nguyendu.com.vn
Loading...

Truyện Kiều của Nguyễn Du - Nhìn từ góc độ biểu tượng


Lý giải sức mạnh ngôn ngữ trong Truyện Kiều một số học giả cho rằng Nguyễn Du đã kết hợp hài hòa ngôn ngữ bình dân: sử dụng nhiều khẩu ngữ, nhiều  “chữ nước” và ngôn ngữ bác học: nhiều điển tích, điển cố, ước lệ, tượng trưng, nhiều chữ đúc và nâng Tiếng Việt lên trình độ mới trong sáng tạo nghệ thuật....
     
Vấn đề biểu tượng thơ ca và biểu tượng trong Truyện Kiều
 
“Sở dĩ Truyện Kiều đã trở thành một kiệt tác vĩ đại, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là Nguyễn Du đã sử dụng Tiếng Việt thần tình, kì diệu”- Nguyễn Khánh Toàn.  Lý giải sức mạnh ngôn ngữ trong Truyện Kiều một số học giả cho rằng Nguyễn Du đã kết hợp hài hòa ngôn ngữ bình dân: sử dụng nhiều khẩu ngữ, nhiều  “chữ nước” và ngôn ngữ bác học: nhiều điển tích, điển cố, ước lệ, tượng trưng, nhiều chữ đúc và nâng Tiếng Việt lên trình độ mới trong sáng tạo nghệ thuật. Một số nhà phê bình lại nghiên cứu sự thành công của ngôn ngữ Truyện Kiều từ phương diện phân tích cấu trúc ngôn ngữ, hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp...Tuy nhiên nhà Lí luận văn học Nga Bakthin khẳng định “Vấn đề trung tâm của lí thuyết ngôn ngữ thơ là vấn đề biểu tượng thơ ca”.  Ngôn ngữ trong Truyện Kiều cũng là ngôn ngữ được “tín hiệu hóa” bằng các hình ảnh biểu tượng, tượng trưng, ẩn dụ, hóa dụ... Biểu tượng trong Truyện Kiều là cơ sở giải mã hình tượng, cơ sở lí giải tính biểu trưng, tính hàm súc, tính giàu sức gợi: gợi hình ảnh, gợi cảm xúc, gợi tư tưởng...bởi biểu tượng luôn chứa “những khả năng nảy sinh quan niệm”.
 
Thống nhất và xuyên suốt tư tưởng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là sự băn khoăn, trăn trở đầy lo âu về vận mệnh của con người, là sự thể hiện quan niệm về cái đẹp và hành trình số phận cái đẹp được biểu hiện tập trung qua cuộc đời, số phận nhân vật Thúy Kiều. Tư tưởng ấy chi phối việc xây dựng các hình ảnh và cặp hình ảnh biểu tượng: Trời, vườn- tường, đêm, nước- hoa, châu ngọc- vàng đá, gió mưa, tuyết sương, bèo mây....Nhân vật Thúy Kiều là biểu tượng hoàn hảo về cái đẹp. Vẻ đẹp của nàng trong trắng, thanh cao như “nước”, tươi trẻ, giàu sức sống như “hoa”, hoàn mĩ như “ngọc”. Nhưng có lẽ chính vì thế mà nàng lại chịu kiếp đời “lênh đênh trôi dạt” như bản chất “trôi chảy” của “nước”, chịu kiếp mong manh dễ tàn phai của đời “hoa”, và trải qua biết bao thử thách gian nan như đời “vàng ngọc”. Nguyễn Du đã dùng chuỗi biểu tượng mang sắc thái ý nghĩa đối lập để thể hiện trọn vẹn thân phận và vận mệnh của nàng Kiều.
Một số hình ảnh biểu tượng tiêu biểu trong Truyện Kiều.    
 
- Hình ảnh biểu tượng "Nước"
 
Nếu như “nước” và các biến thể của nó: tuyết, sương, mây, mưa, sông, suối, sóng-  trong văn hóa nhân loại biểu hiện vẻ đẹp trong suốt, thanh sạch, là phương diện thanh tẩy, sự chảy trôi, thay đổi, mang sức mạnh nhấn chìm và hủy diệt thì xuất phát từ ý nghĩa mẫu gốc ấy “nước” trong Truyện Kiều biểu hiện sự trong trắng, thanh cao, thánh thiện của vẻ đẹp hình thức và thế giới tinh thần của người phụ nữ: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, “Sương in mặt, tuyết pha thân”.  Sử dụng “nước” với biểu nghĩa vẻ đẹp trong trắng ở Truyện Kiều không phải là hiện tượng cá biệt mà mang tính hệ thống. Bắt nguồn từ ý nghĩa bản thể “nước” là sự trong suốt, tinh sạch các hình ảnh “nước đục bụi trong”, “nước đã đánh phèn”, “tan tành nước non” , “gương lờ nước thủy”: “Lỡ làng nước đục bụi trong”, “Tiếc thay nước đã đánh phèn” ... biểu hiện cho cái đẹp thanh cao, trong sạch bị vấy lầm, vấy bẩn, bị hủy hoại.
 
Từ ý nghĩa mẫu gốc “nước” gắn với tính dục trong văn hóa thế giới, trong Truyền Kiều có sự dịch chuyển ý nghĩa linh hoạt trong ngữ cảnh cụ thể với các biến thể kết hợp: “sóng tình”, “gió trúc mưa mai”, “quyến gió rủ mây”, “mưa Sở mây Tần”, “Thờ ơ gió trúc mưa mai/ Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân”, “Mặc người mưa Sở mây Tần/Những mình nào biết có xuân là gì” .... Với các hình ảnh biểu trưng ấy, Nguyễn Du đã né tránh được sự dung tục khi tái hiện hoàn cảnh bi đát, ai oán của nàng Kiểu- phải bán thân vào chốn ô nhục và khắc sâu nỗi đau: sự mặc cảm, day dứt đầy đau đớn và chua chát khi bị chà đạp về thân xác.
 
Tuy nhiên biểu tượng “nước” và các biến thể của nó trong Truyện Kiều chủ yếu biểu nghĩa cho sự lênh đênh, chìm nổi, sự thử thách trắc trở trong hành trình số phận của người con gái tài sắc- Thúy Kiều. Xuất phát từ ý nghĩa bản thể văn hóa nhân loại “nước” là sự chảy trôi, thay đổi, mang sức mạnh nhấn chìm và hủy diệt ở Truyện Kiều xuất hiện các kiểu kết hợp: “gió bắt mưa cầm”, “gió quét mưa sa”, “gió thảm mưa sầu”, “nước trôi hoa rụng”, “ngọn bèo chân sóng”, “bèo nổi mây chìm”- “Nước trôi hoa rụng đã yên/ Hay đâu địa ngục ở miền trần gian”, “Ngọn bèo chân sóng lạc loài...., “Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi”. Gió mưa, sương tuyết vốn chỉ sự khắc nghiệt của thiên nhiên chuyển sang một bình diện ngữ nghĩa mới trong Truyện Kiều- sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, sự đe dọa, sự vùi dập, những trở ngại và biến động cuộc đời. Biểu tượng “nước” trong Truyện Kiều đôi khi không chỉ biểu hiện sự lênh đênh, chìm nổi, sự thử thách, trắc trở mà còn góp phần biểu hiện ý thức sâu sắc về thân phận và tâm lí thất bại, buông xuôi, bất lực thừa nhận và chấp nhận số phận, định mệnh “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”.
 
Biểu tượng “nước” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là kết quả của sự dịch chuyển, tiếp nhận và sáng tạo ngữ nghĩa biểu tượng “nước” trong mẫu gốc văn hóa, có lúc được cụ thể hóa, có lúc bị thu hẹp hoặc mở rộng nghĩa.
 
- Hình ảnh biểu tượng "Hoa"
 
“Hoa” trong Truyện Kiều trở thành một biểu tượng chủ đạo, xuyên suốt với biểu nghĩa thống nhất. Từ ý nghĩa bản thể: hoa là dấu hiệu của thực vật đến thời kì sinh trưởng, là kết tinh vẻ đẹp tinh túy của tự nhiên: mang màu sắc, hương thơm nhưng “hoa” cũng là thực thể thụ động có tính chất không bền vững: mong manh, dễ tàn phai, “ hoa” là bộ phận sinh sản của nhiều thực vật, “hoa” trở thành biểu tượng văn hóa với các biểu nghĩa: hiện thân của sức sống và sự sống, tình yêu và sự phong tình, cái đẹp và sự mong manh, ngắn ngủi của cái đẹp.
 
Trong Truyện Kiều “hoa” cũng là hiện thân của sức sống và sự sống “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”, “Hoa xuân đương nhị ngày xuân còn dài”...Với cách sử dụng biểu tượng “hoa” để chỉ chuyện trai gái phong tình Nguyễn Du đã tránh được sự dung tục hóa khi tái hiện cảnh “bán phấn buôn hương” ở lầu xanh và luôn giữ được sự thanh cao của ngòi bút, thái độ trân trọng đối với nhân vật: “Đòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa vành tuyết ngậm bốn bề trăng thâu”, “chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”, “Bấy chầy giải nguyệt dầm hoa/ Mười phần xuân đã gầy ba bốn phần”... Tuy nhiên “hoa” trong Truyện Kiều trở thành biểu tượng đặc biệt với biểu nghĩa kết hợp: cái đẹp và thân phận của cái đẹp gắn liền với tư tưởng của tác giả. Trước hết Nguyễn Du sử dụng “ hoa” như một sự định danh cho Thúy Kiều, đồng nhất với nàng Kiều. Nàng là “hoa xuân”, thần sắc của nàng là “màu hoa lê”, nét buồn của nàng là “nét hoa”, “lệ hoa”... “Hoa” trong Truyện Kiều phần lớn biểu hiện ý nghĩa sự tàn phai, héo úa của cái đẹp, biểu hiện sự bất ổn, phù du của cái đẹp, sự mong manh, ngắn ngủi của cái đẹp hay cái đẹp bị chà đạp, vùi dập với các kiểu kết hợp:, “hoa trôi nước chảy”, “ hoa rã cánh”, “hoa lìa cành”, “cánh hoa tàn”, “bẻ hoa” ,“vùi liễu dập hoa”... Có khi gắn với tâm trạng hoài nghi, lo âu trước tương lai mờ mịt “Hoa trôi man mác biết là về đâu”, có khi là sự xót xa, chua chát khi tự ý thức thực tại trớ trêu“Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn”, “Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”. Nhưng ám ảnh sâu sắc nhất của biểu nghĩa “hoa” trong Truyện Kiều vẫn là nỗi đau thân phận với thái độ buông xuôi, bất lực “Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”, “Hoa trôi nước chảy xuôi dòng/ Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan”, “Còn chi nữa cánh hoa tàn/ Tơ lòng đã đứt dây đàn tiểu lân”.
 
Trong cảnh tái hợp Kim- Kiều, hạnh phúc và đau thương xen lẫn, sum vầy ấm áp mà bẽ bàng trớ trêu trong lời tâm tình của Kiều: “Lại như những thói người ta/ Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa”, “Còn nhiều ân ái chan chan/ Hay gì vây cánh hoa tàn mà chơi”, Thúy Kiều tự coi mình là “hoa cuối mùa”, “hương dưới đất”, “hoa tàn”- những thứ thừa thải còn sót lại- cái đẹp héo mòn, tàn tạ không còn xứng đáng với chàng Kim. Gay gắt với người yêu, dằn vặt và day dứt chính mình bằng ám ảnh “hoa thải hương thừa”, Thúy Kiều đã bộc lộ nỗi đau đớn, cay đắng, xót xa nhất trong niềm vui đoàn tụ.
 
“Hoa” trong Truyện Kiều là một biểu tượng sống động, một mặt nó cùng hướng nghĩa với ý nghĩa bản thể, mặt khác nó có sự chuyển nghĩa trong ngữ cảnh và tạo màu sắc biểu cảm đặc biệt trong Truyện Kiều.
 
- Hình ảnh biểu tượng kép "vàng đá- châu ngọc"
 
Nằm trong chuỗi biểu tượng gắn với cảm quan cuộc đời hư vô, phù du, vô thường, bất trắc, dễ thay đổi của tác giả, bên cạnh các biểu tượng “hoa”, “nước”, cặp biều tượng “châu ngọc- vàng đá” cũng là hiện thân mẫu mực của cái đẹp, cái đẹp hoàn hảo, hoàn mĩ. Và sóng đôi với nó là sự ngầm ẩn về thân phận: mong manh như “hoa”, chảy trôi như “nước”, gian nan như đời “vàng đá, châu ngọc”.
 
“Châu ngọc- vàng đá” đều là những vật quý hiếm kết tinh những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất của tự nhiên, nó trở thành vật trang sức tô điểm cho cuộc sống. Từ đó, “Châu ngọc- vàng đá” đi vào ngôn ngữ văn hóa trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp hoàn hảo, hoàn thiện, sự vĩnh cửu và bền vững những cũng là sự thử thách khắc nghiệt.
 
Cũng như biểu tượng “hoa”, “Châu ngọc- vàng đá” mang chức năng thay thế đối tượng và biểu hiện sự lựa chọn nghiêm ngặt của Nguyễn Du: nếu như “hoa” còn dùng để chỉ Kim Trọng  “nàng rằng khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, thì “châu ngọc” chỉ duy nhất được dùng để thay thế cho nàng Kiều. Bằng cách đó Nguyễn Du đã khẳng định Thúy Kiều là biểu tượng cho vẻ đẹp hoàn hảo, hoàn mĩ về cả hình thức lẫn nhân cách. Trong lời giao đãi của Mã Giám Sinh “ngọc” chỉ người đẹp- Thúy Kiều “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều”. Lời hoa mĩ của hắn không che dấu nổi bản chất con buôn trong cách nói “mua ngọc” và đồng thời dựng lên sự đối lập trớ trêu giữa giá trị của cái đẹp và sự rẻ rúng cái đẹp. Nói về tâm lí đắc thắng của Mã giám Sinh sau khi mua Kiều, Nguyễn Du viết “Mừng thầm cờ đã trong tay/ Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng” . “Vẻ ngọc” trong cái nhìn của Mã Giám Sinh chỉ đơn thuần là vẻ đẹp “quốc sắc thiên hương” mà hắn chú trọng và ham muốn ở Thúy Kiều. Chính vì thế nàng đã vô cùng tủi hổ, xót xa khi bị hắn xâm hại “Một phen mưa gió nặng nề/ Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương”. Trong ngữ cảnh này “ngọc” lại biểu hiện cho vẻ đẹp trong trắng, trinh nguyên của người con gái bị xâm phạm một cách thô bạo, phũ phàng. Thúy Kiều như viên ngọc sáng trong suốt và lấp lánh trở thành bị tì vết, hoen mờ. Việc dùng biểu tượng này đã giúp Nguyễn Du diễn tả nỗi đau thầm kín của Thúy Kiều một cách tế nhị mà sâu sắc.
 
Bên cạnh đó  “châu ngọc” trong Truyện Kiều cũng biểu hiện cho cái đẹp bị vùi dập, bị tàn phá, bị hủy hoại với các biến thể kết hợp: “nát ngọc lìa hoa”,  “ngọc nát hoa tàn”,  “cát lầm ngọc trắng”... Kiểu kết hợp “cát lầm ngọc trắng thiết đời xuân xanh”  vừa khẳng định, đề cao vẻ đẹp của nàng Kiều vừa biểu hiện thân phận lạc loài của nàng giữa chốn phàm trần. Và “châu ngọc” chủ yếu gắn với biểu hiện nỗi đau tự ý thức, tự than, tự thương “ Một mình cay đắng trăm đường/ Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi” và sự oán thán “Đã đành trúc trái tiền oan/Cũng liều nát ngọc hoa tàn mà chi” của chính nhân vật.
Nếu như “châu ngọc” là biểu tượng cho cái đẹp hoàn hảo, thì “vàng đá” lại thiên về biểu nghĩa sự thử thách, cái vĩnh cửu bền vững xuất phát từ bản thể không thay đổi, biến chuyển trước mọi tác động của thời gian và môi trường, xuất phát từ tư duy của người Việt “vàng thì thử lửa thử than”. “Đá vàng” trong Truyện Kiều chủ yếu gắn với thế giới tình yêu của Kim- Kiều biểu hiện ý thức về tình yêu chung thủy, sắt son và hướng tới một tình yêu vĩnh cửu, trọn vẹn trong lời thề nguyền, hẹn ước “Đã lòng quân tử đa mang/ một lời vâng tạc đá vàng thủy chung”,  Và trong khi ngộ biến dù không thể chung thủy nhưng nàng Kiều vẫn luôn chung tình, vẫn luôn khao khát gìn giữ một tình yêu vĩnh cửu, bền vững “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”, “Ví dù giải kết đến điều/ Thì đem vàng đá mà liều với thân”. Ý thức ấy của Thúy Kiều đã thể hiện trong hành động quyên sinh quyết liệt khi biết mình bị bán vào chốn lầu xanh, Tú Bà phần nào hiểu được điều đó nên đã đánh vào tâm lí của nàng khi ngọt nhạt tìm lời khuyên giải “Cũng là lỡ một lầm hai/ Đá vàng sao nỡ ép nài mây mưa”. Cái hiểm sâu của Tú Bà là đã đề cao tấm lòng Kiều là “vàng đá”- nghĩa là không gì thay đổi, lay chuyển được và thuyết phục được Kiều bằng lời hứa ngầm ẩn: cái gì không thể thay đổi thì không cố để thay đổi, ép nài là vô ích. Có lẽ chỉ vì câu nói đầy vẻ tình nghĩa, sự cảm thông và thấu hiểu đó mà Tú Bà đã đánh lừa được nàng Kiều.
 
Mối tình phức tạp của Thúc -Kiều có thể được hình dung trọn vẹn qua cách tự sự “gọn gàng” của Nguyễn Du: “Sớm đào tối mận lân la/ Trước là trăng gió sau ra đá vàng”. Không gì diễn tả đầy đủ và chính xác về mối tình của họ bằng cách nói: “trước là trăng gió” chỉ chuyện tình duyên, ân ái vật vờ không đoan chính nhưng Thúy Kiều và Thúc Sinh có sự gắn bó khăng khít, có sự trân trọng yêu thương thật sự ở chốn lầu xanh hờ hững, vô tình “sau ra đá vàng”. Đó cũng là lí do vì sao Thúy Kiều gắn bó với Thúc Sinh, đánh cược với số mệnh của mình, theo Thúc Sinh để rồi phải chịu oan trái, đau thương khác. Với cách sử dụng biểu tượng Nguyễn Du trở thành một nhà tâm lí học sành sỏi khi dẫn dắt những sự việc biến động trong cuộc đời Kiều.
 
Vẫn xuất phát từ ý nghĩa bản thể của sự vật, cùng hướng nghĩa với mẫu gốc văn hóa, biểu tượng vật thể “châu ngọc- vàng đá” trong Truyện Kiều đã tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao, dồn nén thôn tin và cảm xúc.  
 
Bên cạnh chuỗi biểu tượng: “ nước”, “hoa”, “châu ngọc, vàng đá” với biểu nghĩa đối lập mà nhất quán: cái đẹp và số phận bất hạnh, bi kịch của cái đẹp, “đêm” là biểu tượng đặc biệt trong Truyện Kiều. Xâu xuỗi biểu tượng đêm trong Truyện Kiều chúng ta sẽ hình dung ra cuộc đời và hành trình số phận của nhân vật và đinh mệnh của đời Kiều.
 
- Hình ảnh biểu tượng "Đêm"
 
Trong nhận thức của người phương Tây, “đêm” là lúc con người nghỉ ngơi, mọi hoạt động thuộc về lí tính ngừng lại, giấc ngủ giải phóng con người ra khỏi những áp lực lo toan thường ngày. Từ đó “đêm” là biểu tượng của cõi vô thức, của những cái mông lung, không xác định. Với người phương Đông, “đêm” gắn với bóng tối và những nguy hiểm đang rình rập, thời điểm nối liền hai cõi âm dương. Từ ý nghĩa mẫu gốc đó, “Đêm” trong Truyện Kiều cũng gắn với giấc mơ và nỗi lo âu: giấc mơ gặp Đạm Tiên “Âu đành quả kiếp nhân duyên/ Người cùng một hội một thuyền đâu xa”. Đó là giấc mơ đặc biệt, kì lạ, Đạm Tiên xuất hiện với hành động truyền báo, báo trước số mệnh và những nguy biến sắp đến trong đời Kiều. Đó là định mệnh bất khả kháng tạo nên tâm lí lo lắng và sợ hãi “Một mình lưỡng lự chày canh/ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Cuộc gặp gỡ thề nguyền, hẹn ước của Kim- Kiều cũng diễn ra như một giấc mộng, được bao bọc bởi không khí huyền ảo “Sinh vừa tựa án thiu thiu/ Nửa chiều như tỉnh nửa chiều như mê”, “Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần/ Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”. “Đêm”, bóng tối xóa mờ mọi ranh giới thực- ảo, thực- mộng nên nàng Kiều luôn dự cảm bất an “Nàng rằng khoảng vắng đêm trường.../Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” . “Đêm” trong Truyện Kiều gắn với giấc mơ vào đời của nhân vật chính: giấc mơ định mệnh và giấc mơ tình yêu. Nó đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời Kiều, càng cố gắng lí giải thì càng lún sâu vào cảm giác mơ hồ, ảo ảnh.
 
Nếu như “đêm” trong biểu tượng văn hóa nhân loại biểu hiện sự nghỉ ngơi, giấc ngủ giải thoát con người ra khỏi những áp lực, lo toan của ban ngày thì điều đặc biệt “đêm” trong Truyện Kiều là thời gian sống chủ yếu của nhân vật chính, thời gian diễn ra các hoạt động sống, thời điểm thức tỉnh nhận thức, bung ra tất cả những ẩn ức mà ban ngày bị kìm nén “Một mình nàng ngọn đèn khuya/ Áo đầm giọt tủi tóc se mái đầu”, “Niềm riêng riêng những boàn hoàn/ Dẫu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn” . Đó là đêm gia biến nàng chìm đắm trong thế giới nội tâm đau khổ, xót thương, day dứt: trao duyên, trao kỉ vật cho em. Trong hành trình lưu lạc của Kiều, “đêm” đã dựng dậy nhiều bức tranh tâm trạng “Bẽ bàng mây sơm đèn khuya/ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”, “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Một mình nhình lại thương mình xót xa”. “Đêm”- không gian chìm vào vắng lặng, tĩnh mịch, tiếng nói nội tâm vang lên- tâm cảm tự biểu hiện, lại là lúc thức tỉnh nhận thức. “Đêm”-không gian rộng lớn mà mờ mịt, thời gian đằng đẵng: năm canh, con người nhỏ bé: một mình.  Trong Truyện Kiều, mỗi sự kiện đều gắn với một bức tranh Thúy Kiều và đêm tối, là thời gian sống của Thúy Kiều với thế giới tâm trạng: cô đơn, tủi cực, đau khổ  “Người về chiếc bóng năm canh/ kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi” , “Người vào chung gối loan phòng/ nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài”, “Một mình âm ỉ đêm dài/ Đĩa dầu vơi nước mắt dài năm canh”.
 
Trong bước đường lưu lạc của Thúy Kiều xuất hiện những đêm hành trình, gắn với bóng tối là những nguy hiểm, bất trắc rình rập. Đó là đêm ra đi cùng Mã Giám Sinh “dặm khuya ngất lạnh mù khơi/ Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”  mở đầu cho hành trình lưu lạc. Đêm hành trình vượt thoát số phận, giải thoát bản thân khỏi tội lỗi và bùn nhơ chốn lầu xanh của Tú Bà cùng với kẻ bạc tình Sở Khanh “Đêm thâu khắc lậu canh tàn/Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương”. Mỗi lần số phận nhấn chìm Thúy Kiều trong bóng tối của ô nhục và đau thương là một lần nàng tìm cách chạy trốn, vượt thoát định mệnh,bóng đêm đồng hành cùng nàng nhưng bóng đêm cũng đầy đe dọa , gắn với những nguy hiểm rình rập: lần chạy trốn khỏi lầu xanh thất bại, nàng phải trả giá bằng nhục hình và bắt đầu phải bước vào cuộc đời nhơ bẩn, tối tăm. Cuộc vượt thoát thứ 2 của nàng Kiều là trốn khỏi nhà Hoạn Thư “Canh khuya thân gái dặm trường/ Phần e đường sa phần thương dãi dầu” đã khắc sâu nỗi cô đơn, bơ vơ của nàng giữa cõi đời rộng lớn và rồi nguy hiểm cũng đang rình rập, chờ đợi nàng phía trước: tránh được Hoạn Thư lại rơi vào lầu xanh của Bạc Bà, Bạc Hạnh.
 
Đêm là một biểu tượng đặc biệt trong Truyện Kiều đã vẽ nên những chặng đời và hành trình của nhân vật chính.
 
- Hình ảnh biểu tượng "Trời"
 
“Trời” trong Truyện Kiều là một biểu tượng xuất hiện nhiều lần với biểu nghĩa thống nhất: trời sinh ra tất cả và quyết định vận mệnh của vạn vật. Nó trở thành điểm tựa để lí giải sự phi lí trong hành trình số phận và vận mệnh của cái đẹp. Trong biểu tượng văn hóa thế giới “trời” là biểu hiện cho không gian vô biên không thể chiếm lĩnh được, biểu trưng cho cái vô cùng, vô tận, cho sức mạnh quyền uy và hình thành thuyết “thiên mệnh” trong văn hóa Trung Hoa. Sự xuất hiện hình ảnh “trời” trong Truyện Kiều đôi chỗ cũng biểu hiện cho không gian vô biên, không gian tha hương, bơ vơ, cô lẻ “Bên trời góc bể bơ vơ”, “Song sa vò võ phương trời”, “Chân trời mặt bể lênh đênh”, “góc trời thăm thẳm đêm ngày đăm đăm”...nhưng “trời” trong Truyện Kiều chủ yếu là biểu hiện cho quyền uy và sức mạnh tối thượng. “Trời”  là thế lực vô hình , sức mạnh vô biên, ghen ghét, đố kị với người tài sắc: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”,Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. “Trời” quyết định số kiếp, vận mạng của con người. Con người phải hành động theo ý trời, lẽ trời, không có cách nào vượt qua “thiên mệnh”: “Cho hay muôn sự tại trời/ Trời kia bắt phải làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”, “Biết thân tránh chẳng khỏi trời/ Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”. “Người dù muốn quyết trời nào đã cho”... Không ít lần Thúy Kiều cất tiếng than đau đớn và ai oán: “Phủ phàng chi bấy hóa công/Trời xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”, “Cũng đành nhắm mắt đưa chân/Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”.
 
“Trời” đày đọa kiếp hồng nhan nên hạnh phúc cuả họ thì ngắn ngủi mà cuộc đời đau đớn tủi nhục của họ thì dài dằng dặc. Có tiếng kêu uất ức, phẫn nộ đối với thế lực vô hình: “Hóa nhi thật nỡ có lòng/Làm chi giày tía vò hồng lắm nan”, Ông tơ thật nhẽ đa đoan/Xe tơ sao khéo vơ quàng, vơ xiên”, Mấy người hiếu nghĩa xưa nay/Trời làm chi đến lâu ngày càng thương”.
 
Sự xuất hiện của biểu tượng “trời” thể hiện tư tưởng bi quan, yếm thế của Nguyễn Du, sự bất lực trước sự vận hành quay cuồng “mưa gió bão bùng” trong hành trình vận mệnh của cái đẹp, cái tốt. Dường như Nguyễn Du xem đó là sự lí giải thỏa đáng cho những đau khổ, bất hạnh của đời người.
 
Vai trò của biểu tượng trong Truyện Kiều
 
Chuỗi biểu tượng: “hoa”, “nước”, “châu ngọc- vàng đá”, “đêm”, “trời” là những biểu tượng tiêu biểu và độc đáo, các biểu tượng này mang tính hệ thống, có quan hệ chặt chẽ thống nhất: Cái đẹp- số phận của cái đẹp và sự lí giải... góp phần thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
 
Nguyễn Du có thể tự sự “vắn tắt, gọn gàng” bởi đã cô đọng chi tiết vào khuôn khổ biểu tượng. Biểu tượng trong Truyện Kiều là “nơi cất dấu sự việc”, nơi có thể “bung ra vô vàn thông tin”. Với phương thức tự sự bằng các hình ảnh biểu tượng, Nguyễn Du đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu: tái hiện sống động, trọn vẹn, hoàn chỉnh cuộc đời, số phận của nhân vật, đảm bảo tính thống nhất, mạch lạc của cốt truyện đồng thời lồng ghép được tình cảm, cảm xúc sâu sắc của nhân vật, của tác giả trước mỗi sự kiện, sự việc.
 
Với việc sử dụng biểu tượng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tạo ra trường liên tưởng nhiều chiều cho ngôn ngữ, tạo nên giá trị biểu nghĩa và biểu cảm dồi dào, sâu sắc, góp phần đưa ngôn ngữ Tiếng Việt lên tầm cao mới: “tập đại thành ngôn ngữ dân tộc”. Truyện Kiều trở thành “khúc Nam âm tuyệt xướng” là niềm tự hào của dân tộc ta mọi thời đại
                              
 
Nguyễn Thị Duyên- Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân- Hà Tĩnh)
                          

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website