nguyendu.com.vn
Loading...

Truyện Kiều: Di sản có giá trị xuyên thời đại


Với sức sống mãnh liệt qua hơn hai thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ là câu chuyện về văn chương mà còn là ý thức và bản ngã về văn hóa Việt, bản sắc Việt, tâm hồn Việt...
 

Những giá trị nổi bật

Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ chuyện hai chính khách hàng đầu nước Mỹ (Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Joe Biden) vận dụng những áng thơ Kiều trong các sự kiện quan trọng để nói về quá trình bình thường quan hệ giữa hai quốc gia. Điều cho thấy giá trị bất hủ, cũng như tầm ảnh hưởng của “Truyện Kiều” như một phương cách giao tiếp văn hóa hoặc ngoại giao văn hóa. Nó còn cho thấy tính sinh động, khả năng đúc kết cô đọng, hàm súc các sắc thái tình cảm, quan hệ và giá trị vượt thời gian của “Truyện Kiều”.

 
 “Truyện Kiều” hay còn gọi là “Đoạn trường tân thanh” được Nguyễn Du sáng tác dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc. Được viết dưới hình thức truyện Nôm - một thể loại văn học thuần túy dân tộc có nguồn gốc sâu xa từ truyện thơ dân gian đã được bác học hóa, nhưng cái hay, cái đẹp của “Truyện Kiều” được ẩn chứa trong 3.254 câu thơ lục bát vốn cũng là một thể thơ thuần túy dân tộc.

Nhưng Kiều không phải là một tác phẩm dân gian. Nó là một tác phẩm văn chương lớn có thể xếp ngang tầm những kiệt tác của văn học thế giới, không cần ngần ngại. Hàng loạt nhân vật của “Truyện Kiều” như Kiều, Từ Hải, Hoạn Thư, Tú Bà… đã “bước ra” khỏi các trang sách, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp thể chất và tâm hồn, một hạng người hay một nét tính cách trong xã hội.

Với “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã chắt lọc những phần tinh tú nhất trong lời ăn, tiếng nói của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học dân gian, thông qua việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo và dày đặc các khẩu ngữ, thành ngữ, ca dao, tục ngữ và một số thành ngữ Hán Việt đã được “thuần Việt”. Ngược lại, quần chúng nhân dân đã “vay mượn” ngôn ngữ và các nhân vật của tác phẩm này để xây dựng thêm nhiều câu thành ngữ, ca dao và dân ca mới để biểu đạt những sắc thái tình cảm phong phú trong cuộc sống thường nhật của mình. Không ai có thể phủ nhận được rằng, tiếng Việt trở nên giàu có, phong phú, tinh túy và đặc sắc hơn; văn chương Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn một phần là nhờ “Truyện Kiều”.

Đứng về mặt nghệ thuật, cho đến nay “Truyện Kiều” vẫn là hòn ngọc sáng và là đỉnh cao chói lọi của tiếng nói Việt Nam, của văn học dân tộc. Thiên tuyệt bút này của Nguyễn Du là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển nền văn học cổ điển viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Văn học Việt Nam, thậm chí văn học thế giới, ít có tác phẩm nào chinh phục được tình cảm của đông đảo người đọc đến như vậy.

Lan tỏa những giá trị

Sức sống của “Truyện Kiều” trong đời sống người dân Việt Nam được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trong đời sống dân gian, nhiều câu thơ trong “Truyện Kiều” được nhân dân truyền miệng, vận dụng và dần trở thành một lối hành văn biểu đạt ý nghĩa sâu sắc.
 

 Chuyện nàng Kiều" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng

Còn đối với các loại hình biểu diễn chuyên nghiệp, “Truyện Kiều” cũng là cảm hứng cho các văn nghệ sỹ sáng tạo. Từ hội họa, văn học, âm nhạc, sân khấu, chúng ta bắt gặp rất nhiều tác phẩm được phóng tác chuyển thể từ “Truyện Kiều” mà mới đây nhất là vở kịch “Chuyện nàng Kiều” do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng với những thử nghiệm mới mẻ.

Trong vở kịch này, NSND Anh Tú đã dựng những mảng miếng cho nhân vật Thuý Kiều khác hẳn, thổi cá tính mạnh mẽ của diễn viên vào nhân vật Thuý Kiều vì anh quan niệm Kiều cũng chỉ là một người con gái bình thường, cũng bị mê hoặc trước cái đẹp, cũng có thể bị mờ mắt trước vàng, trước ngọc, cũng có những mảng tối, cũng có lúc muốn vùng lên để thoát khỏi những bất công đè nén của xã hội.

Sức lan tỏa của “Truyện Kiều” không bó hẹp ở phạm vi trong nước mà còn mở rộng ra thế giới. Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa như hiện nay, ngày càng có nhiều hơn các dịch giả nước ngoài quan tâm đến việc dịch thuật “Truyện Kiều” ra các ngôn ngữ khác. Đến nay, “Truyện Kiều” đã được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới như: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc… với trên 35 bản dịch. Nhiều tác phẩm trong số đó được các dịch giả dành tặng cho Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
 

 Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới với hơn 60 bản dịch

Hay ý tưởng cho ra mắt sách tô màu “Truyện Kiều” nhân Kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du cũng được xem là món quà tri ân đầy ý nghĩa đối với Cụ Nguyễn Tiên Điền. Trong ấn phẩm, các dấu ấn trong cuộc đời nàng Kiều được tái hiện một cách rõ nét và sinh động qua những bức tranh mang tính biểu trưng độc đáo. Sự kết hợp giữa thi ca và hội họa đã tạo nên một ấn phẩm vô cùng hấp dẫn, mang đến một “làn gió mới” trong cách tiếp nhận cái đẹp của người yêu nghệ thuật.

Trong khoảng 10 đến 20 năm trở lại đây, ngành Kiều học được xem là một trong những ngành phát triển mạnh mẽ. Hội Kiều học Việt Nam được thành lập từ cuối năm 2011 với mục tiêu cụ thể là quảng bá và nghiên cứu “Truyện Kiều”, quy tụ nhiều học giả, nhà nghiên cứu, mở rộng biên độ của nghiên cứu, mở rộng tầm hiểu biết về “Truyện Kiều”, mở rộng tầm tri thức mới về cả văn bản học cũng như ngôn ngữ, văn chương qua đó cũng góp nhiều công sức trong việc lan tỏa các giá trị của “Truyện Kiều” đến với công chúng trong nước và thế giới.
 

Theo Nguyên Hà/cinet.vn

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website