nguyendu.com.vn
Loading...

Về việc báo ân báo oán của nàng Kiều


Trong việc "báo ân báo oán", không biết vì lý do gì mà nàng Kiều đã quên hẳn một người nặng tình, nặng nghĩa và rất có công với nàng. Mặt khác nàng lại cũng không đả động đến một người rất có tội với nàng, đáng ra phải bị trừng phạt. Có lẽ căn cứ tốt nhất, chính xác nhất, hợp lẽ nhất để ta cho rằng nàng Kiều đã quên ơn một người và đã để lọt một tội phạm là xem cách nàng đã trả ơn và báo oán các nhân vật ra sao rồi so họ với các nhân vật mà ta muốn nói tới...
 
Lời tòa soạn: Kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du từ khi ra đời tới nay luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc cũng như các bậc thức giả. Đã có rất nhiều cuốn sách, bài nghiên cứu trở đi trở lại với tác phẩm vĩ đại này. Cùng với thời gian, người đọc dường như lại phát hiện ra một tầng ý nghĩa mới phía sau câu chữ của tác phẩm. Trong dòng suy nghiệm đó, tác giả Nguyễn Duy Hiển - một cán bộ nghỉ hưu hiện thường trú tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã gửi tới chúng tôi bài viết bàn thêm về việc Thúy Kiều "báo ân báo oán". Mặc dù vẫn còn một đôi điều chưa phải chúng tôi đã hoàn toàn đồng nhất với tác giả, song nhận thấy bài viết có cách đặt vấn đề thú vị, chúng tôi mạnh dạn giới thiệu cùng bạn đọc. Mong nhận được bài viết trao đổi lại (nếu  thấy cách đặt vấn đề của tác giả Nguyễn Duy Hiển chưa thỏa đáng) của bạn viết gần xa...
 
Từ trước tới nay, việc "báo ân báo oán" của nàng Kiều được bàn luận khá nhiều. Kẻ hậu sinh chỉ xin nói đôi điều còn ngờ ngợ.
 
Trong văn bản "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, những người được "báo ân" là Thúc Sinh, mụ Quản gia, sư Giác Duyên. Những người bị "báo oán" là Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hà, Bạc Hạnh, Khuyển và Ưng. Ta cũng không có cơ sở pháp luật thành văn nào để nói rằng nàng Kiều đúng hay sai. Cá nhân nàng Kiều lưu lạc trong cõi đời, đã cảm nhận được lòng yêu thương cũng như sự lừa lọc, phản trắc… của người đời nên khi có điều kiện, nàng đã trả ơn những người đã thương yêu, cứu giúp mình và trả thù những người đã gây ra khổ đau… cho mình. Âu cũng là lẽ thường của một người.
 
Trong việc "báo ân báo oán" này, không biết vì lý do gì mà nàng Kiều đã quên hẳn một người nặng tình, nặng nghĩa và rất có công với nàng. Mặt khác nàng lại cũng không đả động đến một người rất có tội với nàng, đáng ra phải bị trừng phạt. Có lẽ căn cứ tốt nhất, chính xác nhất, hợp lẽ nhất để ta cho rằng nàng Kiều đã quên ơn một người và đã để lọt một tội phạm là xem cách nàng đã trả ơn và báo oán các nhân vật ra sao rồi so họ với các nhân vật mà ta muốn nói tới.
 
Trong số những người được báo ân, ta tạm rút ra một nhân vật để làm đối chứng, đó là mụ Quản gia. Khi Kiều bị đánh thuốc mê, rồi bị bắt đem về nhà Hoạn phu nhân rồi bị sỉ nhục, bị đánh, bị đổi tên là "Hoa nô"  "Ra vào theo lũ thanh y/ Dãi dầu tóc rối da chì quản bao" thì mụ Quản gia "Thấy người thấy nết ra vào mà thương" và "mở đường hiếu sinh" bằng cách "Dạy rằng may rủi đã đành/ Liễu bồ mình giữ lấy mình cho hay/ Cũng là oan nghiệp chi đây/ Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng/ ở đây tai vách mạch rừng/ Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi/ Kẻo khi sấm sét bất kỳ/ Con ong cái kiến kêu gì được oan". Tóm lại, mụ Quản gia nổi bật hai điều: Đó là lòng thương người và có lời chỉ bảo tận tình. Vì vậy, khi báo ân, nàng Kiều nói với mụ Quản gia và vãi Giác Duyên: "Nhớ khi lỡ bước xảy vời/ Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương/ Nghìn vàng gọi chút lễ thường/ Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân".
 
Mụ Quản gia được "báo ân" như thế là xứng đáng, là "ở hiền gặp lành", là làm nghiệp thiện thì có "quả phúc". Thế mà có một người nặng tình, nặng nghĩa với nàng Kiều hơn mụ Quản gia thì nàng Kiều quên hẳn, đó là Mã Kiều. Hãy nhớ lại đoạn khổ ải, đau đớn của nàng Kiều khi bị Sở Khanh lừa tình, rủ trốn đi và Tú Bà bắt lại, đánh đập tàn tệ phải xin "Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa". "Bảo lĩnh" là nhận lấy trách nhiệm, chịu trách nhiệm về những điều mà nàng Kiều hứa hẹn. Có thể nói nhận "bảo lĩnh" là nhận sự rắc rối, sự hy sinh của bản thân mình với "đối tượng" mình "bảo lĩnh". Trong hoàn cảnh ấy "Bày vai có ả Mã Kiều/ Xót nàng nên mới đánh liều chịu oan". Xót nàng Kiều mà Mã Kiều "đánh liều" (bất chấp sự thiệt thòi, nguy hiểm) làm tờ cam đoan. Chỉ riêng về mặt này, mụ Quản gia không thể so sánh với Mã Kiều được. Mã Kiều còn khuyên nhủ, căn dặn chí tình với nàng Kiều và lại còn vạch trần sự thật câu kết giữa Tú Bà và Sở Khanh "Thôi đã mắc lận thì thôi/ Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh/ Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết mấy cành phù dung/ Đà đạo sắp sẵn chước dùng/ Lạ gì một cốt một đồng xưa nay/ Có ba mươi lạng trao tay/ Không dưng chi có chuyện này trò kia/ Rồi ra trở mặt tức thì/ Bớt lời liệu chớ sân si thiệt đời".
 
Qua những điều vừa trình bày trên, ta thấy công ơn của Mã Kiều hơn hẳn mụ Quản gia về tình thương, về sự hy sinh bản thân cho nàng Kiều. Giả sử nàng Kiều không làm theo lời căn dặn của mụ Quản gia thì chỉ có Kiều thiệt, còn nếu Kiều làm trái với lời Tú Bà thì không chỉ Kiều chịu tội mà Mã Kiều cũng phải chịu liên đới. Thế mà không hiểu sao khi vinh hoa phú quý thì nàng Kiều lại quên phắt người bạn cùng cảnh ngộ với mình xưa kia, người đã liều thân cứu mình!
 
Đấy là "báo ân", còn "báo oán" thì sao? Thúy Kiều có để lọt tội phạm không? Trong những người mà Kiều "báo oán" ta cũng tạm rút ra một nhân vật để làm đối chứng, đó là "Bạc Bà". Khi được sư Giác Duyên "Nhắn sang dặn hết mọi đường/ Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân", lòng tham của mụ nổi lên khi "Thấy nàng mặn phấn tươi son/ Mừng thầm được món bán buôn kiếm lời". Thế là mụ "Hư không đặt để nên lời" rồi "Lấy lời hung hiểm ép duyên Chân - Trần". Mụ đã bịa đặt ra những điều không có thật rồi tìm cách ép nàng lấy cháu là Bạc Hạnh để bán nàng vào lầu xanh. Cuối cùng mụ bị trừng trị đích đáng.

 

Thế mà có một nhân vật tội nặng hơn, ác độc hơn mà nàng Kiều không hề động đến. Ai vậy? Đó là Hoạn Bà (Hoạn phu nhân). Ngay từ đầu, khi nghe con gái (Hoạn Thư) trình bày mưu cao "Lâm tri đường bộ tháng chầy/ Mà đường hỏi đạo sang ngay thì gần/ Dọn thuyền lựa mặt gia nhân/ Hãy đem dây xích buộc chân nàng về/ Làm cho cho mệt cho mê/ Làm cho đau đớn ê chề cho coi/ Trước cho bõ ghét những người/ Sau cho để một trò cười về sau" thì bà ta đã đồng tình ngay "…khen chước rất mầu/ Chiều con mới dạy mặc dầu ra tay…".
 
Nếu xét thông thường thì mẹ nào chẳng bênh con gái nên có thể ta không coi điều trên là đồng lõa, là tội. Vậy căn cứ vào đâu mà bảo Hoạn phu nhân có tội? Hãy lấy chính lời nói, thái độ và hành động của bà ta để chứng minh: Khi "Khuyển, Ưng hai đứa nộp nàng dâng công", Kiều vừa tỉnh thì bà ta "Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra", Kiều đành "Sự mình nàng phải cứ mà gửi thưa" tức là nàng nói tất cả sự thật của đời mình. Chẳng có căn cứ nào mà bà ta nhiếc Kiều "…những giống bơ thờ quen thân", "Con này chẳng phải thiện nhân" rồi tuôn ra một hồi "phường trốn chúa, quân lộn chồng", "mèo mả gà đồng". Trơ trẽn hơn nữa, bà ta lại còn nói: "Đã đem mình bán cửa tao".
 
Ai bán mà bà ta mua? Bà ta chẳng khác gì Bạc Bà "Hư không đặt để nên lời". Hoạn Bà và Bạc Bà giống nhau ở điểm này nhưng Hoạn bà hơn hẳn ở sự sỉ nhục nàng Kiều và thậm tệ hơn nữa lại cho bọn tay chân đánh Kiều "Nào là gia pháp nọ bay/ Hãy cho ba chục biết tay một lần". Nàng Kiều đành chịu "Trúc côn ra sức đập vào/ Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh/ Xót thay đào lý một cành/ Một phen mưa gió tan tành một phen".
 
Lời bịa đặt, nhiếc móc có thể quên do thời gian trôi đi, chứ đau đớn "máu rơi, thịt nát" thì không thể nào quên được. Dân gian có câu "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời" cơ mà! Cũng lạ, sao Kiều bỏ lọt tội phạm? Hay Từ Hải chưa cho quân đến bắt các tội phạm đó? Không phải thế! Khuyển, Ưng ở nhà Hoạn phu nhân bị bắt đem về xử tội. Bắt Khuyển, Ưng nhưng lại không bắt Hoạn phu nhân!
 
So với Bạc Bà, với Khuyển, Ưng thì tội của Hoạn bà theo cách nói dân gian là tội tày đình đấy! Phải chăng Hoạn bà là phu nhân của quan thượng thư Bộ Lại (ngày nay gọi là phu nhân Bộ trưởng) nên Từ Hải không dám động đến? Dù gì đi chăng nữa, với nàng Kiều thì việc "báo ân, báo oán" thế là xong. Đối chiếu câu nói của Kiều với Từ Hải "Tấm thân nay đã nhẹ nhàng/ Chút còn ân oán đôi đường chưa xong" thì sau khi Kiều báo ân báo oán có thể thoải mái nói rằng "ân oán đã xong". Nhưng với người đọc, với kẻ hậu sinh này thì câu "Chút còn ân oán đôi đường chưa xong" vẫn còn đó, vẫn còn nguyên nghĩa của nó, vẫn còn gieo vào lòng người câu hỏi: Vì sao mà quên ơn Mã Kiều? Vì sao không dám động đến kẻ quyền thế là Hoạn phu nhân? Vì sao? Vì sao?...
 
 
Theo N.D.H./văn nghệ công an

Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website