nguyendu.com.vn
Loading...

Tổng thống Mỹ lẩy Kiều qua bản dịch nào?


Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Phó Tổng thống Mỹ Joe Bidden đều đã trích dẫn những câu Kiều trong bản dịch Truyện Kiều - "The Tale of Kiều" của học giả Huỳnh Sanh Thông.
 
Học giả Huỳnh Sanh Thông
 
Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông đã lẩy hai câu Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Tháng 7.2015, khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thủ đô Washington, Phó Tổng thống Joe Biden lại đọc hai câu Kiều rất có ý nghĩa khác: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngỏ, vén mây giữa trời”. Còn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra sáng nay, 24.5, Tổng thống Obama kết thúc bài phát biểu với trích dẫn hai câu Kiều của Nguyễn Du: "Rằng trăm năm kể từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”.
 
Đưa Kiều ra thế giới
 
Cả ông Bill Clinton và Joe Biden đều đã đọc những câu Kiều bằng tiếng Anh trích trong bản dịch Truyện Kiều - "The Tale of Kiều" của học giả Huỳnh Sanh Thông, do Đại học Yale ấn hành năm 1983.
 
Ông Thông không phải là người Việt đầu tiên dịch Kiều sang Anh ngữ, nhưng bản dịch của ông được học giả quốc tế coi như một tuyệt tác đã chuyển tải đầy đủ ý tứ của một Nguyễn Du đại thi hào. Với công trình này, năm 1987, ông được trao tặng giải MacArthur Prize - giải thưởng cao quý nhất về khảo cứu/biên khảo của Hoa Kỳ với số tiền thưởng lên đến 500 nghìn USD.
 
Người Việt Nam biết ơn Huỳnh Sanh Thông đã thành công khi đem một tác phẩm tiêu biểu của văn chương Việt Nam, được xem như là tinh hoa của tiếng Việt, vào kho tàng văn chương thế giới.
 
Ông Thông sinh năm 1926 ở Hóc Môn, TP.HCM. Ông đến Mỹ từ rất sớm, vào năm 1948. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế năm 1951 tại Đại học Ohio State University. Sau đó, ông về dạy tiếng Việt cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington D.C. Năm 1957, ông về dạy tiếng Việt ở Đại học Yale. Từ đó ông bắt đầu dịch thơ Việt sang tiếng Anh. Năm 1973, ông cho xuất bản cuốn "The Tale of Kiều". Mười năm sau, 1983, ấn bản này được bổ túc và Đại học Yale tái bản. Tuyệt tác của văn học Việt Nam được trình làng với văn chương thế giới.
 
Trước và sau Huỳnh Sanh Thông đã có bốn bản dịch Kiều sang tiếng Anh. Trong đó bản dịch của Lê Xuân Thủy năm 1964 là phổ thông nhất. Tuy nhiên, tác giả Lê Xuân Thủy dịch Kiều sang Anh ngữ bằng cách diễn xuôi, chứ không giữ được lối văn vần. Và như vậy, không mang được vần điệu của Kiều sang Anh ngữ. Ngoài ra, có một bản dịch nữa dựa vào bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện.
 
Tuy nhiên, nếu so sánh về phương diện dịch thuật, sự thoát nghĩa của văn chương, bản Anh ngữ của Huỳnh Sanh Thông đạt được tiêu chuẩn đầy đủ nhất. Bằng chứng là bản dịch của ông được nhiều học giả, độc giả nước ngoài trích dẫn. Và điển hình nhất là hai chính chị gia của nước Mỹ Clinton và Biden.
 
Đơn giản, nhưng rất Mỹ
 
Sự thành công của bản dịch "The Tale of Kiều" nhờ vào điều kiện may mắn mà các tác giả trước và sau Hùynh Sanh Thông không có được. Nơi ông Thông làm việc ở Yale quy tụ nhiều học giả và sinh viên ưu tú về văn chương Việt Nam. Chính các góp ý của họ đã làm “sáng” thêm cho các bản thảo bản dịch Anh ngữ của ông. Những người học trò hoặc đồng môn như David G. Marr, John K. Withmore, Keith Taylor, John Balaban, John M. Echols, Huệ-Tâm Hồ-Tài là những người có chỗ đứng quan trọng trong ngành văn học và lịch sử Việt Nam ở Mỹ.
 
Bìa cuốn "The Tale of Kiều" bản in năm 1983 do Đại học Yale ấn hành.
 
Công lao quan trọng nhất trong bản dịch của ông Thông, làm nó khác với tất cả bản dịch khác, là những giải thích bằng Anh ngữ giúp cho độc giả ngoại quốc hiểu về các điển tích Trung Hoa vốn đã khá quen thuộc với người Việt.
 
"The Tale of Kiều" của Huỳnh Sanh Thông được học giả Đông phương học Alexander B.Woodside viết lời giới thiệu, cùng 40 trang giới thiệu của Woodside đã làm cho bản Anh ngữ của ông sáng lạng chưa từng thấy.
 
Hai câu mà Tổng thống Clinton lẩy: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”, được tác giả dịch: “Just as the lotus wilts, the mums bloom forth/Time softens grief, and the winter turns to spring”.
 
Và hai câu của Phó Tổng thống Biden: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngỏ, vén mây giữa trời”, được ông Thông chuyển sang Anh ngữ: “Thank heaven we are here today/To see the sun through parting fog and cloud”.
 
Có thể thấy lối dịch của Huỳnh Sanh Thông đơn giản, rất đơn giản, nhưng lại rất Mỹ trong cú pháp và ngôn từ.
 
Lấy một đoạn khác, khi Nguyễn Du tả Kiều đang thất tình và nhớ Kim Trọng, nàng nghĩ hai người yêu nhau là một định mệnh ràng buộc từ trước: “Lạ gì thanh khí lẽ hằng/Một dây một buộc ai giằng cho ra”, được ông chuyển sang Anh ngữ: “Of course, when two kin spirits meet/One tie soon binds them in a knot none can yank loose”.
 
Huỳnh Sanh Thông mất năm 2008 và được Đại học Yale viết một bài phân ưu khá dài. Dài hơn so với hầu hết những người đã từng phục vụ hoặc có liên hệ với trường đại học danh tiếng này. Cho thấy, đại học hàng đầu của Mỹ đã trân trọng cống hiến của ông, mà tiêu biểu là bản dịch "The Tale of Kiều", như thế nào.
 
 
Theo Quốc Ngọc/danviet.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website