Ngày 29 tháng 07 năm 2015
Cào thơm đã mất hay còn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.
Tại sao chúng tôi soạn tập Truyện Kiều này? Vì mấy lý do: Trước hết, nguyên tác của Truyện Kiều bị thất lạc từ hai thế kỷ. Các bậc tiền bối đã lao tâm khổ trí tìm bới, nhưng bao nhiêu sức lực đều ngưng lại trước bản Nôm của Kiều Oánh Mậu (in năm 1902), tức là cách xa nguyên tác gần một thế kỷ. Còn từ 1902 đến nay chỉ thấy các sách hiệu đính, hay những bài viết, đa số chỉ căn cứ vào những bản quốc ngữ hay những bản Nôm đã được lưu hành rộng rãi, nhưng cũng chưa có bản nào thuyết phục được độc giả một cách mỹ mãn.
Lý do thứ hai, một số bản quốc ngữ đã lưu hành chưa xứng đáng đáp ứng nhu cầu giáo khoa. Từ năm 1945 dân tộc dành được chủ quyền, giáo dục và Việt ngữ được dùng làm chuyển ngữ chính. Các bản Nôm cứ mỗi ngày một biến dần trong khói lửa chiến tranh, và nếu có bản nào kiếm được lại bị mối mọt đục khoét, hoặc đã di chuyển sang thư viện ngoại quốc.
Lý do thứ ba, trong khi cổ văn Việt Nam có phần nào bị lãng quên, mà Truyện Kiều ngày một lừng danh Quốc tế và được dịch sang hàng chục thứ ngoại ngữ. Một số độc giả nước ngoài thích thú với Truyện Kiều, yêu cầu được coi nguyên tác hay một bản hiệu đính nào gần với nguyên tác nhất. Nhưng làm sao có được bản nào là gần với nguyên tác nhất. Về giáo dục trong nước cũng mong muốn như vậy. Nhóm phê bình cơ cấu cũng yêu sách cho có được một bản văn đọc được (texte líible) danh từ của nhóm. Họ là những nhà chuyên rọi kính chính văn. Chỉ khi nào nắm được trong tay bản chính văn đã được hiệu đính một cách khoa học, họ mới có đối tượng nghiêm túc để áp dụng phương pháp phê bình.
Nhìn sang các nước khác, phê bình cơ cấu đã đạ được những thành tích vẻ vang: Truyện Cổ tích Ngan đã được nghiên cứu rất hợp pháp bởi Propp. Thần thoại Mỹ Châu đã được Y – Strauss phơi bày ra ánh sáng những cơ cấu uẩn áo của chúng. Tác phẩm của Shokespeare của Rabelais, của Racine Michelet và Balzac được rọi kính dưới ánh sáng mới gây ra một cuộc bút chiến nảy lửa giữa hai phe tân phê bình và cựu phê bình, Phe cựu hô khẩu hiệu “ Hãy mang đốt chát Barthes (một tân phê bình gia), nhưng tân phê bình vẫn mạnh tiến.
Nhìn vào quốc nội, ai cũng biết Nguyễn Du đã được công nhận đứng ngang hàng với các thi hào bậc nhất Quốc tế như Đante, Gosthe, V. Hugo. Chúng tôi tự hỏi tại sao Truyện Kiều không được mang thêm bộ mặt đặc sắc mới dưới ánh sáng tươi thắm của tân phê bình. Có lẽ nào kiệt tác “vô tiền khoáng hậu” ở Việt Nam, với một kiến trúc đồ sộ nguy nga lại không được mang ra tranh tài với các giai phẩm thế giới trong cuộc thi tài về hệ thống cơ cấu.
Ý thức được mấy nhu cầu trên, chúng tôi hiệu khảo quyển này mong đóng góp một phần nhỏ nhoi vào việc đưa Truyện Kiều trở về gần nguyên tác, để rồi chúng ta cùng nhau rọi dần ánh sáng phê bình vào Truyện, may ra có thể đưa đến gần nguyên tác hơn. Trước đây chúng tôi đã đối chiếu ba bản Kiều Nôm mang tên Truyện Kiều đối chiếu chữ Nôm -Quốc ngữ. Nay chúng tôi đúc kết cả ba bản Nôm đó và năm bản Quốc ngữ để dựng nên một bản chính văn gọi là “ Tìm nguyên tác Truyện Kiều”. Tính theo tỷ lệ thì 97% của bản gốc từ chữ Nôm, còn 3% gốc ở các bản Quốc ngữ. Chúng tôi không hề thêm hay sửa chữ nào. Trong các dị âm đã tìm thấy trong tám quyển (3 Nôm, 5 Quốc ngữ), lựa âm nào hợp với hệ thống thơ và tư tưởng của Nguyễn Du (theo ý chúng tôi), hợp với cơ cấu trong cốt Truyện. Các lý do lựa chọn sẽ trình bày tỉ mỉ dưới các trang sách.
Chúng tôi là đã mất nhiều thời gian, nhưng chắc cũng còn nhiều khuyết điểm do khả năng hạn hẹp của chúng tôi. Xin đón nhận mọi ý kiến của độc giả và góp nhặt lại để sửa chữa, mong kỳ tái bản để quyển “ Tìm nguyên tác Truyện Kiều” này được gần với nguyên tác hơn.
Quyển này chúng tôi đã soạn từ trước ngày giải phóng (1975), chúng tôi đã đưa nhờ cụ Bùi Hữu Sủng, đọc lại hộ. Cụ đã giúp và cho nhiều ý kiến rất giá trị. Nay muốn thỉnh thị ý cụ, nhưng cụ đang ở nước ngoài và đã 94 tuổi nên không thể liên lạc được. Xin gửi lời cám ơn Cụ và mong khi quyển sách này ra đời được đến tay Cụ và lúc đó sẽ nhận được tôn ý chăng.
Xin quý độc giả góp ý gửi về Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Họ, 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP. Hồ Chí Minh, để nơi đây tập trung, rồi nếu có hoàn cảnh, chúng ta cùng nhau soạn một quyển Kiều hoàn bị hơn.