nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Văn bia Hà Tĩnh


Trong chương trình sưu tầm, nghiên cứu văn bia tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi tập hợp được cả thảy 64 đơn vị văn bản. Số lượng này không hoàn toàn phản ánh đúng thực chất số văn bia vốn có ở đây, một vùng đất giàu truyền thống Nho học và khoa bảng. Tuy nhiên, những thông tin có được từ số văn bia này, lại vô cùng phong phú, góp phần nghiên cứu nhiều mặt về lịch sử, văn hóa xã hội ở vùng đất xa xôi - phía nam của nước Đại Việt trong các triều đại phong kiến.
 
1. Thực trạng văn bia Hà Tĩnh
 
Trong số 64 văn bia Hà Tĩnh được sưu tập, có tới 23 văn bản tập trung ở huyện Can Lộc, tiếp đó là huyện Nghi Xuân 10 văn bản, Hương Sơn 7 văn bản, Đức Thọ 5 văn bản, Lộc Hà 5 văn bản, Thạch Hà 4 văn bản, thành phố Hà Tĩnh 4 văn bản, Thị xã Hồng Lĩnh 2 văn bản, huyện Cẩm Xuyên 3 văn bản và Kỳ Anh 1 văn bản. Thời kì Viện Viễn đông Bác cổ Pháp sưu tập văn bia trước năm 1945, cũng đã sưu tập ở Hà Tĩnh, song mới chỉ tiến hành được một số địa phương thuộc huyện Can Lộc. Trong số văn bia được sưu tập này có một số bia ở địa phương hiện đã bị mất. Rất tiếc là chưa được sưu tập hết, nên đã có không ít bia đá Hà Tĩnh bị phá hủy, thất lạc trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ngoài bia đá ra, ở Hà Tĩnh có một số chuông đồng, như chuông thời Trần ở Cẩm Thịnh, chuông thời Tây Sơn ở Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên; chuông thời Lê ở chùa Hương Tích, khánh đá thời Lê Vĩnh Thịnh đầu thế kỉ XVII ở đền Gôi Vị, Hương Sơn...
 
Ở Hà Tĩnh hiện tại chưa phát hiện được văn bia thời Lý - Trần nào. Văn bản thời Trần sớm nhất là bài thơ của Phạm Sư Mạnh khắc trên chuông Cẩm Xuyên. Tiếp đó thời Lê sơ, có một số văn bia như bài thơ của Lê Thánh Tông khắc lên bia đá ở Thạch Bàn, Thạch Hà, bia mộ Thúc Giang xã Đức Châu, Đức Thọ đều khắc vào thế kỷ XV, hoặc bia Vũ Mục khắc năm Hồng Thuận thứ 4 (1512) thời Lê sơ. Sang thế kỷ XVI, nhà Mạc thay thế nhà Lê từ năm 1527, nhưng sau đó nhà Lê Trung hưng cai quản vùng đất từ Thanh Hóa trở vào, trong đó có đất thuộc Hà Tĩnh hiện nay. Thời kỳ này Hà Tĩnh cũng có một văn bia, đó là bia chùa Gia Hưng ở Nguyệt Áo, Can Lộc dựng năm Quang Hưng thứ nhất (1589), niên hiệu nhà Lê. Sang đầu thế kỷ XVII, Hà Tĩnh có một văn bia đền thờ Văn Lý hầu Trần công ở Kim Lộc, Can Lộc, do Phùng Khắc Khoan soạn năm Hoằng Định thứ 7 (1607). Thế kỷ XVII - XVIII là thời kỳ xuất hiện và xây dựng phổ biến đình làng và chùa làng ở vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ, cùng với sự xuất hiện rộng rãi văn bia làng xã. Vùng đất Hà Tĩnh thời kỳ này cũng có khá nhiều bia được dựng, trong đó chủ yếu là bia từ đường dòng họ và di tích làng xã như đình, chùa, đền miếu, văn từ văn chỉ. Tuy nhiên do chiến tranh, nên những bia còn lại chủ yếu là bia dòng họ, vì được dựng và bảo vệ của gia đình, dòng họ.
 
2. Nội dung văn bia Hà Tĩnh
 
Để tìm hiểu sâu về nội dung phản ánh của văn bia Hà Tĩnh, chúng tôi dựa vào đặc điểm chủ yếu của từng loại hình văn bản như văn bia về chùa Phật, đình làng, đền miếu, văn miếu, văn từ, từ đường,… Vì khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin chỉ điểm ra một số trường hợp, xem như những ví dụ.
 
Văn bia chùa Phật
 
Chùa ở Hà Tĩnh không nhiều, rất có thể là do chiến tranh mà bia đá cùng chùa Phật đã bị hủy hoại. Hiện nay chỉ có 3 văn bia chùa: một là văn bia chùa Gia Hưng xã Nguyệt Áo huyện La Sơn (nay thuộc Can Lộc), bia chùa Tĩnh Lâm xã Thạch Lâm huyện Thạch Hà dựng năm Thành Thái thứ 11 (1899), và bia chùa Yên Lạc xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên. Ngoài ra còn có chuông chùa Hương Tích đúc vào thời Lê và đặc biệt là chuông thời Trần mới đào được ở Cẩm Xuyên, trên thân chuông khắc bài thơ của Phạm Sư Mạnh.
 
Trong số văn bia chùa ở Hà Tĩnh, bia chùa Gia Hưng tuy hiện đã mờ mòn, nhưng đã có bản rập tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Viện Viễn đông Bác cổ Pháp in rập trước đây. Bia được dựng năm Quang Hưng thứ 11 (1588). Bài văn bia do vị đỗ Chế khoa năm Giáp Dần (1554), chức Tuyên lực công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, Tào Xuyên bá Đinh Bạt Tụy (1527-?) soạn; Trung thư giám hoa văn học sinh Lê Nhân Kiệt tự Văn Sùng viết chữ; và thợ đá xã An Hoạch huyện Đông Sơn là Nguyễn Tĩnh khắc bia. Thợ đá An Hoạch (Thanh Hóa) khá nổi tiếng chạm khắc văn bia từ thời Lê sơ, nhưng sang thời Mạc, thợ đá vùng Thanh Hóa - đất đối đầu với nhà Mạc không thể hành nghề ở vùng đất nhà Mạc cai quản được, nên đã chuyển vào vùng Thanh, Nghệ. Bia này được trang trí, chạm khắc tinh xảo thường gặp ở bia thời Mạc vùng đồng bằng Bắc bộ. Mặt nguyệt trên trán bia được khắc hình chim bay, hai bên là tua mây, diềm bên chạm hoa dây tay mướp (Xem hình minh họa).
 
Nội dung văn bia cho biết chùa Gia Hưng là danh lam ở Nguyệt áo huyện La Sơn có từ xưa, nhưng lâu ngày trở thành phế tích. Có viên quan Phụng ngự Văn Phúc tử Trần Tĩnh đứng ra tu tạo và hoàn thành vào ngày mồng 1 tháng 3 năm Quang Hưng thứ 10 (1587). Tham gia công đức xây dựng chùa còn có Thái phó Dương Quận công Nguyễn Hữu Liêu, Dương Quận chính thất Nguyễn Thị Ngọc,... Văn bia và ngôi chùa này cũng tương tự văn bia và ngôi chùa Hương Nham thị xã Tuyên Quang khắc năm Đại Chính thứ 8 (1537) thời Mạc do các quan chức của triều đình được sai phái đến đây, đã cho dựng chùa theo quy cách của ngôi chùa ở đồng bằng Bắc bộ. Thực tế chùa Gia Hưng cũng do quan chức từ phía Bắc bỏ nhà Mạc theo nhà Lê vào đây cai quản, lập ra ngôi chùa mang phong cách vùng đồng bằng Bắc bộ thế kỷ XVI, nhưng vì nơi đây thuộc nhà Lê Trung hưng cai quản, nên mang niên hiệu Quang Hưng vua Lê Thế Tông (1573-1599).
 
Không chỉ chùa Gia Hưng mà cả chùa Tĩnh Lâm xã Thạch Lâm huyện Thạch Hà cũng được viên quan địa phương là Tuần phủ Hà Tĩnh Liên Đình Tôn Thất Lạc đứng ra tu sửa vào năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái (1894).
 
Cuối cùng là chùa Yên Lạc xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên cũng do một quan chức là Trần Quang Diệu cúng 360 quan tiền làm lễ cầu phúc, sau lại cúng 100 quan tiền để trùng tu thập điện thánh vị.
 
Có thể nói chùa và văn bia chùa ở Hà Tĩnh chủ yếu là những ngôi chùa do cá nhân quan chức xây dựng, tu bổ, không hoàn toàn là chùa của làng xã như ở vùng Bắc, Trung bộ là do làng xã xây dựng và cai quản.
 
Văn bia đình làng
 
Cũng như chùa, đình làng Hà Tĩnh hầu như bị tàn phá hết trong chiến tranh. Bằng chứng là trước chiến tranh phá hoại, nơi đây có khá nhiều ngôi đình cổ như đình Hoành Sơn mà H. Le Breton đã chụp ảnh khi đến khảo cứu và biên soạn sách Le vieux An Tinh năm 1936. Hiện tại có duy nhất ngôi đình Hội Thống xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân. Đình còn khá nguyên vẹn với các bức chạm gỗ tinh xảo có phong cách cuối Lê đầu Nguyễn. Hiện tại đình có 2 bia đá, một bia dựng năm Gia Long thứ 8 (1809) và một bia dựng năm Khải Định. Bia dựng năm Gia Long thứ 8 có đầu đề là Hậu thần bi kí. Văn bia ghi việc vị cựu Đồng tri Nghi Lĩnh bá Vũ Vinh Tiến bỏ ra 630 xâu tiền cổ, chia đều các viên sắc, binh hộ trong ấp 200 xâu, các chức sắc ở thành Thăng Long là 30 xâu để dùng vào việc công. Bốn thôn, mỗi thôn 100 xâu tiền, cho vay lãi thu lợi tức lấy tiền chi phí vào tô dung. Vì thế dân tôn bầu ông làm hậu Thần.
 
Nam đình ở xã Thạch Lạc huyện Thạch Hà, có 2 văn bia, 1 bia bị vỡ, một bia còn khá nguyên vẹn dựng năm Bảo Đại thứ 3 (1928). Bia này ghi việc khởi công xây dựng lại đình từ mùa đông năm Đinh Mão, đến mùa hạ năm Mậu Thìn thì hoàn thành. Tham gia xây dựng đình có các chức sắc địa phương như: Giám sát sửa đình là Chánh tổng hưu trí, sung bản tỉnh hội viên là Ngô Văn Hách; Tây giáp Đốc công đợi bổ chức Bát phẩm Đội trưởng là Dương Chi Tình...
 
Bia đền
 
Trái ngược với văn bia đình, văn bia đền hiện còn khá nhiều. Bia đền Nguyễn nhị đại vương ở xã Phất Lộc huyện Can Lộc, dựng năm Thành Thái thứ 9 (1897).
 
Bia đền thờ Nguyễn Biểu xã Yên Hồ huyện Đức Thọ, dựng năm Tự Đức thứ 30 (1877). Bia ghi việc phụng thờ vị Thần ở đây vốn là Thái học sinh triều Trần chức Điện tiền Thị ngự sử Nghĩa vương tôn thần, họ Nguyễn, húy Biểu, người làng Bà Hồ huyện Chi La (sau là huyện La Sơn). Đại vương bị quân Minh sát hại, được phụng thờ, rất hiển linh, giúp vua Lê Thái tổ đánh thắng quân Minh.
 
Bài văn bia ở miếu Nam Giới thờ Vũ Mục công, chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư không Bình chương sự, soạn năm Hồng Thuận thứ 4 (1512). Văn bia cho biết: Ngài là con trai người anh thứ hai của Thái tổ Cao hoàng đế. Ông mất được mười tám năm thì người con thừa tự được phong làm Nhập nội Đại hành khiển, Môn hạ sảnh Tả ti Tả gián Nạp ngôn, Tri Nam đạo quân dân bạ tịch.
 
Bia đền Tả Ao xã Xuân Quang huyện Nghi Xuân, dựng năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679) ghi việc trùng tu Tam tòa Đại vương linh miếu. Vị Thần ở đây là “Đại vương đến cai trị Nghệ An, rất được lòng dân, dốc sức đánh giặc, lấy thân báo đáp đất nước, anh dũng mãnh liệt còn rạng rỡ. Do đó mà lập đền phụng thờ, gọi là miếu Tam tòa Đại vương. Trong những năm niên hiệu Thịnh Đức, Vĩnh Thọ thời vua Lê, giặc Ô ngông cuồng, tiếng dao kiếm, trống chiêng vang khắp sông núi. Quan lại và dân không biết làm thế nào, duy chỉ còn dựa vào thần. Một sớm giặc bị đánh chặn, quay đầu rút lui, huyện ta mới không xảy ra việc gì. Vốn là thần của bốn vị Thánh vương, nên mưu cầu và thông minh sáng suốt đa phần nhờ vào sự cầu giúp thần vậy. Đến như binh dân, can dự vào việc sai trái cũng phải biết sợ; chiến tranh đã nhiều mà bệnh tật cũng hết, chính là đức của Đại vương ngầm giúp cho vậy”.
 
Bia đền Củi hay gọi là đền ông Hoàng Mười xã Xuân Hồng huyện Nghi Xuân, ghi việc tu sửa điện thờ Tam tòa thánh vị, Vạn thế mẫu nghi.
 
Bia văn miếu
 
Hà Tĩnh là đất Nho học, nên văn bia về khoa bảng, văn miếu khá phong phú.
 
Bia văn hội huyện La Sơn, hay bia Thành hoàng ở xã Đức Trường, huyện Đức Thọ dựng năm Vĩnh Hựu thứ 1 (1735). Văn bia ghi việc các vị trong Văn hội huyện La Sơn phủ Đức Thọ, gồm 67 vị, trong đó có 2 vị đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu là Phan Như Khuê và Nguyễn Hành, cùng các chức sắc khác từ Tri phủ đến Tri huyện, Tri châu, lại viên trong huyện dựng bia. Vốn là ở xã Thanh Lãng trong huyện có vị Thị nội giám ty Lễ giám Tổng Thái giám Tham đốc Tình Quận công Bùi Phan Hữu từng dựng nhà thờ, lại cúng ruộng tế, sắm đồ tế khí. Để tỏ lòng tôn kính, dân lập điện thờ, dựng bia làm một bài văn ngợi ca công đức.
 
Bia khoa bảng Kiệt Thạch xã Thanh Lộc huyện Can Lộc dựng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Văn bia ngợi ca mảnh đất khoa bảng, có nhiều vị đỗ đại khoa như Hoàng Hiền đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức (1478), quê ở xã Kiệt Thạch, đứng thứ 44 trong hàng Đệ tam giáp, làm quan đến chức Tả Thị lang. Nguyễn Cung đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức (1493), quê ở xã Kiệt Thạch, đứng thứ 3 trong hàng Đệ nhị giáp, làm quan đến chức Thừa chánh sứ ty. Thái Kính đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận (1511), quê ở xã Kiệt Thạch, đứng thứ 3 trong hàng Đệ tam giáp, làm quan đến chức Hình bộ Tả Thị lang...
 
Bia Khoa bảng tục biên ở nhà thờ Nguyễn Văn Trình xã Song Lộc huyện Can Lộc, dựng năm Khải Định thứ 7 (1922). Văn bia ghi tiếp các vị khoa bảng của dòng họ, như Cử nhân Ân khoa năm Mậu Thân Hoàng triều Tự Đức (1848) là Nguyễn Liên làm quan chức Quốc tử giám Tế tửu, Thừa Thiên phủ doãn. Nguyễn Văn Trình khoa thi Hội năm Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái (1898). Cử nhân khoa Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc là Nguyễn Lương Cẩn. Cử nhân khoa Giáp Ngọ đời Thành Thái là Nguyễn Hữu Lượng, làm quan chức Tri huyện huyện Mộ Đức. Cử nhân khoa Canh Tý đời Thành Thái là Nguyễn Văn Tuân, làm quan chức Thị độc, hưu trí. Cử nhân khoa Kỷ Dậu đời Duy Tân; Phó bảng khoa Canh Tuất Nguyễn Quýnh. Ngoài ra còn có khá nhiều vị đỗ Tú tài, như Nguyễn Tùng, khoa Kỷ Dậu; Nguyễn Nghiên, khoa Mậu Dần; Nguyễn Du Tiến, khoa Giáp Ngọ. Nguyễn Đệ, khoa Canh Tý; Nguyễn Thứ Linh, khoa Kỷ Dậu.
 
Bia Thày Ngọ xã Sơn Hòa huyện Hương Sơn, dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865). Văn bia ghi việc Tư văn của xã dựng đền thờ tiên thánh tiên hiền, lập đàn tế trời, thờ các vị hương hiền theo thứ tự kê rõ họ tên, như Đương cảnh Thành hoàng nguyên là Tiến sĩ nhà Đại Minh làm chức Án sát sứ An Nam, mỹ tự Cao sơn Cao lư Mạc sơn Hiển ứng Đại vương; cùng các hạ là Tiến sĩ triều Lê thăng chức Lại bộ Thượng thư Nhập nội Hành khiển, sung Đông các Đại học sĩ, Tổng thống thiên hạ binh mã Đô nguyên soái, tước Thái bảo Nghĩa Quận công, tặng mỹ tự Thống chinh Chiêu nghĩa Thượng thượng Thượng đẳng Tối linh Đại vương. Trải qua các triều đại gia phong mỹ tự Chương nhân Thuần đức Diên tiết Tuyên trung Hiển liệt Thượng thượng Thượng đẳng thần...
 
Văn bia dòng họ
 
Trong số dòng họ khoa bảng ở Hà Tĩnh, nổi bật là dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Can Lộc) và Nguyễn ở Tiên Điền (Nghi Xuân).
 
Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (Can Lộc) còn giữ được khá nhiều tư liệu Hán Nôm.Hiện tại ở từ đường họ Nguyễn thôn Lai Thạch huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh có 2 bia đá được dựng ở nhà bia hai bên trước lối ra vào. Một bia ghi về khoa thi Đình năm Mậu Thìn (1748) soạn năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), có Nguyễn Huy Oánh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh. Một bia ghi phả ký về Nguyễn Thám hoa ở Trường Lưu do Nguyễn Huy Oánh soạn năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756). Ngoài ra, còn có một văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) cũng của dòng họ Nguyễn này ghi về khoa thi của người em Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Quýnh. Cũng cần điểm đến một bia khác thuộc dòng họ Phan thôn Vĩnh Gia cùng xã, nhưng ghi về tiểu sử bà cô của Phan Huy Oánh làm dâu họ Phan đã sinh ra Phan Kính đỗ Thám hoa khoa Quý Hợi (1743).
 
Văn bia Nguyễn Thám hoa gia phả kí cho biết Nguyễn Huy Oánh sinh năm Quý Tị niên hiệu Vĩnh Thịnh (1713), tên là Tàm, tự là Huy Oánh. Năm 6 tuổi nhập học, 8 tuổi đã thuộc chữ, 20 tuổi thi Hương khoa Nhâm Tí. Năm 33 tuổi, ngày mồng một tháng 4 thi Hội khoa Mậu Thìn (1748), được lấy đỗ. Ngày 25 tháng ấy thi Điện, ngày mồng 1 tháng 6 xướng danh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ. Ngày 19 tháng 9 trở về quê, tháng 10 lên kinh nhậm chức Đãi chế ở Viện Hàn lâm. Năm Kỉ Tị (1749) làm phụng sai đạo Thanh Hoa. Năm Canh Ngọ (1750) làm chức Hiệp đồng đạo Nghệ An. Năm Nhâm Thân (1752) xây dựng nhà cửa, chợ, cầu. Năm Quý Dậu (1753) coi tuyển cử, thăng Đông các Hiệu thư khâm sai Đề điệu các xứ Hải Dương và An Quảng. Các sự kiện trên về cuộc đời Nguyễn Huy Oánh hoàn toàn phù hợp với các nguồn tài liệu khác.
 
Văn bia từ đường họ Phan thôn Vĩnh Gia xã Song Lộc cho biết: Thân phụ Phan Kính mồ côi cha từ nhỏ, lớn lên tìm thày học ở xã, theo đòi nghiệp thi thư. Mẹ là bà họ Nguyễn, con gái cụ Nho sinh ở Trường Lưu. Bà giỏi thêu thùa may vá, chăm chỉ việc canh cửi, chu tất mọi việc lớn bé trong nhà. Mùa thu năm Ất Mùi (1715), bà lo việc mời thày địa lý xem đất để cải táng mộ cho tổ phụ đến xứ đồng Cồn Đông. Mùa xuân năm Quý Hợi (1743), Phan Kính 29 tuổi, lại khăn gói ra Kinh theo học để thi Hội. Thi Đình, được lấy đỗ Thám hoa, sau đó được bổ chức Hàn lâm viện Đãi chế, được ban đai bạc, áo gấm, vào ra chốn lầu vàng gác ngọc.
 
Như vậy là họ Nguyễn và họ Phan ở Lai Thạch có quan hệ thông gia và đều là hai gia tộc lớn có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nếu gia tộc họ Nguyễn có Nguyễn Huy Oánh là người thành đạt nhất, thì tộc họ Phan có Phan Kính là người khá nổi danh. Sự hiển đạt của Phan Kính và dòng họ Phan này có đóng góp không nhỏ của người mẹ Phan Kính là con gái họ Nguyễn, cô ruột của Nguyễn Huy Oánh.
 
Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đời nào cũng có người đỗ đạt, đặc biệt ở thế hệ Nguyễn Huy Oánh có anh em cùng đỗ đại khoa. Tuy vậy, để có được thành quả đó, con cháu dòng tộc này đã phải vượt qua muôn trùng khó khăn, kiên trì theo học. Bản thân Nguyễn Huy Oánh cũng phải trải trên 20 năm đèn sách, đến năm 36 tuổi mới đỗ đại khoa. Phan Kính cũng năm 29 tuổi mới chiếm được bảng vàng. Phan Kính tự ghi lại rằng: “Mùa xuân năm Quý Hợi (1743), Kính tôi 29 tuổi, lại khăn gói ra Kinh theo học để thi Hội. Khi qua sông Lam, vứt dao xuống sông khảng khái thề không thi đỗ thì không trở về. Từ đó luôn mang theo ý chí của lời thề đề cầu này, ngày đêm miệt mài đèn sách…”. Đó chính là ý chí lớn lao để giành lấy bảng vàng.
 
Cụm văn bia ở Tiên Điền, Nghi Xuân phản ánh khá cụ thể về dòng họ văn học Nguyễn Tiên Điền.
 
Bia Tích thiện gia huấn bi ký, khu di tích Nguyễn Du, Tiên Điền huyện Nghi Xuân, dựng năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), ghi việc viên quan Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lạng Sơn đẳng xứ Tán trị Thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ khâm sai kiêm Tri điện sự Nghi Đình hầu, người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân phủ Đức Quang... Phúc Đình cư sĩ dựng bia ghi lời di huấn của tổ tông: gia nghiệp thi thư, nhà có khuôn phép, cháu con kế nối, giữ đạo hiếu đễ trung quân.
 
Bia Hồng lưu phái diễn, tại khu di tích Nguyễn Du, xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, dựng vào năm Nhâm Ngọ (1762) niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê.
 
Mặt trước khắc chữ Phúc lớn, là thủ bút của Nguyễn Nghiễm. Mặt sau khắc họ tên Nguyễn tiên sinh, được phong tặng chức Lễ bộ Thượng thư Thái bảo, tước Nhuận Quận công và Phan quý thị, được phong tặng Nhất phẩm Tự phu nhân, gia phong Quận phu nhân.
 
Bia do con thứ là Nguyễn Nghiễm, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), chức Nhập thị tham tòng Thượng thư Bộ Công, Tả chấp pháp kiêm Tế tửu Quốc tử giám, Nhập thị Kinh diên, tước Xuân Nhạc hầu bái dựng. Người cháu là Nguyễn Khản, Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760), chức Đốc học Sơn Tây, Hàn lâm viện Hiệu thảo kính cẩn viết.
 
Bia Cầu Tiên đặt tại khu di tích Nguyễn Du, xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, dựng năm Canh Thân (1740), niên hiệu Vĩnh Hựu thời Lê. Bài văn bia do Tiên Điền Nguyễn công, tức Nguyễn Nghiễm (1708-1775), người xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân, năm 24 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi (1731) niên hiệu Vĩnh Khánh vua Lê Duy Phường, chức Thanh Hoa xứ Thanh hình hiến sát sứ ty viết.
 
Ngoài văn bia hai dòng họ Nguyễn ở Trường Lưu và Tiên Điền ra, còn có khá nhiều dòng họ khác khá hiển đạt được văn bia ở đây ghi lại.
 
Bia Chi Gia trang xã Ích Hậu huyện Lộc Hà, dựng năm Duy Tân thứ 8 (1914). Văn bia ghi Hiển tổ họ Nguyễn húy là Đức Tạo, tự là Đoan Trai, là con trai thứ của Ưu binh Đức Thạc công. Ông sinh vào năm thứ 3 niên hiệu Chiêu Thống đời Lê Mẫn đế, tức năm 1788 dương lịch, là năm mà quân Anh nhờ viện thuyền Pháp mà về nước.
 
Bia Văn Lý hầu họ Trần xã Kim Lộc huyện Can Lộc, dựng năm Hoằng Định 7 thứ (1607), do Phùng Khắc Khoan soạn. Văn bia về Trần công được vua đặc ban chức là Trung hưng Hiệp mưu Tá lí công thần, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Tổng thái giám Chưởng cung môn thừa chế sự, tước Văn Lí hầu.
 
Bia nhà thờ họ Nguyễn xã Nguyệt Áo huyện La Sơn (nay thuộc làng Mật xã Kim Lộc huyện Can Lộc). Văn bia do Nguyễn Đình và Nguyễn Dương soạn năm Cảnh Hưng Bính Dần (1746), ghi về Kính tiết tướng quân Hổ Bôn vệ Phó quản lãnh Nguyễn công húy Dữ, tự Bật Xuân, tên thụy là Cung Chất phủ quân. Ông sinh năm Kỷ Dậu (1669), mất ngày 12 tháng 8 năm Ất Dậu (1705). Tiên tổ ở làng Cương Gián huyện Nghi Xuân. Tổ sáu đời là Nguyễn Bật Lãng, đậu Tiến sĩ, làm quan đến chức Thái thường tự Tự khanh, sau dời nhà đến sống ở ấp Mật làng Nguyệt Áo huyện La Sơn.
 
Bia nhà thờ Bùi Dương Lịch ở xã Xuân Hồng huyện Nghi Xuân, do Nguyễn Văn Siêu soạn năm Tự Đức 19 (1866).
 
Bùi Tồn Trai người La Sơn, tên xưa là Cổ Hoan, sinh vào thời suy thoái, đạo học khó khăn, tự cho là bần sĩ, nhưng đã thi trúng Hội nguyên khoa thi Đinh Mùi đời vua Lê Chiêu Thống, sau thi Đình đỗ đầu Nhị giáp. Chưa kịp tuyển dụng thì tháng sau, quân Tây Sơn vào kinh thành, cung khuyết theo xe về Bắc. Ông vâng mệnh theo phù, đánh một trận ở Mục Sơn, binh bại ngựa mất, đường núi gập ghềnh hiểm trở, qua đạo Thái Nguyên chuyển sang lộ Sơn Nam mới trở về Thăng Long. Vâng lời mẹ trở về quê hương ở ẩn. Đó là thời kỳ ẩn trốn.
 
Bia Đặng tướng quân tức Đặng Đình An, xã Xuân Hồng huyện Nghi Xuân, ghi về gia tộc họ Đặng, từ cụ Cao cao tổ là quan Đề đốc, tước hầu, cụ Cao cao tổ khảo là Đức Bạn phủ sinh. Tằng tổ khảo là Hiển Khung, tước Vu Lương hầu.
 
Hiển tổ khảo chức Tả hiệu điểm, tước Văn Dũng hầu. Hiển khảo chức Dương vũ Uy dũng tán trị công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm Y vệ Thự vệ sự, tước Tài Lương hầu, được ban sắc tặng là Thông minh Cương nghị Anh dũng Trung trinh Trường khánh đại vương.
 
Từ đó tổ có công cha có đức trăm đời dài nối không dứt vậy; con hiếu cháu hiền muôn thuở mãi mãi.
 
Đặng tướng công được thăng chức Điện tiền Đô hiệu điểm ty Tả Hiệu điểm, tước Khuông Lộc hầu, Trụ quốc, Trung trật. Chúa thượng khen lòng thành, triều đình tán thưởng tài biện luận, liền được ban chữ tặng là Anh vĩ tướng quân Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ ti Đô chỉ huy sứ Thự vệ sự, Khuông Lộc hầu, Thượng khinh xa úy.
 
Bia đền Tả Ao xã Xuân Quang huyện Nghi Xuân, dựng năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679).
 
Lời truyền rằng Đại vương đến cai trị Nghệ An, rất được lòng dân, dốc sức đánh giặc, lấy thân báo đáp đất nước, anh dũng mãnh liệt còn rạng rỡ. Do đó mà lập đền phụng thờ, gọi là miếu Tam tòa Đại vương. Sừng sững bên trời, bày hiện khí tướng, không hại đến người.
 
Ngày 14 tháng 5 năm Đinh Tỵ, Trưởng quan viên của bản huyện là Tán trị Công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Tham đốc Thần vũ Tứ vệ Quân vụ sự Khuông Lộc hầu Đặng Đình An đồn trấn ở đây lên kinh. Nhân đó các chức quan viên văn võ trong huyện cùng họp bàn, dâng lên xin Sắc chỉ chuẩn cho cùng nhau tính toán cải tạo xây dựng.
 
Đánh giá về người tài đất châu Hoan, Nguyễn Văn Siêu, danh nhân Bắc Hà, từng viết trong bài văn bia Bùi Dương Lịch vào năm 1866 như sau: Siêu tôi nghĩ đất Hoan như đất Trâu Lỗ của nước Nam, nhân tài phát đạt, đều ra gánh vác việc nước nhà. Thánh triều trung hưng, chẳng phải do tướng công gánh vác thì có ai đây. Tiến cử người dùng vào việc lớn quốc gia, đều từ kẻ sĩ đất Hoan Châu, không thể kể hết. Phần nhiều là danh thần, vũ công, văn trị, làm quan gương thanh sạch. Đấy chính là cái thể trong sạch, tuy bị vấy bẩn nhưng không thương hoại. Vì trong sạch cho nên có thể thấm nhuần muôn vật. Hiếu thay cái hiếu của người. Xem gia phong nhà quân tử thấy được việc gia đình như nghiêm chính trị, khiến mãi nghĩ suy.
 
Như vậy, văn bia Hà Tĩnh tuy không nhiều, song nội dung phản ánh lại khá phong phú mà bài viết này mới chỉ gợi mở đôi điều./.
 
 
Theo PGS.TS. Đinh Khắc Thuần - Viện Nghiên cứu Hán Nôm  
Tap chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008; Tr.40-47)/hannom.org.vn

Di sản văn hóa
Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết) Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.