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.      

 2483. Trên vì nước, dưới vì nhà,          

Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.

 2485. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,     

E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa.

 

Kiều khuyên Từ Hải ra hàng và tin rằng đó là một hành động đẹp, hợp với đạo lý, nàng nghĩ đến việc sẽ được về thăm quê hương, gặp cha mẹ mà cảm thấy hãnh diện, có phần tự đắc. Trong dòng suy nghĩ của Kiều ở đây, ta không thấy nói gì đến Từ Hải, phải chăng nàng chỉ nghĩ đến mình. Tác giả đã dùng chữ nhân khi bàn bạc và thừa cơ để mô tả cái cách nàng sử dụng nhằm thuyết phục Từ.

 2487. Nhân khi bàn bạc gần xa,

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

 2489. Rằng: - “Ơn thánh đế dồi dào,   

“Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.      

 2491. “Bình thành công đức bấy lâu,  

“Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao.

 

Kiều tiếp tục kết tội Từ Hải và sau đó lại lấy tấm gương Hoàng Sào ra để đe doạ Từ:

 2493. “Ngẫm từ dấy việc binh đao,      

“Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.

 2495. “Làm chi để tiếng về sau,  

“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!

Và nàng kết thúc bằng việc đưa ra mồi nhử lợi quyền để thuyết phục:

 2497. “Sao bằng lộc trọng quyền cao,

“Công danh ai dứt lối nào cho qua?”

 

Để miêu tả phần này (gồm 38 dòng thơ), Thanh Tâm Tài Nhân phải miêu tả từ cuối hồi 18 đến giữa hồi 19 trong 24 trang (Từ trang 298 đến trang 322, bản dịch Kim Vân Kiều Truyện - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội – 1999) với 13 nhân vật đã bị lược bỏ (Bốc Tề, Cừu Nhiêu, Không Hỗn, Hoa Nhân, Tuyên Nghĩa, Dụ Ân, La Trung Quân, Lợi Sinh, Quyền Nghi, Nữu Hiệp, Trương Năng, Lý Thiên, Âm Mưu). Trong Kim Vân Kiều Truyện, Thuý Kiều thuyết phục Từ Hải như một thuyết khách kiểu Tô Tần, Trương Nghi thời Chiến quốc, còn ở Thuý Kiều của Nguyễn Du chỉ là những suy nghĩ đã lay động tâm hồn nàng. Đúng là Nguyễn Du đã bớt kể mà tăng miêu tả, chỉ qua 16 dòng thơ tự sự và hai lượt lời mang tính chất của những độc thoại nội tâm của Thuý Kiều và Từ Hải trước mưu kế hiểm độc của Hồ Tôn Hiến và chuyện được kể hoàn toàn theo đường dây tâm lý. Chỉ 38 dòng thơ thay cho 24 trang văn xuôi dài dòng đã cho ta thấy rõ nghệ thuật kể chuyện tài hoa của Nguyễn Du.

 

2. Kể chuyện theo đường dây tâm lý.

Theo đường dây tâm lý, giữa Nguyễn Du và hai nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp thế kỷ 17 là Pierre Corneille và Jean Racine có một sự trùng hợp khá độc đáo về cách mô tả tâm lý nhân vật của mình.

 

A. Thứ nhất là sự trùng hợp giữa hai nhân vật chính của Nguyễn Du và Corneille, cả hai đều phải đắn đo giữa tình và hiếu để thực hiện một hành vi ý chí mà các nhà tâm lý thường chia làm bốn giai đoạn: Xác định mục đích (1) - Cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất (2) - Quyết định để chọn một phương cách chấm dứt mọi phân vân lưỡng lự (3) - Thực hiện để hoàn thành hành vi ý chí (4).

a. Hành vi ý chí của nàng Kiều khi phải bán mình chuộc cha đã được Nguyễn Du diễn tả trong 8 câu được chia làm 4 ý rành mạch, mỗi giai đoạn 2 câu liên tiếp như sau:

Giai đoạn 1, Kiều tự đặt ra mục đích dưới dạng một câu hỏi:

0599. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền.

Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao?

 Giai đoạn 2, Kiều tự vấn và đắn đo cân nhắc mà cũng là tự hỏi:

0601. Duyên hội ngộ, đức cù lao,

 

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?

 Giai đoạn 3, nàng quyết định hy sinh tình yêu cho tròn chữ hiếu với chữ để là bỏ, bỏ lại, gác lại những lời thề nguyền với chàng Kim:

0603. Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Giai đoạn 4, thực hiện hành vi ý chí, bán mình chuộc cha:

0605. Quyết tình, nàng mới hạ tình:

- “Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”

Nguyễn Du khéo ở chỗ khi đề cập đến tình và hiếu đều rất có lớp lang thứ tự: Ở giai đoạn 1, nói hiếu trước (cốt nhục vẹn tuyền) tình sau (ngộ biến tòng quyền), ở giai đoạn 2 và 3 thì tình sẽ phải hy sinh đứng trước đều in nghiêng (Duyên hội ngộ, Bên tình, Để lời thệ hải minh sơn). Còn bên hiếu đứng sau để được nhắc đến ở câu cuối giai đoạn 4: bán mình chuộc cha!

 

b. Trong sách tâm lý, các nhà nghiên cứu Pháp thường nêu ra đoạn độc thoại của nhân vật chính Rodrigue trong vở kịch Le Cid làm dẫn chứng. Trong cảnh độc thoại này, Corneille đã để cho vai anh hùng của mình lưỡng lự khá lâu. Cũng như nàng Kiều của chúng ta phải đắn đo giữa tình và hiếu, Rodrigue phải thực hiện một hành vi ý chí là: Hy sinh ái tình của mình với nàng Chimène khi phải thách đấu với cha nàng – người đã làm nhục cha mình – để bảo vệ danh dự gia đình. Nhà bi kịch cổ điển Pháp đã dành 60 câu thơ trong Scène VI. Don Rodrigue để miêu tả tâm lý của chàng cũng qua 4 giai đoạn trên. Trong cảnh độc thoại này của Rodrigue, tác giả đã dành 30 câu thơ cho giai đoạn 2 mà chàng phải lưỡng lự cân nhắc nhiều trước khi lựa chọn, trong khi 3 giai đoạn kia mỗi giai đoạn chỉ có 10 câu (Chúng tôi có dẫn ra cụ thể cả nguyên văn tiếng Pháp và bản dịch thành thơ của dịch giả Hoàng Hữu Đản để minh chứng ở cuối quyển Thế giới nhân vật Truyện Kiều).

 

c. Trong bốn giai đoạn trên thì giai đoạn 2 phải suy nghĩ lợi hại thiệt hơn, lật đi lật lại vấn đề - cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất - là dài hơn cả, nhưng với trường hợp Thuý Kiều, vì sao không cần phải dài dòng qua nhiều đắn đo suy tính, như với chàng Rodrigue. Sự xung đột mãnh liệt trong tâm hồn Rodrigue được diễn tả bằng 30 câu, dài bằng cả 3 giai đoạn kia cộng lại. Chàng hiệp sĩ phương Tây có ý thức đầy đủ và mạnh mẽ về cá nhân với nhiều khát vọng tự do nên phải dành nhiều thời gian để cân nhắc. Còn nàng Kiều của chúng ta theo nề nếp đạo đức phương Đông, với căn bản của nền giáo dục Khổng Mạnh nghiêm khắc quân sư phụ, Thuý Kiều bao giờ cũng phải đặt nhiệm vụ với gia đình lên hàng đầu (hiếu đứng trước tình). Nàng nhanh chóng đi đến quyết định hy sinh chữ tình cho chữ hiếu, mà không phải có quá nhiều lý luận để đắn đo, và mỗi giai đoạn đều chỉ có hai câu.

 

d. Nguyễn Du và Corneille quả là những nhà tâm lý học, đã viết theo sự mách bảo của bản năng, của thi hứng chứ không nhất thiết phải ý thức được đầy đủ qua bốn thời kỳ như các tâm lý gia sau này sẽ phân tích.

 

B. Thứ hai là sự trùng hợp trong cách trình bày tâm lý giữa hai nhân vật chính của Nguyễn Du và Racine.

 

a. Trong cảnh Thuý Kiều trao duyên, lúc đầu nàng cố gắng giải thích thuyết phục, tường thuật sự việc, trình bày lý lẽ nên giọng thơ điềm đạm, chậm rãi… Nàng dặn lại em:

0741. “…Mai sau dù có bao giờ,           

“Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.         

0743. “Trông ra ngọn cỏ lá cây,   

“Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

0745. “Hồn còn mang nặng lời thề,

“Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.      

Nghĩ đến Kim Trọng cùng Thuý Vân đốt hương gảy đàn để tưởng nhớ đến mình, Kiều tưởng như hồn mình sẽ hiện về trong gió hiu hiu thổi mà oan hồn của mình vẫn mang nặng nỗi đau chưa trọn lời thề và chỉ xin em một chén nước để thêm nghĩa, thêm tình:

0747. “Dạ đài cách mặt khuất lời,

“Rảy xin chén nước cho người thác oan.

 

Lời trao duyên biết bao tha thiết, Thuý Kiều nói với Thuý Vân nhưng đến cuối, có lúc nàng như mê đi không còn biết mình nói với ai. Trong lúc tình cảm đến độ lâm ly, Kiều như tự nói với mình trong câu độc thoại:

0749. “Bây giờ trâm gãy bình tan,

“Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

 

Để rồi, một cách như vô thức, nàng buông mình trong một cơn mơ, chuyển sang nói với Kim Trọng đang ở tận Liêu Dương xa xôi:

0751. “Trăm nghìn gửi lạy tình quân.    

“Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

0753. “Phận sao phận bạc như vôi!     

“Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.   

0755. “Oi Kim lang! Hỡi Kim lang!

“Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

 

Giọng điệu về sau càng trở nên hối hả, để cuối cùng vỡ oà trong tiếng nấc nghẹn ngào, nàng ngã ra bất tỉnh:

0757. Cạn lời hồn dứt máu say,  

Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng…    

 

b. Trong vở kịch Andromarque của Racine, nàng Andromarque cũng có lúc đang nói chuyện với Pyrrhus, kẻ thù của chồng nàng, bỗng quên hẳn Pyrrhus để chuyển sang nói chuyện với Hector, người chồng đã khuất. Nếu Truyện Kiều của Nguyễn Du được nhân dân ta đặt bằng tên nhân vật chính thì vở kịch của Racine cũng vậy, nàng Andromarque được lấy làm tên cho tác phẩm miêu tả cuộc đời nàng. Có một câu trong vở kịch tóm tắt nội dung là: Oreste aime Hermione, mais elle aime Pyrrhus, qui aime Andromaque, qui aime encore le souvenir de son mari, Hector, tué pendant la guerre de Troie (Oreste yêu nàng Hermione nhưng nàng lại yêu Pyrrhus. Pyrrhus yêu Andromarque nhưng nàng lại còn yêu kỷ niệm về Hector, người chồng của nàng đã bị giết trong cuộc chiến thành Troie).

 

C. Nguyễn Du và Corneille cùng Racine đã gặp nhau vì những cây bút lớn đều nắm chắc những diễn biến có quy luật tâm lý của con người và đều đi sâu vào tâm tư tình cảm của nhân vật, họ đã nhập vai, hoà làm một với nhân vật của mình. Quả là những tư tưởng lớn gặp nhau!

 

V. Thêm cảnh thiện nhiên như một ngôn ngữ để diễn tả tâm trạng nhân vật.

 

Thiên nhiên đã giúp Nguyễn Du nói hộ được rất nhiều điều khi diễn tả tâm trạng nhân vật. Nếu trong Kim Vân Kiều Truyện không có một cảnh thiên nhiên nào thì ở những thời điểm mà tâm trạng nhân vật khó bộc lộ nhất trong Truyện Kiều, thiên nhiên xuất hiện vì ngôn ngữ của con người có những hạn chế của nó.

 

“Nó chỉ có thể là ngôn ngữ của những khái niệm, của những phân chia rõ ràng tách bạch. Khi tâm hồn con người như muốn tràn ra khỏi mình, hoà lẫn vào một cái khác, khi ranh giới giữa cái tôi và cái bạn mất đi hay bị nhòe đi, khi trong bạn có tôi, trong tôi có bạn. khi yếu tố vụ lợi bước lùi để nhường chỗ cho sự cảm thông, dung hợp, lúc đó ngôn ngữ của con người bất lực”(Phan Ngọc).

Truyện Kiều có trên hai trăm câu thơ miêu tả thiên nhiên, trong đó nhiều câu được sử dụng như một thứ ngôn ngữ là một minh chứng cho sự cách tân của Nguyễn Du trong việc xây dựng và khắc hoạ tính cách nhân vật (Xem chương III. Thiên nhiên trong Truyện Kiều).

 

Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lại bằng cách so sánh ba lần chia tay với người tình của Thuý Kiều giữa hai tác phẩm. Những cảnh thiên nhiên tuy chỉ mang tính chất tượng trưng theo kiểu chấm phá, có khi chỉ một vài chi tiết nhưng đã lột tả hết cái thần của cảnh vật nói lên tâm trạng của con người.

 

a. Đây là cảnh Kim Trọng chia tay Thuý Kiều để về Liêu Dương hộ tang chú trong Kim Vân Kiều Truyện không có lấy một câu tả cảnh:

 

“Chẳng ngờ nàng vừa nói đặng mấy câu thì hai dòng lệ đã không tài nào giữ nổi. Chàng Kim thấy vậy cũng khóc nức nở. Giữa lúc hai người đang khóc thì tên thư đồng lại đến gõ cửa thúc giục đi ngay. Chàng Kim đành phải gạt lệ, tạm biệt cùng nàng, tất tưởi chạy về bên nhà, thấy ngựa đã đóng yên cương đứng chờ trước cửa, rồi chàng cùng với thân phụ sang thẳng Liêu Dương”.

 

Còn ở Truyện Kiều là 5 câu miêu tả thiên nhiên trong số 14 câu diễn tả cảnh chia tay:

0559. Dùng dằng chưa nỡ dời tay,       

Vầng đông trông đã đứng ngay nóc nhà.

 0561. Ngại ngùng một bước một xa.   

Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng.  

 0563. Buộc yên quẩy gánh vội vàng,  

Mối sầu sẻ nửa, bước đường chia hai.          

0565. Buồn trông phong cảnh quê người,     

Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

 0567. Não người cữ gió tuần mưa,      

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

 0569. Nàng còn đứng tựa hiên tây,

Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ.

 0571. Trông chừng khói ngất song thưa,     

Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

 

Đoạn thơ gồm 14 dòng có thể chia thành 7 khổ thơ từ không gian - thời gian, thái độ, hành động lúc chia tay, phong cảnh quê người, nỗi nhớ thương của Kiều và tâm sự của nàng cùng cảnh khói ngất song thưa để chuyển sang đoạn “gia biến”. Rất cụ thể mà đầy hình tượng, nặng chất trữ tình. Chữ trân trọng ở đây có lẽ chỉ có nghĩa là hãy giữ gìn sức khỏe trong “Bảo trọng” khi chia tay, chứ không có nghĩa như ngày nay là tỏ ý quý, coi trọng.

 

b. Trong Kim Vân Kiều Truyện, Thúc Sinh chia tay Thuý Kiều cũng không có một câu nào mô tả thiên nhiên:

 

“Không thể lưu luyến được nữa, chàng chỉ ngập ngừng nói lên hai tiếng “Bảo trọng” rồi gạt lệ bước ra. Nàng muốn tiễn ra khỏi cửa, bỗng thấy Thúc Ông và những người làm công cùng các bạn thân đến tiễn, chàng vội quay ra chào hỏi. Nàng phải đứng lại sau tấm bình phong. Chàng trao hành lý cho xe ngựa xong rồi mới quay lại bảo nàng: - Thôi ta đi đây, nàng nên bớt sự phiền não”.

 

Trong Truyện Kiều, đoạn này lại là 8 dòng thơ với 4 câu tả cảnh của một thiên phú biệt ly với cảnh rừng phong, mùa thu, dặm hồng, ngàn dâu xanh và Vầng trăng ai xẻ làm đôi đã được nhiều người phân tích:

1519. Người lên ngựa, kẻ chia bào,     

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.

 1521. Dặm hồng bụi cuốn chinh an,    

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

 1523. Người về, chiếc bóng năm canh,        

Kẻ đi, muôn dặm một mình xa xôi.

 1525. Vầng trăng ai xẻ làm đôi? 

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!

 

c. Trong cuộc chia tay với Từ Hải ở Kim Vân Kiều Truyện, cuối hồi 17, là đoạn:

“Thuý Kiều nghe Từ nói thế thì đã đoán rõ tâm sự. Từ bèn mua riêng một sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn năm tháng thì từ dứt áo ra đi.

“Nào biết đi để làm gì? Hãy đợi hồi sau phân giải”.

Sang đầu hồi 18 chỉ có một câu sau:

“Nói về Thuý Kiều thấy Từ Minh Sơn dứt áo ra đi, ba năm đằng đẵng không tin tức gì…”.

 

Đoạn này trong Truyện Kiều cũng có hai dòng thơ miêu tả thiên nhiên, chỉ là những nét chấm phá nhưng vẫn nói lên được chí khí anh hùng của Từ:

2213. Nửa năm hương lửa đương nồng,      

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

 2215. Trông vời trời bể mênh mang,    

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong.

 

Mà sau đó là những lời đối đáp giữa Kiều và Từ Hải, Kiều xin đi theo nhưng Từ không chấp nhận và cảnh Kiều nhớ nhà 32 dòng thơ, tất cả đều không có trong Kim Vân Kiều Truyện, từ câu 2217 đến 2248:

2217. Nàng rằng: - “Phận gái chữ tòng,         

“Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi….”

2247. …Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,        

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

 

Như vậy, mấy dòng văn xuôi trên đây của Kim Vân Kiều Truyện được Nguyễn Du viết thành 36 dòng thơ đầy ý tứ (Từ câu 2213 đến 2247).

 

(...Còn tiếp)