nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

GIẢI KHỔ QUA TÁC PHẨM ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH CỦA NGUYỄN DU


Khi tôi còn nhỏ chưa tới 10 tuổi, còn học tiểu học (cấp 1), vào những năm 60, tôi sống cùng gia đình trên đất chùa bên cạnh nhà khói chùa Phước Hậu. Lúc ấy một duyên sự xảy ra có liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều.

Gia đình gồm có Bà Ngoại, Má, Ba, một anh Hai, hai Chị Ba Tư và tôi. Nhà ở theo diện tản cư thời giặc Pháp, nên Ba tôi phải rời gia đình đi làm xa để kiếm tiền về nuôi gia đình.

Ở nhà mọi việc trong ngoài Má tôi phải quán xuyến gồng gánh. Má tôi thật vất vả, phải nuôi một bà mẹ già bệnh suyễn nay đau mai yếu và bốn đứa con còn trong tuổi ăn học. Dù vậy gia đình cũng êm ấm, trước là nhờ hưởng phước của chùa, của Sư Ông (Hoà Thượng Khánh Anh), cùng quý Thầy Cô, sau là nhờ đức cửa Ông Bà Cha Mẹ, Chú, Bác, Cô, Dì, Cậu Nội Ngoại hai bên. (Ông Bà Nội Ngoại đều là Phật tử của chùa. Nhân hai bà đi chùa gặp nhau mà làm xui). Và nhờ bà con lối xóm thương tình trợ duyên cho. Anh chị em chúng tôi sống hồn nhiên dưới mái ấm gia đình bên mái chùa, tất cả đều yêu thương nhau.    

Lúc tuổi đến trường, Má tôi cho chúng tôi vào trường chùa, mà Sư Ông đặt là trường "Bồ Đề" để học. Tôi đã học vỡ lòng từ trường Bồ Đề cho đến biết đọc biết viết biết làm toán. Trường hết lớp, Má tôi đưa chúng tôi xuống trường chợ (trường của trấn quận Trà Ôn). Khi này thì tôi trọng trọng có thể đi lại qua đò ngang sông (sông Mang Thít). Lúc ấy ngày hai buổi ôm cặp đến trường, đi học mà tôi cứ mong đến thứ bảy. Không phải mong đi chơi đâu mà mong nghỉ để đi về "vườn". Chiều thứ bảy đi học về, tắm rửa cơm nước xong, Anh chị em chúng tôi sửa soạn đồ đạc, dụng cụ này nọ để đi về vườn. Tuy vậy không phải đi hết bốn đứa mà có khi phải ở lại một hai đứa với Ngoại. Nhưng riêng tôi thì được ưu tiên, vì là "con trai út" mà!
    
Chuẩn bị xong, Má tôi bảo: “xuống ghe đi", thế là tôi chạy tót xuống trước hết. Đường đi về vườn phải đi đường sông. Phải đi mất bốn cây số có hơn.

Dưới ghe, anh chị em tôi ngồi, má tôi chèo. Khởi hành từ xẻo chùa ra sông cái (sông Hậu) đến vàm chợ Trà Ôn quẹo về hướng Đông tức quẹo trái vào sông Măng Thít (sông Măng Thít là đường giao thông chính đi từ Cà Mau đến Sài Gòn). Có khi má tôi ghé chợ mua ít đồ dùng hoặc cho chúng tôi ăn uống dưới ghe chơi, hoặc để ăn cơm khi đến vườn qua ngày sau.

Lại tiếp tục trôi theo dòng nước lớn chảy xuôi qua khỏi chợ khoảng 500 thước thì quẹo trái. (Đi thẳng là lên Sài Gòn). Đây mới chính là con sông dẫn về vườn. Sông này có tên là sông Ngãi Tứ. Trên sông đi thẳng sẽ gặp quốc lộ 1. Nhưng vườn quê tôi thì đi chừng hơn hai cây số phải quẹo mặt vào sông An Hoà. An Hoà mới là quê, là vườn của tôi. Nơi đây anh chị em tôi được chào đời. Là nơi “chôn nhau cắt rún" của chúng tôi. Nơi đây là quê Bà Ngoại, ở Ngãi Tứ là quê Ông Ngoại. Hai quê liền một ranh. Miếng vườn Ba Má tôi là vườn cây ăn trái, rộng được hai mẫu. Tôi rất thích miếng vườn này, vì là nơi nhiều cây trái (dừa, cam, quít đủ thứ...) lụi rộng rãi cho tôi tha hồ chạy nhảy, leo trèo,hái phá, mò tôm bắt cá, bắn chim...

“Trăng lên trong lúc đang chiều
Gió về trong lúc ngọn triều mới lên".

Một lần về vườn nhằm có trăng. Vào khúc sông Ngãi Tứ. Má tôi vừa chèo vừa kể chuyện xưa cho chúng tôi nghe (thường là vậy), hôm nay lại đặc biệt, sau một hồi kế chuyện thì Má tôi lại trông lên trăng. Má tôi vừa chèo, vừa kể chuyện cho con nghe, lại vừa ngắm trăng. Cả ghe chở đầy ánh trăng, cả Má và con xuôi nhẹ theo đường trăng với đôi mái chèo rơi trên nước bủm bủm... khuấy ánh vàng tung toé. Tôi nghe và thấy thích làm sao!

Qua vầng trăng sáng mông lung rải ánh vàng trên sông nước cây bờ giữa không gian trầm lắng. Má tôi ngừng kể và chợt ngâm lên:


“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường".

Má tôi nói: Đó là hai câu thơ Kiều. Ông Ngoại lúc sống, khi uống trà khuya Ông Ngoại hay ngâm nga Truyện Kiều, và Má còn nhớ một số.

Tôi nghe Má ngâm mà khoái chí cười. Nghe Má nói thơ “Kiều” mà không biết ất giáp gì. Nhưng tôi thấy hay, vì “Má ngâm” mà! Và rồi tôi thuộc nằm lòng hai câu đó, như Má tôi đã thuộc của ông Ngoại.

Lớn lên theo học Trung học, chương trình Việt văn có học thơ Kiều. Chừng đó tôi chính thức học và biết đó là thi phẩm của Nguyễn Du với tên là “Đoạn Trường Tân Thanh”. Đó là một tuyệt tác.

 Lúc học thơ Kiều, tôi cũng thấy hay qua sự giảng của giáo sư (ngửa mặt mà nghe quên ghi chép).
Rồi bẵng đi một thời gian dài, đến mấy mươi năm, tình cờ tôi đọc lại và tôi nhận ra được cái hay của tác phẩm. Nhưng cái hay này cũng không ngoài cái hay chung của nhiều người biết thưởng thức.

Cho đến bây giờ, cách thời gian nghe Má tôi ngâm trên sông trong đêm trăng hôm ấy là hơn bốn mươi năm, tôi lại chợt nhớ và tìm đọc lại. Đọc đến đâu tôi thấy thấm thía đến đó. Tôi thấy tác phẩm thật hay. Nhưng hay theo tôi. Tôi thấy đó là một túc phẩm thuần túy đạo lý - Thuần đạo lý nhà Phật.

Thấy được chỗ diễn tả hay khéo của tác giả, của Tố Như tiên sinh. Tác giả đã diễn đạt lý, đạt cảnh, đạt tình, đạt đạo lý, hình thức và nội dung đều tuyệt. Đó là một tác phẩm có giá trị luân lý, giá trị giáo dục cao, thật cao. Nhằm nêu lên cái khổ ở thân phận người đời và giải quyết nỗi khổ ấy để đưa con người đến chỗ an vui thực sự.

Thấy được chỗ hay như vậy, nay tôi ghi lại chỗ thấy của mình qua tác phẩm để “có thể” nói lên chỗ thông cảm của một độc giả đối với tác giả. Tuy vậy, không biết có đúng ý tác giả không? Có được là người “khóc Tố Như” không?


“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khắp Tô Như

Ai là người “khóc”, được Tố Như gật đầu?
"KHÓC TỐ NHƯ” phải chăng là một công án mà tác giả để lại cho người sau (300 năm sau), nhằm lợi ích cho người?Phải chăng Tô Như chết mà hãy còn để phúc lại cho con cháu Lạc Hồng?
Với "TỐ NHƯ" không chết, không bao giờ chết vì là TỐ NHƯ.
Dù đúng hay không đối với tác giả, đối với người, tôi cũng viết chút gì đó về tác phẩm để trước làm quà sinh nhật tuổi "bát tuần " (81) tám mươi mốt tuổi của Má tôi, và sau đó là để đáp lại một lần nghe hai câu thơ Kiều trên sông nước dưới trăng:


“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường ”

Với tâm hồn vì nghệ thuật sống, tôi cả gan viết về điều người xưa lặng lẽ chỉ bày. Người xưa đã viết mà lông thỏ không thấm giấy. Nếu việc này mà tôi vụng dại không nên trò, thì xin các vị độc giả có duyên khoan tâm lượng thứ cho.