nguyendu.com.vn
Loading...

Ví phường nón Tiên Điền


Nghề làm nón ở làng Tiên Điền có từ rất lâu và cùng với sinh hoạt văn hóa của những người làm nón trong làng đã hình thành phường hát với tên gọi là “Hát ví phường nón Tiên Điền”. Đây là sinh hoạt văn hoá của cư dân làm nghề tơi nón, được tổ chức vào buổi tối bên ánh đèn hay dưới ánh trăng hay trong sân vườn nhà. Người thợ làm nón lấy việc ca hát để quên đi vất vả mệt nhọc, để thể hiện tâm tình lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước ...
 
 
Phường nón Tiên Điền phản ánh rõ tính chất phường hội thủ công, là nơi khởi phát các hoạt động văn hóa cộng đồng, nơi lưu giữ các làn điệu ví dặm, hò vè, thơ ca...Hát ví phường nón lúc đầu diễn ra trong nhà - ngoài ngõ hoặc một khoảng sân của một nhà nào đó. Bên nữ vừa làm vừa hát, bên nam là khách đến chơi, đứng hoặc ngồi hát, anh nào siêng năng chăm chỉ thì có thể cùng vót nan, lợp lá nón với phường nữ. Phường nón cũng sẵn sàng hát đối đáp với các phường khác như phường săn, phường củi, phường và nam nữ thường hát giao duyên trao đổi tâm tình.
 
Em đừng bứt niệt mõi tay
Về đây làm nón đợi ngày du xuân.
 
Nghề làm nón và sinh hoạt của các phường nón đã trở thành một sinh hoạt văn hóa ở làng Tiên Điền. Nón tơi đã bao đời gắn bó với người dân, đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng. Một số tài liệu nghiên cứu về văn hoá dân gian làng Tiên Điền cho rằng: Nghề làm nón của Tiên Điền đã đi vào thơ ca từ khi Nguyễn Du viết  “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu”. Nhà thơ đã dành nhiều câu thơ mang đậm màu sắc địa phương cho phường nón. Thời gian Nguyễn Du về lại Tiên Điền (1796-1802), thường cùng các anh bạn văn nho hòa mình trong những câu hò, điệu ví cùng các cô gái phường nón và các cô gái đều quen biết Nguyễn, có lần đi hát phường nón trong làng, Hầu (tên danh xưng Nguyễn Du) gặp cô gái tên Cúc rất đẹp, giọng lại hay, nhưng đã quá thì mà vẫn chưa có chồng. Lần ấy, Hầu đóng vai người “gà” chuyện, một người con trai ví ghẹo:
 
Trăm hoa đua nở mùa xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?
 
Hầu, gà ngay cho cô gái hát đáp lại:
 
Vì chưng tham chút nhụy vàng
Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.
 
Sau này, khi làm quan trong kinh được về quê, Nguyễn gặp cô Tuyết, người đã cùng mình hát ví trước kia đang dắt trâu bên đường. Cô ta nhìn Hầu, mỉm cười, rồi khe khẽ hát:
 
Cái tình là cái chi chi
Anh làm tham tri em cũng biết rồi.
 
Hát ví còn là sự giao thoa giữa vùng này với vùng khác, Nguyễn Du là một trong những người đã từng mang ví phường nón Tiên Điền vào tận Trường Lưu (Can Lộc) để hát thi đối đáp, giao duyên, tạo nên những mối tình quyến luyến giữa trai gái các làng:
 
Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn
 
Từ những cuộc gặp gỡ giao lưu đó, bài thơ “Thác lời trai phường nón” và “Văn tế Trường Lưu nhị nữ” nổi tiếng của Nguyễn Du đã ra đời trong thời gian này.  “Thác lời trai phường nón” là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho đến nay đã góp phần tích lũy kho tàng hát ví khá phong phú mang bản sắc văn hóa của địa phương. Thể hiện được cách làm nghề, cách nghĩ, cách cảm nên thơ của các chàng trai cô gái với những câu thơ được trau chuốt, mượt mà, ý nhị để giải bày tâm sự, đong đếm tình cảm:      
 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu (Nguyễn Du)
 
Cũng câu hát trên được linh hoạt sử dụng phù hợp với địa danh của từng vùng nên lại hát:
 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Lam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
 
Hát ví phường nón nói riêng và hát ví nói chung là loại hình dân ca quen thuộc còn lưu truyền những câu chuyện liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều - Truyện Kiều cũng là một trường ca hát ví - Hát ví thường được mượn Truyện Kiều.
 
Có lần chuyến đò sang sông, một nhóm thầy đồ thấy cô gái mặc váy từ trên mui thuyền bước xuống, gấu váy bị vướng, loay hoay mãi mới gỡ được, một thầy đồ ngồi trong khoang hát:
 
Ơ…Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sẵn đây ta đúc một tòa thiên nhiên.
 
Cô gái sau khi ngồi xuống chỉnh tề liền quay lại hát:
 
Người ơi…! Mười lăm năm mới một lần
Hé gương cho khách hồng trần thử soi.
 
Việc sử dụng những câu Kiều để làm câu hát đối đáp trong dân ca Ví, Dặm khá phong phú, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà nho:
 
Truyện Kiều anh đã thuộc lòng
Đố anh kể được một dòng toàn nho?
 
Hay:                             
 
Truyện Kiều anh đã thuộc làu
Đố anh kể được một câu hết Kiều?
 
Đến nay, khi tìm hiểu ví Phường nón Tiên Điền, các nhà nghiên cứu luôn trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị của  kho tàng văn hoá dân gian quê hương  Cho dù nghề làm tơi nón ở Tiên Điền đã mai một, nhưng người dân vẫn luôn nhắc đến” Ví phường nón” một loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống, nay đang dần được phục hồi góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân quê hương.
 
 
Lê Vân

 


Tin tức sự kiện
Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website