Những trang trích trong bản in năm 1871 để điền khuyết cho những trang bị thiếu
trong bản in năm 1866
Tiểu sử Nguyễn Du
Chú giải
Lời nói đầu
Năm 2002 chúng tôi đã phiên âm và cho xuất bản quyển Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn đường khắc in năm 1871. Bản Nôm cổ ấy lúc trước được coi là bản Nôm cổ nhất còn lưu trữ được một bản tại Thư viện Trường Sinh ngữ Đông phương ở Paris (Pháp). Thế rồi đến tháng 5 năm 2004 một bản Kim Vân Kiều tân truyện cũng của nhà Liễu Văn đường được phát hiện tại gia đình ồng Nguyễn Thế Quang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bản này được khắc in năm 1866, niên hiệu Tự Đức thứ 19, cổ hơn bản của Thư Viện Trường Sinh ngữ Đông Phương tới 6 năm. Bản Kiều cổ nhất này thật vô cùng quý giá chỉ tiếc là nó đã bị xé mất 18 tờ tức 36 trang làm thiếu đi 864 câu. Kho lưu niệm Nguyễn Du do ông Đinh Sỹ Hồng làm trưởng ban đã mua về để trưng bày ở nhà bảo tàng tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Chúng tôi hân hạnh đã được ông Hồng gửi tặng cho một bản photocopy và đã cố gắng nghiên cứu, phiên âm, khảo dị, và chú giải để kịp thời cho in hầu có thể cung cấp cho các độc giả một bản Kiều nôm cổ nhất cho tới nay. Trong công việc biên khảo quyển sách này chúng tôi đã nhận được sự động viên nhiệt tình của GS.TS Mai Quốc Liên, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Quốc học.
Sách gồm có ba phần:
Phần thứ nhất: Nhận định về bản Kim Vân Kiều tân truyện khắc in năm 1866.
Phần thứ hai: Văn bản Truyện Kiều.
Chúng tôi đã cho in đối chiếu bản Nôm với bản Quốc Ngữ phiên âm.
Vì bản in năm 1866 mất 36 trang nên để bổ khuyết cho các trang thiếu ấy, chúng tôi đã cho in 36 trang trích từ bản in năm 1871 để các độc giả tiện tham khảo.
Phần III: Chú giải.
Các chú giải có thể dùng chung cho cả ba bản: bản 1866, bản 1871 và bản Quốc Ngữ ghi trong phần “khảo dị”. Nghĩ rằng việc phiên âm, khảo dị và chú giải khó tránh khỏi những sai sót, chúng tôi thành thực yêu cầu các độc giả vui lòng đóng góp cho những ý kiến quý báu để khi tái bản chúng tôi có thể sửa chữa lại cho chính xác hơn.