nguyendu.com.vn
Loading...

Ấn phẩm - Sách

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

TRUYỆN KIỀU BẢN NÔM DUY MINH THỊ


Bản Kim Vân Kiều tân truyện do Duy Minh Thị tân thuyên năm Nhâm Thân (1872) đã được in tại Phật Trấn – Việt Đông bên Trung Quốc. Kể về năm in thì bản ấy ra đời sau bản Liễu Văn Đường tân san năm Bính Dần (1866) tới sáu năm.

Bản này đã được tái bản ba lần: Bảo Hoa các (1879), Văn Nguyên đường (1879) và Thiên Bảo lâu (1891). Các lần tái bản sau đều khắc đúng như bản in lần thứ nhất.

Năm 1884, Abel Des Michels người đầu tiên dùng bản Duy Minh Thị để dịch Truyện Kiều sang Pháp ngữ, đã có nhận xét rằng bản ấy có quá nhiều lỗi vì đã được giao cho những người thợ Trung Quốc không biết tiếng Nam (chữ Nôm) khắc ván in. Bản ấy chỉ được phổ biến ở miền Nam và Trương Vĩnh Ký cũng đã có tham khảo khi phiên âm Truyện Kiều lần đầu tiên sang quốc ngữ. Nhưng bản Duy Minh Thị đã không được các nhà nghiên cứu Truyện Kiều ở miền Bắc dùng làm tài liệu tham khảo. Mãi tới năm 1971, bản Duy Minh Thị mới được ông Vũ Văn Kính dùng làm tài liệu để biên soạn quyển Đoạn trường tân thanh khảo lục nhưng ông cũng không chép theo bản này mà phần lớn đều theo bản Kiều Oánh Mậu (1902) và bản Quan Văn đường (1925).

Người đầu tiên đi sâu vào văn bản này là cụ Hoàng Xuân Hãn. Cụ cho biết: “Bản này in sai rất nhiều, cho nên không mấy ai để ý tới. Nhiều khi người ta cho là bản một người dốt chép lại, không ai để ý. Nhưng sự thực bản ấy là bản quý nhất. Tôi chắc chắn với sự suy xét ấy, tôi thấy không những là về mặt niên đại, về chữ húy của mình, chỉ có húy đời Gia Long không có húy đời Minh Mạng, thì biết rằng bản viết người ta theo đó để mà sao lại, chắc chắn đầu đời Gia Long”

Cụ Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng: “Bản ấy có nhiều sai lầm nhưng qua cái sai lầm một cách giản dị mà mình lại chữa được một cách chắc chắn”.

Tiếc rằng quyển Kiều tầm nguyên của cụ đến nay vẫn chưa được in ra nhưng qua một thí dụ(2) mà cụ đã sửa lại thì thấy cũng chẳng giản dị chút nào. GS. Nguyễn Tài Cẩn, người noi theo phương pháp nghiên cứu Truyện Kiều của cụ Hoàng Xuân Hãn, đã cho xuất bản ba quyển nghiên cứu về bản Duy Minh Thị:

Tư liệu Truyện Kiều – Bản Duy Minh Thị 1872.
Tư liệu Truyện Kiều – Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu.
Tự liệu Truyện Kiều – Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh.

Qua ba quyển ấy, chúng tôi nhận thấy cũng còn có nhiều điều chưa ổn trong việc phiên âm các chữ bị khắc sai. Chúng tôi, sau khi nghiên cứu kỹ lại bản Duy Minh Thị, xin có một số đóng góp để đánh giá lại công trình tân thuyên và tân san ấy vì không thể coi bản ấy là “một bản quý nhất” được.

Chúng tôi nhận thấy bản in năm 1872 không được rõ và lại bị lem bẩn quá nhiều, có nhiều chữ không đọc được nên đã cho in bản Tân mão (1891) thay vào vì như GS. Nguyễn Tài Cẩn đã nhận định: bản Duy Minh Thị đầy rẫy sai lầm nhưng khi đem trùng san năm 1879 và 1891 thì trong các bản mới trùng san này các sai lầm cũ vẫn để nguyên vẹn đúng y như trước”.

Biết rằng việc nhận định lại bản Duy Minh Thị cũng khó tránh khỏi những khiếm khuyết, chúng tôi kính xin các độc giả quan tâm vui lòng chỉ bảo cho. Chúng tôi xin thành thực đa tạ.