nguyendu.com.vn
Loading...

Về một đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du


Cuối năm 2014 UNESCO đã trân trọng ghi tên Nguyễn Du vào danh sách danh nhân văn hóa thế giới, khẳng định tầm nhân loại của sự nghiệp văn chương của ông. Bằng ngôn từ nghệ thuật trác tuyệt, nhà thơ đã bộc lộ những tư tưởng cảm xúc về những vấn đề bức thiết của đời sống bản thân, đời sống đồng bào và đồng loại. Trước tác của Nguyễn Du đậm đà chủ nghĩa nhân đạo bởi vậy đủ sức vượt thời gian và không gian, đến được với đông đảo công chúng, bất chấp bao điều khác biệt.
 
Tác phẩm chính của Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều - kiệt tác đỉnh cao của văn học Việt Nam - là 250 bài thơ chữ Hán. Bên cạnh đó các tác phẩm Chiêu hồn thập loại chúng sinh, Sinh tế Trường Lưu nhị nữ văn (Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu) cũng đều là những áng văn chương đặc sắc đậm đà chủ nghĩa nhân đạo. Mỗi tác phẩm văn chương đích thực là một giá trị độc đáo, bởi vậy việc khái quát những đặc điểm chung nào đó là công việc có ý nghĩa tương đối, đó là chưa nói đến khả năng (không khó xảy ra) khái quát sai lệch. Đối với chủ nghĩa nhân đạo của văn chương Nguyễn Du mà chỉ nói đến một đặc điểm nào đó, thực sự là việc bất đắc dĩ.
 
V.I. Lênin từng nêu lên luận điểm: Khi xét các công lao lịch sử, người ta không căn cứ vào chỗ người đó không làm được gì so với yêu cầu của ngày hôm nay, mà căn cứ vào chỗ người đó làm được những gì mới so với tiền bối. Chúng tôi cho rằng ý kiến này có ý nghĩa phương pháp luận để xác định đặc điểm của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Nhìn nhận giá trị này của văn chương Nguyễn Du trong diễn trình chủ nghĩa nhân đạo của văn học Việt Nam trung đại, ta thấy một đặc điểm nổi bật và cũng là một trong những cống hiến của thi hào, là sự quan tâm đến thân phận của đông đảo chúng sinh với tinh thần thực tiễn.
 
Thuộc tính cơ bản của chủ nghĩa nhân đạo (và các phạm trù gần gũi như chủ nghĩa nhân bản, chủ nghĩa nhân văn) là xuất phát từ con người và vì con người. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà các tôn giáo, các thời đại, các giai cấp, các dân tộc và các cá nhân nhận thức về chúng và hành động vì chúng không giống nhau. Bởi vậy, đi với các khái niệm này bao giờ cũng có các định ngữ để cá biệt hóa. Chủ nghĩa nhân đạo trong văn chương Nguyễn Du cần được nhìn nhận trong các điều kiện lịch sử, xã hội và văn hóa của Việt Nam thế kỷ XVIII. Đương nhiên là góp phần làm nên khí hậu nhân văn của thời đại Nguyễn Du hay bất cứ thời đại nào khác còn có di sản của các thời đại trước đó để lại, vì nói như Ăngghen, các thế hệ đã qua đè nặng lên vai những thế hệ tiếp nối.
 
Có thể khẳng định trong suốt tiến trình văn học viết Việt Nam hơn mười một thế kỷ không có tác giả nào sánh được với Nguyễn Du ở việc viết về những nỗi đau khổ của con người. Nguyễn Du viết nhiều nhất, sâu sắc nhất về những nỗi khổ đau vật chất và tinh thần của nhiều loại người, không kể cùng dòng giống Lạc Hồng hay ngoại tộc. Trên “trái đất ba phần tư nước mắt” (Xuân Diệu) này, thời nào nơi đâu cũng đầy rẫy sự khổ. Thuộc tính của nghệ sĩ đích thực là  luôn sẵn “mối từ tâm” (Truyện Kiều) nên nhạy cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại. Tuy vậy, không phải ở bất cứ thời gian và không gian nào, nỗi khổ của kiếp người cũng trở thành một chủ đề trọng yếu của văn chương, thậm chí còn có thể biến thành tiếng nói lạc lõng, tuy xuất phát từ căn nguyên chính đáng. Nhiều bài trong tập thơ Cưu đài của Nguyễn Húc (nhà thơ Việt Nam thế kỷ XV) bộc lộ nỗi thương hoa tiếc nguyệt và sự bất đắc chí của một người tự thấy có tài mà không được dùng. Những điều này đều chính đáng nhưng thực sự tạo nên phản cảm khi mà giặc Minh đang “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” (Bình Ngô đại cáo), khi mà không ít trí thức tài năng đang “nếm mật nằm gai” cứu nước, biến cây bút thành cây đao giết giặc (Đao bút phải dùng tài đã vẹn - Nguyễn Trãi).
 
Thế kỷ X đến thế kỷ XV là những thế kỷ đầu của thời kỳ độc lập. Vấn đề nổi bật của đương thời là số phận đất nước. Giai cấp phong kiến lúc này đang có vai trò tích cực, quyền lợi giai cấp thuận chiều với quyền lợi dân tộc. Từ thế kỷ XVI về sau, xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu suy đồi, trong hoàn cảnh đó thân phận con người trở thành chủ đề hàng đầu của văn chương. Thể hiện chủ đề này ở thế kỷ XVI về thơ tác giả xuất sắc nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm và ở văn xuôi tác giả xuất sắc nhất là Nguyễn Dữ. Hai thế kỷ sau đến thời Nguyễn Du, trong hoàn cảnh mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp đều trở nên gay gắt, một bộ phận quý tộc và quan liêu thương nhân hóa, đồng tiền thực sự trở thành một thế lực mạnh mẽ và lạnh lùng(1)… thì vấn đề quyền sống của con người được đặt ra cấp thiết. Nguyễn Du với nhãn quan sắc sảo và trái tim nhân ái đã tiếp nhận được yêu cầu đó và biểu hiện nó một cách nghệ thuật, khiến cho các vấn nạn nhân sinh đương thời có ý nghĩa phổ quát. 
 
Điều thú vị là nhiều tác phẩm của Nguyễn Du đã hiển hiện những cứ liệu để cho người ta đối sánh (cứ như là thi hào đã biết hậu sinh sẽ làm điều này). Chiêu hồn thập loại chúng sinh của thi hào gợi nhớ đến Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). Cũng đều viết về mười loại hồn nhưng cảm hứng chủ đạo của hai tác phẩm khác nhau. Lê Thánh Tông xuất phát từ cảm hứng chính trị, viết về người chết nhưng mục đích chính là biểu lộ sự đánh giá chính thống thời thịnh trị về các loại người trong xã hội đương thời. Tác phẩm của Nguyễn Du xuất phát từ cảm hứng nhân đạo đích thực nên được lưu hành cả trong nhà chùa (nhà nghiên cứu Lê Thước sưu tầm được văn bản này ở chùa Diệc thuộc thành phố Vinh trước Cách mạng Tháng Tám). Không phải không có nguyên cớ mà nhà thơ Chế Lan Viên đã nhắc đến tác phẩm này như là tác phẩm tiêu biểu viết về quá khứ đầy đau khổ của Việt Nam:
 
 Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ,
Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi.  
 
Tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục gồm 131 bài được Nguyễn Du viết khi dẫn đầu sứ Bộ nhà Nguyễn đi sứ Trung Quốc (2-1813 đến 4-1814). Tập thơ viết về ngót trăm nhân vật Trung Hoa trong số rất ít nhà thơ bắt gặp, còn phần lớn là những di tích bên con đường thiên lý gợi nhớ đến. Đa phần trong số đó là những con người có số phận không may mắn gợi cho nhà thơ bao nỗi thương xót, khiến cho cảm thương trở thành một cảm hứng chủ đạo của tập thơ đi sứ này. Tôi ao ước có người nào đó trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kết luận rằng ngay ở Trung Quốc cũng không có tập thơ nào sánh được với Bắc hành tạp lục ở chỗ từ những cảnh ngộ, con người cụ thể mà đề xuất được những vấn đề nhân sinh phổ quát như vậy. (Đương nhiên các tập thơ vịnh sử của Trung Hoa và Việt Nam đều không sánh được, vì thơ vịnh sử viết từ cảm hứng chính trị - xã hội, khen chê người xưa việc cũ để ngầm bày tỏ thái độ đối với nền chính trị đương thời).
 
Truyện Kiều lấy cốt truyện và nhân vật của Kim Vân Kiều truyện của tác giả Trung Hoa. Thời trung đại cả ở phương Đông cả ở phương Tây có không ít trường hợp tương tự. Tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc thể loại tiểu thuyết chương hồi, một thể loại rất chú trọng chi tiết, sự kiện. Tác phẩm của Nguyễn Du là tiểu thuyết bằng thơ, có thế năng lớn hơn để bộc lộ chất trữ tình, sự tự biểu hiện cũng phong phú hơn (nên mới có chuyện có những nhà nghiên cứu đặt vấn đề tìm hiểu thái độ chính trị của Nguyễn Du qua nhân vật Từ Hải do ông sáng tạo). Tuy sử dụng chất liệu có sẵn nhưng tác phẩm Nguyễn Du không chỉ gián tiếp mà còn nhiều khi trực tiếp bày tỏ lòng thương xót của tác giả đối với các nhân vật khổ đau, bất hạnh.
 
Nói đến chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du không thể không nói đến quan hệ của nó đối với đạo Nhân của Nho giáo. Luận ngữ là trước tác quan trọng nhất của học thuyết này, bởi vậy nó là căn cứ quan trọng nhất để đối sánh. Trong Luận ngữ, Khổng Tử nhiều lần nói đến đạo Nhân với các nghĩa khác nhau. Nho giáo không phải là một tôn giáo mà là một học thuyết chính trị xã hội. Luận ngữ hướng đến mục đích đào tạo những nhà cai trị. Nhìn từ phương diện đạo Nhân, mệnh đề “Hà chính mãnh ư hổ dã” (Chính trị hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ) chứa đựng giá trị khả thủ nhất, nhưng đó trước hết là bài học cho những kẻ làm công việc cai trị. Nho giáo cho rằng “Lễ bất hạ thứ dân, hình bất thượng đại phu” (Lễ không xuống đến thứ dân, hình phạt không lên đến đại phu). Trong học thuyết này “quân tử” và “tiểu nhân” không phải các trình độ đạo đức mà là các thang bậc xã hội (“quân tử” trị người, “tiểu nhân” bị người trị) nên đạo Nhân của Nho giáo không dành cho mọi người như nhau.
 
Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du hướng đến đông đảo chúng sinh quả là có gợi cho người ta nghĩ đến chủ nghĩa nhân đạo của nhà Phật. Ngoài ra trong nhiều tác phẩm quốc âm của mình, Nguyễn Du còn sử dụng nhiều phạm trù của Phật giáo. Tuy nhiên giữa hai giá trị này có những khác biệt lớn. Nhà Phật cho rằng con người khổ vì thất tình lục dục, nghĩa là nguyên nhân nỗi khổ nằm ngay trong chính bản thân con người. Còn trong tác phẩm của Nguyễn Du, nỗi khổ của con người từ phạm vi cộng đồng đến phạm vi cá thể đều có căn nguyên thực tế khách quan. Thúy Kiều khổ vì thằng bán tơ vu oan, vì quan xử kiện bất minh, vì tổng đốc trọng thần hèn hạ. Tiểu Thanh khổ vì vợ cả ghen với tuổi trẻ, nhan sắc và tài hoa của nàng. Người buôn bán nhỏ khổ vì miếng ăn mà phải bươn bả ngược xuôi đòn gánh tre chín dạn hai vai. Trăm họ khổ sở chết chóc vì những kẻ giãi thây trăm họ làm công một người. Ngay cả những lá ngọc cành vàng thì thân mệnh cũng như trứng để đầu đẳng: Một phen thay đổi sơn hà/ Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu… Chất liệu sống làm cơ sở xây dựng những hình tượng con người khổ đau trong văn chương Nguyễn Du không cần tìm đâu xa, mà đầy rẫy ở chính thời đại thi hào.
 
Một điều đặc biệt đối với Nguyễn Du là nỗi khổ của con người còn ở ngay chính bản thân nhà thơ và gia đình mình. Trong các tác giả văn chương Việt Nam thời trung đại thành danh, không ai sánh được với Nguyễn Du về những nỗi trầm luân. Nguyễn Du sinh ra trong gia đình trâm anh thế phiệt, hoàn cảnh đó cộng với tư chất thông minh khiến ông có vốn học vấn cao. Nguyễn Du vào đời lúc vua Lê chúa Trịnh đến bước suy tàn. Gia đình ông gắn bó với chế độ đó hiển nhiên cũng rơi vào cảnh sảy đàn, tan nghé. Nguyễn Du có ngày tháng gian khó ở quê vợ Thái Bình hay quê cha Hà Tĩnh. Về sau thế cuộc thay đổi, Nguyễn Du làm quan với nhà Nguyễn nhưng ông không xem đó là cơ hội để vinh thân phì gia. Nhà đông nhân khẩu cùng với bệnh tật của bản thân khiến cho tình thế thật đáng ái ngại như ông viết trong bài Ngẫu đề:
 
Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc,
 Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông.
(Nhà mười miệng ăn đang kêu đói ở phía Bắc dãy Hoành Sơn.
Còn ta thì đau yếu nằm rụi ở phía Đông đế thành).
 
Sự khổ đau do thiếu đói, bệnh tật xảy ra với chính Nguyễn Du và gia đình khiến ông chỉ cần lấy đó làm chất liệu đã làm nên những bài thơ đầy xúc động.
 
Xã hội thời trung đại dù ở phương Đông hay phương Tây đều xây dựng trên sự bất bình đẳng ở các phương diện (giới, tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, nghề nghiệp…) bởi vậy triết lý sống “đồng bệnh tương liên” (cùng bệnh thì thương nhau) đã thực sự có giá trị nhân đạo thực tiễn. Nguyễn Du tự xếp mình vào số những người có nỗi oan khuất lạ lùng (Phong vận kỳ oan ngã tự cư - Độc Tiểu Thanh ký), tâm thế đó khiến cho nhà thơ gần gũi cảm thông với biết bao sinh linh tài hoa mà chịu oan khuất (cảm hứng này tập trung trong Bắc hành tạp lục). Không dừng ở đó, từ sự nghiệm sinh của chính mình, Nguyễn Du đề xuất lẽ sống cao cả bất chấp thời gian và không gian: Thương nhau không do chỗ giống nhau (Tương liên bất tại đồng - Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành). Quan niệm này luôn biểu lộ trong những hình tượng văn chương do ông sáng tạo, khiến độc giả từ những áng văn chương thấy được con người thi sĩ “tấm lòng thấu suốt nghìn đời, con mắt nhìn thâu sáu cõi”.
 
----------------- 
1. Ăngghen cho rằng những lâu đài phong kiến từ rất lâu trước khi bị đạn đại bác bắn thủng đã bị đồng tiền hủy hoại dần rồi.
 
 

 

Theo Lê Trường/tapchilangbian.com.vn
 
 

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website