nguyendu.com.vn
Loading...

PHỤC NGUYÊN TỪ CỔ “ĐON SÒNG” TRONG TRUYỆN KIỀU


I – CÓ ĐÚNG LÀ TÚ BÀ “GẠN GÙNG” THÚY KIỀU ?
 
Trong hầu hết các bản Truyện Kiều tiêu biểu biên khảo bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký (1875), A. Michels (1884), Nguyễn Văn Vĩnh (1923), Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim (1927, 1950, 1957), Hồ Đắc Hàm (1929), Huyền Mạc đạo nhân (1930), Nguyễn Can Mộng (1936), Tản Đà (1941), Trung Chính – Trần Ngọc (1951, 1952), Lê Văn Hòe (1953) Nguyễn Văn Hoàn (1965), Nguyễn Thạch Giang (1973), Đào Duy Anh (1973, 1979), Đặng Thanh Lê (1984), Phan Ngọc (1989), Nguyễn Quảng Tuân (1995), đều rất thống nhất chép đoạn Tú Bà dùng Mã Kiều làm “con tốt sang sông” để tạo nên cú huých cuối cùng buộc Thúy Kiều đành tặc lưỡi chấp nhận làm kỹ nữ chốn lầu xanh là:
 
Bày vai có ả Mã Kiều,
 
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.
 
Mụ càng kể nhặt kể khoan,
 
Gạn gùng đến mực nồng nàn, mới tha.
 
(Câu 1151 – 1154)
 
Học giả Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều năm 1974 đã giảng câu 1154 là:
 
“Theo lời khai ra mà hỏi gạn dần cho đến tội mực”(1)
 
Còn giáo sư Phan Ngọc cũng trong Từ điển Truyện Kiều năm 1989 đã bổ sung rõ hơn một chút là: “Tức là cứ theo lời khai mà hỏi vặn mãi cho đến tột mực như người ta gạn nước. Tab giải thích: hỏi gạn gùng là hỏi kỹ và khó chịu”(2)
 
Hai cách giảng trên đã cho ta hiểu một cách gián tiếp người bị Tú bà “gạn gùng đến mực nồng nàn” là người đã có lời khai ra”, vậy người đó phải là Thúy Kiều!
 
Trước đây cụ Lê Văn Hòe đã giảng cụ thể hơn là: “Cả câu: Mụ gạn hỏi lừa lọc hết nước làm sôi nổi lên rồi mới tha cho Thúy Kiều”(3)
 
Đến năm 1995, ông Nguyễn Quảng Tuân đã tổng hợp các cách giảng trên thành lời giảng là: “Tú Bà đã theo lời khai của Thúy Kiều mà hỏi gạn dần ra cho đến tận cùng của sự việc rồi mới tha”(4)
 
Nhưng xét văn phong của Thi hào trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng từ “gạn gùng” khi người này đã “hỏi gạn, hỏi cặn kẽ” thì bắt buộc kẻ nghe phải “thưa lại, trả lời lại”. Cuộc đối thoại của hai người phải hô ứng như thế mới đủ “ngọn hỏi, ngành tra” “ngành ngọn cho tường” được chứ.
 
Đọc lại đoạn tả Khuyển, Ưng bắt cóc được Thúy Kiều về nộp cho Hoạn bà, mụ ta đã tra hỏi và Thúy Kiều buộc phải trả lời là:
Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra,
 
Sự mình nàng đã cứ mình gửi thưa.
(1725 – 1726)
 
Hoặc khi Thúy Kiều trốn khỏi Quan Âm các đến Chiêu ẩn am xin “Gửi thân chốn am mây” thì sư trưởng Giác Duyên đã hỏi han cặn kẽ và Thúy Kiều đã trả lời loanh quanh là:
 
Gạn gùng ngành ngọn cho tường,
 
Lạ lùng, nàng hãy tòm đường nói quanh.
(Câu 2040 – 2041)
 
Xét kỹ văn cảnh đang bàn, mụ Tú Bà đang dùng mọi thủ đoạn để buộc Kiều phải chấp nhận làm kỹ nữ. Khi mụ đang nói liên tục sòng sã: “Mụ càng kể nhặt kể khoan – Gạn gùng đến mực nồng nàn” ta chưa nghe thấy Thúy Kiều đáp lại lời nào, mà mụ Tú lại dễ dàng tha ngay lúc bấy giờ được nhỉ ?
 
Thế ra mụ mất công nói sòng sã đến vã bọt mép ra lại chỉ nhận được sự trây ì, im lặng khinh khỉnh, không thèm trả lời của nàng Kiều thôi sao ?
 
Không những tha ngay, mà mụ còn sai ngay người “Vực nàng vào nghỉ trong nhà” nữa cơ ! Thái độ “ân cần” đó không đúng với bản chất của loại người sẵn máu “nổi tam bành” này.
 
Theo sự đọc của tôi, người khai sinh ra từ “Gạn gùng” này là học giả Trương Vĩnh Ký. Năm 1875, khi biên khảo cuốn Truyện Kiều đầu tiên bằng Quốc ngữ, học giả đã có trên tay một bản Kiều Nôm viết thảo, chắc 2 chữ đầu câu 1154 này viết “lòi tói” quá, chữ thứ 1 không thể đọc được, nên khi nhìn thấy chữ thứ 2 “Khắc như thanh phù Sùng, do đó Trương Vĩnh Ký đọc “Gạn gùng” và bản A (Tức bản Đào Duy Anh năm 1974) cũng theo như vậy” (Nhận xét của G.S Nguyễn Tài Cẩn(5)).
 
Chữ “Gạn” chắc là suy đoán theo chữ “Gùng” do thanh phù “Sùng” mà thôi. Chúng tôi không thấy có một bản Kiều Nôm cổ nào đời Tự Đức có chép 2 chữ Nôm cho phép đoán đọc là “Gạn gùng” cả.
 
Mãi về sau này, mới thấy bản Phúc An hiệu (1933) khắc in là: (才+件) (口+隅), bản chép tay R987 – TVQG viết là: (口+氵+件)(口+窮) và bản chép do cụ Giản Chi lưu giữ, công bố trong Truyện Kiều tập chú (6) chép là (氵+件)(口+隅), mà hai bản chép tay này ta dễ dàng phát hiện các dấu hiệu chép trong thế kỷ 20. (Bản R987 chép theo Kiều Oánh Mậu 1902, bản sau chép theo Chu Mạnh Trinh 1906.
 
Ba cách viết “Gạn gùng” khác nhau lại không dùng cùng một thanh phù “Sùng” như bản cổ mà Trương Vĩnh Ký đã dùng, thể hiện ba người chép có lẽ đã theo âm “Gạn gùng” quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký để tự tạo ra chữ Nôm “Gạn gùng” chứ không theo cùng một bản Kiều Nôm cổ nào cả.
 
Vậy cơ sở về mặt văn nghĩa và văn tự không cho phép ta tin được từ “Gạn gùng” là của Thi hào sáng tác ra.
 
II. VÌ SAO XUẤT HIỆN TỪ “ĐÓN RÀO” VÀ CÁCH GIẢI NGHĨA).
 
Có lẽ cũng thấy sự bất thông văn lý của từ “Gạn gùng” trong văn cảnh trên, nên cách bảnKiều có nguồn gốc ở kinh thành Huế đã chữa lại như sau:
 
Lâm Nọa Phu – 1870 chép là: 頓 (木+巢)
 
Kiều Mậu Oánh – 1902 chép là: (辶+顿) (扌+巢)
 
Thiên Khẩu Thủy – 1916, 1919, 1924 chép là: (扌+顿) (扌+巢)
 
Chiêm Vân Thị chép là: (辶+頓) (离+巢)
 
Bản R 2003 – TVQG chép là: (辶+頓) (扌+巢)
 
Bản Kiều Thái Bình chép là: (扌+顿) (扌+巢)
 
Tất cả đều cùng được đọc là “đón rào”. Chữ thứ nhất được viết rất rõ ràng là: 頓 không những chỉ ở bản Lâm Nọa Phu – 1870 mà còn ở tất cả các bản: Liễu Văn đường – 1871, Thịnh Mỹ đường – 1879, Quan Văn đường – 1879, Thuận Thành – 1879, Diễn Châu thời Tự Đức, A. Michels Nôm 1884, ấn Thư hội – 1896 và nhiều bản Nôm có thể đọc là: Đon, Đón(7), nhưng rất tiếc đa số các nhà biên khảo lại chỉ phiên là Đón. Và ở chữ thứ hai các bản Nôm kể trên cũng chép thanh phù Sùng 崇 rất rõ, nên có lẽ vì vậy học giả Trương Vĩnh Ký đã đọc chữ thứ hai thành Gùng. Nhưng vì bản Duy Minh Thị – do thợ Trung Quốc khắc không rõ , vậy nên bị đoán là thanh phù Sào 巢 vậy nên bị đọc thành Rào.
 
Do vậy chữ thứ nhất lẽ ra đọc là Đon thì lại do ảnh hưởng của cữ thứ hai đã đọc sai là Rào nên phải thêm các nghĩa phù như bộ Quai xước, bộ Thủ để đọc thành Đón. Chữ Sùng bị đoán thành Sào nên để rõ ý Rào, có bản lại thêm bộ Ly 离 hoặc bộ Thủ 扌 vào. Cách chữa tuỳ tiện, đại khái như vậy đã được học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét về chất lượng các bản Kiều Nôm ở Huế như sau:
 
“Mỗi nhà có một bản Kiều, mà nhiều khi các bản khác nhau là vì ông nào thích thế nào thì chữa như thế ấy… những bản viết tay ấy khác nhau và nhiều khi buồn cười lắm, mình thấy ông Hoàng này có độ học cao hơn, những cái chữa cao hơn. Có ông muốn bông đùa cho vui thì chữa một cách cợt nhả không hay ho gì cả”(8).
 
Do vậy từ Đón rào do cụ Kiều Oánh Mậu quảng bá trong bản in Đoạn Trường Tân Thanhnăm 1902 cũng chỉ được sự hưởng ứng chép theo của vài nhà biên khảo quốc ngữ như Phạm Kim Chi – 1971, Bùi Khánh Diễn – 1926, Chiêm Vân thị (?) và bẵng đi hơn 70 năm đến tận 1998 mới được Vũ Văn Kính chọn lựa.
 
Vậy nghĩa của từ Đón rào là gì ?
 
Cụ Chiêm Vân Thị giảng rất ngắn gọn: “Đón rào: Quốc ngữ – Nói rào nói đón”. Do vậy dịch giả Trúc Viên Lê Mạnh Liêu phải giảng kỹ hơn: “Đón rào là Tú bà thắt buộc hết mọi lẽ cay nghiệt, bắt viết ả vào tờ cung, rào trước đón sau không để hở khe kẽ nào khiến Kiều có thể lật được. Có bản chép: “Gạn gùng”(9).
 
Đến cụ Vũ Văn Kính đã trình bày sự chọn lựa của mình như sau: “Gạn gùng hay Đón rào ? Ba bản Nôm (tức Kiều Oánh Mậu – 1902, Quan Văn đường – 1925 và Duy Minh Thị 1897) và bản quốc ngữ 3 (Bùi Khánh Diễn – 1926) đều là: Đón rào đến mực – Ba bản Quốc ngữ 1, 2, 4 (Bùi Kỷ, Tản Đà, Lê Văn Hòe) đều là:
 
Gạn gùng đến mực… Xin giữ âm Đón rào. Gạn gùng chỉ ý hỏi tra để xét tới cùng, còn Đón rào chỉ chú ý rào trước đón sau, tức là đư ra những lời nói câu tung câu hứng, câu che đậy, lấp liếm hay là đe dọa dụ dỗ”(10).
 
Theo ý giảng của các vị trên thì người bị nghe lời Đón rào cũng vẫn là Thúy Kiều, đó chính là đã nhầm lẫn về đối tượng nghe, nên cách biện giải chọn từ Đón rào bị sai (chúng tôi sẽ chứng minh ở phần sau – trang 6)
 
Cách nói mà “rào trước đón sau” đã được nhà giáo Vũ Dung giảng trong Từ Điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam như sau:
 
“Rào trước đón sau (đón trước rào sau, một đón mười rào, rào sau chặn trước, rào sau đón trước): Đưa ra mọi lý lẽ một cách khéo léo để ngăn ngừa ý kiến thắc mắc, phản ứng lại điều mình sắp nói.
 
Người khôn đón trước rào sau,
 
Khiến cho người dại biết đâu mà dò (ca dao).(11)
 
Với Thúy Kiều là người đã bị mụ Tú bà đán dã man “Uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa” đành cam chịu nghe lời ép buộc của mụ Tú, đã chấp nhận “Thân lươn bao quản lấm đầu” rồi cơ mà. Mụ ta cần gì phải tốn công Gạn gùng hay Đón rào với Thúy Kiều nữa.
 
Vậy ta hãy đọc lại đoạn tương ứng trong Kim Vân Kiều truyện xem Thanh Tâm tài nhân tả mụ Tú “kể nhặt kể khoan” với ai:
“Thúy Kiều (nói với Mã Kiều): Chị yêu quý của em ơi, bây giờ thì em biết rõ nghiệp chướng còn nặng chưa thể giải thoát được nào. Vậy xin đành lòng nghe theo số mạng, quyết không dám để liên lụy cho ai.
 
Mã Kiều đáp: Nếu được như lời em xin bảo lãnh.
 
Nói xong Mã Kiều vội quỳ gối trước mặt Tú bà để nói với mụ:
 
– Ví thử sau này chị ấy có làm việc gì không phải, con xin chịu hết trách nhiệm.
 
Bày vai có ả Mã Kiều
 
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.
(1151 – 1152)
 
Mụ Tú nhắc lại: Bây giờ mi xin bảo lãnh, mi phải bảo đảm hoàn toàn, nếu có xẩy ra một chút sai lời, thì cái tội ấy sẽ thuộc về bản thân mi đó.
 
Mã Kiều đáp: Vâng, con xin bảo đảm hết thảy.
 
Mụ Tú bảo: Nếu vậy mi sẽ thay ta cởi dây treo ra cho nó. Mã Kiều vội gọi chị em đồng nghiệp hợp sức cùng nàng khe khẽ cởi dây cho Thúy Kiều, nhưng nàng đứng không vững. Mọi người phải mặc giúp quần áo, xỏ giày vào chân, chải đầu vấn tóc, rỗi đỡ nàng vào phòng tắm…”(12).
 
(= Mụ càng kể nhặt kể khoan
 
(Gạn gùng ? Đón rào ?) đến mực nồng nàn mới tha.
(1153 – 1154)”
 
Như vậy Thanh Tâm Tài Nhân cho biết, người đối thoại với Tú bà chính là Mã Kiều chứ đâu phải Thúy Kiều ! Mụ Tú rất ranh ma, biết rằng hôm nay Thúy Kiều do bị đánh rất đau nên đành chấp nhận làm gái Lầu xanh, nay mai khỏe ra lại vẫn có thể đi trốn. Nên Mụ phả lôi Mã Kiều vào cuộc “chịu đoan” cho Kiều. Cuộc đối thoại đóng kịch giữa mụ Tú với Mã Kiều là cốt nhằm rót vào tai cho Thúy Kiều nghe là chính. Sau này nếu có ý định đi trốn, thì do vốn là người nhân hậu, Thúy Kiều e sẽ liên lụy cho người “làm ơn” với mình là Mã Kiều, nên lương tâm sẽ không cho phép mình bỏ trốn hặc trây lì trong việc tiếp khách.
 
Vậy khi đã xác định “giọng điệu” trong cuộc nói chuyên trên là Tú bà nói với Mã Kiều, nhưng chủ địch là nhằm thổi vào tai Thúy Kiều, nên ta sẽ có định hướng để giải mã hai chữ Nôm trên mà đoán đọc ra âm quốc ngữ thích hợp.
 
III. CÁC BẢN KIỀU NÔM CỔ ĐỜI TỰ ĐỨC CHÉP 頓 (忄+崇) CÓ NGHĨA GÌ ?
 
1. Cách đọc hai chữ Nôm cổ trên.
 
Đọc lại các bản Truyện Kiều Nôm cổ, chúng tôi thấy có tới 20 bản chép hai chữ đầu của câu 1154 đều na ná như nhau là:
 
頓 (扌+崇) (Gồm LVĐ 1871, QVĐ – 1879, Diễn Châu chép tay).
 
頓 (忄+崇) (Gồm TMĐ 1879, ATH 1896, CMT A&B 1906, PVĐ 1918, TMĐ 1919, QTĐ 1952, R274 TVQG).
 
頓 (扌+崇) (A.Michels 1884).
 
頓 (忄+菜) (PVĐ 1932, bản in Kinh Bắc).
 
(土+東)(忄+崇) (QVĐ 1911, VNb. 60).
 
(扌+東)(扌+崇) (Thuận Thành 1879).
 
頓 (忄+ ) (Duy Minh Thị 1872, 1879, 1879).
 
Loại trừ các sai sót do “tam sao thất bản” chúng tôi tin tưởng rằng hai chữ Nôm đúng sẽ là: 頓 (忄+崇)
 
Với chữ thứ nhất 頓 không nên phiên là Đón vì trong các câu Kiều sau:
 
1801: Tiểu thư đón cữa dã dề.
 
2988: Đón theo tôi đã găp nhau rước về.
 
Các từ Đón ở 20 bản Kiều Nôm kể trên đều được viết bởi chữ Nôm là Íẽ(có bộ Quai xước làm nghĩa phù và 1/2 chữ Đốn là thanh phù).
 
Chữ thứ nhất này đã được linh mục Trần Văn Kiệm trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt đã ghi nhận đọc chữ 頓 là Đon. (13 – tr.428).
 
Với chữ thứ 2, cũng linh mục Trần Văn Kiệm đã sưu tập được cás chữ Sòng là: (氵+崇)(口+崇 ) (木 +崇) (13 – tr.776) trong đó đều do Sùng là thanh phù.
 
Vậy chữ: (扌+崇) và (忄+崇) cũng do Sùng làm thanh phù, bộ Thủ hoặc bộ Tâm làm nghĩa phù đều có thể cũng đọc là: Sòng.
Vậy có thể yên tâm đọc 2 chữ trên là Đon sòng.
 
Chúng tôi không rõ dựa vào từ điển nào mà ông Nguyễn Quảng Tuân lại phiên hai chữ 頓(扌+崇)của cuốn Truyện Kiều bản Nôm cổ nhất Liếu Văn đường 1871 là: Gạn gùng (?). Và xa hơn nữa là A.Michels trong bản Nôm in 1884 cũng viết hai chữ Nôm như trên mà trong bản Quốc ngữ 1884 cũng lại phiên là Gạn gùng.
 
Lại chính Nguyễn Quảng Tuân cùng với Nguyễn Thạch Giang trong 2 bản Kiều in năm 1995 và 1972 đã đọc cũng hai chữ 頓 (忄+崇) của bản Chu Mạnh Trinh Quan Văn đường 1906 là: Đón rào (?).
 
2. Nghĩa của từ Đon Sòng:
 
Hai từ: Đon sòng khá lạ, nhưng ta có thể dựa vào các từ điển cổ để tìm nghĩa.
 
Cuốn Tự Vị An Nam La tinh của Bá Đa Lộc Bỉ Nhu in 1772 – 1773 đã giảng:
 
“Đon: vấn đề: Đon ren: Tham lam tìm kiếm.
 
Sòng: Liên tục; Sòng sã: Liên tục.
 
Lam Sòng: Kiên trì làm cùng một cái gì.
 
Nói Sòng: Kiên trì nói cùng một điều gì”.(13)
 
Còng trong Đại Nam Quốc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của in 1895 – 1896 cũng giảng.
 
Đon: ngăn đón thăm chừng; VD: Đon ren: ít dùng.
 
Ví dụ; Hỏi đon hỏi ren: Hỏi thăm hỏi mót, dò đón, thường nói về người có tịt (có tì tích, có điều xấu hổ)
 
Sòng: Luôn luôn không khi hở.
 
Ví dụ: Sòng sả: luôn luôn; ngồi sòng sả; ngồi miết dai”(14)
 
Vậy câu thơ 1154: “Đon sòng đến mực nồng nàn, mới tha” nhằm diễn tả giọng điệu, cử chỉ của Tú Bà trong khi vờ nói liên tục, sòng sã với Mã Kiều ở mức độ nồng nàn, thắt buộc Mã Kiều vào bản chịu đoan lúc trước. Nhưng chính là vừa dò đón, thăm chừng vừa để cho Thúy Kiều nghe và hiểu được mọi sự liên lụy xấu sẽ xẩy ra với Mã Kiều, nếu sau này Thúy Kiều không chịu tiếp khách. Mụ Tú đã đánh vào lương tâm và lòng nhân hậu của Kiều cho ăn chắc hơn lời “chịu đoan” của ả Mã.
 
Trong các tác phẩm văn học Trung đại cũng xuất hiện nhiều từ Đon và Sòng như:
 
Hoa Viên: Vườn riêng gióng giả kíp đon; Gặp nhau hớn hở đon chào…
 
Quốc âm thi tập: “Hoa Nguyệt đon chùng mấy phát lành”.
 
Đắc thú lâm tuyền thành đạo: “Rèn một tấm lòng đêm ngày đon đả”
.
Hồng Đức quốc âm thi tập: “Chẳng mấy ngay sòng những lận gian”.
 
Bạch Vân: “Cờ bạc ai là có ở sòng”.
 
Nhị Độ Mai: “Uốn lời thú thực, phô sòng van lơn”.
 
Hoa tiên: Phô sòng gửi đến tôn đường”.
 
Nguyễn Công Trứ: “Nghĩ lại thì trời vốn cũng sòng”.
 
Ngay trong Truyện Kiều hai từ này cũng đã được dùng trong các câu: “Rước mừng đon hỏi dò la” (câu 191); “Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh” (câu 1510).
 
Nhưng dùng hai từ ghép thành Đon sòng thì có lẽ duy nhất chỉ có thiên tài Nguyễn Du mới sáng tạo như vậy. Vì Thi hào đã tạo nên nhiều từ ghép lần đầu xuất hiện: Cầm lành, cầm cờ, cầm thơ, cầm trăng, bèo bồng… mà nếu tách riêng ra khỏi Truyện Kiều thì chắc cũng không dễ gì hiểu nghĩa một cách trọn vẹn.
 
Vậy việc xuất hiện từ ghép gồm hai từ cổ Đon và Sòng thành Đon sòng với nét nghĩa sơ bộ hiểu như trên là điều có thể lý giải được. Vì như chúng tôi có lần trình bày trong bài: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào ?” đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 6-2000, vàTiền Phong Chủ nhật Tết Nhâm Ngọ 2002 và bài: “Tìm hiểu ngôn ngữ ở kinh thành Thăng Long cuối thế kỷ XVIII qua Truyện Kiều của Nguyễn Du” tại cuộc Hội thảo ngôn ngữ và văn hóa 990 năm Thăng Long – Hà Nội, thì đã đủ chứng lý để tin rằng Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều khi ở ẩn tại quê cha Tiên Điền – Nghi Xuân – Hà Tĩnh trong khoảng 1796 – 1801 hoặc có khi còn khởi thảo từ Thái Bình 1789.
 
Bản viết tay của thi hào có nhiều câu chữ phạm húy Gia Long và luật Gia Long, chắc mãi sau khi thi hào mất khá lâu con cháu mới dám cho người ngoài đọc. Do vậy các bản Kiều Nôm ra đời sớm nhất 1870 – 1871 – 1872 cũng đã cách xa lúc viết gần trăm năm, chữ đã “tam sao thất bản”, còn các nghĩa cổ từ mới với nghĩa hiện đại hơn để thay thế.
 
Ví dụ: Câu 41: Cỏ non xanh tạn chân trời –> chữa thành tận và dợn.
 
Câu 1841: Dửng đi chợt nói chợt cười –> chữa thành Ngảnh
 
Câu 590: Tiếng oan dậy đất, án ngờ dựng mây –> chữa thành lòa
 
Câu 1250: Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân –> chữa thành dùi
 
Câu 1509: Đôi ta chút nghĩa bèo bồng –> chữa thành đèo bòng
 
Câu 1674: Dẩy ngay lên ngựa tức thì –> chữa thành Vực
 
Câu 1951: Quản chi trên các dưới duềnh –> chữa thành “lên thác xuống ghềnh
 
Câu 2326: Càng cay ngạt lắm càng oan trái nhiều –> chữa thành nghiệt (15).
 
Như vậy việc khôi phục từ cổ Đon sòng là một việc làm trong mạch khôi phục các từ cổ của Truyện Kiều để tìm hiểu ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam từ hồi cuối thế kỷ XVIII. Rất mong nhận được sự phủ chính của các bậc thức giả để đến lúc nào đó các câu chữ chân xác do Nguyễn Du đã dùng phải được có mặt trong các văn bản Truyện Kiều thông dụng.
 
 
Theo Nguyễn Khắc Bảo tunguyenhoc.wordpress.com
Chú thích:
1. Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều; Nxb. KHXH, H. 1974, tr.147.
 
2. Phan Ngọc: Từ Truyện Kiều; Nxb. KHXH, H. 1989, tr.185.
 
3. Lê Văn Hòe: Truyện Kiều chú giải, Quốc Học thư xã xuất bản 1953, tr.311.
 
4. Nguyễn Quảng Tuân: Truyện Kiều. Nxb. KHXH, H. 1995, tr.158.
 
5. Nguyễn Tài Cẩn: Tư liệu Truyện Kiều, bản Duy Minh Thị 1872; Nxb. ĐHQG, H. 2002, tr.449.
 
6. Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa: Truyện Kiều tập chú, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr.968.
 
7. 13. Linh Mục Trần Văn Kiệm: Giúp đọc Nôm và Hán Việt Nxb. Thuận Hóa, 1999, tr.428, 433, 776.
 
8. Hoàng Xuân Hãn: “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều”, Tạp chí Văn học, số 3, 1997.
 
9. Chiêm Vân Thị: Thúy Kiều truyện tường chú. Sài Gòn 1973, tr.292.
 
10. Vũ Văn Kính: Truyện Kiều hiệu khảo. 1998.
 
11. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào: Từ điển thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam. Nxb. VH – TT, H. 2000, tr.654
 
12. Phạm Đan Quế: Truyện Kiều đối chiếu; Nxb. Hà Nội, H. 1991, tr.215 – 216.
 
13. Bá Đa Lộc Nỉ Nhu: Tự vị An Nam La Tinh 1772-1773. Nxb. Trẻ, 1999, tr.425.
 
14. Huỳnh Tịnh Paulus Của: Đại Nam quốc âm tự vị. Sài Gòn, 1895 – 1896, tr.316, tập 1 vàtr.307 tập 2.
 
15. Bài “Tìm hiểu ngôn ngữ ở Kinh Thành Thăng Long cuối Thế kỷ XVIII qua Truyện Kiều của Nguyễn Du” của Nguyễn Khắc Bảo, tr.16-24. Ngôn ngữ và Văn hóa 990 năm Thăng Long – Hà Nội. (Nhiều tác giả: Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học Đại học KHXH và Nhận văn xuất bản, H. 2000.
 
PHỤ LỤC
 
TT
Bản Kiều Nôm
Nội dung khảo
Quốc ngữ
Nội dung khảo
1
Liễu Văn đường
1871
頓 (扌+崇)
Trương Vĩnh Ký
1875
Gạn gùng
2
Duy Minh thị
1872
A. Michels
1884
Gạn gùng
3
Văn Nguyên đường
1879
頓 (扌+果)
Nordemann
1897
Gạn gùng
4
Bảo Hoa các
1879
頓 (扌+果)
Nordemann
Huế
Gạn gùng
5
Quan Văn đường
1879
頓 (忄+崇)
Phạm Kim Chi
1917
Đón rào
6
Thuận Thành
1879
(扌+東) (扌+崇)
Ng. Văn Vĩnh
1923
Gạn gùng
7
Thịnh Mỹ
1879
頓 (忄+崇)
Bùi Khánh Diễn
1926
Đón rào
8
Diễn Châu
Tự Đức
頓 (扌+崇)
Bùi Kỷ-TrầnTr.Kim
1927
Gạn gùng
9
Michelss
1884
頓 (扌+崇)
Hồ Đắc Hàm
1929
Gạn gùng
10
Ấn Thư hội
1896
頓 (忄+崇)
Huyền Mặc
1930
Gạn gùng
11
Kiều Oánh Mậu
1902
(辶+顿 ) (扌+巢)
Ngô Tử Cống
1931
Gạn gùng
12
Chu Mạnh Trinh A
1906
頓 (忄+崇)
Ng. Can Mộng
1936
Gạn gùng
13
Chu Mạnh Trinh B
1906
頓 (忄+崇)
Tản Đà
1941
Gạn gùng
14
Quan Văn đường
1911
埬 (忄+崇)
Bùi Kỷ-TT.Kim
1950
Gạn gùng
15
Liễu Văn-Quảng tập
1916
(扌+顿) (扌+巢)
Trung Chính
1951
Gạn gùng
16
Phúc Văn đường
1918
頓 (忄+崇)
Trần Ngọc
1952
Gạn gùng
17
Thịnh Mỹ đường
1919
頓 (忄+崇)
Lê Văn Hòe
1953
Gạn gùng
18
Liễu Văn đường
1919
(扌+顿) (扌+巢)
Bùi Kỷ
1957
Gạn gùng
19
Quảng Thịnh đường
1922
頓 (忄+崇)
Văn Hồng Thịnh

 
Gạn gùng
20
Liễu Văn-Quảng tập
1924
(扌+顿) (扌+巢)
Ng. Việt Hoài
1957
Gạn gùng
21
Phúc Văn đường
1932
頓 (忄+菜)
Ng. Văn Hoàn
1965
Gạn gùng
22
Phúc An hiệu
1933
(扌+件) (口隅)
Ng. Thạch Giang
1973
Gạn gùng
23
Chiêm Vân thị

 
(辶+顿) (离+巢)
Đào Duy Anh
1974
Gạn gùng
24
VNb.60

 
埬 (忄+崇)
Đào Duy Anh
1979
Gạn gùng
25
Kinh Bắc

 
頓 (木 +菜)
Đặng Thanh Lê
1984
Gạn gùng
26
R.987

 
(口+氵+件) (口+窮)
Ng. Quảng. Tuân
1995
Gạn gùng
27
R.2003

 
(辶+顿)(扌+巢)
Phan Ngọc
1989
Gạn gùng
28
Giản Chi

 
(氵+件) (口+隅)
Vũ Văn Kính
1998
Gạn gùng
29
R.274

 
頓 (口 +隅)
Chiêm Vân thị

 
Đón rào
30
Lâm Ngọa Phu
1870
頓 (木+巢)
Ng. Tài Cẩn
2002
Đón rào
31
Bản Thái Bình

 
(扌+顿) (扌+巢 )

 

 
Đón rào
* Trong ngoặc đơn là một chữ Nôm có cấu tạo bởi 2 hoặc 3 bộ thủ ghép lại.
 

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website