Loading...
|
Trưng bày chuyên đề: Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều NguyễnNgày 12 tháng 09 năm 2024
Ngày 12/09 ( tức ngày 10/8 âm lịch) vừa qua, Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du tổ chức trưng bày chuyên đề “Đại thi hào Nguyễn Du qua Tư liệu mộc bản triều Nguyễn” nhân kỷ niệm 259 năm ngày sinh và tưởng niệm 204 năm ngày mất của Đại thi hào.
Đoàn tham quan không gian trưng bày chuyên đề Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới là loại hình tư liệu quí hiếm, Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du đã sưu tầm dưới hình thức Phiên bản mộc bản và bản rập mộc bản những trang có nội dung ghi chép cụ thể về Đại thi hào Nguyễn Du trong thời gian làm quan cho triều Nguyễn. Chuyên đề này được Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt) phối hợp nghiên cứu, sưu tầm trong vòng 10 năm.
Nội dung trưng bày giới thiệu gồm có 3 phần: Phiên bản mộc bản và bản rập mộc bản triều Nguyễn ghi chép về Đại thi hào Nguyễn Du; Phiên bản mộc bản và bản rập mộc bản triều Nguyễn ghi chép về các danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền; Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Đây là bộ sưu tập tư liệu, hiện vật quí gồm: 10 phiên bản mộc bản và 11 bản rập mộc bản trên giấy dó, phần lớn nằm trong bộ sách Đại Nam thực lục.
Phiên bản mộc bản Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 20, mặt khắc 8 ghi chép về Đại thi hào Nguyễn Du
Đặc biệt trong những bản đó có bản nằm trong bộ sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 20, mặt khắc 8, ghi chép chi tiết rõ ràng, cụ thể về quê quán, gia đình và việc nhà Nguyễn giao cho Đại thi hào Nguyễn Du các chức quan cho đến lúc ông mất với nội dung sau: “Nguyễn Du là người ở huyện Nghi Xuân, trấn Hà Tĩnh, ông là con của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đời Lê, là em của tham tụng Nguyễn Khản. Đầu năm Gia Long (1802), ông được nhận chức tri phủ Thường Tín. Năm Gia Long thứ 8 (1809) ông ra làm Cai bạ Quảng Bình. Năm Gia Long thứ 12 (1813) ông được thăng chức Cần Chánh điện học sĩ, sung chức Chánh sứ sang nhà Thanh để cống nạp hàng năm. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông lại có lệnh đi sứ, nhưng chưa đi thì qua đời. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế rất thương tiếc, ban cho 20 lạng bạc, 2 cây gấm Trung Quốc, khi đưa tang về vua ban cho thêm 300 quan tiền nữa”.
Bản rập mộc bản ghi chép về Tiến sĩ Nguyễn Mai Cũng trong chuyên đề này, Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du theo ý tưởng lấy điểm trung tâm của không gian di sản văn hóa là trưng bày cuốn Kiều cổ 1866 và các bản Kiều bằng chữ Nôm qua các thời kỳ khác nhau làm điểm nhấn của không gian trưng bày.
Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề “Đại thi hào Nguyễn Du qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn” mang lại cho người xem nhận thức đầy đủ, rõ ràng chân thực hơn về con người Đại thi hào Nguyễn Du trong thời gian 18 năm làm quan cho triều Nguyễn. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa trong dịp tưởng niệm, tạo cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị của Nguyễn Du và Truyện Kiều đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Lê Vân
Tin tức sự kiện
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |