Trong dòng chảy hối hả của nhịp sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một dần, thì một không gian văn hóa thuần Việt đang diễn ra tại Hà Nội với sự góp mặt của nón lá truyền thống, những giai điệu ca trù… không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô mà còn làm đắm say nhiều du khách.
Những chiếc nón quai thao tại triển lãm
Nâng tầm nghệ thuật cho nón lá
Đó là những hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm nghệ thuật truyền thống tại phố cổ Hà Nội. Cuộc trình diễn lần này không nằm ngoài mục đích nhằm tôn vinh các giá trị nghề truyền thống của khu phố cổ Hà Nội và nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và đặc trưng của phố nghề xưa. Qua bàn tay và khối óc của những họa sỹ yêu nghề, các sản phẩm của các làng nghề như nón làng Chuông, quạt Chàng Sơn, đàn Đào Xá, trống Đọi Tam đã được nâng tầm lên thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại độc đáo.
Đặc biệt, từ chiếc nón quai thao khởi thủy cho đến chiếc nón trắng dung dị, duyên dáng của làng Chuông được sắp đặt với một thứ tình cảm đầy luyến tiếc về những phố nghề Hà Nội đã lùi xa vào quá khứ, trong đó có phố Hàng Nón, cùng với nó là một làng nổi danh nghề nón có tên nôm là làng Chuông tại huyện Thanh Oai cũng đang dần mai một. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đang làm cái việc là cố gợi cho mọi người nhớ về những chiếc nón trắng của các bà, các cô. Xa hơn nữa thì là chiếc nón quai thao của các cô gái, với những chiếc tua được nhà văn Nguyễn Tuân ví như những dải hoa lộc vừng.
Giữa tháng 7 nắng nóng, sự trở lại của nón lá làm lòng người dịu mát. Ai đến xem triển lãm cũng rất thích thú với cách bài trí cũng như không khỏi giật mình về "đường đời” của chiếc nón Việt qua từng thời kỳ. Rất khéo léo, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức còn dành một vị trí trang trọng trong đình Kim Ngân để giới thiệu về nguyên liệu và các công đoạn của nghề làm nón. Không ít khách du lịch đến từ phương Tây ghé thăm triển lãm đã bất ngờ vì lần đầu tiên họ thấy có kiểu mũ đội đầu rất độc đáo. Họ coi đó là một nét văn hóa đẹp của Việt Nam, vì thế họ lấy làm tiếc vì trên đường phố Hà Nội hôm nay hầu như vắng bóng người phụ nữ đội nón. Cô hướng dẫn viên du lịch nói với khách đầy ngậm ngùi: "Giờ phố Hàng Nón chỉ còn là tên gọi, còn làng Chuông làm nón cũng đang chật vật cạnh tranh với các loại mũ, nón hiện đại và có vẻ như tiện dụng hơn với cuộc sống”.
Du khách nước ngoài đắm say ca trù
Trong không gian của nón lá, sự góp mặt của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội mang lại cho du khách những xúc cảm khác nhau. Với du khách nước ngoài, có thể nói đây là dịp may hiếm gặp. Còn với người Hà Nội, họ tới để tìm lại những giá trị văn hóa Việt trong một không gian hữu hạn. Các buổi diễn ca trù diễn ra vào tối thứ 4, 6 và Chủ nhật trong tuần. Một Việt kiều Mỹ có mặt tại buổi diễn ca trù nói rằng: lần về thăm quê hương Việt Nam, được đắm mình trong một không gian văn hóa thuần Việt như thế này, chị rất tự hào. Rồi chính chị hướng dẫn, giải thích cho các bạn người Mỹ về những thắc mắc liên quan tới lịch sử chiếc nón lá cũng như ý nghĩa lời hát của những giai điệu ca trù.
Những giai điệu Ca Trù làm say đắm du khách
Ca nương Bạch Vân cho biết: khách nước ngoài đặc biệt thích ca trù, một là họ tò mò muốn nghe một loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản thế giới. Hai là người nước ngoài thường thích tìm hiểu về văn hóa truyền thống, dân gian của các nước khi họ tới du lịch, mà văn hóa Việt lại rất phong phú, uyển chuyển và tinh tế. Theo bà, chính vì thế mà triển lãm nón lá, ca trù ở đình Kim Ngân đã tạo dựng được một không gian văn hóa thuần Việt, một sự kết hợp đáng để bất cứ ai nặng lòng với văn hóa truyền thống lưu tâm.