Nguyễn Du

Loading...

Thăng Long với hồn thơ của chú cháu Nguyễn Du

Cầu Thê Húc - Thăng Long xưa

Nguyễn Du quê làng Tiên Điền ( nay là xã Xuân Tiên), huyện Nghi Xuân, thuộc trấn Nghệ An xưa, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh, một vùng “địa linh nhân kiệt”, thuộc dòng họ Tiên Điền mà từ bao đời nay vẫn được tôn vinh trong câu ca:

“Bao giờ ngàn Hống hết cây.

Sông Rum hết nước, họ này hết quan”.

Sông Rum là đoạn sông Lam chảy qua vùng Tiên Điền trước khi đổ ra biển. Sự thật là như thế!

Trên đất Nghi Xuân xưa, không một dòng họ nào vẻ vang trên cả hai phương diện: quan trường và văn chương như họ Nguyễn Tiên Điền. Nhưng còn là sự thật này nữa. Họ Nguyễn Tiên Điền sở dĩ phát đạt, thăng hoa đến thế lại nhờ biết tìm đến nơi sinh địa, thánh địa là Thăng Long. Trên tạp chí Văn hoá Nghệ An số 177 (25-7-2010) và số 178 (10-8-2010), nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Lan, với bài khảo cứu công phu  Dòng họ Nguyễn Tiên Điền từ nghi Xuân tới Thăng Long đã cho người đọc thấy rõ thực trạng sinh tồn rất mực vẻ vang mà rồi bi kịch ập đến. Nhưng chính Thăng Long là sinh địa trực tiếp hun đúc lên những tinh hoa văn chương văn hoá của dòng họ này. Nói cho công bằng: tinh hoa của họ Nguyễn Tiên Điền là kết quả của sự “ tú dục” và “ linh chung” của hai vùng đất thiêng của Tổ quốc Việt Nam: xứ Nghệ và Thăng Long. Chỉ một không hai. Chắc gì đã có dòng họ Nguyễn Tiên Điền, đã có Nguyễn Du như thế. Quy luật chung, chính là vậy. Kể ra thì còn có thể mở rộng phạm vi của sự “ tú dục”, “ linh chung” này ngược thời gian lên hàng thế kỉ trước khi cụ tổ 7 đời của Nguyễn Du là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm ( Nhậm) quê làng Canh Hoạch thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội, sau cuộc âm mưu khôi phục nhà Mạc không thành đã phải bỏ đất Bắc vào Tiên Điền- Nghi Xuân ẩn tích để rồi lại khởi dựng lên dòng họ Nguyễn Tiên Điền vẻ vang. Thành tựu gia phả học với các công trình: Gia phả- khảo luận và thực hành của Dạ Lan Nguyễn Đức Dụ xuất bản ở Sài Gòn năm 1973, NXB Văn hoá tái bản năm 1992, bài viết  Dòng họ Nguyễn Du của nhà cổ học Trần Huy Bá đăng trên Tạp chí Tổ quốc số ra tháng 11 năm 1978, sách  Cương quốc công Nguyễn Xí: tộc phả- Di huấn- Phụ lục của Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Đình tại Nghi Hợp- Nghi Lộc- Nghệ An in năm 1993, sách “ Dòng họ Nguyễn Đình- Nghi Hợp- Nghi Lộc- Nghệ An- Phất Nạo- Thạch Hà- Hà Tĩnh- Lam Vĩ- Thiệu Hoá- Thanh Hoá- Quán La- Hà Nội- Cương Quốc công Nguyễn Xí- Khởi tổ chi 10: Nghệ An linh quốc công Nguyễn Trọng Đạt đời thứ 3- Nguồn gốc danh nhân Nguyễn Du: tác giả tác phẩm Kim Vân Kiều” của Nguyễn Đình Chính, trưởng chi Văn Tân phụng soạn ( bản in vi tính năm 2005), gần đây nữa là kết quả khảo cứu của Nguyễn Đình Triển về quan hệ họ tộc giữa Nguyễn Xí và Nguyễn Du…đã cho biết Nguyễn Du là cháu đời thứ 13 của Nguyễn Xí thuộc chi 10. Mà Nguyễn Xí lại vốn gốc làng Cương Gián (Động Gián) thuộc Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông nội là Nguyễn Hợp di cư sang làng Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, sau đó về lại quê cũ. Nhưng con trai là Nguyễn Hội thì vẫn ở lại, sinh ra Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Rồi, Nguyễn Xí bằng công lao to lớn trong Lam Sơn khởi nghĩa và dẹp loạn Lê Nghi Dân đưa Lê Thánh Tông lên ngôi vua, mở ra một triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử đất nước Đại Việt, đã gây dựng lên dòng họ Nguyễn Đình- Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí vẻ vang nhất trên đất Nghệ Tĩnh ở thời trung đại mà con cháu thì rải khắp cả nước trong đó có chi phái rất bề thế trên đất Thăng Long liên quan đến họ Nguyễn Tiên Điền, trước cả Nguyễn Nhiệm. Câu chuyện gia phả học trên đây cho thấy rõ thêm cội nguồn xa xưa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền trên đất nước Việt Nam là rất biến huyễn. Sự thăng hoa của họ Nguyễn Tiên Điền vốn là từ một không gian lịch sử không chỉ là Nghệ Tĩnh mà còn là Thăng Long “ rồng cuộn hổ ngồi”, còn là xứ Bắc nói chung vốn là cái nôi văn chương, văn hoá lâu đời của dân tộc; một thời gian lịch sử; một họ tộc lịch sử cũng lâu đời và bề thế vô cùng. Hiện thực đó hẳn đã tạo nên tâm thức thiêng liêng ở những con cháu họ Nguyễn Tiên Điền như “ nhị tuyệt” trong “An Nam ngụ tuyệt” là Nguyễn Du và cháu ruột Nguyễn Hành, đặc biệt ở thời đại mà khí quyển đạo đức, khí quyển tâm linh còn dày đặc chứ không như thời hiện đại. Tài thơ, hồn thơ của chú cháu Nguyễn Du với Thăng Long, dù ít, dù nhiều hẳn có cội nguồn từ đời sống tâm linh, tâm thức đó.

                                                      
Xin bắt đầu với Nguyễn Du mà ta đã biết chánh quán là Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhưng sinh quán lại là Thăng Long. Ông sinh ra và lớn lên tại phường Bích Câu, một địa danh nổi tiếng trên đất Thăng Long đương thời, nơi đã sinh ra tác phẩm Bích Câu kỳ ngộ vốn là một tiểu thuyết chữ Hán mà tác giả là Đặng Trần Côn hay Đoàn Thị Điểm hay ai khác, chưa rõ. Chỉ biết là Vũ Quốc Tuân, quê làng Đan Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã diễn thành một truyện thơ Nôm hấp dẫn về một mối tình mang tính huyền thoại và rất ly kỳ giữa Tú Uyên là nho sinh nghèo và Giáng Kiều là tiên nữ. Tại phường Bích Câu, Nguyễn Du đã sống với cha là Nguyễn Nghiệm, đậu Hoàng Giáp, làm quan tới chức Tham tụng dưới thời Trịnh Sâm. Cha mất ( 1775) thì ở với anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, cũng đậu Tiến sĩ, cũng làm quan to và có lối sống hào hoa, phong lưu rất mực. Nhưng số phận thì đã gắn với số phận họ Trịnh. Trong vụ án năm Canh Tý ( 1780), Nguyễn Khản bị bắt giam nhưng được chúa Trịnh Sâm cứu ra cho làm quan lại. Chẳng được bao lâu, đến năm 1784 lại bị quân Tam phủ kéo đến phá nhà. May mà trốn thoát, chạy lên Sơn Tây rồi về quê Tiên Điền ẩn náu. Đúng là tuổi trẻ của Nguyễn Du đã sống trong nhung lụa và sống trong một môi trường văn hoá không dễ gì ai có. Nhưng luật thịnh suy đã không tha gia đình ông, không tha ông. Từ năm 1786, ông bước vào cuộc đời “ mười năm gió bụi” (1786-1795), tiếp đến là 7 năm về quê dưới chân núi Hồng Lĩnh làm một “ Hồng Sơn liệp hộ” ( nhà thợ săn ở núi Hồng Lĩnh), trước ngày ra làm quan cho triều Nguyễn. Tính ra như thế Nguyễn Du gắn bó với Thăng Long ở thời trẻ và chỉ khoảng 20 năm ( 1766- 1786) trong cuộc đời 55 năm (1766- 1820). Đến đây, điều cần biết là hồn thơ, tài thơ Nguyễn Du đã dành cho Thăng Long là những gì và thế nào? Đó là mấy bài thơ chữ Hán: Thăng Long( 2 bài), Long Thành cầm giả ca, Ngô gia đệ cựu ca cơ, Mộng đắc thái liên ( 5 bài)(1). Tất cả đều được viết sau khi đã xa cách Thăng Long hàng chục năm rồi. Và trừ chùm thơ Mộng đắc thái liên là thuộc Nam trung tạp ngâm, còn thì thuộc Bắc hành tạp lục, và chủ yếu là viết trong dịp đi sứ Trung Hoa (1813) có ghé qua Thăng Long, lúc mà chữ long trong Thăng Long vốn có nghĩa là rồng đã bị đổi thành chữ long có nghĩa là thịnh vượng, và cái tên Thăng Long cũng bị đổi là Bắc thành tổng trấn sau khi Gia Long lên ngôi, mở đầu triều Nguyễn.

Hai bài thơ Thăng Long, viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, là cả một tâm trạng hoài cổ, buồn đau trước cuộc tang thương biến cải của Thăng Long xưa, thời mà hạnh phúc của gia đình Nguyễn Du còn ở độ lên men.

Bài I:

Tản Lô kia vẫn núi sông

Bạc đầu còn thấy Thăng Long có rày.

Nhà xưa bỗng hoá đường này

Cung xưa bỗng hoá thành xây lạ lùng

Gái quen nay đã con bồng,

Bạn chơi nay đã nên ông cả rồi.

Suốt đêm không ngủ bồi hồi,

Vi vu tiếng sáo một trời trăng trong.

( Phạm Khắc Khoan và Ngô Ngọc Can dịch)


Bài II:

Thành mới trăng xưa bóng lững lờ

Thăng Long đô cũ dấu còn trơ

Phố phường rộng mở quên đường cũ

Đàn sáo rày pha khúc điệu xưa.

Phú quí nghìn năm sinh cướp đoạt

Bạn bè thủơ trẻ đã lưa thưa

Việc đời chìm nổi than chi nữa

Mái tóc mình nay cũng bạc phơ.

( Vũ Mộng Hùng và Trần Thanh Mại dịch).

Thơ viết về Thăng Long của Nguyễn Du là cùng một điệu cảm xúc, ý tưởng với thơ  Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Với Nguyễn Du, trong nỗi buồn đau thương hải này, chỉ còn biết thả hồn vào /theo tiếng sáo trong đêm trăng giữa trời cao. Câu thơ cuối cùng của bài Thăng Long I: “ Vi vu tiếng sáo một trời trăng trong” nói là kết nhưng thực ra đã mở ra một thế giới tâm hồn mênh mang, thăm thẳm trước người đọc muôn đời.

Về với Thăng Long sau hai thập niên xa cách, Nguyễn Du đã có một tình huống đặc biệt. Đó là gặp lại cô Cầm, một kĩ nữ ngày trước rất nổi tiéng gảy đàn Nguyễn, lại hát hay và nói năng hấp dẫn, mà Nguyễn Du đã được thưởng thức tại nhà ông anh ruột là Nguyễn Nễ ( tức Đề) trong dịp ra thăm Thăng Long và trong hoàn cảnh: Tây Sơn đã ra Bắc Hà đuổi Trịnh và ông anh Nguyễn Nễ đã ra làm quan với Tây Sơn. Bài thơ Long thành cầm giả ca đã ra đời trong tình huống đó, mà chính Nguyễn Du trong lời Tiểu dẫn đã nói về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ:

“ Mùa xuân năm nay tôi phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, đi qua Thăng Long, các bạn mở tiệc ở dinh Tuyên phủ, có gọi tất cả vài chục nữ nhạc, tôi đều không biết mặt biết tên. Chị em thay nhau múa hát. Rồi nghe một khúc đàn Nguyễn trong trẻo  nổi lên, khác hẳn với những khúc thường nghe. Tôi lấy làm lạ nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò vẻ tiều tuỵ, sắc mặt đen sạm, xấu như quỷ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch và nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu, chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong ,hỏi ra thì chính là người trước kia đã gặp.

Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi không yên, ngửng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong cõi trăm năm, những sự buồn vui vinh nhục thật không lường được. Sau khi từ biệt , trên đường đi cảm thương vô hạn nên làm bài ca sau để ghi lại nỗi cảm hứng.”

Long thành cầm giả ca là một trường hợp sáng tác đặc biệt trong việc sáng tác thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Bởi đây là tác phẩm duy nhất trong tổng số 249 (+1) bài thơ chữ Hán đã có lời thơ lại còn có Tiểu dẫn.Mà riêng Tiểu dẫn, đã xứng đáng là một áng văn xuôi, một truyện ký xuất sắc, gây xúc động cho người đọc, đủ cho người đọc xót thương cho một người phụ nữ, đủ cho người đọc cảm phục tấm lòng của Nguyễn Du trước thân phận một kiếp người. Vậy mà Nguyễn Du lại còn thơ  Long thành cầm giả ca, mà lại được viết bằng thể thơ cổ phong trường thiên vốn có khả năng dung chứa nhiều ý tưởng hơn, nhiều cảm xúc hơn so với thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú Đường luật, và trong số 249 thi phẩm chữ Hán của mình, Nguyễn Du cũng chỉ sử dụng một cách hạn chế. Đúng là trước thân phận một cô Cầm, Nguyễn Du đã phải dốc hết thi tình, thi cảm, thi tài, thi bút hơn đâu hết. Do đó mà với thơ “ Long thành cầm giả ca”, không chỉ là một cuộc diễn ca lại lời Tiểu dẫn mà còn là một dịp nâng cấp ý thơ, tình thơ, mà trọng tâm vẫn là hướng vào tiếng đàn của cô Cầm. Ở Tiểu dẫn mới là tiếng đàn “trong trẻo”, “khác hẳn những khúc thường nghe” nhưng đến thơ thì tiếng đàn đó là “những khúc đàn hay nhất ở trên trời cũng như giữa cõi người” (Lời dịch thơ: “ tưởng quân thiên nhã nhạc khôn bì”)(2) mà “ Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông/ Tiếng trong như đôi chim hạc kêu nơi xa xăm/ Tiếng mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc/ Tiếng buồn như Trang Tích lúc ốm ngâm rên tiếng Việt”. ( Lời dịch thơ: Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi/ Tiếng trong như hạc gọi xa xăm/ Mạnh như Tiến Phúc sét gầm/ Buồn như Tiếng Việt Trang nằm đau rên”. Và “ hào hoa át cả các vương hầu/ Còn bọn thiếu niên đất Ngũ Lăng thì không đáng kể/ Tưởng như ba mươi sáu cung xuân/ Chung đúc thành một vật báu vô giá của đất Trường An” ( Lời dịch thơ: Vương hầu thua kẻ hào hoa/ Ngũ Lăng chàng trẻ ai mà kể chi/ Băm sáu cung xuân kia chung đúc/ Đất Trường An hạt ngọc liên thành”). Đúng là cái giá của tiếng đàn,càng lên cao thì nỗi đau về nàng, cho nàng càng thăng cấp. Đây có vẻ như là thủ pháp nghệ thuật nhưng thực chất là của tấm lòng. Chưa kể là cuộc tái ngộ của Nguyễn Du với cô Cầm thân tàn ma dại lại diễn ra vào mùa xuân- mùa trỗi dậy của sự sống. Đây là sự thật khách quan. Mà sự thật như thế thì chuyện nghịch cảnh oái oăm của một kiếp người không phải là đã nhân lên gấp bội sao. “Long thành cầm giả ca” ( Người gảy đàn trên đất Long thành) chính là thuộc một mạch thơ có thể nói là trung tâm nhất trong thế giới thơ ca của Nguyễn Du không chỉ là Hán mà còn là Nôm. Mạch thơ về những kiếp người phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh. Cô Cầm chẳng phải là chị em một duộc với Đạm Tiên “ nàng ấy xưa là ca nhi/ Hại thay chết xuống làm ma không chồng”; với cả nàng Kiều “Đau đớn thay phận nàng Kiều”, “ Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”; với cả nàng Tiểu Thanh bên Trung Hoa “ Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vương/ Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang”. Kể cả bài thơ “ Ngô gia đệ cựu ca cơ” ( Gặp người hát cũ của em). Em đây là Nguyễn Ức (1767-1823), cùng cha, cùng mẹ, có tài về kiến trúc, được vua Gia Long xuống chiếu gọi vào kinh đô làm Thiêm sự bộ Công, chăm lo việc xây dựng miếu điện.Chưa rõ cuộc gặp lại người hát cũ của em vào lúc nào. Chỉ biết  bài thơ vẫn thuộc mạch thơ đang nói tới:

Con người buổi loạn khác xưa

Hạc tiên trở lại bây giờ ai hay

Áo hồng giọng hát những ngày

Bạc đầu lại gặp chốn này lênh đênh

Chậu nghiêng nước đổ thôi đành

Ngó sen tuy đứt tơ mành còn vương

Lấy chồng nghe đã ba con

Áo xưa ngán nỗi vẫn còn mặc đây

( Phạm Khắc Khoan và Ngô Linh Ngọc dịch)

Có tội nghiệp không cho cuộc đời ca nữ đã từng mặc áo hồng(áo đẹp) để hát những lời ca uyển chuyển (ý của nguyên tác) mê người đến thế mà nay lấy chồng đã ba con mà không có nổi một tấm áo mới để mặc. Vẫn là tấm áo năm nào đã cũ. Với Nguyễn Du, trong trường hợp này, ý thơ đơn giản mà tình thơ sâu nặng biết bao.

Chùm thơ Ngẫu hứng gồm 5 bài thất ngôn tứ tuyệt trong Nam trung tạp ngâm không thuộc không gian nghệ thuật Thăng Long , nhưng ở bài thứ 5 lại để lộ ra một con người đến từ đất Thăng Long mà sao tiều tụy đáng thương là thế:

Khá thương bấy một người viễn khách

Da sạm đen áo rách nón mê

Bên đường rảo bước lánh đi,

Từ Thăng Long mới lần về nơi đây


( Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch)

Rõ là Thăng Long trong hồn thơ Nguyễn Du cứ như trên thì chỉ là một màu xám, chỉ là tàn phai, đau xót. Không! Không hẳn thế, vẫn có một đốm sáng trong bài Mộng đắc thái liên ( Giấc mộng hái sen) cũng thuộc Nam trung tạp ngâm. Đây là một giấc mộng đẹp, nên thơ về Thăng Long dù đã bao nhiêu năm xa cách. Trong giấc mộng hiện lên hình ảnh các cô gái hái sen trên Hồ Tây:

Xắn gọn quần cánh bướm

Chèo thuyền con hái sen.

Nước hồ đầy lai láng,

Dưới nước bóng người in


Các cô hái sen, hoa sen là để tặng người mình sợ, là bọn cường quyền chăng? Hương sen là để tặng người mình yêu thương. Có tiếng cười nói đùa vui của các cô hái sen. Ai nghe mà không thích. Và với hoa sen “thì ai cũng ưa”, tuy “cuống sen chẳng ai thích”, nhưng “trong cuống có tơ mành/ Vấn vương không thể dứt”. Nguyễn Du chẳng đã còn câu thơ Kiều “ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” sẽ muôn đời hấp dẫn người đọc đó sao. Bài thơ Mộng đắc thái liên đã như một bức tranh thủy mặc về cảnh sống thanh bình trên Hồ Tây của Thăng Long. Có điều đây vẫn là chuyện trong mơ, trong mộng. Bởi lẽ cảm hứng chủ đạo trong hồn thơ Thăng Long của Nguyễn Du vẫn là cảm hứng xót xa cho sự tàn phai. Và với Thăng Long, hồn thơ Nguyễn Du chỉ có thế. Ai đó có thể nghĩ rằng như thế là ít, chưa xứng với Thăng Long “ rồng cuộn hổ ngồi”, ngàn năm văn vật. Xin quí vị cứ nghĩ thế. Còn tôi, chỉ biết hồn thơ Nguyễn Du là hồn thơ của một thi nhân, nói như Mộng Liên Đường chủ nhân là thi nhân“ có con mắt trông thấu sáu cõi/ Có tấm lòng nghĩ tới muôn đời”, nó mênh mông thăm thẳm vời vợi vô cùng. Nên phần dành để Thăng Long thế cũng đủ rồi. Văn chương là vậy. Ngoài quy luật đồ sộ, còn có quy luật “ Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chỉ một Long thành cầm giả ca  cũng đã đủ cho hậu thế muôn đời, hễ ai nói tới thơ ca về/ cho Thăng Long từ cổ chí kim đã trước tiên không thể không nói đến Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du và Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan.

Lại đã có người còn muốn nói đến mối quan hệ giữa Thăng Long với hồn thơ Nguyễn Du ở trạng thái gián tiếp, xa xôi. Điều đó hoàn toàn có lý. Bởi như với Truyện Kiều dù có dựa vào Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Hoa nhưng là sự tái sáng tạo của thiên tài Nguyễn Du nên không thể không in dấu ấn cảm thức Nguyễn Du từ thực tiễn cuộc sống Việt Nam mà tiêu biểu là Thăng Long, và với Nguyễn Du ít ra cũng được trải nghiệm hai chục năm trời. Hình ảnh xã hội phong kiến đầy rẫy những xấu xa trong Truyện Kiều với các loài người bất lương ( lưu manh, trùm chứa, quan lại…), lối sống đô thị, kể cả sự trỗi dậy buổi đầu của con người cá thể… lại không là cái bóng , dĩ nhiên là bóng một mặt của cuộc sống Thăng Long cuối thế kỷ XVIII dù ít dù nhiều mà Nguyễn Du là nhân chứng.

                                                         *

                                                    *         *

Thăng Long với hồn thơ Nguyễn Du là thế. Còn với hồn thơ Nguyễn Hành?  Nguyễn Hành ( 1771- 1824) tự là Tử Kính, hiệu là Nam Thúc, biệt hiệu là Ngọ Nam, Nhật Nam, con của Nguyễn Điều ( 1745-1786) anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du. Nguyễn Điều cũng lớn lên trên đất Thăng Long, Hương thí trúng tứ trường, Hội thí trúng tam trường, làm quan tới chức Trấn phủ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Sơn Tây dưới thời Trịnh Sâm, số phận cũng cùng chung với họ Trịnh. Nguyễn Hành nổi tiếng thông minh học rộng, giàu văn tài, được dư luận đương thời xếp vào hàng “ An Nam ngũ tuyệt” cùng chú ruột Nguyễn Du. Nhưng mới lớn lên đã gặp ngay cảnh quốc biến và gia biến, đến phải rơi vào cuộc sống vong gia thất thổ, mà lý do chính là không chịu nhập cuộc với đời, dù đó là vương triều Tây Sơn hay vương triều nhà Nguyễn. Ông sống với tinh thần “hoài Lê” một cách kiên định trọn đời, để lại hai tập thơ: Minh quyên thi tập và Quan Đông hải. Trong Minh quyên thi tập, thơ viết về Thăng Long, liên quan đến Thăng Long có các bài: Bắc thành trừ tịch, Bắc thành tiễn xuân, Kỷ Mão tứ thập cứu tuế cố kinh xuân nhật, Nhĩ hà, Quốc học, Du Trấn quốc tự, Đại dịch, Lưu giản Đồng Xuân phường ông, Tiễn Đồng Xuân mỗ nhân tòng vãng Bắc sứ. Trong Quan Đông hải  có bài Tây Hồ…

Bắc thành trừ tịch (  Đêm ba mươi Tết ở Bắc thành) viết trong dịp về Thăng Long đón năm mới với tâm trạng buồn thương, thương cho phận mình phiêu bạt không nơi cố định phải chịu đói rét, thương đến cả thơ mình chỉ nói lời đau khổ. Cho nên nghe pháo nổ ran đón xuân mà không một chút vui, chỉ có sợ.

Bắc thành tống xuân mãn giang hồng ( Tiễn xuân ở Bắc thành theo điệu Mãn giang hồng) cũng là tâm trạng buồn rầu không dứt vừa về chuyện đổi thay của cảnh vật Thăng Long không như ý, vừa về mình lưu lạc không thôi, quanh năm nơi đát khách quê người, hết diều lo này đến điều lo khác, có hoài bão mà không thành mặc dầu cảnh sắc ngày xuân của chốn đế đô vẫn là thế.

Kỷ Mão tứ thập cứu tuế cố kinh  xuân nhật ( Năm Kỷ Mão 49 tuổi, ngày xuân ở kinh đô cũ) là tâm trạng của một người từng cùng gia đình sống đời trưởng giả trên đất Thăng Long nhưng rồi thất thế lìa tan. Nay trong tuổi già trở lại Thăng Long với tâm trạng bơ vơ sầu muộn, cho cuộc đời là vô vị, mặc cho tạo hóa xoay vần.

Nhĩ hà (Sông Hồng): tả con sông Hồng mà như tả một nhân cách bền vững không ngại đục vẫn tuôn chảy và trong lòng vẫn trong trẻo nước mênh mang, vẫn ôm lấy Thăng Long một phía trước khi xuôi ra biển. Và từ dòng nước tuôn chảy mà nghĩ đễn cuộc đời đổi thay bất tận. Nhưng có đổi thay đến đâu vẫn còn chốn tâm linh để cất vang tiếng ca. Ấy là lúc có một ngôi đền thần linh mới dựng.

Quốc học ( Nền học vấn của nước nhà) là niềm tự hào, sự tôn vinh nền văn hiến, văn minh của dân tộc mà nhà Thái học cao rộng kia là một biểu tượng vững bền. Nhưng từ đó lại xấu hổ vì đã không dự được vào hàng ngũ tư văn để làm rạng rỡ gia phong.

Du Trấn quốc tự ( Chơi chùa Trấn Quốc) nói chuyện đến thăm chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây gắn với truyền thuyết ông Không Lỗ có tài thu hút đồng đen phương Bắc đem về đúc chuông. Tiếng vang sang phương Bắc làm trâu vàng nhớ mẹ là đồng đen ( đồng đen là mẹ của vàng) mà chạy sang tìm mẹ, tới vùng đất Tây Hồ quẫy, dậm mãi nên đất sụt xuống thành hồ. Đến với chùa Trấn Quốc, tác giả vẫn mang theo nỗi buồn thế cuộc, nỗi buồn Thăng Long biến cải dẫu rằng cảnh hồ vẫn y như cũ. Với tâm trạng đó nên nghe chuông chùa, mõ chùa thì chỉ muốn rút khỏi cuộc đời mà tìm nơi ẩn dật: “về đi thôi”.

Đại Dịch: nói về nạn dịch lớn lan từ Tiêm La ( Thái Lan) qua Gia Định tới Thăng Long với tâm trạng đau xót trước cảnh nhân dân chết dịch, chỉ biết cầu mong đức hiếu sinh của trời đất và giận đám quan lại của triều đình không có thuật điều hòa âm dương để tránh cho dân khỏi đại dịch.

Lưu giản Đồng Xuân phường ông ( Thư gửi lại bậc trượng nhân ở phường Đồng Xuân) là lời tiễn biệt lúc mình ra đi. Trong đó có lòng biết ơn, có nỗi đau về cảnh ngộ đói nghèo nhưng tâm trí vẫn gửi nơi hồ hải xa xăm, có chút tình vương vấn với chốn đô thành trong buổi đi xa, có chút an ủi vì thấy ở chốn trần ai vẫn có người tốt và lại thẹn thùng trước lòng tốt đó.

Tiễn Đồng Xuân phường mỗ nhân tòng vãng Bắc sứ ( Tiễn một người ở phường Đồng Xuân theo sứ bộ sang Trung Quốc): là những lời tiễn bạn lên đường. Hẳn đây là bạn quý và cũng là bạn rượu. Nên có lời thơ rằng: “Sẽ thấy ngôi sao rượu thường ở bên ngôi sao sứ giả”. Kể cũng là một tình bạn thắm thiết trong đời và trong thơ.

Tây Hồ: là cảnh Hồ Tây trong đêm trăng tỏa đầy khí đêm, yên tĩnh, tưởng như cơ mầu của trời đất đang chuyển vần. Nghe tiếng chày kình vọng lại từ xa, bỗng nảy sinh ý nghĩ: giá gì được đến đây làm một ngư ông câu cá ngao trên mặt sóng.

Đúng là thơ của ông cháu Nguyễn Hành chưa có gì thật nổi trội như thơ của ông chú Nguyễn Du đặc biệt với Long thành cầm giả ca, nhưng nó lại có phần phong phú hơn ở phương diện đề tài mà người đọc đã thấy ở trên.

Điều đáng nói là trong hồn thơ của hai chú cháu với Thăng Long đều chung một nỗi buồn đau trước Thăng Long biến cải. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.