nguyendu.com.vn
Loading...

Ví phường nón Tiên Điền


Nghề làm nón ở làng Tiên Điền có từ rất lâu và cùng với sinh hoạt văn hóa của những người làm nón trong làng đã hình thành phường hát với tên gọi là “Hát ví phường nón Tiên Điền”. Đây là sinh hoạt văn hoá của cư dân làm nghề tơi nón, được tổ chức vào buổi tối bên ánh đèn hay dưới ánh trăng hay trong sân vườn nhà. Người thợ làm nón lấy việc ca hát để quên đi vất vả mệt nhọc, để thể hiện tâm tình lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước ...
 
 
Phường nón Tiên Điền phản ánh rõ tính chất phường hội thủ công, là nơi khởi phát các hoạt động văn hóa cộng đồng, nơi lưu giữ các làn điệu ví dặm, hò vè, thơ ca...Hát ví phường nón lúc đầu diễn ra trong nhà - ngoài ngõ hoặc một khoảng sân của một nhà nào đó. Bên nữ vừa làm vừa hát, bên nam là khách đến chơi, đứng hoặc ngồi hát, anh nào siêng năng chăm chỉ thì có thể cùng vót nan, lợp lá nón với phường nữ. Phường nón cũng sẵn sàng hát đối đáp với các phường khác như phường săn, phường củi, phường và nam nữ thường hát giao duyên trao đổi tâm tình.
 
Em đừng bứt niệt mõi tay
Về đây làm nón đợi ngày du xuân.
 
Nghề làm nón và sinh hoạt của các phường nón đã trở thành một sinh hoạt văn hóa ở làng Tiên Điền. Nón tơi đã bao đời gắn bó với người dân, đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng. Một số tài liệu nghiên cứu về văn hoá dân gian làng Tiên Điền cho rằng: Nghề làm nón của Tiên Điền đã đi vào thơ ca từ khi Nguyễn Du viết  “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu”. Nhà thơ đã dành nhiều câu thơ mang đậm màu sắc địa phương cho phường nón. Thời gian Nguyễn Du về lại Tiên Điền (1796-1802), thường cùng các anh bạn văn nho hòa mình trong những câu hò, điệu ví cùng các cô gái phường nón và các cô gái đều quen biết Nguyễn, có lần đi hát phường nón trong làng, Hầu (tên danh xưng Nguyễn Du) gặp cô gái tên Cúc rất đẹp, giọng lại hay, nhưng đã quá thì mà vẫn chưa có chồng. Lần ấy, Hầu đóng vai người “gà” chuyện, một người con trai ví ghẹo:
 
Trăm hoa đua nở mùa xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?
 
Hầu, gà ngay cho cô gái hát đáp lại:
 
Vì chưng tham chút nhụy vàng
Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.
 
Sau này, khi làm quan trong kinh được về quê, Nguyễn gặp cô Tuyết, người đã cùng mình hát ví trước kia đang dắt trâu bên đường. Cô ta nhìn Hầu, mỉm cười, rồi khe khẽ hát:
 
Cái tình là cái chi chi
Anh làm tham tri em cũng biết rồi.
 
Hát ví còn là sự giao thoa giữa vùng này với vùng khác, Nguyễn Du là một trong những người đã từng mang ví phường nón Tiên Điền vào tận Trường Lưu (Can Lộc) để hát thi đối đáp, giao duyên, tạo nên những mối tình quyến luyến giữa trai gái các làng:
 
Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn
 
Từ những cuộc gặp gỡ giao lưu đó, bài thơ “Thác lời trai phường nón” và “Văn tế Trường Lưu nhị nữ” nổi tiếng của Nguyễn Du đã ra đời trong thời gian này.  “Thác lời trai phường nón” là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho đến nay đã góp phần tích lũy kho tàng hát ví khá phong phú mang bản sắc văn hóa của địa phương. Thể hiện được cách làm nghề, cách nghĩ, cách cảm nên thơ của các chàng trai cô gái với những câu thơ được trau chuốt, mượt mà, ý nhị để giải bày tâm sự, đong đếm tình cảm:      
 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu (Nguyễn Du)
 
Cũng câu hát trên được linh hoạt sử dụng phù hợp với địa danh của từng vùng nên lại hát:
 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Lam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
 
Hát ví phường nón nói riêng và hát ví nói chung là loại hình dân ca quen thuộc còn lưu truyền những câu chuyện liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều - Truyện Kiều cũng là một trường ca hát ví - Hát ví thường được mượn Truyện Kiều.
 
Có lần chuyến đò sang sông, một nhóm thầy đồ thấy cô gái mặc váy từ trên mui thuyền bước xuống, gấu váy bị vướng, loay hoay mãi mới gỡ được, một thầy đồ ngồi trong khoang hát:
 
Ơ…Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sẵn đây ta đúc một tòa thiên nhiên.
 
Cô gái sau khi ngồi xuống chỉnh tề liền quay lại hát:
 
Người ơi…! Mười lăm năm mới một lần
Hé gương cho khách hồng trần thử soi.
 
Việc sử dụng những câu Kiều để làm câu hát đối đáp trong dân ca Ví, Dặm khá phong phú, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà nho:
 
Truyện Kiều anh đã thuộc lòng
Đố anh kể được một dòng toàn nho?
 
Hay:                             
 
Truyện Kiều anh đã thuộc làu
Đố anh kể được một câu hết Kiều?
 
Đến nay, khi tìm hiểu ví Phường nón Tiên Điền, các nhà nghiên cứu luôn trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị của  kho tàng văn hoá dân gian quê hương  Cho dù nghề làm tơi nón ở Tiên Điền đã mai một, nhưng người dân vẫn luôn nhắc đến” Ví phường nón” một loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống, nay đang dần được phục hồi góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân quê hương.
 
 
Lê Vân

 


Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website