nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Một phác thảo về Trường Luỹ.


Trường Luỹ được bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, khi ông Bùi Tá Hán (1496 – 1568) lãnh nhiệm vụ của triều Lê Trung hưng vào trị nhậm trấn Quảng Nam, nay là vùng đất thuộc thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Lúc bấy giờ, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng  Ngãi, ông cho đắp các đoạn luỹ đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn/bảo để kiềm phòng.
                 
I. TÊN GỌI VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH:
 
Trường Luỹ, tên gọi đầy đủ ghi trong chính sử là “Tĩnh Man Trường Luỹ” (có thể đọc là “Tịnh Man Trường Luỹ”), thi thoảng cũng được chép là “Bình Man Luỹ”, trong dân gian gọi là Luỹ Mọi, Luỹ Trấn Man, Luỹ Bình Man. Tất cả các tên gọi nầy đều mang nặng thành kiến phân biệt Kinh Thượng và ít nhiều gợi lên ký ức về những năm tháng không yên lành trong quan hệ giữa người Việt (Kinh) và các tộc người thiểu số miền Tây. Vì vậy, “Trường Luỹ” hoặc “Trường Luỹ Quảng Ngãi”, “Trường Luỹ Quảng Ngãi – Bình Định” là những tên gọi phù hợp hơn. Chúng tôi thống nhất gọi là Trường Luỹ trong các bài viết của mình.
 
Trường Luỹ được bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, khi ông Bùi Tá Hán (1496 – 1568) lãnh nhiệm vụ của triều Lê Trung hưng vào trị nhậm trấn Quảng Nam, nay là vùng đất thuộc thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Lúc bấy giờ, để ngăn chặn người thiểu số ở phía tây Quảng Ngãi, ông cho đắp các đoạn luỹ đất ở những nơi hiểm yếu và đặt một số đồn/bảo để kiềm phòng. Sử nhà Nguyễn, về sau, gọi các luỹ đất không liên tục nầy là “Đoạn Trường Luỹ”. Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy từ miền Thượng và các hành động trấn áp từ phía các tập đoàn cai trị phong kiến vẫn kéo dài triền miên. Cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng, trong một nỗ lực ổn định vùng đất thượng du phía Tây, triều đình Nguyễn đã thuận theo lời tâu của Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) , một đại công thần và là một võ tướng tài năng, quê gốc ở làng Bồ Đề, phủ Mộ Hoa (nay là huyện Mộ Đức) Quảng Ngãi, cho phép ông nầy huy động nhân lực gia cố và nối các “Đoạn Trường Luỹ” lại với nhau, dựng thêm nhiều đồn/bảo, hình thành một hệ thống đồn luỹ liên hoàn, vắt ngang miền tây tỉnh Quảng Ngãi, chạy từ huyện Hà Đông (nay là huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (nay là các huyện Bồng Sơn, An Lão của tỉnh Bình Định). Từ đây luỹ dài nầy có tên là Tĩnh Man Trường Luỹ.
 
II. QUY MÔ:
 
Quốc sử quán triều Nguyễn, trong Đại nam nhất thống chí, cho biết về Tĩnh Man Trường Luỹ như sau:
 
Luỹ dài Tĩnh Man: ở cách tỉnh thành 23 dặm, phía bắc giáp địa giới huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp địa giới huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, luỹ dài 177 dặm. Hồi đầu bản triều đặt binh sáu đạo để phòng giữ ác man Thạch Bích; năm Gia Long thứ 4, đặt cơ Thập Kiên làm đạo Bình Man, đắp 115 sở bảo, sau đổi làm cơ Lục Kiên, theo địa thế các bảo, sở mà đắp thêm luỹ dài, đặt 27 lân phụ luỹ, mỗi lân đặt một cai lân và một phó lân, thay phiên nhau đóng giữ; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi cai lân làm bát phẩm bá hộ, phó lân làm cửu phẩm bá hộ; năm thứ 9 đổi Lục Kiên làm năm cơ Tĩnh Man, cơ nhất trú phòng 22 bảo là Phú Thọ, Tuy An, Thuận An, Tuấn Lĩnh, Dũng Thuỷ, Phú Thành, An Lạc, Bảo Sơn, Phú Sơn, Vĩnh Khánh, Phú Lân, Mỹ Sơn, Kiên Thành, Thổ Sơn, Mỹ Bố, Hưng Nhân, Hưng Bình, Phú Xuyên, Phú Nhuận, Lân Định, An Đình và Giang Ngạn; cơ nhị trú phòng 21 bảo là Thanh Bồng, An Viên, Thanh Nguyên, Thạch Bàn, Kiên Giáp, Cao Đôi, Trường Giang, An Sơn, Viên Môn, Bàn Thạch, Câu Giao, Mã Hoàn, Lĩnh Lâm, Hội Vân, Lê Thạch, Nham Thạch, Thạch Phong, Hùng Lĩnh, Chi Trụ, Thanh Khê và Linh Chi; cơ  tam trú phòng 22 bảo, là Kiên Thạch, An Lĩnh, Hùng Thành, Cam Lâm, Tráng Sỹ, Đại Phụ, Phong Nhuệ, Mỹ Lộc, Thanh Thụ, Giảng Sỹ,Tú Lĩnh, Thạch Lĩnh, Thạch Lâm, Mỹ Sơn, Trung Phu, Bồng Lai, Củng Cố, Trường Đình, Trường Hoà, Lý Nhân, Tân Phong và Phúc Lộc; cơ tứ trú phòng 25 bảo là Phú Lộc, Ninh Giang, Tài Công, Vũ Giáp, Long Bình, Sơn Chi, Giang Bình, Hoà An, Vạn Niên, Thạch Bì, An Thạch, Lập Thạch, Vĩnh Thạch, Bình An, Tân An, Tân Bình, Mậu Lâm,  Bích Khuê, Trúc Lâm, Hùng Nghĩa, Xuân Linh, An Phong, Bình Định, Thạch Luỹ và Tam Giang; cơ ngũ trú phòng 24 bảo là Hoà Dương, Lâm Tùng, Nhân Hoà, Thạch Căn, Thuận Lợi, Thanh Thuỷ, Mỹ Thịnh, Phú Nhân, Thanh Lê, Lương Tài, An Bài, Vạn Phúc, An Tượng, Trạch Lâm, Liệt Sơn, Hương Thanh, Sơn Quan, An Nhơn, Thanh Lâm, Thanh Vân, Phúc Thôn, Tài Thọ, An Dũng và Thanh Trung. Sửa sang trường thành, xây đắp 114 bảo, lấy viên lãnh binh tại tỉnh lãnh việc phòng ngự ác man, thật là chu đáo.” (1)
 
Trường Luỹ cũng được vẽ khá chi tiết trong một bản đồ hình thành dưới thời Đồng Khánh, khắc in chung trong một tập sách biên soạn khá công phu có tên là “Đồng Khánh địa dư chí”. Trong bài viết đăng trên CNN ngày 26/1/2011, ký giả Adam Bray đã dịch tựa đề cuốn địa chí vốn được biên soạn bằng chữ Hán nầy sang tiếng Anh là “Descriptive Geography of the Emperor Dong Khanh.”. Thật oái oăm, từ bài báo tiếng Anh của một nhà báo nước ngoài, dẫn đến câu chuyện dở khóc, dở cười khi có đến mấy chục tờ báo trong nước, gồm cả báo giấy, báo tiếng, báo hình, báo mạng, đồng loạt dịch ngược (hoặc chép theo) tên cuốn địa chí có quy mô đồ sộ và biên soạn lắm công phu của Quốc sử quán triều Nguyễn  thành ra “Mô tả địa thế của Hoàng đế  Đồng Khánh” và được biên soạn bởi một quan triều Nguyễn vào năm 1885.”  (!)
 
Luỹ, trong Tĩnh Man Trường Luỹ (), là một chữ Hán, thuộc bộ “Thổ” (土), ở dạng phồn thể có 18 nét; phần trên là 3 chữ “điền” (田) xếp theo hình tam giác; phần dưới là chữ thổ (土). Hán Việt từ điển Thiều Chửu, dịch: “Bờ luỹ, tường chắn trong dinh quân hoặc che chở thành” (2). Hán Việt từ điển Nguyễn Văn Khôn, giảng: “Luỹ: thành đắp bằng đất” (3).  Phân tích từ nguyên học kết hợp khảo sát thực địa cho thấy, đúng như tên gọi, Trường Luỹ về cơ bản được đắp bằng đất, ở một số đoạn kè đá ở bên ngoài để chống trôi trượt, xói lở trong mùa mưa lũ; hãn hữu, có một vài đoạn hoàn toàn bằng đá, nhưng chiếm một tỷ lệ rất thấp trong tổng chiều dài Trường  Luỹ.
 
Đại Nam nhất thống chí, ở đoạn trích trên, và Đồng Khánh địa dư chí cùng cho biết Trường Luỹ có chiều dài 177 dặm. Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê  chủ Biên; Nxb KHXH. Hà Nội, 1988), một dặm có chiều dài tương đương 444,44m; vị chi tổng chiều dài Trường Luỹ là 78.665,88m, xấp xỉ 79 cây số ngàn (4). Còn theo Từ lâm Hán Việt từ điển (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố)  thì 1 dặm = 1800 xích (thước Trung Quốc) = 576 mét; tính ra Trường Luỹ có chiều dài là 101.952m , tương đương 102 km (5). Nếu theo chú giải của nhóm dịch giả - biên khảo bản dịch Đồng Khánh địa dư chí  (Ngô Đức Thọ, Nguyễn văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The ;NXB Thế giới; HN) thì 1 dặm = 720 m, vị chi chiều dài Trường Luỹ  là 127.440 m, tương đương 127 cây số (6).
 
III. SƠN PHÒNG
 
Gắn với Trường Luỹ là một tổ chức quản lý – quân sự có tên là Sơn Phòng. Tập sách Quảng Ngãi tỉnh chí  do Nguyễn Bá Trác (Tuần vũ Quảng Ngãi và cũng là một học giả thông tuệ cả cựu học lẫn tân học) chủ trương biên soạn và trình lên Hoàng đế Bảo Đại năm 1933 là một trong những tài liệu miêu tả khá cụ thể về Sơn Phòng, như sau: Thời Bùi Tá Hán trấn nhậm đất Quảng Nam, ông cho đắp ở miền tây Quảng Ngãi các  Đoạn Trường Luỹ để ngăn chặn xung đột đông tây. Sở dĩ có tên như vậy, vì luỹ  chỉ đắp từng đoạn, mỗi đoạn có một đồn/bảo trấn đóng.
 
Năm Canh Ngọ (1750), chúa Nguyễn cho đặt ở miền Tây Quảng Ngãi sáu đồn binh để canh phòng. Đến năm Giáp Tý – 1804, thời Gia Long, Lê Văn Duyệt tâu xin lập sáu cơ binh, chia thành từng trấn để kiềm phòng. Đầu năm 1855, lựa lân dân, đinh tráng lập đôi nghĩa dõng đến 800 người, được cấp phát lương bổng. Đội nghĩa dõng hoạt động theo phương thức “Động vi binh, tịnh vi dân”.
 
Từ năm 1857, giao quyền quản lý miền Tây cho quan Bố chính và quan Lãnh binh tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1863, đặt chức quan Tiễu phủ sứ coi việc ở Sơn Phòng. Người đầu tiên đảm nhận chức vụ ấy là Nguyễn Tấn. Ông nầy về  sau đem sự lịch duyệt miền Thượng của mình soạn bộ sách công phu có tên là “Phủ Man tạp lục”. Năm 1865, dưới thời Nguyễn Tấn trị nhậm“Tĩnh Man Trường Luỹ” đổi thành “Tĩnh Man quân thứ”.
 
Năm 1876, thời ông Đỗ Đăng Đệ giữ chức Tiễu phủ sứ, Sơn phòng kiêm quản cả vùng phía Tây Bình Định, gọi là “Nghĩa Định quân thứ”. Năm 1881, Nghĩa  Định quân thứ lại cải thành Nghĩa Định Sơn phòng. Nghĩa Định sơn phòng cai quản Nghĩa phòng, Định phòng và 3 châu, mỗi châu có Tri châu và Bang tá cai quản.
 
Năm 1890 (Thành Thái thứ 2), triều đình thiết lập ở mạn thượng du Quảng Ngãi 3 châu (Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ) và giao cho Nghĩa Định Sơn phòng quản lý. Đến năm 1899 (Thành Thái thứ 11), Sơn phòng bị triệt bỏ, các châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ nhập với các tổng “thượng bạn” của các hạt Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức trở thành 3 huyện. Để quản lý người miền Thượng, người Pháp thiết lập các đồn Địa Lý, Ba Tơ và Minh Long, đưa các sỹ quan Pháp trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ huy trấn áp, thu thuế. Từ giai đoạn nầy, Trường Luỹ cơ bản chấm dứt vai trò của một thành luỹ ngăn chặn xung đột Đông - Tây và bắt đầu mờ dần trong sương lam chướng khí miền sơn cước.
 
Về binh bị, thời Nguyễn Thân giữ chức Tiễu phủ sứ, Sơn phòng có số quân 6.000 người, trong đó Nghĩa phòng có 4.000, Định phòng có 2.000. Lính Sơn phòng được tuyển từ các làng duyên sơn;trước thời Nguyễn Thân, quan Tiễu phủ “tư” về Tỉnh để Tỉnh đường sức các làng đem dân lên Sơn Phòng mà tuyển; đến thời Nguyễn Thân, thì quan Tiễu phủ sứ sai thuộc hạ về các làng duyên sơn lấy quân.
 
Mỗi cơ lính có khoảng 500 người. Lính nầy mặc trang phục màu xanh có nẹp đỏ nên gọi là “lính khố xanh”. Riêng quan Tiễu phủ có khoảng 500 (về sau tăng lên thành 600) lính “chiến binh”, mặc nhung y sắc đỏ, nên gọi là “lính khố đỏ”.
 
Ngoài lính khố đỏ và lính khố xanh, các làng người Việt nằm cận Sơn Phòng còn có các đội lân binh. Lân binh tuyển lựa từ dân làng và có số lượng tương đương lính khố xanh, khố đỏ. Như vậy, cả Nghĩa phòng có khoảng 4.000 lân binh. Lân binh cũng được cắt đặt thành cơ ngũ, đứng đầu là các Đội lân, Quản lân. Lân binh chủ yếu làm nhiệm vụ canh phòng ở làng mình, vận chuyển lương thực, vật dụng cho cơ binh, cũng có khi tham gia vào chiến trận. (7). Ghi chép của Quảng Ngãi tỉnh chí và các tài liệu khác cũng cho thấy, trong từng thời kỳ, tuỳ theo yêu cầu của việc phòng thủ, số lượng các đồn/bảo và quân số của Sơn phòng có thay đổi. Một số đồn/bảo về sau được giao hẳn cho lân binh cai quản, rồi trở thành các làng duyên sơn của người Việt, như trường hợp bảo Thiên Xuân, nay thuộc xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành.
 
Thời Bùi Tá Hán trấn nhậm, ở mỗi khu vực chung quanh đồn/bảo, ông cho binh lính và lân dân khai phá đất đai, hình thành nhiều thổ sơn có diện tích khá rộng, màu mỡ, trồng các giống cây ăn trái phù hợp với thổ ngơi từng vùng, nhiều nhất là cam, quýt, chuối, mít... Dân gian gọi các trang trại nầy là “vườn cây ông Trấn”, dấu tích còn lưu lại nhiều nơi, từ Trà Bồng, Sơn Tịnh đến Minh Long, Nghĩa Hành… Ở vùng rừng núi Trà Bồng hiện vẫn còn những rừng cây “hường”  (một loại cây thuộc họ cam quýt) đến mùa cho nhiều quả thơm ngon mà đồng bào Thượng vẫn hái để ăn, còn lại đem bán cho người vùng thấp. Đây chính là những quả hường hái từ các vườn cây ông Trấn khi xưa.Một góc bảo Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành)
 
III. NHÂN VẬT:
 
Sơn phòng - Trường Luỹ gắn với nhiều nhân vật nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc như Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tấn, Đỗ Đăng Đệ, Huỳnh Quang, Nguyễn Thân…Dù vai trò, vị trí của mỗi người không giống nhau, được hậu thế đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược, nhưng tên tuổi của họ gắn liền với một thời đoạn lịch sử quan trọng của miền Tây Quảng Ngãi, của Trung kỳ và của cả nước. Bốn nhân vật mà chúng tôi giới thiệu sau đây, người sinh trưởng trên đất Bắc, kẻ ra đời ở phương Nam, nhưng cùng nhận Quảng Ngãi là quê hương bản quán.
 
1) Bùi Tá Hán (1496 - 1568)
 
Người đầu tiên cần được nhắc đến khi bàn về Trường Luỹ, không ai khác Bùi Tá Hán (1496 - 1568). Ông sinh năm 1496 ở Châu Hoan, nay là tỉnh Nghệ An, một nhân vật đứng dưới cờ "Phù Lê diệt Mạc" của Nguyễn Kim. Năm Ất Tỵ (1545), Nguyễn Kim giao cho Bùi Tá Hán nhiệm vụ bình ổn vùng Thừa tuyên Quảng Nam (nay là địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Triều đình phong cho ông chức Đô tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Trấn quận công, giao trấn nhận vùng Quảng Nam và ông giữ chức nầy cho đến ngày tạ thế (1568). Lúc bấy giờ thừa tuyên Quảng Nam là vùng biên trấn, đồng thời là vùng bàn đạp trong công cuộc Nam tiến của người Việt. Trong suốt 13 năm quản lãnh nhiệm vụ ở đây, Bùi Tá Hán đã thực thi nhiều chính sách thích hợp, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống người dân, sửa đổi nếp sinh hoạt và phong tục theo hướng tiến bộ, phát triển giao thương, giữ sự giao hòa giữa miền xuôi và miền ngược. Từ thời kỳ trấn nhậm của Bùi Tá Hán, vùng đất Quảng Nam ngày càng thịnh vượng, trở thành chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn sau này, cung cấp nhân tài vật lực cho sự nghiệp mở mang bờ cõi phương Nam. Đền thờ và lăng Bùi Tá Hán (tọa lạc tại Phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi) đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia năm 1990. Rừng Lăng - núi Ông Trấn là những địa danh liên quan đến Bùi Tá Hán được nhân dân gọi tên để tỏ lòng kính trọng ông. Đền thờ ông còn được người dân xây dựng nhiều nơi ở miền tây Quảng Ngãi.
 
Đối với lịch sử Trường Luỹ, Bùi Tá Hán chính là người đầu tiên đốc thúc binh dân xây đắp các “Đoạn Trường Luỹ” và đồn bảo, đặc cơ sở cho việc hình thành hệ thống Trường Luỹ về sau.
 
2) Lê Văn Duyệt (1763 - 1832)
 
Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) sinh quán tại Mỹ Tho (tỉnh Định Tường cũ, nay thuộc tỉnh Tiền Giang), nhưng quê gốc ở làng Bồ Đề, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
 
Lê Văn Duyệt theo phò Nguyễn Ánh, góp sức đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành một khai quốc công thần của triều Nguyễn, được phong chức Khâm sai chưởng tả quân dinh, Bình tây tướng quân, tước Quận công. Tuy nhiên, những đóng góp tích cực của ông vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt là vùng đất phương Nam, gắn liền với thời gian 2 lần giữ chức Tổng trấn thành Gia Định (1813 - 1816; 1820 - 1832). Được các vua Gia Long và Minh Mạng giao quyền hành rộng lớn ở Gia Định và Nam Kỳ, Lê Văn Duyệt tỏ ra là một nhà cai trị xuất sắc, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, đoàn kết các thành phần dân cư, dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền tổ quốc, chống tham nhũng, lạm quyền trong bộ máy quan lại…Nhiều quyết sách của ông ở Gia Định, đặc biệt là về giao thương, đối ngoại (với Cao Miên, Xiêm La và phương Tây ) thể hiện tầm nhìn cởi mở, tiến bộ và có phần mâu thuẩn với chính sách "bế quan toả cảng", kỳ thị tôn giáo của triều đình Minh Mạng. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa mà sau khi ông mất (1832) vua Minh Mạng và đình thần vin cớ Lê Văn Khôi (con nuôi và là thuộc tướng của Lê Văn Duyệt) nổi loạn ở thành Phiên An (kéo dài từ 1832 - 1835), ghép tội ông rất nặng, mãi đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) mới được minh oan.
 
Lê Văn Duyệt chính là người đề xuất, và sau đó phụng mệnh vua Gia Long tổ chức công cuộc kiến lập Trường Luỹ. Quảng Ngãi tỉnh chí ghi chép về sự kiện Lê Văn Duyệt đắp Trường Luỹ như sau: “ Qua năm Kỷ Mão thứ 10 (1819) ông tâu xin đắp theo cái “đoạn Trường Luỹ” của ông Bùi Tá Hán một cái thành đất dài, nam giáp phủ Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, bắc giáp phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Dọc theo luỹ có đào hố trồng tre, phía trước luỹ là cõi mọi, phía sau luỹ có đặt 115 sở bảo, rồi lựa dân thượng bạn các huyện đặt làm 27 lân, có chánh phó lân để hiệp với sáu cơ canh giữ và vỡ ruộng công trại cày cấy, lấy lúa cho quân lính ăn…” (8)
 
3) Nguyễn Tấn (1822 – 1871) 
 
Nguyễn Tấn (1822 – 1871)  tên hiệu là Ôn Khê, tên tự là Hạ Vân và Tử Vân, , người làng Thạch Trụ, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1822) tại phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình), nơi ông nội là Nguyễn Công Tuy đang làm tri phủ. Năm Quý Mão (1843), ông thi đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên.
 
Nguyễn Tấn khởi ngạch làm quan với chức Huấn đạo, đến năm Ất Tỵ (1845) ông làm tòng sự tại Quốc Tử giám rồi chuyển sang Hành tẩu Cơ mật viện . Từ năm Canh Tuất (1850) đến năm Quý Hợi (1863), ông lần lượt giữ các chức Hậu bổ Hưng Yên sung chức Hàn lâm viện, Tri phủ An Khánh, Án sát Hưng Yên rồi Thự Án sát Thái Nguyên. Cuối năm 1863, khi đang hành chức ở Thái Nguyên, nghe tin vùng núi rừng phía Tây Quảng Ngãi có nhiều biến động mà triều đình đã khá nhọc công nhưng vẫn  chưa bình ổn được, Nguyễn Tấn dâng sớ xin về quê, gánh vác trọng trách này. Vua Tự Đức chuẩn y, thăng hàm Thị độc, sung chức Tiễu phủ sứ, ban cấp ấn quan phòng cho ông. Chức Tiễu phủ sứ lần đầu tiên được đặt ra dưới triều Nguyễn và Nguyễn Tấn là người đầu tiên đảm nhận. Về đến Quảng Ngãi, sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, ông trình lên nhà vua và đình thần phương lược cùng kế sách trị an biên cảnh, thu phục lòng dân. Khi được triều đình chấp thuận, Nguyễn Tấn cùng thuộc hạ ra công thực hiện dù phải gánh chịu gian khó nhọc nhằn.
 
Vừa dùng biện pháp cứng rắn với kẻ kích động, ngoan cố, vừa chọn cách xử lý bao dung với người hối cải, một thời gian sau Nguyễn Tấn đã đem lại yên bình, ổn định cho miền Tây Quảng Ngãi. Người kinh, người thượng xoá dần nghi kỵ, cùng chăm lo nương rẫy, ruộng đồng; trao đổi vật phẩm, hàng hoá giữa 2 vùng được mở rộng. Ông được triều đình ban khen nhiều lần. Năm Canh Ngọ (1870), ông được thăng Hữu thị lang bộ Binh, vẫn sung chức Tiễu phủ sứ. Người dân sở tại biết ơn và giành cho Nguyễn Tấn sự trọng vọng, kính phục hiếm thấy. Từ những hiểu biết sâu sắc về địa hạt mình trấn nhậm, Nguyễn Tấn đã biên soạn tập sách “Phủ Man tạp lục”, một công trình khảo cứu công phu, toàn diện về vùng rừng núi hiểm trở và rộng lớn án ngữ phía tây Quảng Ngãi.
 
Nguyễn Tấn mất ngày 20 tháng 4 năm Tân Mùi (1871), được truy tặng hàm Hữu Tham tri bộ Binh. Người kinh, người thượng lập đền thờ, dựng bia ghi công đức ông ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi.
 
4) Nguyễn Thân (1840 – 1914)
 
Nguyễn Thân (1840 – 1914) là võ quan nhà Nguyễn đồng thời là cộng sự đắc lực của thực dân Pháp. Ông quê gốc ở  làng Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, con trai của Nguyễn Tấn và cũng có thời gian dài giữ chức Sơn phòng Tiễu phủ sứ như người cha. Gia phả không nói rõ ông sinh ra ở đâu, nhưng bằng vào hành trạng của thân phụ, rất có thể ông không chào đời ở Quảng Ngãi. Khi Nguyễn Thân quản lãnh nhiệm vụ ở Sơn phòng (tiếp sau các ông Nguyễn Tấn, Đỗ Đăng Đệ, Huỳnh Quang) thì cũng là lúc thực dân Pháp bắt đầu cuộc chiến xâm lược nước ta. Sau sự kiện thất thủ kinh đô đêm 22 rạng 23 tháng 4 âm lịch (tức 5-6 tháng 7 năm 1885), vua Hàm Nghi chạy ra Sơn phòng Quảng Trị, ban dụ Cần Vương, kêu gọi sỹ phu kháng Pháp. Nguyễn Thân lúc đầu tham gia Nghĩa hội Cần vương Quảng Ngãi, nhưng sau phản bội, cam tâm làm tay sai cho giặc. Kẻ gian hùng nầy liên tiếp lập “công trạng” với quân cướp nước, đầu tiên là vụ ra tay đàn áp cuộc khởi nghĩa Cần vương do Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân lãnh đạo (tháng 7 năm 1885) ở chính quê nhà; tiếp đến là khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng  (1885-1887), Bùi Điền (tháng 8 năm 1886) ở Bình Định, phong trào kháng Pháp của Trần Văn DưNguyễn Duy HiệuPhan Bá Phiến (1887) ở Quảng Nam. Đặc biệt, năm 1895 Nguyễn Thân lĩnh chức Khâm mạng tiết chế quân vụ, đem 3.000 quân ra Hà Tĩnh lùng diệt cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Ở đây, Nguyễn Thân đã cho quật mồ nhà yêu nước họ Phan, đổ dầu đốt cho xương thịt cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La. Nguyễn Thân được Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ hạng rồi đệ tứ hạng; trở thành phụ chính đại thần trong triều Nguyễn, được phong tước Quận Công.
 
Có thể nói, thời kỳ Nguyễn Thân nắm chức Tiễu phủ sứ, Sơn phòng từ một thiết chế quản lý, quân sự của triều đình Đại Nam, làm nhiệm vụ ngăn chặn xung đột, đảm bảo ổn định miền tây các tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, đã dần dần trở thành một tổ chức quân sự nằm trong tay người Pháp, đóng vai trò trấn áp các cuộc khởi nghĩa yêu nước – cần vương ở Trung kỳ. Nguyễn Thân, từ một quan lại của nhà Nguyễn, có quan hệ với nghĩa hội Cần vương  đã trở thành một kẻ gian hùng, phản bội quê hương, tổ quốc, nhận súng sắt của kẻ Lang sa để đàn áp các tộc người miền Tây và hãm hại những người yêu nước.
 
V. NGHIÊN CỨU TRƯỜNG LUỸ:
 
Trước năm 1945, Trường Luỹ, Sơn phòng, Tĩnh Man lục cơ, Tĩnh Man quân thứ là những tên gọi khá nhiều lần được đề cập trong các bộ sách lịch sử và địa chí triều Nguyễn, cả quốc chí lẫn địa phương chí, cả chữ Hán lẫn Quốc ngữ như : Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đồng Khánh địa dư chí, Phủ Man tạp lục, Quảng Ngãi tỉnh chí, Quảng Ngãi nhất thống chí, Bản triều triều bạn nghịch liệt truyệnĐồng Khánh địa dư chí có thêm bản đồ, chú rõ các đồn/bảo, dinh nằm trong hệ thống Trường Luỹ, trong khi Phủ Man tạp lục có thể xem là một tập khảo cứu công phu nhất về miền Tây Quảng Ngãi, cho đến thời điểm hiện nay,  từ lịch sử, địa lý đến ngôn ngữ, phong tục và dĩ nhiên, không  bỏ sót Trường Luỹ, Sơn phòng. Trong giai đoạn 1945 – 1954 chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đến Trường Luỹ. Tình hình nầy hình như vẫn tiếp tục ở miền Bắc thời kỳ 1954 - 1975, trong khi đó ở miền Nam, ngay tại Quảng Ngãi, nhà biên khảo Phạm Trung Việt trong các bộ sách Non nước xứ Quảng (nhiều lần tái bản), Khuôn mặt Quảng Ngãi, trong một chừng mực nhất định đã đề cập đến Trường Luỹ cũng như các sự kiện và nhân vật lịch sử liên quan. Từ 1975 cho đến năm 2008, Trường Luỹ vẫn tiếp tục những năm tháng lặng im bí ẩn dưới bóng lá rừng miền Tây trước sự e dè của giới sử học, các nhà nghiên cứu. Năm 2008 mà chúng tôi vừa đề cập chính thời điểm bộ sách Địa chí Quảng Ngãi được xuất bản sau hơn 3 năm biên soạn. Ở đây, trong phần Lịch sử và truyền thống, Trường Luỹ đã được đề cập đủ đề người đọc biết đến sự hiện diện của nó như là một phần của lịch sử tỉnh Quảng Ngãi trong tiến trình gian nan xây dựng một quốc gia Việt nam thống nhất.(9)
 
Tuy nhiên, phải đợi đến khi nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu là Tiến sỹ Andrew Hardy, Giám đốc Trung tâm Viện viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội và Tiến sỹ Nguyễn Tiến Đông làm việc tại Viện Sử học Việt Nam, tiến hành khảo sát, khai quật, đo đạc thì việc nghiên cứu về Trường Luỹ mới được tiến hành một cách công phu nhất.
 
Đến nay, sau 4 lần toạ đàm, hội nghị, nhóm các nhà nghiên cứu nói trên đã lần lượt công bố các kết quả nghiên cứu của mình bằng các báo cáo do Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông cùng thực hiện. Đặc biệt, bản báo cáo khoa học lần thứ 3, công bố ngày 16/4/2010, tại Quảng Ngãi, trước đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có tựa đề “Trường Luỹ Quảng Ngãi – Bình Định: Di sản văn hoá độc đáo”, (10) An drew Hardy và Nguyễn Tiến Đông đã xác quyết; “Chúng tôi tin tưởng rằng Trường Luỹ Quảng Ngãi – Bình Định là một công trình độc đáo, một di sản văn hoá chứa đựng nhiều giá trị.”.Từ đó, hai tác giả đi sâu làm rõ nhận định của mình qua sự phân tích các dữ kiện: 1) Khảo cổ học và kiến trúc; 2) Nhân loại học; 3) Câu chuyện lịch sử; 4) Cảnh quan. Cũng từ  cuộc toạ đàm tháng 4/2010,  các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đã bắt đầu đưa tin về Trường Luỹ và việc nghiên cứu, khảo sát công trình nầy. Dù không một chút mảy may nghi ngờ tính nghiêm túc, minh bạch trong các báo cáo của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông, cũng như sự chính xác và thận trọng cần thiết của nhiều nhà báo khi đề cập đến vấn đề Trường Luỹ, chúng tôi cũng xin phép được thưa rằng: Trong rất nhiều bài báo đã được công bố (cả báo tin lẫn báo nói, báo hình, báo mạng), có rất nhiều thông tin không chính xác, rất nhiều câu chữ lặp đi lặp lại ngô nghê, rất nhiều sự chép lại cẩu thả; và dĩ nhiên đó là những bài báo có rất nhiều lý do để người đọc không thể tin cậy!
 
Gần đây nhất, ký giả Adam Bray đã có một bài viết công phu đăng tải trên CNN về Trường Luỹ gây xôn xao dư luận, đặc biệt là người Việt sống và làm việc ở nước ngoài. Tuy có một vài thiếu sót do không đầy đủ thông tin và do những suy đoán chưa thật sự chặt chẻ, nhưng bài viết của Adam Bray là một đóng góp đáng kể trong việc giới thiệu nghiêm túc về Trường Luỹ trước công luận.
 
Trở lại với các bản báo cáo, tường trình của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông, chúng tôi xin được phép tóm lược một vài nội dung chính như sau.
 
Về chiều dài, cho đến bản báo cáo lần thứ 3 (16/4/2010), hai tác giả vẫn viết là “xấp xỉ 200km”, nhưng đến ngày 5/1/2011, trong báo cáo lần thứ 4 “Khảo cổ học Trường Luỹ, 5 năm nghiên cứu”, (11) sự thay đổi đã được thể hiện ở đoạn văn nầy “Những nghiên cứu trong nhiều năm qua trên Trường Luỹ cho thấy luỹ dài 132 km mà phần nằm trên đất Quảng Ngãi là 111 km. Trong khu vực Đông Nam Á không có di tích luỹ nào có quy mô lớn như thế.”
 
Về thời gian xây dựng, dựa vào các ghi chép trong Đại Nam thực lục, Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông viết rằng “Trường Luỹ được xây dựng từ năm 1819 dưới thời vua Gia Long”, đồng thời căn cứ vào các kết quả khai quật khảo cổ học cho biết “Các đồn bảo (tất nhiên không phải tất cả) đã được xây dựng sớm hơn luỹ, khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.”
 
Về vật liệu, kỹ thuật và nhân lực xây dựng, báo cáo 16/4/2010 cho biết: “Trường Luỹ cũng là một công trình kiến trúc lớn và đa dạng: nhiều phần của nó được làm bằng đá, nhiều phần khác làm bằng đất, và cả những đoạn làm bằng cả đất và đá. Kỹ thuật xếp đá đặc biệt được sử dụng cũng khác nhau từ đoạn luỹ nầy sang đoạn luỹ khác. Sự đa dạng nầy một phần xuất phát từ việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ trong cấu trúc của luỹ, phần vì sự đa dạng của những người xây luỹ (người Hre bản địa, người Việt và binh lính), phần nữa là từ thực tế rằng luỹ được đắp thêm, được sửa sang suốt trong thời kỳ nó đóng vai trò một công trình quân sự (thế kỷ 19)” và rằng “Trường luỹ và các kiến trúc liên quan tạo thành một hệ thống quân sự rõ ràng có mục đích bảo vệ khu vực của người Việt, và chủ yếu do sỹ quan, binh lính người Việt quản lý. Nó là một kiến trúc phòng vệ quân sự được dựng nên để ngăn chặn xung đột. Tuy nhiên nghiên cứu mới đây lại đang chỉ ra rằng luỹ không phải là một công trình chỉ do người Việt xây dựng. Nguồn gốc của việc tạo một ranh giới được sự đồng ý của cả hai bên. Hai bên đã cùng tham gia vào xây dựng luỹ, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre. Quá trình trao đổi chính trị và kỹ thuật (các đoạn nhấn mạnh của nguyên bản. LHK) liên quan đến việc xây dựng Trường Luỹ là một trong những điểm đặc biệt của di tích.” Đến báo cáo ngày 5/1/2011, điều nầy được nói rõ hơn: “Với đường hào và bờ giậu bao quanh mặt phía Tây, luỹ trải suốt dọc theo chân núi, điểm giao nhau đầu tiên giữa đông bằng và rẻo Trường Sơn. Nếu phần luỹ trên địa hình bằng phẳng được xây bằng đất thì phần nằm trên các sườn núi được gia cố bằng đá, thậm chí có những đoạn vượt dốc cao còn được xây dựng hoàn toàn bằng đá…”
 
Về các công trình liên quan, các báo cáo của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông đề cập đến các đồn/bảo,“con đường cổ”. Theo đó, họ đã “phát hiện, tìm thấy hơn 70 đồn bảo dọc theo luỹ”. Cho rằng bên cạnh vai trò quân sự, phòng thủ, Trường Luỹ còn “thúc đẩy giao dịch bắc nam” với suy đoán là “Chứng cứ khảo cổ, lịch sử và dân tộc học gợi ra khả năng Luỹ được xây dựng dọc theo một con đường cổ (ban đầu là “quan lộ” nối kinh đô và các tỉnh miền Nam): đường cái quan thượng. Ngày nay cư dân Đức Phổ còn gọi “Trường Luỹ” là “đường cái quan thượng”. Trên thực tế, vết tích con đường cổ hiện vẫn còn ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Ba Động, Ba Thành, Ba Khâm, huyện Ba Tơ. Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Và hầu như chỗ nào có luỹ chúng tôi đều thấy hiện diện một con đường cổ ngay gần luỹ. Qua một chứng cứ khảo cổ khác, ta lại thấy Trường Luỹ đóng vai trò tuyến đường lớn (chỗ con suối cắt qua thì lát bằng đá). Từ đó, giả thuyết hiện nay cho rằng việc xây dựng Trường Luỹ là nhằm bảo vệ con đường trước đó. Con đường nầy chính là con đường huyết mạch Bắc Nam, nó đảm bảo cho việc đi lại, giao thương trên toàn lãnh thổ, nếu bị chia cắt, an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng…”
 
Như đã nói, trên đây chúng tôi chỉ tóm lược một số nội dung chính mà Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông đã nêu ra trong các báo cáo của mình. Những miêu tả của họ phản ảnh đúng với thực trạng di tích ở mức độ nào? Các giả thuyết, suy đoán của họ có hợp lý hay chưa? Trường Luỹ có phải là “một ranh giới được sự đồng ý”của người Kinh và người Thượng? Có đúng là người Việt và người H’re đã “cùng tham gia vào xây dựng luỹ, với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người Hre”? Có hay không một con đường cổ ban đầu được gọi là “quan lộ” xuất phát từ kinh đô “nối với các tỉnh phía Nam” nằm cạnh Trường Luỹ như suy đoán của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông, trong khi sử triều Nguyễn không có lấy một dòng ghi chép? Tại sao đã có hẳn một nhóm đo đạc thực địa, vẽ bản đồ Trường Luỹ bằng công nghệ  định vị GPS (Global Positioning System – Hệ thống định vị toàn cầu) nhưng số liệu về chiều dài Trường Luỹ mà họ đưa ra lại nhiều lần thay đổi (theo hướng chênh lệch rất đáng kể từ lớn đến nhỏ) và con số gần nhất lại gần đúng với ghi chép của sử nhà Nguyễn? Trong những trường hợp suy đoán mà các báo cáo đó không giống, hoặc có sự khác biệt đáng kể so với những điều ghi chép trong chính sử thì Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông hay các sử gia tiền bối đã nhầm? Chúng tôi xin mạn phép không trực tiếp đưa ra ý kiến nào về những câu hỏi đã nêu, mà chỉ xin phép thưa cùng bạn đọc: Giả thuyết, suy đoán thì có thể nhiều, những sự thật lịch sử thì chỉ có một, mãi mãi là một mà thôi! (12)
 
VI. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH:
 
Christopher Young, Chủ tịch Hội đồng di sản Anh, có vấn UNESCO, trong báo cáo về chuyến khảo sát Trường Luỹ, trình bày tại Toạ đàm về Trường Luỹ ngày 16/4/2010, đại ý như sau: Trường Luỹ là một di tích thật ấn tượng. Ngoài một vài đoạn mất mát, nó hiện diện với vẻ nguyên vẹn và trong trạng thái rất tốt. Trường luỹ cho chúng ta những cơ hội nghiên cứu rất lớn, bởi nó chưa được khảo sát kể từ khi bị bỏ phế, không sử dụng. Không giống như luỹ Hadrian ở Anh, vốn đã trải qua ít nhất một thế kỷ rưởi nghiên cứu tỉ mỉ và bảo tồn công phu, Trường Luỹ chỉ ra cơ hội lớn cho nghiên cứu, bảo tồn và quản lý, với sự quan tâm đặc biệt để lưu giữ tiềm năng của nó cho mai sau. Không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu và khảo cổ học, Trường Luỹ còn mang đến những cơ hội to lớn cho 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định và người dân của hai tỉnh đó. Nó đồng thời cũng mở ra tiềm năng cho sử dụng bền vững, để mang lại lợi ích kinh tế cho những cộng đồng cư dân sống lân cận những vùng mà luỹ chạy qua. Và đối với những công trình trải dài như Trường Luỹ, việc chia sẻ rộng rãi những lợi ích nói trên qua nhiều địa phương và nhiều nhóm tộc người khác nhau là điều rất khả thi.
 
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bàn công tác bảo vệ di tích Trường Luỹ (5/1/2011), PGS –TS Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi nhấn mạnh:  “Đây là một di tích quan trọng, là di sản văn hóa đặc biệt không chỉ của riêng Quảng Ngãi, mà còn là của quốc gia, của nhân loại. Ngoài giá trị lịch sử, việc phát hiện, khai quật di tích Trường Lũy còn tạo ra tiềm năng to lớn cho ngành du lịch Quảng Ngãi". Ngày 3/9/2011, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 800/QĐ –BVHTTDL công nhận Trường Luỹ là Di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia.
 
Một số vấn đề mà chúng tôi nêu ra sau đây chỉ mới là những suy nghĩ bước đầu, trên cơ sở tổng hợp các tư liệu lịch sử, khảo sát thực địa và tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhất là nhóm nghiên cứu do Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông dẫn đầu.
 
1) Về nghiên cứu lịch sử:
 
Kể từ khi những “Đoạn Trường Luỹ” và những đồn/bảo bắt đầu được hình thành dưới thời Bùi Tá Hán, khoảng giữa thế kỷ XVI, cho đến khi chấm dứt về cơ bản vai trò của một công trình phòng thủ, ngăn chặn vào những năm cuối thế kỷ XIX, Trường Luỹ đã có hơn 300 năm chứng kiến vô vàn sự kiện lịch sử diễn ra ở miền tây Quảng Ngãi trong mối liên hệ hữu cơ với cả tỉnh Quảng Ngãi, cũng như 2 tỉnh Quảng Nam, Bình Định: Những bước chân đầu tiên của người Việt từ phía bắc vào vùng hạ du Quảng Ngãi, rồi ngược về phía tây và cùng với đó là những “nậu nguồn”, “ghe kinh” hình thành trong quá trình trao đổi, buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược. Các chúa Nguyễn và sự nghiệp kinh dinh Đàng trong mà ở đó công cuộc giao thương chú trọng hướng ngoại, lấy các lâm thổ sản miền thượng du (hồ tiêu, cánh kiến, mật ong, trầm hương, quế, tốc hương,..) làm át chủ bài, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế làm cơ sở củng cố quyền lực và dần dần trở nên hùng mạnh, thoát khỏi ảnh hưởng của triều đình Lê Trịnh. Phong trào Tây Sơn, nổi lên từ phía tây Bình Định rồi lan mạnh ra Quảng Ngãi, khai thác triệt để mâu thuẩn của các tộc người miền Tây với tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn trong giai đoạn suy vi. Quá trình củng cố, xây dựng đất nước thống nhất và xây dựng chính quyền trung ương tập quyền giai đoạn các vua đầu triều Nguyễn. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp và sự phân hoá trong nội bộ tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn, cùng với đó là vai trò phức tạp của các Sơn phòng, trong đó có Sơn phòng Nghĩa Định.
 
Trường Luỹ lại gắn với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều nhân vật nổi tiếng. Làm thế nào có thể đánh giá đầy đủ về hành trạng của Lê Văn Duyệt, Nguyễn Cư Trinh, Đỗ Đăng Đệ…nếu không hiểu được những mối liên hệ của họ với Trường Luỹ. Cho dù thời gian có mặt tại Quảng Ngãi không phải là dài, nhưng những quyết sách của các ông đã để lại những vết hằn sâu đậm lên lịch sử Trường Luỹ và miền Tây Quảng Ngãi. Với Bùi Tá Hán, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân thì còn hơn thế. Phần quan trọng trong sự nghiệp của ba con người nầy gắn liền Trường Luỹ - Sơn Phòng – Quảng Ngãi, và vì vậy nghiên cứu về Trường Luỹ, về lịch sử tỉnh Quảng Ngãi nhất thiết phải tìm hiểu về lai lịch của họ, cho dù mỗi người, bằng hành động của mình, có thể đã kìm hãm hoặc thúc đẩy lịch sử tiến lên phía trước.
 
Ở đây, chúng tôi cũng xin cung cấp thêm một thông tin mà có lẻ chúng ta cần lưu ý. Trong khi các sử gia, các nhà nghiên cứu trong nước thận trọng một cách quá mức cần thiết đối với vấn đề Trường Luỹ và những biến động ở miền Tây Quảng Ngãi dưới thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn, thì đã có một vài học giả là người Việt ở nước ngoài, qua một số tác phẩm biên khảo, tìm cách đẩy lệch cái nhìn của người đọc đi khỏi quan điểm ái quốc, không ngần ngại xuyên tạc lịch sử để biện bạch cho những kẻ đã cam tâm làm tay sai cho ngoại bang – một tội lỗi mà bất cứ người Việt nào, dù sống ở đâu, vào giai đoạn nào cũng không thể chấp nhận. Cuốn sách  Diên lộc quận công Nguyễn Thân 1853 – 1914 của ông Nguyễn Đức Cung xuất bản năm ở Mỹ năm 2002 là một trường hợp như vậy.
 
2) Về nghiên cứu dân tộc học: (Ethnolosy)
 
Miền Tây Quảng Ngãi là nơi cư trú lâu đời của 3 dân tộc thiểu số: H’re, Cor và Ca dong (một nhóm địa phương của dân tộc Xê đăng), trong đó, người H’re có số dân đông nhất, có quan hệ khá thường xuyên, trực tiếp và lâu dài với người Việt (Kinh), cư trú dọc theo Trường Luỹ, về phía Tây. Không quá khó khăn để nhận thấy người H’re có nhiều khác biệt về hình thái kinh tế xã hội, văn hoá, phong tục so với các tộc người thiểu số khác ở miền Tây Quảng Ngãi cũng như khắp vùng Trường Sơn – Tây nguyên mà nổi bật là lối sống định cư ở những sườn đồi thấp, sản xuất lúa nước trên những cánh đồng bậc thang trong thung lũng hẹp, biết làm những đập bổi để đưa nước vào ruộng. Tuy vậy, cho đến nay giới khoa học trong và ngoài nước vẫn chưa có những công trình nghiên cứu công phu, thấu đáo về tộc người nầy. Phải chăng cách cày bừa bằng 2 trâu (bò) của người Việt ở vùng đồng bằng Nam Trung bộ là học được từ người H’re? Tập quán rào làng, rào vườn, sự xuất hiện của tầng lớp cà rá nhiều quyền lực, giàu có, chiếm hữu nhiều nương rẫy, nuôi nhiều người làm,con ở trong nhà phải chăng là dấu hiệu của một xã hội đã bước đến ngưỡng của sự phân chia giai tầng? Phải chăng người H’re vốn là một nhóm cư dân trong các tiểu quốc Chăm cổ, đã từ vùng thấp chuyển dần lên phía Tây? Có phải người H’re (mà không phải là người Việt/Kinh) mới là chủ nhân của kỹ thuật xếp đá ở Trường Luỹ như giả thuyết của Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông?... Rất nhiều câu hỏi về tộc người H’re cũng như mối quan hệ giữa tộc người nầy với các tộc người thiểu số láng giềng, với người Việt (Kinh) ở phía Đông, đặc biệt là mối quan hệ của người H’re với Trường Luỹ, đang chờ đợi câu trả lời của các nhà khoa học.
 
2) Về kinh nghiệm trị thuỷ:
 
Chạy dọc miền Tây tỉnh Quảng Ngãi, băng qua những vùng đồi núi chập chùng với những con sông, dòng suối hiền hoà, thanh thản vào mùa khô, nhưng trở nên cuồng nộ đến khủng khiếp vào mùa mưa lũ, thế nhưng những bờ kè đá, bờ đất của hệ thống Trường Luỹ, hàng thế kỷ qua, trừ những nơi bị chính con người tàn phá, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, trong khi đó có không ít những con đập bằng bê tông cốt thép xây dựng tốn kém khá nhiều tiền của trong những năm gần đây ở miền Tây, lại dễ dàng bị tàn phá bởi những cơn lũ quét, lũ ống dữ dội hàng năm. Tìm hiểu, nghiên cứu việc lựa chọn vị trí, vật liệu và giải pháp kỹ thuật của tiền nhân trong xây dựng bờ luỹ chắc chắn mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác trị thuỷ ở miền thượng du Quảng Ngãi cũng như các tỉnh nằm dọc vùng duyên hải Nam Trung bộ.
 
Khảo sát Trường Luỹ, đặc biệt là những đoạn gần các dòng sông lớn, rất dễ nhận thấy, dọc bờ luỹ, về phía tây, đến nay vẫn còn nhiều rặng tre gai đá mọc hoang dã còn sót lại trên sườn đồi hoặc phía trước những bờ hào. Người xưa đã trồng chúng nhằm mục đích  vừa ngăn chặn sự thâm nhập của con người và thú dữ từ bên ngoài vào phía trong luỹ, vừa tạo thành một hành lang tự nhiên hãm bớt lưu tốc của dòng nước lũ. Quay trở xuống phía hạ du, những luỹ tre chống lũ lụt như vậy, cách đây mấy chục năm, đã tạo nên cảnh quan độc đáo của những làng người Việt nằm hai bên bờ các con sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng, Trà Câu. Khoảng từ thập niên 80 của thế kỷ trước trở lại đây, những luỹ tre ven sông, đầu làng đã dần dần bị phá bỏ, và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụp lở đất, lũ cuốn tàn phá xóm làng ngày càng trầm trọng hơn vào mùa mưa lũ. Ven các dòng sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi, người dân và chính quyền địa phương đang kêu gọi nhà nước đầu tư xây hàng chục cây số bờ kè, bờ đập để chặn đứng nạn nước lũ cuốn trôi đất đai, làng mạc hằng năm. Đáp ứng những yêu cầu bức thiết và chính đáng đó đòi hỏi phải huy động nguồn kinh phí khá lớn, và vì vậy không dễ thực hiện được trong ngày một, ngày hai. Mỗi mùa mưa lũ, khi con nước từ đầu nguồn ồ ạt đổ về xuôi, người dân ven sông lại thấp thỏm, lo lắng cho sự yên bình của thôn trang, làng xóm. Hình ảnh những luỹ tre chống sạt lở ven sông lại hiện về trong ký ức những bậc cao niên, trong khi lớp người trẻ tuổi vẫn thường xuyên nói đến “giải pháp xanh bền vững” cho môi trường, nhưng có thể nhiều người trong họ không hiểu rằng một trong những giải pháp bền vững ấy chính là luỹ tre gai đá mà cha ông họ đã dày công gầy dựng để che chở đầu làng, ven sông và dọc bờ Tây Trường Luỹ.
 
4) Về khai thác du lịch:
 
Trường Luỹ, và cùng với nó là cảnh quan thiên nhiên miền Tây Quảng Ngãi ẩn chứa một tiềm năng du lịch dồi dào. Sau hàng thế kỷ lặng im giữa miên man đồi núi, chập chùng suối khe, Trường Luỹ đang tỉnh giấc và bắt đầu cuộc đối thoại lý thú với con người hiện đại. Đến với Trường Luỹ là tìm về những câu chuyện về bản thân nó giữa thiên nhiên miền Tây cùng bao nhiêu biến động của thời cuộc. Một khối đá dưới chân Trường Luỹ, một mảnh vở đồ gốm tìm thấy trong hố khai quật khảo cổ học, đều có thể trở thành nhân chứng của lịch sử và là người kể chuyện  với du khách hôm nay, dù đó là nhà nghiên cứu dày dạn, đăm mê hay đơn giản chỉ là một lữ khách có hứng thú với miền đất lạ.
 
Đến với Trường Luỹ, cũng là đến với thiên nhiên hùng vỹ của miền Tây Quảng Ngãi, Bình Định, kéo dài hàng trăm cây số qua bao nhiêu sông suối, núi rừng, qua những plây của người H’re ở lưng chừng đồi thấp, những ngôi làng người Việt ẩn khuất sau những khóm tre. Đi dọc Trường Luỹ, vào một thời khắc nào đó trong ngày, du khách có thể lắng nghe câu hát ta lêu tình tứ của một nàng sơn nữ e lệ, thấp thoáng dưới bóng kơnia, xa xa là mái nhà sàn khuất sau bóng núi, bóng cây. Thiên nhiên miền Tây Quảng Ngãi, vừa quen vừa lạ, bí ẩn quyến rũ, hữu tình.
 
Đến nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng Trường Luỹ là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Đây là nổ lực rất lớn của tỉnh Quảng Ngãi đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Viện Viễn đông bác cổ tại Hà Nội các cơ quan hữu quan của Việt Nam, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Công tác giới thiệu, quảng bá di tích ra nước ngoài cũng đang được xúc tiến song song với những bước cần thiết để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới.
 
Chúng tôi, người viết tham luận nầy, muốn kể lại với mọi người một câu chuyện được nghe từ Trường Luỹ trong sâu thẳm lòng mình, rằng bao nhiêu năm tháng qua phân, binh hoả  giờ đã lùi xa vào dĩ vãng, những người anh em Kinh Thượng giờ đây đang đoàn kết một lòng, tay trong tay xây dựng cho một ngày mai quê hương giàu mạnh, đất nước phú cường. Lời tâm tình tha thiết nhất của Trường Luỹ gởi đến chúng ta là ở đây chăng? Và chúng ta, hẳn cũng muốn tỏ bày cùng Trường Luỹ những điều như vậy.
                                                                                                                                              
Theo Lê Hồng Khánh (Hội viên Hội KHLS Việt Nam)/vanhoaphattrien.vn
 Quảng Ngãi, tháng 3/201
Chú thích:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam Nhất thống chí (tập 2); bản dịch Phạm Trọng Điềm; NXb Thuận Hoá, Huế, 1992 ; Quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi, trang 430 -431.
(2) Xem thêm: Thiều Chửu; Hán Việt từ điển; Đuốc Tuệ HN; 1942 và Nguyễn Văn Khôn; Hán Việt từ điển; Khai Trí- SG; 1960.
(4) Hoàng Phê (Chủ Biên); Từ điển tiếng Việt; Nxb KHXH;Hà Nội - 1988, trang 264.
5) Vĩnh Cao - Nguyễn Phố; Từ lâm Hán Việt từ điển, Nxb Thuận Hóa, Huế. 2001 (tr.1368)
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đồng Khánh địa dư chí; Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The dịch và chú giải; NXB Thế giới HN 2003 tập 1, trang 21.
(7), (8) Nguyễn Bá Trác (Chủ trương); Quảng Ngãi tỉnh chí; Nam phong tạp chí  XXXII, 183, 4/1933, tr. 368-378: Sơn phòng, lịch sử bảo hộ.
(9). Nhiều tác giả (UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo) Địa chí Quảng Ngãi; NXB Từ điển Bách khoa; HN; 2008; trang 173 – 174
(10) An drew Hardy và Nguyễn Tiến Đông; Trường Luỹ Quảng Ngãi – Bình Định: Di sản văn hoá độc đáo; Báo cáo khoa học lần thứ 3, công bố ngày 16/4/2010, tại Quảng Ngãi
(11) An drew Hardy và Nguyễn Tiến Đông;  Khảo cổ học Trường Luỹ, 5 năm nghiên cứu; Báo cáo lần thứ 4, công bố tại Quảng Ngãi ngày 5/1/2011.
(12) Đã từng cộng tác và giữ nhiều kỷ niệm đẹp với Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông trong nghiên cứu Trường Luỹ, đồng thời thống nhất khẳng định giá trị to lớn của công trình này, song chúng tôi và 2 nhà nghiên cứu nói trên có những nhận định và luận giải không giống nhau về nhiều điểm. Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết “Trường Luỹ ký” (kỳ 1) mà chúng tôi đã đăng trên tạp chí Cẩm Thành – Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi số 63 (2010) và các bài viết khác cùng tác giả trên trang web “Tĩnh Man Trường Luỹ - Quảng Ngãi” tại địa chỉ http://tinhmantruongluy.wordpress.com
 

Di sản văn hóa
Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.