nguyendu.com.vn
Loading...

Tiếp nhận Truyện Kiều thời Đổi mới


Quá trình tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 16/9/1820) trải suốt từ thế kỷ XIX đến XX và đã đạt nhiều thành tựu. Đặc biệt từ giai đoạn Đổi mới đất nước (1986) đến nay, việc nghiên cứu, tiếp nhận Truyện Kiều đã phát triển ngày càng sâu rộng hơn, bao quát trên tất cả các phương diện, từ định hướng tổ chức, sưu tầm, phiên âm, giới thiệu văn bản đến nghiên cứu, bình luận, giảng dạy trong nước và quốc tế.
 
 
 
Với các tác phẩm thơ ca xuất sắc, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều, có thể nói ngay từ đương thời thế kỷ XIX, cả giới trí thức và các tầng lớp bình dân đều biết đến, tìm đọc và đánh giá cao tài năng Nguyễn Du. Bước sang thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ ngày càng phát triển thì tác phẩm của Nguyễn Du cũng được phiên âm, phiên dịch và phổ biến rộng rãi hơn. 
 
Năm 1965, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Lễ Kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du đã được tổ chức rộng rãi ở miền Bắc, được Hội đồng Hoà bình thế giới vinh danh và tổ chức kỷ niệm. Kể từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt sau thời kỳ Đổi mới (1986), trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tại kỳ họp lần thứ 37 vào ngày 25/10/2013, tại Paris (Pháp), UNESCO đã quyết định tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào vào năm 2015. Ban bí thư Trung ương Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã sớm chỉ đạo việc tổ chức kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, định hướng triển khai các hội thảo khoa học qui mô quốc gia và quốc tế, xuất bản tác phẩm và các hoạt động văn nghệ, quảng bá, vinh danh Đại thi hào từ cấp trung ương đến nhiều địa phương, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, Hội Kiều học trong cả nước, đặc biệt với quê hương Hà Tĩnh. 
 
Tham vọng về một văn bản Truyện Kiều (các bản Nôm thường ghi Kim Vân Kiều tân truyện, Kim Vân Kiều tân tập, Đoạn trường tân thanh) đạt tới định hướng “chuẩn mực”, “tầm nguyên”, “hướng về nguyên tác”, “hướng tới phục nguyên”, “được đồng thuận cao” đã được đặt ra với hầu hết các nhà khảo cứu, soạn sách, in sách, kể từ sưu tầm các bản Nôm khắc in và chép tay cũng như việc xác định bản trục và các bản khảo dị, ảnh ấn minh họa và việc phiên âm, khảo chứng, chú thích… Vấn đề đặt ra là cần xác định, đánh giá đúng diễn biến và thực trạng tình hình nghiên cứu, xác lập văn bản Truyện Kiều, từ đó mới có thể định hướng xây dựng được một bản Truyện Kiều khả dĩ dựa trên nền tảng khoa học của bộ môn văn bản học và “được đồng thuận cao”…
 
Thực trạng hoạt động khảo cứu và xuất bản Truyện Kiều từ trước đến nay cần được nhận thức, xem xét ở hai dạng thức: văn bản chữ Nôm và văn bản phiên âm chữ Quốc ngữ. Về nguồn thư tịch Truyện Kiều chữ Nôm cần đặc biệt chú ý tới hiện trạng không còn bản gốc, thủ bút, nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du; hơn nữa, bản Nôm có niên đại sớm nhất (mặc dù bị thiếu khuyết đến 864 câu, chỉ còn 2390/3254 câu), được nhà Liễu Văn Đường khắc in năm Tự Đức thứ 19, Bính Dần (1866), cách năm Nguyễn Du qua đời đến 46 năm, ngót nửa thế kỷ, khiến cho hoạt động san khắc, truyền bản sau này ngày một phức tạp. Nhìn lại diễn tiến lịch sử và diện mạo các bản Nôm Truyện Kiều có thể thấy khá rõ sự phân loại theo từng hệ phái, từng dòng như “bản phường”, “bản Kinh”, “bản Tiên Điền”, “bản Liễu Văn Đường”, “bản Quan Văn Đường”, “bản Duy Minh Thị”… Trên nền tảng từng dòng văn bản này có thể chọn lọc, xác định được bản trục và hệ thống các bản khảo dị nhằm đạt tới một văn bản Truyện Kiều Nôm “hướng về nguyên tác”, “được đồng thuận cao”… Kể từ thời đất nước Đổi mới đến nay, hoạt động sưu tầm, khảo cứu, giới thiệu văn bản Truyện Kiều Nôm trở nên sôi động và đạt được những tiến bộ vượt bậc. Nhiều văn bản cổ thuộc thế kỷ XIX trước kia chỉ “nghe nói” thì nay đã được ảnh ấn trọn vẹn bên cạnh phần phiên âm, khảo dị, chú giải (các bản Liễu Văn Đường 1871, Duy Minh Thị 1872, Thịnh Mỹ Đường 1879 và Quan Văn Đường 1879…); đồng thời phát hiện, công bố thêm nhiều văn bản mới (Liễu Văn Đường 1866, Thiếu Tô Lâm 1870, chép tay ở thư viện Anh Quốc 1894…). Hoạt động  kiểm kê, tổng kết, phát hiện, bổ sung, hệ thống hóa và giới thiệu một cách tương đối đầy đủ các bản Truyện Kiều Nôm kèm theo bản phiên âm (hoặc nói ngược lại, bản phiên âm có kèm theo ảnh ấn nguyên bản Nôm) đã tạo nên sinh khí mới cho bộ môn Kiều học.
 
Biết rằng Truyện Kiều có cốt truyện ngoại lai nhưng ngay từ khi ra đời đến nay đã thường xuyên được cảm nhận, tiếp nhận, xác định giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật trong văn mạch dân tộc. Hướng so sánh này tập trung đặt Truyện Kiều trong tiến trình phát triển chung của tiếng Việt, văn tự Nôm, văn phái Hồng Sơn, trào lưu nhân văn thế kỷ XVIII - XIX, thể thơ lục bát truyền thống, thể loại truyện thơ Nôm, các truyện thơ Hoa tiên, Mai đình mộng ký, Đào hoa mộng ký(1), Lục Vân Tiên(2) và những ảnh hưởng, tác động tích cực trở lại từ chính Truyện Kiều đến đời sống văn hóa - văn học dân tộc. 
 
Hiểu theo nghĩa rộng, tinh thần tiếp nhận Truyện Kiều bao quát tất cả các định hướng nghiên cứu, chuyên luận, giáo trình, sách giáo khoa, giới thiệu, trao đổi và mở rộng các lĩnh vực sáng tác phái sinh (tập Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, chuyển thể điện ảnh, kịch, tuồng, chèo, cải lương, tranh minh họa, truyện tranh…). Nhìn chung, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều từ Đổi mới đến nay đã ngày càng tự ý thức rõ hơn cả đối tượng, phạm vi, phương pháp và mục đích so sánh, luận bình. Ở đây có thể nhấn mạnh đóng góp của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, khởi đầu từ tiểu luận Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du (1981), Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1983), tiến đến Thi pháp Truyện Kiều đi sâu khai thác các đặc điểm về cơ sở căn rễ văn hóa, về thế giới nghệ thuật Truyện Kiều (cách kể chuyện của Nguyễn Du, cái nhìn nghệ thuật về con người, hình tượng tác giả, không gian và thời gian nghệ thuật), về mô hình tự sự và ngôn ngữ nghệ thuật (hình thức tự sự, cốt truyện và thể loại, giọng điệu nghệ thuật cảm thương…) và chương cuối cùng là Sức sống Truyện Kiều nhằm nhấn mạnh giá trị tự thân của tác phẩm trong tương quan hệ thống thể loại truyện thơ Nôm, khả năng đúc kết các giá trị thẩm mỹ và mở ra những chân trời tiếp nhận Truyện Kiều khác nhau(3). Điều này thể hiện như một minh chứng rằng, với cùng một tác phẩm, khi nhà nghiên cứu thay đổi điểm nhìn gắn với những lý thuyết mới, phương pháp mới thì bản thân tác phẩm lại tiếp tục tỏa sáng, mở ra những chiều kích tư duy nghệ thuật mới mẻ. Bên cạnh các công trình nghiên cứu từ các phương pháp và điểm nhìn xã hội học, ngôn ngữ học, phong cách học, văn hóa học, so sánh, thể loại, loại hình, tiếp nhận, liên ngành…, phải ghi nhận và khẳng định việc Trần Đình Sử vận dụng lý thuyết thi pháp vào nghiên cứu Truyện Kiều đã đưa đến những kết quả học thuật thực sự sáng rõ, trở thành bài tập mẫu cho nhiều công trình nghiên cứu văn học Việt Nam theo lý thuyết thi pháp học.
 
Trong tổng thể các cách thức tiếp nhận, nghiên cứu kiệt tác Truyện Kiều khác nhau, riêng định hướng nghiên cứu so sánh lại đòi hỏi nguồn tư liệu mới, hệ qui chiếu mới, bao gồm cả những so sánh trực tiếp và tương đồng trên nhiều cấp độ nội dung và nghệ thuật, loại hình, thể loại, cốt truyện, nhân vật ở tầm khu vực và thế giới. Trước hết là những so sánh trực diện Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chủ yếu có các học giả Việt Nam và Trung Quốc với việc xác định “nguồn gốc văn Kiều”, “cỗi rễ Truyện Kiều”, “từ sự thật đến sáng tạo nghệ thuật”, “chu trình diễn hóa”, “tính khả độc - tính khả tả - tính khả truyền”, “sự chuyển đổi loại hình và thể loại”, “so sánh loại hình lịch sử”… Có thể thấy quan hệ Truyện Kiều - Kim Vân Kiều truyện là tương quan ảnh hưởng trực tiếp, trực diện nên được học giới Việt Nam - Trung Quốc (vốn là những người am hiểu nền văn hóa - văn học cổ điển và có điều kiện thâm nhập văn bản ở cả hai tác phẩm) cùng quan tâm tìm hiểu… 
 
Ngay tại Trung Quốc, bên cạnh các nhà nghiên cứu am hiểu Truyện Kiều thuộc nhiều thế hệ (Hoàng Dật Cầu, Lưu Thế Đức, Lý Tu Chương, Nhan Bảo, La Trường Sơn, Kỳ Quảng Mưu, Triệu Ngọc Lan, Lô Uý Thu, Lã Vĩnh, Lý Quần, Lâm Minh Hoa, Lưu Chí Cường…) thì vẫn có người như ông Đổng Văn Thành viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” in trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng (1984 -1986) và bản dịch này cũng đã được công bố rộng rãi(4). Trước vấn đề khoa học chuyên sâu và “nhạy cảm” này, học giới ở Việt Nam đã thể hiện rõ bản lĩnh học thuật, đủ năng lực và trình độ để thảo luận một cách công khai, dân chủ với ông Đổng Văn Thành qua bài trao đổi của các học giả Phạm Tú Châu (1989, 1997), Hoàng Văn Lâu (1998), Nguyễn Khắc Phi (1999)… Những thiên kiến, định kiến và cả hạn chế trong việc tiếp nhận Truyện Kiều đã khiến ông Đổng Văn Thành không đánh giá đúng tính chất năng sản và giá trị của tác phẩm này khi so sánh với Kim Vân Kiều truyện. Đặt trong tương quan chung, lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều cho thấy đây là giá trị đích thực chứ không phải chỉ đơn giản là “sự may mắn của Nguyễn Du”. Rồi ngay cả khi ông Đổng Văn Thành nhiệt thành kêu gọi “Tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân cần được đánh giá lại, ảnh hưởng quan trọng của nó trong lịch sử văn học Trung Quốc và lịch sử văn học thế giới cần được thừa nhận và đánh giá công bằng” thì số phận tác phẩm vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Thêm nữa, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân được dịch in khá sớm ở Việt Nam (1925) nhưng trước sau vẫn chỉ được xếp loại “thường thường bậc trung”, không tạo được tiếng vang... Thêm nữa, việc dịch tác phẩm văn xuôi thường vẫn thông thuận hơn thơ ca, vậy mà Truyện Kiều vẫn được dịch nhiều và ngày càng tỏa sáng trên văn đàn thế giới, trong khi tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện vẫn không có được sự chú ý cần thiết. Không chỉ sai lầm từ xuất phát điểm của mục đích nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, ông Đổng Văn Thành còn gặp một hạn chế không thể vượt qua là chỉ tiếp xúc với Truyện Kiều qua bản dịch tiếng Trung mà không đọc được bản tiếng Việt, không chú ý tới sự chuyển đổi loại hình và khác biệt đặc trưng thể loại(5), không hiểu biết tâm lý tiếp nhận của dân tộc Việt Nam đối với ngôn ngữ Truyện Kiều và hồn thơ tiếng Việt, không lý giải được vì sao Truyện Kiều lại trở thành một thứ kinh sách và di sản văn hoá dân tộc, “Truyện kiều còn, tiếng ta còn”(6)…
 
Định hướng nghiên cứu Truyện Kiều trong tương quan khu vực Đông Nam Á và phương Đông thể hiện ở việc so sánh với các tác phẩm cùng loại hình truyện thơ vùng Đông Nam Á (Tum Tiêu của Campuchia, Xỉn Xay của Lào, Khun Chang Khun Phaen của Thái Lan) và đặt trong bối cảnh căn rễ văn hóa - văn học - lịch sử - xã hội khu vực Á Đông (so sánh với Truyện Xuân Hương của Hàn Quốc, với tiểu thuyết phóng tác Kim ngư truyện của Nhật Bản)… Điều thú vị là cùng tiếp nhận Kim Vân Kiều truyện nhưng qua ngã rẽ Việt Nam thì Nguyễn Du chuyển hoá thành truyện thơ lục bát, còn sang Nhật Bản được Kyokutei Bakin (Khúc Đình Mã Cầm, 1767-1848) phóng tác sang tiếng Nhật thành Kim ngư truyện, nghĩa là giữ nguyên cốt truyện và hình thức văn xuôi, chỉ có gia giảm và Nhật hoá về tên nhân vật, địa danh… 
 
Về nghiên cứu Truyện Kiều trong mối quan hệ khu vực, có thể kể từ nghiên cứu đối sánh như Valentin Lý với Truyện Xuân Hương của Triều Tiên và Truyện Kiều của Nguyễn Du (1992), Yang Soo Bae với Bước đầu nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương (1995), Đoàn Lê Giang với Bước đầu so sánh Kim ngư truyện của Kyokutei Bakin và Truyện Kiều của Nguyễn Du (2016)(7),… đến xem xét tương quan văn học vùng như Trần Nho Thìn với Truyện Kiều và văn hoá phương Đông (2015), Từ Thị Loan với Nguyễn Du và Truyện Kiều ở nước ngoài(8)… Định hướng chung là cần thiết coi trọng khảo sát, đi sâu lý giải chân giá trị và đặc trưng mỗi kiểu loại tác phẩm cũng như mối quan hệ ảnh hưởng - giao lưu văn hóa, đặt trong quá trình phát triển tư duy văn học ở phạm vi khu vực.
 
Mở rộng khảo sát Truyện Kiều trong tương quan văn học thế giới, so sánh với các tác phẩm có tính tương đồng nhưng không có mối liên hệ trực tiếp phát triển gắn liền với quá trình giao lưu, hội nhập và khả năng tiếp nhận các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu so sánh hiện đại. Định hướng liên hệ, so sánh Truyện Kiều với những tác phẩm tương đồng, đồng loại hình thuộc các dân tộc khác nhau, các vùng chân trời địa - văn hóa khác nhau, các nền văn học truyền thống khác biệt nhau được nâng cấp, nhấn mạnh ở các phương diện giá trị tư tưởng nhân văn, chiều sâu triết lý, loại hình và thể loại, mức độ phổ cập và “tầm đón đợi” của độc giả. 
 
Có thể kể đến những so sánh tiêu biểu của Truyện Kiều với các tác phẩm Thần khúc của Dante - Ý (Nguyễn Văn Hoàn, 2009), Andromaque của Racine - Pháp (Phạm Đan Quế, 2013), Le Cid của Pierre Corneille - Pháp (Trần Thị Phương Phương, 2016), Faust của Goete - Đức (Nguyễn Tri Nguyên, 2005), Evgheni Oneghin của Pushkin - Nga (Trần Thị Phương Phương, 1992; Hội thảo Hà Tĩnh, 2019), v.v..
 
Quá trình tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã đạt nhiều thành tựu, trong đó điểm quan sát từ phương hướng nghiên cứu phiên dịch học lịch sử - văn hóa đã có quá trình phát triển lâu dài và ngày càng trở nên quan trọng… Vấn đề nghiên cứu, xác minh, tìm hiểu lịch sử dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trên thế giới không chỉ là mối quan tâm của các nhà Kiều học mà đã tác động trở lại dư luận xã hội, đặc biệt với việc viết sách giáo khoa và định hướng nhận thức, cảm thụ, giảng dạy trong nhà trường, đồng thời đã nâng cấp thành đối tượng tìm hiểu, khảo sát chuyên sâu và mở rộng thành các cuộc thảo luận có ý nghĩa khu vực và quốc tế...
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau và xuất bản ở các nước Pháp,  Nhật Bản, Anh, Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Ba Lan, Séc, Hy Lạp, Phần Lan, Ả Rập, Đức, Hunggari, Bungari, Rumani, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mông Cổ, Lào, Thái Lan...
 
Nhiều thứ tiếng có số bản dịch phong phú: Pháp 13 bản, Trung Quốc 11 bản, Anh 8 bản, Nhật Bản 5 bản, Nga 2 bản…  

 

Đơn cử trường hợp bản dịch sang tiếng Đức Das Mädchen Kiều / Nàng Kiều của Franz Faber (1917-2013), in lần đầu ở Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức) vào năm 1964 (tái bản vào các năm 1976, 1980, 2000 và in song ngữ tại Việt Nam năm 2015(9). Cơ duyên của việc dịch này bắt đầu từ cuối năm 1954 khi Franz Faber sang Việt Nam công tác. Trước ngày ra về, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cuốn Truyện Kiều song ngữ Việt - Pháp kèm theo câu nói tựa như một lời đề nghị, khuyến khích, động viên, hy vọng: “Biết đâu anh có thể làm được một điều gì đó với cuốn sách này”. Về nước, từ một người chưa biết tiếng Việt, ông đã cùng vợ là Irene vừa học tiếng vừa nghiền ngẫm đọc hiểu, qua bảy năm thì hoàn thành việc dịch toàn văn Truyện Kiều(10)… Điều này xác nhận vị thế và sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều trong di sản tinh hoa văn học nhân loại và trong thế thế giới hiện đại.
 
Đồng hành với công cuộc Đổi mới, kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du ngày càng khẳng định chân giá trị và toả sáng ở cả trong nước, tầm vóc khu vực và toàn thế giới. Thời đại đã đổi thay nhưng tinh thần nhân bản, tình yêu thương con người, những khắc khoải về quyền sống và mưu cầu hạnh phúc sẽ mãi còn vẫy gọi ở phía trước. Trong vận hội mới và theo tinh thần Đổi mới, việc nghiên cứu, tiếp nhận Truyện Kiều chắc chắn sẽ mở ra những chiều kích mới, nhận thức mới, góp phần nâng tầm giá trị tác phẩm lên một tầm cao mới./.
 
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn
(Viện Văn học)/tuyengiao.vn
Bài đăng ngày 25/9/2020

 
--------------------------------------
(1) Lại Nguyên Ân: “Đào hoa mộng ký” trong quan hệ với “Truyên Kiều”, Tạp chí Văn học, số 8/1999, tr.30-38.
(2) Trần Thị Thanh Huyền: Điểm gặp gỡ của thi pháp kể chuyện truyền thống trong “Truyện Kiều” và “Truyện Lục Vân Tiên”; Truyện Kiều - So sánh và luận bình (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). Nxb. Văn học, H, 2015, tr.92-104.
 (3) Trần Đình Sử: Thi pháp Truyện Kiều. Nxb. Giáo dục, H, 2002.
(4) Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch); Truyện Kiều - So sánh và luận bình (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu), Nxb. Văn học, H, 2015, tr.707-766.
(5) Nguyễn Hữu Sơn: So sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” từ sự chuyển đổi loại hình và thể loại, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11/2005, tr.27-43.
(6) Nguyễn Hữu Sơn: Bình luận việc so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” của ông Đổng Văn Thành, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8/2015, tr.149-160. 
(7) Đoàn Lê Giang: Bước đầu so sánh “Kim ngư truyện” của Kyokutei Bakin và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 1/2016, tr.3-15.
(8) Từ Thị Loan: Nguyễn Du và “Truyện Kiều” ở nước ngoài; Nghiên cứu Truyện Kiều những năm đầu thế kỷ XXI (Nguyễn Xuân Lam tuyển chọn). Nxb. Giáo dục, H, 2009, tr.1251-1259.
(9) Nguyễn Du (2015), Truyện Kiều (Song ngữ Việt - Đức; Irene và Franz Faber dịch). Nxb. Thế giới, H, 2015, 442 trang.
(10) Nguyễn Hữu Sơn: “Truyện Kiều” trên đường giao lưu quốc tế, Báo Nhân dân, số 21976, ngày 27/11/2015, tr.5.



 

 


Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website