Với điều kiện môi trường nóng ẩm như Việt Nam, việc bảo quản cổ vật là điều vô cùng quan trọng nhưng nhiều khi công việc này đang bị nhiều bảo tàng lãng quên.
“Trong lĩnh vực bảo quản cổ vật, Việt Nam còn cách rất xa so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia chứ chưa thể đem so sánh với các nước có nền khoa học và công nghệ phát triển ở phương tây”. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Kỹ sư cao cấp, nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật bảo quản – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận định.
Yếu và thiếu
Hiện cả nước có gần 150 bảo tàng bao gồm các bảo tàng trung ương, bảo tàng địa phương, bảo tàng ngành và các bảo tàng tư nhân với một đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng khá đông đảo.
Tuy nhiên, lượng người làm bảo quản cổ vật chủ yếu được lấy từ nhiều ngành khác nhau như hóa chất, môi trường, khảo cổ học còn những cán bộ thực sự có chuyên môn về bảo quản cổ vật thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đáng lo ngại hơn, đội ngũ cán bộ chủ chốt về bảo quản cổ vật phần lớn đã về hưu, ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, trong khi chưa có đội ngũ kế cận giàu tiềm năng.
Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Bảo quản cổ vật, bảo vật quốc gia là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi yếu tố nguyên gốc vốn có.(Luật Di sản văn hóa)
Đơn cử, như bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh hiện đang lưu giữ hàng trăm hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật đặc biệt có giá trị như súng thần công, rìu đá, tiền cổ, đồ trang sức có niên đại từ vài trăm năm đến hàng nghìn năm. Những cổ vật này đang đứng trước nguy cơ bị hư hỏng nặng, rất cần được phục hồi, bảo quản nhưng không có người làm công việc này.
“Số lượng cổ vật cần được bảo quản phục hồi có tới hàng trăm nhưng hiện chúng tôi không có cán bộ chuyên trách làm công việc bảo quản, chỉ có 2 người làm bộ phận kho kiêm luôn bảo quản”, ông Trần Hồng Dần, giám đốc bảo tàng nói. Cũng giống như nhiều bảo tàng địa phương khác, bảo tàng Hà Tĩnh chưa có phòng riêng để trưng bày hiện vật mà vẫn chỉ... lưu giữ trong kho. Vì vậy, số lượng khách đến bảo tàng rất ít, có hôm chỉ có nhân viên của bảo tàng.
Bên cạnh đó, các vật tư hóa chất phục vụ cho việc bảo quản cổ vật phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài. “Trong nước cũng có một số đơn vị sản xuất hóa chất cho bảo quản nhưng chỉ có tác dụng trên một số chất liệu mà hiệu quả cũng không cao”, ông Hà cho biết.
Cần chiến lược dài hạn
Hiện Việt Nam vẫn chưa có một khoa hay một bộ môn nào đào tạo cán bộ chuyên về bảo quản cổ vật. Chỉ có một số trường đại học đào tạo cán bộ bảo tàng nói chung như khoa bảo tàng học của ĐH Văn hóa Hà Nội và ĐH Văn hóa TPHCM, hay như ngành bảo tàng học và di sản văn hóa của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM với số lượng tuyển sinh mỗi năm chỉ vài chục sinh viên.
Tại các khoa này bảo quản chỉ được giảng dạy với vài chục tiết học mang tính chất đại cương. Thiếu kinh phí hoạt động cũng là nguyên nhân khiến bảo quản cổ vật tại các bảo tàng bị xem nhẹ. Theo ông Dần, nguồn kinh phí nhà nước cấp cho bảo tàng còn rất hạn chế. Năm 2011, ngân sách dành cho hoạt động chuyên môn của bảo tàng Hà Tĩnh chỉ trên 600 triệu đồng, bao gồm cả khai quật, lưu giữ, bảo quản, phục hồi... trong khi có hàng trăm hiện vật đang bị hư hỏng nặng. Có nhiều hiện vật để bảo quản, phục hồi đã tốn vài chục triệu đồng.
“Nếu như các bảo tàng chưa có thêm kinh phí để hoạt động và các cán bộ bảo quản chưa được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ thì các cổ vật sẽ vẫn còn tiếp tục bị mai một” - ông Hà, nói.