Nguyễn Du
Thông tin tra cứu
Bộ đếm lượt truy cập
TÁC PHẨM BẰNG CHỮ HÁN
TÁC PHẨM BẰNG CHỮ HÁN
Theo gia phả họ Nguyễn Tiền Điền, thì Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.
Những năm đầu thế kỷ XX, khi biên soạn cuốn Truyện cụ Nguyễn Du, các cụ Lê Thước và Phan Sĩ Bàng đã thu thập được một phần lớn những bài thơ đó, nhưng chưa công bố, chỉ mới trích dẫn một số bài lẻ tẻ mà thôi. Khoảng năm 1940-41, ông Đào Duy Anh lại làm công việc đó một lần nữa. Ông cho chúng ta biết tình hình như sau:
Ba tập thơ chữ Hán chính họ Nguyễn Tiên Điền cũng không giữ được tập nào. Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du rất nhiều, nhưng mãi đến năm 1959 mới được ba nhà nho là: Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu tập: Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn hóa, 1959) chỉ gồm có 102 bài. Đến năm 1965 NXB Văn học đã ra Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 249 bài như sau:
Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Tập thơ được sáng tác trong ba gia đoạn:
Giai đoạn "Mười năm gió bụi", từ năm 1786, năm Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà, cho đến năm Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hồng Lĩnh, khoảng cuối những năm 1795 đầu năm 1796.
Giai đoạn "Dưới chân núi Hồng", từ năm 1796 đến năm 1802
Giai đoạn 3 "Ra làm quan ở Bắc Hà", từ năm 1802 đến cuối năm 1804 (trong giai đoạn này có lần nhà thơ được cử đi nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong sắc cho Gia Long).
Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài thơ làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, tức là từ khi được thăng hàm đông các học sĩ vào làm quan ở Kinh (gần 4 năm) cho đến hết thời kỳ làm cái cai bạ dinh Quảng Bình (3 năm, 5 tháng). Ông viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh.
Bài đầu tập thơ, Phượng hoàng lộ thượng tỏa hành, đúng là bài làm trên đường đi vào Kinh nhậm chức: Từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh đi vào có núi Phượng Hoàng và quán Phượng hoàng, và bài Nễ giang khẩu hương vọng, gần cuối tập , có câu:
Độc bão hương tâm dĩ tứ niên
(Ôm nỗi nhớ quê đã bốn năm trời).
Như vậy là rất khớp.
Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Chúng tôi có theo dõi cuộc đi xứ này trên bản đồ theo những tài liệu mà các phái đoàn của ta gần đây đi tham quan Trung Quốc tìm được và đã đối chiếu với các bài thơ, thì thấy cách sắp xếp các bài thơ đã ổn. Bài Thăng Long (tháng 2 năm 1813) và bài cuối tập là bài Chu Phát làm khi trở lại. Võ Xương (cuối năm 1813). Từ đó, nhà thơ lên thuyền về Nam quan theo con đường đã đi lần trước, nên không có thơ nữa. Chỉ có một vài bài còn Cối, Vương thị (vợ Tần Cối), không ở chỗ thích đáng của nó, làm ta ngờ rằng nhà thơ nhân nhớ đến những nhân vật đó mà làm thơ, chứ không phải tức cảnh sinh tình như tuyệt đại đa số các bài trong tập này. Trường hợp này giống trường hợp bài Độc Tiểu Thanh ký (số 78 Thanh hiên thi tập), bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh ở Tây Hồ, mà làm khi còn ở nhà, nên không ở trong Bắc hành tạp lục.
Với cách sắp xếp đó có thể hiểu được tâm sự của Nguyễn Du trong từng giai đoạn. Có thể xem ba tập thơ này là ba tập nhật ký ghi trong một khoảng thời gian dài, từ năm nhà thơ 21 tuổi (1786) cho đến năm nhà thơ 49 tuổi (1814), trước lúc chết 5 năm. Bài thơ nào cũng chứa đựng một lời tâm sự. Ngay những bài tức cảnh vịnh sử khi đi sứ Trung Quốc cũng không phải là những bài tức cảnh, vịnh sử thuần túy mà đều có bao hàm tâm sự của nhà thơ, bộc lộ thái độ sống của nhà thơ một cách hết sức rõ rệt.
Tập thơ 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một công trình tập thể đã được Cụ Lê Thước và Trương Chính thu thập tài liệu, dịch nghĩa, chú thích, sắp xếp.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.