nguyendu.com.vn
Loading...

Trở lại “nét ngài nở nang” của Thúy Vân và tiếng Nghệ Tĩnh trong Truyện Kiều


Cho đến giờ, giống như cuộc tranh cãi cào cào - châu chấu hay tôm - tép, cuộc tranh cãi về “nét ngài” của Thúy Vân của các học giả ngót hai trăm năm qua vẫn bất phân thắng bại. Không ai chịu ai, mỗi người cứ giữ nguyên ý kiến của mình. Con nào là cào cào, con nào là châu chấu; con nào tép, con nào tôm… tưởng đơn giản vô cùng nhưng chỉ vì cách gọi theo từng địa phương mà khó phân xử đúng sai. Do vậy, cái “nét ngài” của cô Thúy Vân từ những năm “Gia Tĩnh triều Minh” bên Tàu, cách nay ngót năm trăm năm, thì còn khó gấp bội. Ta cùng đọc lại hai câu thơ tả Thúy Vân:
Vân xem trang trọng khác vời
 
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Nhiều người cho nét ngài đó là nét lông mày. Căn cứ họ đưa ra là các bản Kiều Nôm xuất bản nửa cuối của thế kỉ XIX như các bản Liễu Văn Đường, Thịnh Mĩ Đường, Duy Minh Thị… đều viết chữ “ngài” có “bộ trùng”. Những người coi chữ “ngài” là tiếng Nghệ Tĩnh lại lập luận rằng, với tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Du, sẽ không bao giờ dùng tính từ “nở nang” để bổ nghĩa cho nét lông mày, vì có thể chọn được rất nhiều tính từ khác hợp hơn đặt vào đấy. Hơn nữa, khi tả Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: Râu hùm, hàm én, mày ngài. Như vậy, không lẽ lông mày Thúy Vân cũng như lông mày hình lưỡi búa của tướng võ? Vậy nên “nét ngài” ở đây là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, chỉ nét người. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta thấy Nguyễn Du tả Thúy Vân một cách tương đối tổng thể: mặt đầy đặn, người nở nang. Những người “phe kia” chất vấn: “Thế thì giải thích sao khi chữ “ngài” được viết lại có “bộ trùng” để chỉ con ngài tằm?”. Xin thưa: Trong các bản Kiều Nôm, có nhiều bản không phải nguyên bản Nguyễn Du viết, mà do tay những người quảng bá Truyện Kiều chép lại rồi đem in. Họ chép theo cách hiểu của riêng mình nên có khi giữ được âm mà sai nghĩa. Đối với những người miền Bắc, chữ “ngài” chỉ có hai nghĩa là con ngài tằm và một đấng được tôn trọng, ở đây họ thấy con ngài tằm là thích hợp hơn, nên dùng chữ có bộ trùng. Chuyện này không phải là cá biệt mà xuất hiện khá nhiều trong các bản Nôm cổ. Trong bản Liễu Văn Đường, hai câu nói về Hoạn Thư:
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi
 
Ra vào một mực nói cười như không
Chữ “đào” ở câu thứ nhất là màu đào, màu đỏ nhạt, để chỉ căn phòng phụ nữ lại được viết có bộ mộc, chỉ cây đào! Hay như hai câu:

Huyên già dưới gối gieo mình
 
Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi
Ở đây Nguyễn Du sử dụng phép đảo ngữ làm nhiều người hiểu nhầm, đúng ra là “gieo mình dưới gối huyên già”, chủ ngữ ẩn, chỉ Thúy Kiều, và gối ở đây là “đầu gối”. Trong bản Liễu Văn Đường, chữ “gối” được viết có bộ mộc, chỉ cái gối gỗ dùng để gối đầu, đúng ra phải viết có bộ túc, chỉ đầu gối. Điểm qua vài ví dụ như vậy để nói rằng, không phải chữ Nôm nào có trong văn bản cũng đều đáng tin cậy, như chữ “ngài” có bộ trùng chúng ta đang khảo sát.

Sự thật có nhà hiệu đính đã hiểu đúng, văn bản cổ đã khắc đúng chữ “ngài” để chỉ người, như Kim Vân Kiều tân truyện được Abel des Michels dịch ra tiếng Pháp năm 1884, hay bản Kim Vân Kiều tân truyện, Phúc Văn Đường tàng bản (1916) và bản Kiều do cụ Chu Phi Bảng chép tay ở Diễn Châu, Nghệ An...
 
Trong Truyện Kiều, ngoài chữ “ngài” này ra, đại thi hào sử dụng một số tiếng Nghệ Tĩnh khác như chữ “ả” có nghĩa là “chị”, chữ “nghỉ” với nghĩa đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, số ít. Với chữ Nôm, chữ “nghỉ” và “nghĩ” viết giống nhau, nên muốn phiên âm đúng, cần biết ý nghĩa của chữ “nghỉ” người Nghệ Tĩnh thường dùng với nghĩa “hắn ta” coi thường hoặc suồng sã. Ông Đinh Văn Niêm, cháu ngoại sáu đời của cụ Nguyễn Du có phát biểu một câu đáng nhớ khi nghe tin Hội Kiều học Việt Nam đang tổ chức hiệu đính Truyện Kiều: “Các ông muốn hiệu đính thế nào thì tùy, nhưng nếu đọc đến câu “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” thì tôi không thèm đọc nữa, vì như vậy là không hiểu tiếng Nghệ Tĩnh và không hiểu cụ Nguyễn Du”. Tôi tán thành ý kiến ấy. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng chữ “nghỉ” để chỉ Mã Giám Sinh và Sở Khanh, hai kẻ đểu cáng, còn đối với những nhân vật nam khác cụ không bao giờ dùng chữ này. Vậy tại sao với Vương viên ngoại, một ông già đáng kính, thi hào lại dùng chữ “nghỉ”?
 
Tôi đã từng đem câu Kiều thứ 320 Là người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe ra hỏi rất nhiều bạn bè mê Kiều người Bắc rằng hai chữ “chẳng nhe” nghĩa là gì. Không một ai trả lời được. Đây cũng là điều dễ hiểu vì họ là người Bắc, trong khi đó ở trường hợp này Nguyễn Du dùng tiếng Nghệ. Để bắn súng hoặc bắn cung đúng đích, người bắn phải ngắm. “Ngắm” là tiếng phổ thông, còn tiếng Nghệ gọi là “nhe”. Chữ “nhe” còn có nghĩa rộng là ngắm nghía, cân nhắc, suy xét… một cách cẩn thận. Một vị bác sĩ ở Hà Tĩnh bảo với tôi rằng, khi mua cam, anh chọn được mười quả rồi, đang phân vân xem có nên đổi quả nào không, thì bà bán cam nói: “Mười quả nớ to nhất rổ rồi, còn nhắm với nhe chi nữa”! Với ý nghĩa ấy, Kim Trọng không cần cân nhắc, suy xét (chẳng nhe) cũng nhận ra Thúy Kiều là người hôm nọ!
 
Còn ở hai câu Tú Bà tốc thẳng tới nơi/ Hằm hằm áp điệu một hơi lại nhà, hai chữ đầu câu bát, nhiều bản phiên âm là “hăm hăm”, như thế không chính xác, mà phải là “hằm hằm”, chỉ bộ mặt tức giận nhưng không nói gì. Nhưng ở đây tôi muốn bàn ba chữ “điệu một hơi”. Đây là thành ngữ quen thuộc, người Nghệ đến ngày nay vẫn quen sử dụng. Tôi đã hỏi nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo, quê Bắc Ninh rằng, người quê anh có hiểu chữ “điệu” ở đây nghĩa là gì không. Anh Bảo trả lời rằng, chỉ những ai học chữ Hán mới hiểu, còn nói chung thì không. Chữ “điệu” vốn là động từ Hán Việt, theo nghĩa lôi, kéo… và người Nghệ lâu nay vẫn sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày, theo nghĩa dùng nhiều sức để lôi, để kéo một người, một động vật theo ý mình, trong khi đối tượng bị kéo luôn chống lại. “Điệu một hơi” là nín thở mà kéo, vì nín thở nên Tú Bà không nói gì, mà vẻ mặt hằm hằm, giận dữ.
 
Xét thêm một trường hợp nữa, hai câu Điều đâu bay buộc ai làm/ Vì ai đan rập giật giàm bỗng dưng. Trong bản Liễu Văn Đường 1971 do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, chữ thứ tư ở câu bát được phiên âm là “rập”, nhưng in nghiêng như những chữ đáng nghi ngờ khác, vì ông Tuân không hiểu chữ rập có nghĩa gì. Đây cũng là một từ Nghệ Tĩnh quen thuộc, chỉ dụng cụ để đánh bắt dơi, chim, gồm hai sào nứa, khoảng giữa căng lưới, thường ban đêm căng trên đường dơi bay đi ăn quả, hoặc chim bay khi bị người đánh động bằng cách dùng sào đập vào các bụi rậm chúng ngủ đêm. Khi dơi hoặc chim vướng vào lưới thì hai sào nứa được người ta rập lại sát nhau, để chúng không thể bay ngược trở lại được. Vì cái động tác “rập” đó, mà dụng cụ này có tên gọi là cái rập. Kiều Oánh Mậu cũng không hiểu được ý nghĩa chữ này, nên ông đổi thành chữ “giậm”, chỉ dụng cụ bắt cá!...
 
Hai câu sau trong Truyện Kiều, hầu hết các bản quốc ngữ xưa nay đều ghi: Lầu mai vừa rúc còi sương/ Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi. Nhưng chữ “giục giã” mới xuất hiện trong bản Nôm của Kiều Oánh Mậu, xuất bản năm 1902, còn tất cả các bản Nôm có từ trước thì chữ thứ tư trong câu bát đó đều được phiên âm là rạo hoặc dạo. Ví như bản Liễu Văn Đường 1871, chữ đó được phiên âm là rạo, nhưng in nghiêng, ý người hiệu đính nói rằng: mặt chữ Nôm đó thì phải đọc là RẠO nhưng không hiểu nghĩa ra sao! Chắc Kiều Oánh Mậu cũng không hiểu nghĩa, nên đổi thành “giục giã”, rất dễ hiểu, và các bản quốc ngữ về sau cứ thế mà dùng. Khi cùng Hội Kiều học hiệu đính Truyện Kiều, gặp chữ Nôm này, tôi nhớ lại ở quê tôi cho đến tận ngày nay, người ta vẫn dùng chữ rạo rất phổ biến, với chức năng trạng từ, bổ nghĩa cho động từ với ý nghĩa “ầm ĩ”, “ồn ào”... gây khó chịu cho người nghe. Bố mẹ đi làm về, nghe trong nhà các con cãi nhau ồn ào liền quát: “Có chuyện chi mà bọn bay “mần rạo” ra rứa?”. Ngay ở trong lớp học, có lần thầy giáo người Nghệ thấy học sinh mất trật tự đã nói: “Lớp học chứ không phải cái chợ, mà các em “làm rạo” như vậy?”... Trong dịp đi nói chuyện về Truyện Kiều ở một số địa phương của tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã đem từ này ra trưng cầu ý kiến khoảng một ngàn người thì được biết ở Hà Tĩnh cũng dùng từ này với nghĩa trên phổ biến như ở Nghệ An. Bản thân tôi thấy rằng, với nghĩa ấy, “giục rạo” hay hơn “giục giã” nhiều, vì “giục giã” khá bình thường, không nói lên được hành động đáng ghét của Mã Giám Sinh của tác giả Truyện Kiều. Theo tôi, chúng ta nên trả lại chữ của Nguyễn Du như trong tất cả bản Kiều Nôm cổ. Vẫn biết sự hiệu đính này có thể làm khó chịu với một số người đã quá quen thuộc với “giục giã”, và trong “tiềm thức” của họ, chữ “rạo” rất xa lạ, nhưng biết làm sao được, khi văn bản là vậy và nghĩa nó là vậy. Và, như thế, thêm một trường hợp Nguyễn Du sử dụng tiếng Nghệ trong Truyện Kiều. Còn có bản phiên âm chữ đó là dạo, thì có thể người Bắc có khi nhầm lẫn hai phụ âm R và D. Và cũng có thể, chữ đó đọc là dạo được, còn ý của Nguyễn Du thì tôi hiểu như đã trình bày.

Nguyễn Du quê Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, sinh thời ông sống nhiều vùng quê từ Phú Xuân ra Bắc Hà. Ông sống ở quê Hà Tĩnh một số lần, đợt dài nhất sáu năm trời nên ông hiểu tiếng Nghệ và trong sáng tác văn chương, thi thoảng ông có dùng một ít từ Nghệ có chọn lọc, chứ không bao giờ sử dụng tràn lan tiếng địa phương như một số người khác chỉ sống trên vùng đất này. Khi đọc Truyện Kiều, chúng ta cần lưu ý điều này, và thật may cho bạn đọc phổ thông, số tiếng Nghệ trong Truyện Kiều khá ít, chắc đếm chưa hết trên đầu mười ngón tay.
 
 
Theo Vương Trọng/Vannghequandoi.vn       
 

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website