Năm 1924, Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào dịp giỗ mồng mười tháng tám (8-9-1924). Ban Văn học Hội Khai Trí nhân ngày giỗ tổ chức kỷ niệm để tưởng nhớ tri ân đến người đã xây dựng cho quốc âm thành văn chương, đã để lại cho hậu thế một cái “hương hoả” rất quí báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi - Truyện Kiều "vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”. Năm 1929, học giả Bùi Kỷ đã soạn nội dung văn bia Kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh.
Văn bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh
Học giả Bùi Kỷ (1888 -1960) soạn thảo nội dung văn bia Kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh vào năm 1929 và bia được hoàn thành vào năm 1930. Bia kỷ niệm có kích thước: cao 2,2m, rộng 1,2m được tạo tác với ba tầng mái. Các góc mái được vuốt tròn ở đầu đao. Mái trên cùng là hai đầu được kết bởi vân xoắn chữ triện khiến bia vừa bề thế lại vừa thanh thoát. Riềm bia khắc chìm các đề tài hoa cúc, hoa dây. Đế bia chia làm ba phần to, nhỏ khác nhau, trên các phần đó đều có chạm hình mặt hổ phù, cánh sen cách điệu, các hạt tròn nổi trong khung chữ nhật. Thân bia khắc trọn bài kí tiếng Việt ca ngợi Nguyễn Du của Bùi Kỷ. Một văn bia khắc bằng chữ Nôm, một mặt khắc bằng chữ quốc ngữ. Trán bia mang dòng chữ "Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn tiên sinh". Lòng bia là bài ký khoảng vài trăm chữ nói về thân thế, sự nghiệp của tác giả Truyện Kiều.
Nội dung như sau:
Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường.
Tiếng ta phần nhiều căn cứ ở chữ Tàu, tư tưởng cũng hấp thụ ở văn Tàu, song vẫn tự có một thể tài riêng, một tinh thần riêng, xem những ca dao ngạn ngữ truyền đến ngày nay nhiều câu thật thà mộc mạc mà ý vị sâu xa, chắc rằng cái mầm sống văn ta đã nảy nở từ thời kỳ tối cổ. Đến đời Trần, ông Nguyễn Thuyên, ông Nguyễn Sĩ Cố đem lối thi phú làm bằng tiếng nôm, văn ta một ngày một thịnh, dù học hiệu chưa giảng, khoa cử chưa dùng, song Hán học thịnh lên bao nhiêu thì cái kho văn liệu của tiếng ta càng giàu thêm bấy nhiêu, cho nên các bậc tiền bối thâm về Hán học, như ông Tiều Ấu, ông Ức Trai, ông Bạch Vân Am, ông La Sơn đều nổi tiếng về quốc văn cả. Nay thử kể qua những tập văn nôm cũ, chất phác như Trê Cóc, nghiêm chỉnh như Trinh Thử, lâm ly như Cung Oán, diễm lệ như Hoa Tiên đều là cái lịch sử rực rỡ vẻ vang của văn chương tiếng Việt. Ai bảo rằng một giải đất con con ở dưới ánh sáng lập lòe sao Dực Chẩn lại không đủ tinh hoa linh tú để chung đúc được bao nhiêu Lý, Đỗ, Hàn, Tô hay sao.
Song xét cho kỹ, quốc văn từ Lê về trước thì chất thắng, từ Lê về sau thì văn thắng, tìm một nhà chiết trung cả chất văn, để làm tiêu biểu cho Hán học, thì Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh là bậc đệ nhất vậy.
Tiên sinh huý là Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng sơn Liệp hộ, sinh năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765), mất ngày mồng mười tháng Tám, năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820), con thứ bảy ông Hoàng Giáp Xuân, Quận công Nguyễn Nghiễm, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An. Tiên sinh vốn thiên bẩm cao, hậu về tình, hào về khí, hùng và tài lại bác thâm về học vấn, ma chiết về cảnh ngộ, nên văn chương dung hoá, thấu lý nhập thần không kể những tập viết bằng chữ Hán như Bắc hành thi tập, Nam trung tập ngâm, Thanh Hiên tiền hậu tập, còn ngâm vịnh trứ thuật bằng quốc âm cũng nhiều, mà thứ nhất tập Đoạn trường tân thanh (tức là Truyện Kiều) thật là một cuộc văn kiệt tác trước sau chưa có bao giờ.
Hội ta nghĩ rằng: Hán văn đã một ngày một lui để nhường cái đặc vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai, rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh, giá trị quốc văn nay tôn lên cũng nhờ ngọn bút tiên sinh. Nay quốc dân đương cổ vũ về quốc văn há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao? Đã hay những bậc huân nghiệp đời trước, không phải một mình tiên sinh, song Hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh; mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đằng tiến mãi lên, vậy thì một bậc đã có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy.
Tiên sinh lúc lâm chung có khẩu chiếm một câu rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, dẫu danh nhân tâm sự giãi với giang sơn, lời đổng khốc để đợi người thức giả, song nay vì tiếng vì đất mà nhớ đến người thì bài bia này dù không dám đương được chữ “khấp” cũng gọ là chữ “truyện” hay chữ “ký” để thay một nén hương chung của quốc dân vậy.
Minh rằng:
Đất đục, trời trong, hoà tan làm mực.
Nước biếc non xanh, tả nên đây bức.
Đã sẵn tài tình quản gì phong sắc?
Hồn văn đi về, cho thơm sực nức.
Kiếm gác bên đền, gió mưa vẫn sắc.
Bút tựa mặt hồ, trăng sao vằng vặc.
Cảnh ấy bia này nghìn thu dằng dặc.
Ngày rằm tháng hai năm Kỷ Tỵ (15/2/1930), Hội Khai Trí Tiến Đức cẩn chi.
----------------------
* Hội Khai Trí Tiến Đức: Còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt nguyên tên Tiếng Pháp của hội l'Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 (10919-1945). Hoạt động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như "Giải thưởng văn chương năm 1925" (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật), truy niệm thi hào Nguyễn Du (1924) truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài về Truyện Kiều, quốc học, v.v...Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Hội giải tán theo sắc lệnh ngày 24/9/1945.
* Bùi Kỷ: Tên chữ là Ưu Thiên, hiệu là Tử Chương sinh ngày 50/1/1888 ở làng Châu Cầu, phủ Lý Nhân (nay thuộc thị xã Phủ Lý) tỉnh Hà Nam, mất ngày 19/5/1960 tại Hà Nội. Năm 1912, sang Paris (Pháp) học trường thuộc địa (Ecole coloniale). Nhân dịp này ông đi nhiều nơi trong nước Pháp và các nước lân cận; ông cũng có dịp tiếp xúc với một số người Việt yêu nước và cách mạng đang lưu ngụ ở Pháp, trong đó có Phan Chu Trinh. Hai năm sau trở về nước, dù được tòa Thống sứ Bắc Kỳ gọi lên bổ dụng nhiều lần, ông đều từ chối.từ 1917 ông ra Hà Nội dạy học. Ông dạy tại các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng công chính, Cao đẳng pháp chính, theo lối ký hợp đồng từng năm chứ không vào biên chế viên chức của “nhà nước bảo hộ”. Ngoài ra từ năm 1932, ông còn dạy trường tư cho hai tư thục Văn Lang và Thăng Long. Trường Thăng Long do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp lập ra đã mời Bùi Kỷ cùng trực tiếp giảng dạy. Ông còn là một nhà biên khảo, nhà sáng tác, cộng tác với một số báo chí ở Hà Nội, tập san của hội Khai Trí Tiến Đức, báo Trung Bắc Tân Văn và còn hăng hái tham gia các hoạt động văn học xã hội của giới tri thức Hà thành như kỷ niệm 105 ngày mất thi hào Nguyễn Du (1925), lễ truy điệu chí sỹ Phan Chu Trinh ở Hà Nội (1926), phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Sau cách mạng tháng Tám thành công Ông được mời tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 3 (LK3), làm chủ tịch Hội Liên Việt (LK3), Hội truởng Hội giúp binh sĩ tị nạn LK3. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bùi Kỷ làm phó ban lãnh đạo thanh toán mù chữ, sau làm trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc và là thành viên của chính phủ. Ông đước Chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Năm 1945,ông là Uỷ viên Chủ tịch đoàn Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt – Trung Hữu nghị
Ông có nhiều đóng góp vào việc hiệu khảo văn bản một loạt truyện thơ Nôm các thế kỷ trước, góp phần giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Văn bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in lần đầu 1925, đã dành được sự tín nhiệm của nhiều thế hệ độc giả. Từ năm 1930 đến năm 1950, ông tiến hành hiệu khảo một loạt truyện Nôm khuyết danh: Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng. Ông cũng có sự đóng góp quyết định trong việc khảo cứu di sản thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, trong việc xác định giá trị Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, v.v. Các bản dịch tác phẩm chữ Hán của tác giả Việt Nam do ông thực hiện, nổi bật là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch từng có vị trí đáng kể trong đời sống văn học. Ông còn thử nghiệm việc dịch một số tác phẩm Nôm cổ điển sang chữ Hán như thơ Bà Huyện Thanh Quan hay Truyện Kiều - một công việc sẽ rất có ý nghĩa trên hướng giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Trung Quốc.