nguyendu.com.vn
Loading...

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh


Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.
 
Điều tôi thấy cần tìm hiểu trước tiên là bài Tiểu dẫn và phần chú giải bằng chữ Hán cho nguyên văn đoạn Truyện Kiều được in ở từng trang, bởi điều này có thể giúp ích cho việc bổ sung nghĩa chữTruyện Kiều, bổ sung phần thơ, văn Trung Hoa mà có thể Nguyễn Du đã đọc; ngoài ra còn liên quan đến việc phỏng đoán được tác giả biên soạn Kim Vân Kiều tân truyện là ai.
 
Trang 1: tên sách Kim Vân Kiều tân truyện.
 
Trang 2: Kim Vân Kiều tân truyện tiểu dẫn.
 
Bài Tiểu dẫn viết: Đọc tài tình lục, truyện Thúy Kiều là số một. Tham tri bộ Lễ Nguyễn hầu nhân tích đó mà làm truyện, đến nay miệng người còn tấm tắc khen. Ấy là vì nhan sắc Kiều đã là giai nhân tuyệt thế, tài lại là tiến sĩ tóc dài(4) gặp gỡ mà không đạt được, người đa tình lắm càng lắm kẻ ghen. Nếu dựa vào giấc mộng cành hoa đào, ông Vương cho Vân là hoa mới hé nở, Quan là bông đã kết trái, Kiều là bông đã hầu tàn, thế thì Kiều há không gặp gỡ hay sao? Chốn gập ghềnh, mỗi lần quỷ thần đều che chở, huống hồ về sau tái hợp, cây khô gập tiết xuân, tự phát hoa tươi tốt. Phạm tiên sinh từng làm thơ: “Mặt ngọc há nên vùi đáy nước/ Lòng băng tự khả đối Kim lang”, thế thì Kiều tuy hệ lụy vì tài sắc nhưng chưa hề không nhờ tài sắc mà tỏ rõ mình, cho nên mới biểu dương mà viết ra, khiến cho người đọc truyện này khen ngợi sắc và tài của Kiều thì cũng nên thể lượng cho nỗi lòng của Kiều mà hiểu cho cảnh ngộ của Kiều.
 
Trang 3: Truyện Kiều từ câu 1- câu 8.
 
Chú giải:
 
a. Trăm năm gọi là kỳ di. Chú: người thọ lấy trăm năm làm kỳ.
 
b. Thơ cổ: “Đa tình tự tích chiêu đa đố” (đa tình từ xưa chuốc lấy lắm ghen ghét).
 
c. Khang Tiết lấy 129.600 năm làm một nguyên, ấy là 129.600 năm về trước lại là một cuộc đóng mở lớn của của trời đất(5). Hồ Ngũ Phong nói, một khímà hít thở mạnh thì làm chấn động vô hạn, trời biển biến động, núi nhô, sông sụt, người mất, vật động, dấu cũ định hình, đó là cuộc biến đổi biển cả thành ruộng dâu vậy(6).
 
d. Tống thư: “Người thấy sự đời không được như ýthường bức xúc trong lòng”.
 
e. Trời có đầy vơi, người có phong sắc.
 
g. Hồng nhan bạc phận, lại có câu “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân”(7).
 
h. Thanh sử là phương sử, lại có câu “hoàng quyển thanh đăng”(8).
 
i. Truyện Thúy Kiều chép ở phong tình lục.
 
j. Ghi chép trong sử đời Minh rất rõ ràng.
 
Trang 4: Truyện Kiều từ câu 9 - câu 22.
 
Chú giải:
 
a. Vương viên ngoại vốn thuộc dòng hoa, nhiều đời trâm anh, cũng là bậc anh hào trong số đông. Vợ ông cầu đảo ở Hành Sơn, mộng thấy một cụ già ban cho ba cành đào, một cành hoa đã kết trái, một cành hoa vừa hé nở, một cành hoa đã hầu tàn. Chợt tỉnh dậy, bà ghi nhớ những điều cốt yếu, hớn hở cho rằng giấc mộng vừa rồi chắc không ngoa, trở về kể với viên ngoại. Viên ngoại nói: “Đấy là trời cho vậy. Một cành kết trái ắt là sinh con trai, hai cành hoa nở ắt là sinh con gái, hơn nữa còn xinh đẹp. Danh tiếng nhà ta không mất, hẳn là nhờ ở đây chăng?”.
 
b. Kinh Thi: “Mấn phát như vân, bất tiết thế dã”(9) (Tóc mai và tóc đen óng như mây, chẳng cần tóc giả).
 
c. Háo sắc phú của Tống Ngọc: “cơ nhược bạch tuyết” (da trắng như tuyết).
 
Trang 5: Truyện Kiều từ câu 23 - câu 38.
 
Chú giải:
 
a. “Thu thủy vi thần, xuân sơn như tiếu” (Thần sắc như nước mùa thu, nét cười như núi mùa xuân).
 
b. Thơ Hàn Dũ: “Duy năng(10) túy hồng quần” (Chỉ giỏi chuốc say con gái đẹp).
 
c. “Phù dung như diện, liễu như mi”(11) (Sắc đẹp trong cả triều, hoa, liễu càng không bằng).
 
d. Lý Diên Niên hầu vua, hát rằng: “Phương bắc có người đẹp. Một mình nhất thế gian. Nhìn một cái làm nghiêng thành của người ta. Nhìn cái nữa làm nghiêng nước của người ta”. Cũng như khuynh thành và khuynh quốc, người đẹp khó có được lần nữa.
 
e. Sách Thiên Bảo di sựchép: “Sở Liên Hương đẹp lắm, không ai sánh kịp, mỗi khi đi đến đâu, ong bướm bay theo đến đấy”.
 
g. Kinh Lễ: con gái mười lăm tuổi thì tính việc gả chồng, cài trâm mà lấy chồng.
 
***
 
Qua bài Tiểu dẫn và chú giải a ở trang 4, ta thấy tình tiết bà vợ viên ngoại mộng thấy được cụ già cho ba cành đào đã có trong Kim Vân Kiều lục(12), vậy mối liên hệ giữa Kim Vân Kiều tân truyện và Kim Vân Kiều lục là thế nào? Chỉ có thể là tác giảTân truyện lấy lại tình tiết này ở tiểu thuyết Hán văn Kim Vân Kiều lục vì tiểu thuyết có trước Tân truyện: được in năm 1888, lại phổ biến rộng hơn Tân truyện, ít nhất đã có 6 bản chép tay hiện còn lưu truyền trong bạn đọc và một phần sáng tác trong tiểu thuyết - lời của Kim Trọng đã được tác giả kịch bản Truyện Kim Vân Kiều chuyển thành lời của nhân vật Kim Trọng trong kịch. Việc lấy lại tình tiết này cũng cho thấy Kim Vân Kiều lục quả thật đã lan tỏa ảnh hưởng trong bạn đọc một thời mà đến bây giờ chúng ta mới được biết.
 
Phần chú giải từ trang 3 đến trang 5 cho thấy như sau:
 
1. Phần lớn chú giải đều bám sát câu chữ Truyện Kiều đi kèm, như chú giải cho trăm năm, bể dâu, bỉ sắc tư phong, phong tình lục, sử xanh, mây thua nước tóc tuyết nhường màu da, làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh, hồng quần, cập kê, ong bướm.
 
2. Một số chú giải cho thấy kiến thức rộng của người chú giải có lúc đã khiến ông đi quá xa, bỏ rơi mục đích, hoặc lầm lẫn, hoặc đặt không đúng chỗ.
 
Ông dẫn thơ cổ“đa tình tự tích chiêu đa đố” để chú giải cho “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, nhưng tra thì thơ cổ không có câu nào nguyên văn như thế, chỉ có“đa tình tự cổ thương ly biệt” có trong bài từ Vũ lâm linh của Liễu Vĩnh đời Tống hoặc “đa tình tự cổ không di hận” có trong thơ ở hồi 15 tiểu thuyết Hoa nguyệt ngấn của Ngụy Tử An đời Thanh. Vả chăng, thơ cổ ấy cũng không phù hợp để chú giải ở đây.
 
Ông dẫn Tống thư để chú giải cho “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, nhưng tra Tống thư cũng không có câu nào nguyên văn như thế, chỉ trong Tống sử, phần Lã Mông chính liệt truyện, mục thứ 24 chép: “Vua bảo Mông Chính: Phàm kẻ sĩ lúc chưa thành đạt, thấy việc đời trái với lý lẽ thường bức xúc trong lòng”.
 
Chú giải j ở trang 3: “Ghi chép trong sử đời Minh rất rõràng” dường như lạc chỗ, không rõ ghi chú cho câu, chữ nào trong Truyện Kiều. Nếu chú giải cho “còn truyền sử xanh” thì ông đã tự mâu thuẫn như sẽ bàn sau đây.
 
Ông dẫn “thu thủy vi thần, xuân sơn như tiếu” để chú giải “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. “Thu thủy vi thần” để ví với đôi mắt long lanh thì chẳng nói làm gì, nhưng “xuân sơn như tiếu” lại dễ khiến người đọc tưởng nhầm để ví với nụ cười của Thúy Kiều, chứ không phải để tả đôi lông mày đẹp của nàng. Vì thế dẫn “xuân sơn như tiếu” có trong bài Bạt về tranh của họa sĩ Vận Thọ Bình đời Thanh là chú giải không sát. Chú giải cho bể dâu mà dẫn lời sách của ba nhà Lýhọc đời Tống là cũng sa vào nhược điểm này.
 
3. Điều đáng chú ý hơn cả là một số chú giải có thể gợi ý cho việc xem xét, cân nhắc lại những chú thích, giải nghĩa mà chúng ta đã có:
 
a) Ông chú thanh sử (sử xanh) làphương sử. Tra không thấy nghĩa của phương sử, chỉ trong nhiều nghĩa của phương có một nghĩa là đẹp, chỉ thiếu nữ. Sử có nghĩa là truyện như Tình sử hay Tuyết hồng lệ sử của Từ Chẩm Á, do đó có thể hiểu phương sử là truyện về thiếu nữ đẹp, mà truyện về thiếu nữ đẹp thì thường là truyện tình yêu nam nữ được gọi với một nghĩa của phong tình là phong tình lục (lục cũng chỉ truyện, lục phong tình như cụ Bùi Kỷdịch trong bài tựa của Mộng Liên Đường chủ nhân có nghĩa là truyện tình yêu nam nữ), đúng với chú giải i ở trang 3: “Truyện Thúy Kiều chép ở phong tình lục”. Như vậy phải chăng thanh sử ở đây không phải là chính sử xưa kia được chép trên thẻ tre?
 
b) Ông dẫn thơ Hàn Dũ“Duy năng túy hồng quần” để chú giải hồng quần trong câu “Phong lưu rất mực hồng quần”. Hồng quần có hai nghĩa: quần màu đỏ (y phục của nữ giới - chỉ chung nữ giới) và con gái đẹp. Khi nêu nghĩa thứ hai, Từ điển Hán ngữTrung Quốc thường lấy câu thơ của Hàn Dũ trên đây làm dẫn chứng, vì vậy nên hiểu hồng quần là con gái đẹp, không phải “để chỉ tư cách cao quý của người phụ nữ”(13).
 
c) Ong bướm trong câu “Tường đông ong bướm đi về mặc ai” được chú: “Sách Thiên Bảo di sự chép: Sở Liên Hương đẹp lắm, không ai sánh kịp, mỗi khi đi đến đâu, ong bướm bay theo đến đấy”. Sách có tên đầy đủ là Khai Nguyên, Thiên Bảo di sựdo Vương Nhân Dụ đời Ngũ đại biên soạn, chép những chuyện còn sót lại từ niên hiệu Khai Nguyên (713-741) đếnThiên Bảo (742-756) dưới triều Huyền Tông đời Đường. Như vậy phải chăng ong bướm không “tỉdụ bọn khách phong tình” (Đào Duy Anh)(14), cũng không “ýnói đến những chàng trai tìm cách ve vãn con gái” (Nguyễn Quảng Tuân)(15), mà là chỉ những cô gái hàng xóm khác?
 
***
 
Chú giải trên đây chứng tỏ người chú giải (chưa biết lai lịch) hiểu nhiều, biết rộng. Ông đọc rất kỹ Truyện Kiều và không tiếc công chú giải bằng kiến thức nhiều mặt của mình, giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn những câu thơ đẹp và hàm súc của Nguyễn Du. Tôi chưa rõ các nhà Kiều học tiền bối đã cóai đọc sách này chưa, nếu chưa thi tiếp tục tìm hiểu chú giải ở những trang sau là điều bổ ích.
 
____
(1) Bài Tìm thấy bản Kiều quý ở Luân Đôn. Báo Nhân Dân chủ nhật, số 36 (292), ngày 4-9-1994, tr.9.
(2) (3) Bài Sách Hán Nôm tại Thư viện Vương quốc Anh. Tạp chí Hán Nôm, số 3-1995.
(4) Tên gọi phụ nữ có tài về học vấn.
(5) Đoạn này trích trong sách Chu tử ngữ loại, quyển 94. Sách do Lê Tịnh Đức đời Nam Tống tập hợp những lời đối thoại giữa nhà Lýhọc lớn là Chu Hy với các học trò rồi biên soạn thành sách. Khang Tiết là tên hèm của Thiệu Ung (1011-1077), nhà tư tưởng, nhà Dịch học và nhà thơ đời Bắc Tống.
(6) Hồ Ngũ Phong là tên hiệu của Hồ Hoằng (1105-1161), nhà Lýhọc nổi tiếng đời Tống. Đoạn này trích trong Hồ Tử Tri ngôn tự(bài tựa sách Tri ngôn của Hồ Hoằng).
(7) Dẫn lại câu đầu trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn được dịch là: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”.
(8) Quyển vàng: sách viết trên giấy nhuộm màu vàng để chống mối mọt; đèn xanh: đèn dầu ánh đèn màu xanh
(9) Câu trong bài Quân tử giai lão, phần Dung phong.
(10) Câu trong bài Túy tặng Trương bí thư. Chú thích viết là giải, tra nguyên thi của Hàn Dũ, chữa lại là năng.
(11) Câu trong bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị.
(12) Phạm Tú Châu: Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục. NXB Khoa Học Xã Hội và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2015.
(13) (15) Nguyễn Quảng Tuân: Truyện Kiều - khảo đính và chú giải. NXB Khoa Học Xã Hội, 1995, tr.53.
(14) Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều. NXB Khoa Học Xã Hội, 1974, tr.302.
 
 

Theo Phạm Tú Châu/honvietquochoc.com.vn


Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website