Sau gần năm thập kỷ (1731-1774) làm quan dưới triều đình Lê - Trịnh, bên cạnh những đóng góp lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, sử học, văn học... Nguyễn Nghiễm còn có những đóng góp trên lĩnh vực giáo dục của đất nước nói chung, học hành, thi cử tại Văn Miếu Quốc Tử Giám nói riêng cũng như sự lựa chọn, đào tạo được nhiều hiền tài cho đất nước.
Đền thờ Nguyễn Nghiễm ở Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh
Nguyễn Nghiễm thuộc thế hệ thứ 6 trong gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền, là con trai thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh và là thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du. Ông sinh năm Mậu Tý (1708) tại Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh, đậu Tiến sĩ năm Tân Hợi (1731) niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3. Năm Tân Dậu (1741) có công phù Lê Hiển Tông lên ngôi được thăng chức Tham chính Sơn Nam, sau đổi sang Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm Quý Hợi (1745) thăng Thừa chỉ viện hàn lâm tước Xuân lĩnh bá. Năm 1746 được thăng Hữu thị lang bộ Công tước Xuân Lĩnh hầu (từ đây được phép ngồi nhà riêng lo việc nước). Ông đã từng giữ các chức cao trong triều như Thị lang bộ Hình (1748), Thiên Đô Ngự sử (1750), Tả thị lang bộ Hình (1757), Ngự sử thượng thư bộ Công và đảm nhận chức vụ cao nhất là Tể tướng vào năm Tân Tỵ (1761).
Từ thời vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Nghiễm đã bắt đầu công việc và giảng dạy tại Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên của nước ta. Đến năm 1758, ông kiêm giữ chức Tế Tửu Quốc Tử Giám, được ủy thác trông coi thi Hội và dạy dỗ kẻ sĩ, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Tháng 7 năm Đinh Hợi (1767) ông được thăng Thái tử Thái Bảo và vâng lệnh vua sát hạch các quan văn võ ở sân Trạch Các chọn được nhiều hiền tài trong đó có Lê Quý Đôn. Cũng trong năm đó ông được chúa Trịnh Sâm giao cho quản lý Quốc Tử Giám (9/1767).
Về sự kiện này sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Trịnh Sâm bảo bề tôi rằng: Trường học là nơi giáo dục nhân tài. Đế vương từ xưa đến nay không ai không cho việc học là trước nhất. Nước nhà ta các bậc thánh vương nối tiếp trị vì, phép giáo dục rất đầy đủ chọn người hiền tài, dùng người đức hạnh, thu được khá nhiều nhân tài ít lâu nay, thế văn dần dần biến đổi, học trò đục gọt tô điểm câu văn đã thành thói quen. Nay cần nghĩ cách thay đổi tệ cũ, khen thưởng bồi dưỡng cho học trò trở thành giỏi, để thu lấy công hiện được nhiều người có tài”. Trịnh Sâm bèn hạ lệnh cho Tế Tửu và Tư nghiệp, hàng ngày đến nhà Thái Học, hội họp học trò giảng bàn sách kinh, sách sử, mỗi tháng cứ ngày mùng một và ngày rằm tập văn, mỗi năm cứ 04 tháng một kỳ thi khảo xét duyệt, nhất thiết theo như phép thi. Trong số học trò có người nào trội hơn, văn chương sâu rộng quán xuyến thì kể tên tâu lên triều đình biết để cân nhắc trao cho chức quan. Ở ngoài các trấn thì cho viên đề đốc học chính trung ti thừa chính và hiệu quan (viên quan giữ chức dạy học ở phủ), cứ 4 tháng trong kỳ khảo học trò, theo như phép thi khảo học trò, theo như phép thi khảo ở trường Quốc Học. Nhờ những năm tháng giữ trọng trách ở Quốc Tử Giám và hết lòng chăm lo bồi dưỡng nhân tài nên có nhiều giám sinh đỗ đạt như Phan Lê Phiên, Phạm Nguyên Đạt, Nguyễn Đình Gián...”.
Khi tiếp nhận công việc tại Quốc Tử Giám thì tình hình giáo dục, thi cử rất lộn xộn, kỷ cương phép nước bị coi thường, sĩ tử đi thi phải nộp tiền minh kinh, tiền thông kinh... thậm chí trong trường thi còn xảy ra tình trạng mang sách, mượn người già thi hộ... nạn “mua chữ” đã trở thành quốc nạn vì thế “người làm ruộng, kẻ đồ tểu” đều hớn hở nạp quyển đi thi. Thực trạng đó đã ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục của nước nhà nói chung và việc học, thi cử tại Quốc Tử Giám nói riêng.
Kể từ khi được chúa Trịnh Sâm giao cho quản lý Quốc Tử Giám, Nguyễn Nghiễm đã từng bước củng cố và dần ổn định trật tự nhà Giám, lựa chọn, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước (trong đó có Lê Quý Đôn). Ông đã cho đúc chuông Bích Ung và tự tay viết bức hoành phi “Cổ kim nhật nguyệt” vào năm Mậu Tý (1768) nhằm thể hiện, khẳng định vai trò của Văn Miếu Quốc Tử Giám, biểu dương nền giáo dục Nho học đương thời, đánh thức, khích lệ cho các học trò không ngừng nỗ lực học hỏi, phấn đấu.
Trong một thời gian ngắn giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, Nguyễn Nghiễm đã cho thấy tài năng điều hành quản lý, nhiệt huyết của ông đối với cửa Khổng sân trình, đào tạo nhiều nhân tài có đức độ sau này là những trụ cột chính của triều đình.
Phan Huy Chú, nhà sử học đương thời đánh giá Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm như sau “.. là người phò tá có công lao và tài đức...”. Qua ba triều vua Lê, ở ngoài Nguyễn Nghiễm là một võ tướng tài ba, trong triều là một tướng văn trị nước, dù chức vụ nào cũng nổi tiếng quyết đoán, mưu lược và tài giỏi. Nguyễn Nghiễm xứng danh là một trung thần, một nhân vật lịch sử nổi tiếng của một dòng họ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt giai đoạn thế kỷ XVIII - họ Nguyễn Tiên Điền.