nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Thăng Long tứ trấn


Theo quan niệm của người Đông Á, bốn phương tám hướng khắp nơi đều có ma tà, quỷ thần, cần có một lực lượng siêu nhiên để trấn áp, tạo nên vượng khí. Xuất phát từ nhu cầu tâm linh, cùng truyền thống tri ân nguồn cội, Thăng Long tứ trấn đã được dựng lên và trở thành những bức thành trì kiên cố che chở cho Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
Thăng Long tứ trấn – linh khí của ngàn xưa
 
Thăng Long tứ trấn
 
Đông trấn Bạch Mã
 
Thăng Long xưa có Đền Bạch Mã  thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức – là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng, nay tọa lạc giữa phố Hàng Buồm. Vậy đền Bạch Mã được xây dựng từ bao giờ? Có tài liệu ghi đền Bạch Mã có từ năm 866, thờ thần Long Đỗ – vị thần đã làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ thời Bắc thuộc là Cao Biền, chính Cao Biền cũng phải phong làm “Đô phủ thành hoàng thần quân”.
 
Đền Bạch Mã
 
Đền có tên Bạch Mã (ngựa trắng) – biểu tượng thần thoại của mặt trời xuất phát từ tích xưa. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Khi dựng thành, không hiểu vì sao cứ xây lên rồi lại lở. Vua liền sai người tới cầu đảo, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì biến mất. Vua liền theo dấu chân ngựa mà đắp thì dựng được thành, nên thờ làm thành hoàng Thăng Long. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương”, và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã linh từ” (đền thiêng ngựa trắng).
 
Công trình đã trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu. Cuối thế kỷ XVII, đền được tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được “tạo lệ” (sắm sửa tế lễ, không cần chịu các hình thức sưu dịch khác). Năm 1829, đền được tu sửa thêm phần hoa mỹ. Năm 1839, văn chỉ được dựng ở cánh tả, còn Phương đình dùng làm nơi cúng lễ các tuần tiết. Diện mạo ngày nay của đền Bạch Mã thể hiện phong cách kiến trúc đặc trưng của thế kỉ XIX thời Nguyễn. Điểm nhấn rất riêng của ngôi đền cổ này chính là mái vòm hình mai con cua, có tác dụng khép kín các đơn nguyên kiến trúc.
 
Trong không gian linh thiêng ấy, đền Bạch Mã lưu giữ 15 văn bia (nội dung các văn bia đề cập sự tích của đền, thần, nghi lễ cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo). Đồng thời nhiều hiện vật quý cũng có mặt tại đây như Cỗ Long ngai có hàng chữ ghi tên vị thần được thờ chính, ở đây là “Long Đỗ Thần quân quảng lợi Bạch mã Đại Vương”, bức hoành phi “Đông trấn linh từ”, đồ thờ gồm các vũ khí thời cổ như xích, đao, thương, câu liêm… được sơn son thếp vàng, chạm trổ tú lệ.
 
Hiện đền Bạch Mã vẫn giữ nguyên cấu tạo nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc Tam nguyên đồng hóa – tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu. Hàng năm, cứ đến ngày 13/2 âm lịch, phố Hàng Buồm trở nên nhộn nhịp bởi hội đền Bạch Mã.
 
Tây Trấn Voi Phục
 
Đền Voi Phục
 
Thuyết xưa kể lại vị thần được thờ phụng trong đền Voi Phục vốn là một người con của Long vương, đầu thai thành hoàng tử của vua Lý Thái Tông và vị vương phi thứ bảy. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Hoàng tử Linh Lang vươn mình trở thành một tráng sĩ cưỡi voi xông trận, dẹp tan bóng quân thù, mang dáng dấp của Phù Đổng Thiên Vương khi xưa. Sau khi khải hoàn, đột nhiên hoàng tử lâm bệnh, phụ hoàng đến thăm, chàng tiết lộ thân thế không phải phàm nhân rồi biến thành con giao long trườn xuống hồ Dâm Đàm (tên cũ của Hồ Tây) và mất dạng. Vua cho lập đền thờ, phong là “Thượng đẳng thần” – Linh Lang Đại Vương. Năm 1065, vua Lý Thánh Tông cho lập đền. Bởi vậy, đền Voi Phục còn có tên là Linh Lang hoặc Thủ Lệ, do vị trí gần với công viên Thủ Lệ, thuộc phường Ngọc Khánh ngày nay. Cửa đền có đắp hai voi thần ở tư thế quỳ. Trong đền có tảng đá còn lưu vết lõm, tương truyền là do thần Linh Lang năm xưa gối đầu lên rồi hóa thành giao long.
 
Năm tháng rêu phong, tuy không còn kiến trúc cổ ban đầu nhưng  đền Voi Phục vẫn mang những nét điển hình với hình dáng chữ Công. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ. Trung đường 1 gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX.
 
Năm nào cũng vậy, Lễ hội đền Voi Phục diễn ra từ mùng 9 tới  ngày 11 tháng 2 âm lịch.
 
Nam Trấn Kim Liên
 
Đền Kim Liên một trong tứ trấn của đất Thăng Long
 
Đền Kim Liên bao đời nay nằm trên địa phận  huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (tức phường Phương Liên, quận Đống Đa bây giờ), phảng phất phong vị của con Rồng cháu Tiên, thờ Cao Sơn Đại Vương – người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên non. Truyện xưa kể lại, thần Cao Sơn đã trợ lực cho Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh. Theo thư tịch cổ, đền Kim Liên được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ để bảo vệ phía Nam kinh thành mới. Đến năm 1509, vua Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long để lật đổ Lê Uy Mục đã vào đền và xin phù hộ. Giành được quyền bính, ông đã cho xây lại đền Kim Liên. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng, gọi là đình Kim Liên. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây-nam, xưa kia trông ra một con đầm ở cạnh ô Kim Hoa (tức ô Đồng Lầm) và đường cái quan vào Nam.
 
Có thể nói, đền Kim Liên như một bức tranh tổng quát cho hơi thở kiến trúc, điêu khắc trong một thời kì quân chủ lâu dài:  Công trình được  xây trên gò đất cao, từ sân bước lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá từ thời Lê trung hưng. Tam quan là một ngôi nhà hoàn chỉnh, cùng kiểu tường hồi bít đốc như Nghi môn. Bốn góc tường hồi gồm bốn cột trụ, bốn bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng, cột trốn. Các con rường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh vô cùng đẹp với kỹ thuật tinh xảo. Phần đa các chi tiết tô điểm mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
 
Nơi Hậu cung thờ thần Cao Sơn Đại Vương cùng hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam – Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân.
 
Tại đền Kim Liên có một di sản không thể bỏ qua chính là  tấm bia đá đồ sộ mang tên “Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh” cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m. Tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ – Hồng Thuận thứ 3 (1510). Bia cũ bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772). Ngoài ra còn có một tấm bia “Lịch triều sắc tặng” thống kê lại các bản sắc phong từ thời Vĩnh Tộ 2 (1620) đến thời Tự Đức 3 (1850) và một tấm bia nhỏ ban tặng riêng cho bà Huệ Minh Trang Tịnh Phương Dung. Không những thế, đền Kim Liên sở hữu bộ sưu tập sắc phong đồ sộ, gồm 33 đạo sắc có niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 – 1628) đến thời Khải Định (1916-1925).
 
Ngày nay, ngoài Cao Sơn Đại Vương, trong đền và đình này còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu và thờ Bác Hồ. Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch hàng năm.
 
Bắc Trấn Quán Thánh
 
Di tích lịch sử Đền Quán Thánh
 
“Gió đưa cành trúc la đà – Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”, câu thơ ca ngợi cảnh đẹp Hồ Tây đã điểm đến ngôi đền linh thiêng mang tên Đền Quán Thánh. Đền thờ Trấn Vũ tức là “Trấn Thiên Chân Vũ Đế Quân” mà trước đây người Pháp dịch là Grand Bouddha, cần phân biệt với quán Huyền Vũ ở phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn từ năm 1865 dưới triều Tự Đức đã ghi rõ và lại phân biệt rành mạch về hai di tích này.
 
Thuyết xưa kể lại, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà diệt yêu; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ Bạch Kê tinh để xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Các vua Lê cũng thường đến đây làm lễ cầu mưa mỗi khi hạn hán xảy ra. Đền được xây dựng từ năm 1160 (triều Lý), đến năm 1474, khi mở rộng Hoàng thành, vua Lê Thánh Tông cho di chuyển đền ra địa điểm hiện nay. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán.  Sang thời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như bây giờ.
 
Đền đã qua nhiều lần sửa chữa, kiểu kiến trúc hiện nay là của thời Nguyễn, khoảng năm 1893, bao gồm: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Trong đền có tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng đen có niên đại từ năm 1677 đời Lê Hy Tông, cao 3,72 m nặng khoảng 4 tấn. Tượng có hình dáng một đạo sĩ ngồi, y phục nai nịt gọn gàng, tóc bỏ xoã, chân không giày, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn quanh thân gươm đặt trên lưng rùa,… Tác phẩm này cho hậu thế biết đến kĩ thuật đúc đồng và kĩ nghệ tạc tượng tinh xảo của bậc tiền nhân hơn 3 thế kỉ trước. Trong đền, tại nhà bái đường, có một pho tượng đồng đen nhưng kích thước nhỏ hơn, được coi là tượng ông Trùm Trọng – cha đẻ của pho tượng Trấn Vũ, do đệ tử của ông làm nên để tạc công lao thầy.
 
Đến hẹn lại lên, Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch mỗi năm.
 
Thăng Long Tứ Trấn thờ 4 vị thần trấn giữ 4 phía: đông, tây, nam, bắc của thành Thăng Long. Tuy mỗi đền có một nét riêng biệt nhưng theo dân gian, người khai sáng Thăng Long – Vua Lý Thái Tổ – vốn là một võ tướng, có lẽ vì vậy mà cả 4 vị thần trấn giữ Thăng Long đều là võ thần chứ không phải văn thần.Với giá trị tâm linh cũng như lịch sử lâu bền như vậy, Thăng Long tứ trấn đã trở thành biểu tượng bất hủ và được ghi nhận là Di tích văn hóa  – lịch sử vào nửa sau thế kỉ XX.
 
 

Theo lichsunuocvietnam.com


Di sản văn hóa
Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết) Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.