nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Cổ vật vàng - bí ẩn và thăng trầm


Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật, những cổ vật được làm từ vàng còn có giá trị về mặt kinh tế. Cũng bởi sự quý hiếm đặc biệt này của cổ vật bằng vàng nên mỗi khi xuất hiện luôn được công chúng dành sự quan tâm đặc biệt.

 

Sách vàng từng bị mất cắp năm 1962


Giấc mơ lạ

Cho đến tận bây giờ, các nhà khảo cổ cũng như nghiên cứu lịch sử vẫn không thể lý giải được vì sao chiếc hộp vàng hình hoa sen thời Trần lại xuất hiện trên đoạn đường lên chùa Ngọa Vân - Đông Triều - Quảng Ninh vào ngày 21-6 vừa qua. Nhà sư Thích Quang Hiển - trụ trì chùa Trung Tiết kể rằng, đang đi bộ trên đường ông bỗng vấp phải một vật cứng. Lúc đó, đường đang thi công, có rất nhiều đá ngổn ngang nên ông cũng chỉ nghĩ đó là đá. Nhưng rồi, khi đi khoảng hơn chục mét, linh tính thế nào, ông cùng các học trò quay lại, nhặt lên hóa ra một chiếc hộp nhỏ lấm lem bùn đất. Thấy lạ, ông bảo học trò mang ra suối rửa, càng rửa chiếc hộp càng bóng lên ánh vàng.

Vài năm trước, Sư Thích Quang Hiển từng có nhiều giấc mơ lạ kỳ, hình ảnh trong mơ là một ông lão đầu tóc bạc phơ, chống gậy đi vào chùa, đưa cho sư Hiển một túi vàng với lời dặn “để sửa chùa”. Thời gian qua đi, túi vàng chẳng thấy đâu, nhưng rồi ông lại là người tình cờ nhặt được chiếc hộp vàng thời Trần kể trên. Có lẽ giấc mơ là điềm báo và cũng là cơ duyên. Nhận thấy chiếc hộp đặc biệt quý giá không chỉ về vật chất, vị sư trụ trì chùa Trung Tiết đã giao chiếc hộp cho UBND huyện Đông Triều quản lý. Câu chuyện làm đường nhặt được vàng từng xảy ra vào năm 1967, ở Kim Động, Hưng Yên. Trong lúc đào thủy lợi, người dân ở đây đã tìm thấy cả 5 chiếc đĩa vàng khắc hình rồng phượng, hoa dây, đặc trưng thời Lý. Cũng kể từ lúc đó, 5 chiếc đĩa này được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hưng Yên lưu giữ. Cho tới giờ, gần 50 năm trôi qua, 5 chiếc đĩa quý giá kia chưa từng một lần ra mắt công chúng.

Trong giới nghiên cứu lịch sử hiện cũng chỉ có vài người được “thực mục sở thị”. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến- Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là một trong số ít những nhà nghiên cứu đã từng được tận mắt thấy những bảo vật nói trên trong quá trình sưu tầm tư liệu để hoàn thiện cuốn sách Cổ vật Việt Nam. Ông cho biết, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng rất muốn được sưu tập, nghiên cứu, trưng bày cổ vật nói trên, nhưng không thể, bởi theo quy định, địa phương nào phát hiện cổ vật, thì địa phương đó được quyền lưu giữ. Ở nước ngoài, khi các bảo tàng quốc gia muốn sở hữu cổ vật của bảo tàng địa phương thì phải mua. Nhiều cổ vật hiện tại ở trong nước được định giá cả triệu USD. Nếu phải mua với giá đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bó tay.

Thăng trầm “Kim ngọc Bảo Tỷ”

Năm 2010, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho ra mắt triển lãm “Bảo vật Hoàng cung” với những ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, đồ ngự dụng bằng vàng, ngọc… Có điều ít người biết được rằng, để tồn tại được đến ngày ra mắt, những cổ vật vô giá nói trên đã phải trải qua không ít gian nan.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ông Trần Huy Liệu, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Huế tiếp quản ấn tín của vị vua cuối cùng Bảo Đại cùng một số đồ dùng hoàng tộc. Sau cuộc tiếp nhận, toàn bộ số cổ vật được Ủy ban kháng chiến Liên khu V lưu giữ. Hòa bình lập lại, bảo vật được giao về Bộ Tài chính, rồi Bộ Văn hóa cuối cùng dừng chân tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 1961, chuyện “động trời” đã xảy ra, 2 trong số các bảo vật trong sưu tập đồ vàng ngọc thời Lê, Nguyễn sau khi mang trưng bày đã “không cánh mà bay”, rồi tròn 6 tháng sau, lại thêm một vụ mất cắp bí ẩn nữa.

Trước tình hình trên, Chính phủ quyết định niêm phong, kẹp chì rồi chuyển tất cả bảo vật Hoàng cung giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý. Đồng thời yêu cầu công an tập trung điều tra cho ra hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, thu hồi báu vật đã mất. Sau tròn 3 năm lần theo dấu vết, những kẻ dính líu đến vụ án “động trời” này đã được Công an Hà Nội đưa ra ánh sáng. Nhưng cũng từ đó, các cổ vật này cứ mãi nằm ở Ngân hàng Nhà nước. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kể, đến năm 2007, trong quá trình kiểm tra hiện trạng các cán bộ Bảo tàng giật mình trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của cổ vật. 4 chiếc mũ đại triều, cùng một mũ tế giao gần như chỉ còn là đống vàng vụn. Trước thực trạng đó, những hiện vật kể trên đã được trả về chủ cũ - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để phục dựng theo đúng với nguyên mẫu. Theo thống kê của bảo tàng, phần lớn Kim ngọc Bảo Tỷ triều Nguyễn được chế tác vào đầu thời Gia Long đến Đồng Khánh và được ghi chép lại trong chính sử. Trong thời gian tồn tại, triều Nguyễn cho làm hơn 100 chiếc ấn. Đến nay, ngoài chiếc bị mất cắp, Bảo tàng Lịch sử còn lưu giữ 85 chiếc. Tại bảo tàng cổ vật cung đình Huế còn lưu giữ 8 chiếc nữa. Số ít còn lại có thể đang lưu lạc ở nước ngoài hoặc trong dân gian cơ quan chuyên môn chưa có điều kiện khảo sát.

Giờ thì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã có thể an tâm vì bảo vật đã có nơi cất giữ an toàn. Kho bảo quản các bảo vật là một hầm ngầm, rộng khoảng 200m2. “Căn phòng đặc biệt” được bao bọc bởi 4 bức tường đúc bằng bê tông khối, có chiều dày trên 1m, cửa ra vào bằng thép khối điều khiển bằng cơ và điện tử, với công nghệ áp dụng như trong các ngân hàng ở Mỹ hay Thụy Sĩ. Phía bên ngoài hệ thống ngầm này luôn có một trung đội cảnh sát cơ động vũ trang túc trực thường xuyên, ngày cũng như đêm.

 

Khuyên tai bằng vàng thuộc văn hóa Ốc Eo


Sáng nay, 25-7-2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khai trương thêm 2 phòng trưng bày Cổ vật Việt Nam và Óc Eo Phù Nam. Trong số hàng trăm hiện vật đặc sắc với các chất liệu đồng, gỗ, đá… còn có nhiều hiện vật vàng - chủ yếu là đồ trang sức như nhẫn, vòng tay, khuyên tai có niên đại từ TK III đến TK VII, lá vàng dập nổi hình mặt người tìm được tại di chỉ Giồng Lớn - Bà Rịa Vũng Tàu, cách đây khoảng 2.500 năm. Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày một số trâm cài tóc bằng vàng, tìm được trong các cuộc khai quật khảo cổ năm 1978-1979.

Quỳnh Vân - Đỗ Nguyễn (Theo An ninh Thủ đô)