Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi cho biết, nếu điều kiện thuận lợi, người dân đồng thuận và thời tiết tốt thì các cơ quan chức năng sẽ bắt ngay ngay vào việc khai quật cổ vật trong con tàu đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn.
Trước đó, Sở đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng, UBND H.Bình Sơn và xã Bình Châu bàn phương án bảo vệ và khai quật cổ vật trên con tàu đắm. Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật di sản văn hóa đến từng người dân; công khai, minh bạch phương án khai quật cổ vật nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân; cần thành lập ban giám sát, trong đó cử người dân đại diện tham gia kiểm soát quá trình khai quật.
Cổ vật trên tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển
Theo kế hoạch, việc khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển được tiến hành trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ 25.2. Tuy nhiên, do lo ngại sẽ xảy ra tình trạng một số người dân địa phương tiếp tục cản trở, quậy phá như giai đoạn thăm dò, khảo sát nên việc khai quật cổ vật trên con tàu đắm vẫn chưa được tiến hành.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương(TP.HCM), doanh nghiệp thực hiện khai quật, nói rằng công ty đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khai quật cổ vật. “Điều cốt yếu lúc này là các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi cần tuyên truyền để người dân hiểu Luật Di sản văn hóa, cùng chung tay bảo vệ cổ vật. Có như vậy, công việc khai quật cổ vật trên tàu đắm mới sớm được triển khai”, ông Sung nói.
Cũng theo ông Sung, để việc khai quật cổ vật thuận lợi, dễ dàng, không sử dụng thợ lặn, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương tính đến phương án khai quật giống như trên đất liền. Theo đó, dùng sà lan dìm xuống biển vây thành đê chắn sóng, sau đó sử dụng bao polyte và các vật dụng khác vây quanh ngăn không cho nước tràn vào khu vực tàu cổ đắm rồi bơm nước biển ra ngoài. Phương pháp dựng đê chắn sóng khá phức tạp nhưng lại thuận lợi cho công tác bảo vệ; các nhà khảo cổ học có thể nghiên cứu đầy đủ, tỉ mỉ vê cách sắp xếp của con tàu cổ. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện thăm dò, khai quật và xử lý hiện vật sau khai quật khoảng hơn 40,6 tỉ đồng, do Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương có trách nhiệm ứng và chi trả.
* Theo Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, qua giám định mẫu vật trên con tàu cổ đắm gồm 2 loại: đồ celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men thông dụng có niên đại khoảng thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 với số lượng cổ vật ước tính khoảng 40.000 món. Sau khi khai quật, toàn bộ số cổ vật trên tàu đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển và số cổ vật mà từ trước đến nay Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã sưu tập được sẽ đưa về Bảo tàng Quảng Ngãi để trưng bày.