Tranh lụa Việt Nam ra đời từ những năm 1930 và nhanh chóng hình thành một phong cách riêng trong nền hội họa tại Việt Nam. Có nhiều họa sĩ vẽ tranh lụa nhưng người phải nhắc đến đầu tiên đó là danh họa Nguyễn Phan Chánh.

Tác phẩm Chơi ô ăn quan có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất và được nhiều người biết đến nhất của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa hiện đại tại Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã có những đóng góp lớn cho nền hội họa Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ XX.


Sở dĩ cứ nhắc đến tranh lụa, người ta lại nhắc đến Nguyễn Phan Chanh bởi ông là người đã có công tìm tòi, khai phá ra kỹ thuật vẽ tranh lụa hiện đại. Mặc dù tranh lụa đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời nhà Lê qua hai tác phẩm chân dung Nguyễn Trãi và chân dung Phùng Khắc Khoan. Nhưng phải đến thời của Nguyễn Phan Chánh, tranh lụa mới thực sự được biết đến qua thành công của ông.


Danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892 tại Hà Tĩnh. Năm 1922, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc trường Quốc học Huế. Năm 1925, ông tiếp tục học tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác tranh sơn dầu với tác phẩm đầu tay “Mẹ bầy cho con đan len”, cùng trong năm, ông bắt đầu học vẽ trên lụa Vân Nam. Năm 1931, tác phẩm nổi tiếng “Chơi ô ăn quan” ra đời. Tiếp sau đó là những tác phẩm như: “Cô gái rửa rau”; “Em bé cho chim ăn”; “Lên đồng”..


Được đào tạo hoàn toàn theo lối Tây học nhưng lại là người mang trong mình truyền thống dân tộc, cùng với niềm đam mệ nghệ thuật thư pháp, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã sớm bộc lộ tình yêu với tranh lụa. Tranh của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối biểu tượng hình của phương Tây và lối tư duy phương Đông. Sẽ là không quá nếu nói rằng, nhờ ông mà nghệ thuật tranh lụa của Việt Nam đã được thế giới biết đến.


Ngắm nhìn tranh của ông, người ta cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm nhưng vô cùng thanh thoát. Cái tài của danh họa còn được thể hiện ở không gian nửa hư, nửa thực khiến cho người xem cảm giác “lạc lối” trong các tác phẩm.


Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã sáng tác khoảng hơn 170 tác phẩm, trong số đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Chơi ô ăn quan; Người bán gạo; Bữa cơm mùa thắng lợi; Sau giờ trực chiến; Tổ đan mây; Tổ giữ trẻ; Lên đồng; Bát nước giải lao; Em bé cho chim ăn; Trăng lu; Tiên Dung và Chử Đồng Tử…


Được biết đến nhiều nhất có lẽ là bức Chơi ô ăn quan. Trên nền lụa mịn màng, họa sĩ đã khắc họa hình ảnh bốn đứa trẻ chăm chú với trò chơi dân gian. Cũng khăn nâu sồng, vấn mỏ quạ, quần the, áo bà ba..bốn đứa trẻ được thể hiện một cách rất tinh tế, có chiều sâu. Nhìn vào bức tranh, người ta cảm thấy như được trở về với quá khứ, với tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên..


Tháng 5 năm 2013, tác phẩm Người bán gạo của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán đấu giá trong một cuộc đấu giá của nhà Christie’s International tổ chức ở Hồng Kông. Ở đây, tác phẩm đã được bán với giá 390.000 USD tương đương 8 tỉ tiền Việt Nam. Tính đến thời điểm đó thì Người bán gạo là tác phẩm ( của họa sĩ người Việt ) được mua với giá cao nhất.


Danh họa Nguyễn Phan Chánh là người giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VIệt Nam tính đến nay. Nếu có dịp đến thăm quan Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, sẽ không khó để tìm những tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Đặc biệt trên tầng 3, trong gian phòng giới thiệu về tranh lụa của Việt Nam, tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh chiếm riêng một mảng tường. Những tác phẩm được trưng bày tại đây có thể kể đến như: Chợ Kim Liên (1957); Bữa cơm mùa thắng lợi (1960);  Bát nước giải lao ( 1967); Tổ đan mây (1960); Rạng sáng cho con bú 1970…


Tranh lụa là một loại tranh đã xuất hiện từ rất lâu tại các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Nhật bản. Tranh lụa du nhập vào nước ta chính xác vào khoảng thời gian nào không rõ chỉ biết rằng hiện nay Việt Nam còn lưu giữ được 02 bức chân dung của Nguyễn Trãi và chân dung của Phùng Khắc Khoăn từ đời nhà Lê những chưa rõ tác giả là ai.

Tranh lụa hiện đại Việt Nam ra đời từ những năm 1930. Điểm đặc biệt giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại Việt Nam là ở chỗ: tranh lụa cổ được vẽ trực tiếp trên lụa khô, còn tranh lụa hiện đại thì được người họa sĩ căng lụa trên khung gỗ, trong quá trình vẽ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ tiếp cho đến khi ưng ý. Màu dùng để vẽ tranh lụa thường là màu nước, mực nho..Tranh lụa sau khi vẽ xong thường được bồi lên một lớp giấy, sau khi khô hoàn toàn sẽ được đưa vào khung kính, vừa để bảo quản, vừa tăng tính thẩm mỹ cho tranh.